Tiền đề lý luận

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng của Thomas L.Friedman về toàn cầu hóa và những vấn đề của nó (Trang 26 - 30)

7. Kết cấu của luận văn

1.2. Tiền đề khoa học công nghệ và tiền đề lý luận

1.2.2. Tiền đề lý luận

* Tiền đề tư tưởng

Cơ sở lý luận quan trọng của toàn cầu hoá mà Friendman kế thừa là lý thuyết về lợi thế so sánh do Adam Smith nêu ra năm 1776 và sau này David Ricado đã bổ sung. Lý thuyết này cho rằng những nước có lợi thế tuyệt đối hoàn toàn hơn hẳn các nước khác, hoặc bị kém lợi thế tuyệt đối so với các

nước khác trong sản xuất mọi sản phẩm, thì vẫn có thể có lợi khi tham gia vào phân công lao động và thương mại quốc tế bởi vì mỗi nước có một lợi thế so sánh nhất định về sản xuất một số sản phẩm và kém lợi thế so sánh nhất định về sản xuất các sản phẩm khác. Bằng việc chuyên môn hoá sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà nước đó có lợi thế so sánh, mức sản lượng và tiêu dùng trên thế giới sẽ tăng lên, kết quả là mỗi nước đều có lợi ích từ thương mại.

Những quy tắc của kinh tế thị trường bao gồm: sự đối xử về kinh doanh, về quyền kinh doanh đối với công ty trong và ngoài nước, một đồng tiền quốc gia chuyển đổi tiêu dùng, tác dụng giá cả, lãi suất, tác dụng thương mại... Đây chính là một nguồn lực phát triển cho mọi quốc gia.

Cơ sở lý luận trên là tiền đề quan trọng để Friedman kế thừa, lợi thế so sánh là cơ sở để các nước buôn bán với nhau và là cơ sở để thực hiện phân công lao động quốc tế. Friedman luôn ủng hộ tự do thương mại và coi đó là cơ sở quan trọng thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ hơn, làm tăng trưởng kinh tế. Ông nhận ra rằng thế giới sẽ có những mối quan hệ ngày càng chồng chéo đan xen nhau. Dù bạn là một công ty hay một đất nước thì những mối đe dọa hay cơ hội đều có thể đến với bạn từ những đối tác mà bạn có quan hệ. Tự do hóa thương mại đồng nghĩa với việc nền kinh tế của một quốc gia phải chịu sự cạnh tranh cao hơn từ thị trường, vì vậy các công ty trong nước phải học cách liên tục đổi mới cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Những công ty tại các quốc gia đang phát triển có thể tận dụng lợi thế của họ như chi phí lao động thấp và nguyên liệu rẻ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là trong sản xuất. Các nước tham gia vào tự do thương mại đều sẽ được hưởng lợi.

*Một số quan điểm khác nhau về toàn cầu hóa

Hiện nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau về toàn cầu hoá. Một số ý kiến cho rằng, toàn cầu hoá như người ta đang bàn tán hiện nay là không có

thật hoặc ít ra là nó chưa tồn tại đến mức như nhiều người tưởng. Một số ý kiến khẳng định sự tồn tại của toàn cầu hoá chiếm số đông và cũng khác nhau ở nhiều phương diện. Có rất nhiều định nghĩa khác nhau của các học giả về toàn cầu hóa điều đó cho thấy được tính phức tạp của khái niệm này.

Khái niệm toàn cầu hóa lần đầu tiên được Theodore Levitt đưa ra năm 1983 toàn cầu hóa được xem là “quá trình liên kết thị trường của các sản phẩm khác nhau được sản xuất bởi các tập đoàn xuyên quốc gia” [trích theo 20, tr. 157]

M.Steger cho rằng toàn cầu hóa là quá trình kéo dài nhiều thiên niên kỷ được phân chia theo năm giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất của toàn cầu hóa bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ 5 – 3 trước CN đến cuối thế kỷ trước CN. Giai đoạn thứ hai của toàn cầu hóa kéo dài từ đầu thế kỷ I sau CN đến thế kỷ thứ XV và được coi là toàn cầu hóa sớm. Từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII được gọi giai đoạn thứ ba là toàn cầu hóa thời cận đại. Giai đoạn thứ tư bắt đầu từ giữa thế kỷ XVIII đến những năm 70 của thế kỷ XX được gọi là toàn cầu hóa thời hiện đại. Giai đoạn thứ năm bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ XX đến nay, được gọi là toàn cầu hóa đương đại [ xem 20, tr. 157]

Chủ nghĩa tự do mới cho rằng toàn cầu hóa là quá trình hạn chế dần dần những lợi ích dân tộc của các quốc gia và hình thành cộng đồng các nước văn minh, là kết quả của sự thâm nhập lẫn nhau của các nền kinh tế quốc dân, sự gia tăng vai trò của các công ty xuyên quốc gia lớn nhất trong nền kinh tế thế giới [xem 20, tr. 158]

Theo A.I.Utkin, toàn cầu hóa là sự hợp nhất của nền kinh tế quốc dân thành một hệ thống toàn thế giới trên cơ sở luận chuyển tư bản một cách dễ dàng, tính mở của của thông tin mới, cách mạng công nghệ, các trào lưu xã hội liên quốc gia, sự thực hiện công nghệ viễn thông giáo dục quốc tế [ xem 20, tr. 158]

Theo M. B.Korchinxkaya, toàn cầu hóa là kết quả phát triển nền văn minh. Toàn cầu hóa bao gồm các yếu tố như sự thu hẹp về giao tiếp trên quy mô toàn cầu, gia tăng nhanh chóng của mức độ phụ thuộc lẫn nhau của xã hội hiện đại, sự tăng cường quá trình giao lưu lẫn nhau của các nền văn hóa, sự gia tăng vai trò của các tập đoàn xuyên quốc gia, quá trình phi nhà nước hóa các mối quan hệ quốc tế [trích theo 20. tr,158]

Nhìn chung, đã có nhiều quan điểm được đưa ra để giải thích cho toàn cầu hóa nhưng tựu trung có hai quan điểm đáng lưu ý nhất:

Ủy ban châu Âu cho rằng “Toàn cầu hóa có thể được định nghĩa như một quá trình mà thông qua đó thị trường và sản xuất ở nhiều nước khác nhau đang ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau do có sự năng động của việc buôn bán hàng hóa và dịch vụ cũng như do có sự lưu thông vốn tư bản và công nghệ. Đây không phải là hiện tượng mới mà là sự tiếp tục của một quá trình đã được khơi mào từ khá lâu” [trích theo 38, tr. 33].

Giáo sư kinh tế học người Anh G. Thompson không đồng tình với quan điểm trên ông viết “Chúng ta cần phải có một định nghĩa rõ ràng hơn về toàn cầu hóa, một định nghĩa không giới hạn toàn cầu hóa trong các mối quan hệ tương tác kinh tế quốc tế từ lâu nay được đẩy mạnh. Nếu toàn cầu hóa chỉ đơn giản là việc tiếp tục quá trình quốc tế hóa dưới một cái tên khác thì tại sao lại phải om sòm lên như vậy ?” [trích theo 38, tr. 34]. Như vậy Thompson phân biệt sự khác nhau giữa toàn cầu hóa và quốc tế hóa. Mặc dù những thực thể này đang ngày càng hợp nhất và liên kết với nhau nhưng vẫn có sự tách biệt “quốc gia” và “quốc tế”.

Giữa các quan điểm nêu trên có những sự khác nhau nhưng có thể khái quát những đặc điểm nổi bật sau đây của quá trình toàn cầu hóa:

Thứ nhất, quá trình toàn cầu hóa liên quan tới sự xuất hiện và nhân rộng của một loạt các mạng lưới liên kết ở cấp độ toàn cầu. Con người có thể

dễ dàng tiếp cận được với nguồn thông tin một cách nhanh chóng thách thức các đường biên giới địa lý, văn hóa, kinh tế, chính trị truyền thống.

Thứ hai, các tiến bộ về thông tin liên lạc, giao thông vận tải và công nghệ sản xuất đã khiến cho dòng vốn đầu tư, hàng hóa, công nghệ và lực lượng lao động di chuyển dễ dàng hơn trên khắp thế giới.

Thứ ba, thông qua quá trình toàn cầu hóa, mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia cũng như người dân trên thế giới ngày càng gia tăng.

Thứ tư, dường như toàn cầu hóa đang làm giảm dần các khác biệt về mặt văn hóa. Một mặt quá trình toàn cầu hóa về văn hóa này tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau lớn hơn giữa người dân thuộc nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa khác nhau.

Từ những đặc điểm trên, có thể thấy rằng toàn cầu hóa là một hiện tượng có ý nghĩa cách mạng trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Quá trình này dẫn tới những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc kinh tế – chính trị của quan hệ quốc tế, song song với những thay đổi về đời sống văn hóa-xã hội của người dân trên khắp toàn cầu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng của Thomas L.Friedman về toàn cầu hóa và những vấn đề của nó (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)