Bối cảnh lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tìm hiểu những biểu hiện về cái cao cả trong tư tưởng nguyễn trãi (Trang 30 - 34)

1.2. Cơ sở hình thành cái cao cả trong tƣ tƣởng Nguyễn Trãi

1.2.1. Bối cảnh lịch sử

Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Nguyễn Trãi gắn liền với bối cảnh lịch sử Đại Việt cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV, trải qua các sự biến dồn dập: từ nhà Trần sang nhà Hồ, từ nhà Hồ sang sự thống trị của nhà Minh, từ sự thống trị của giặc Minh sang cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ kháng chiến thắng lợi đến thời kỳ xây dựng đất nước cho đến ngày ông bị sát hại và đối với mỗi giai đoạn chuyển biến ấy, với tài năng và tư tưởng tiến bộ của mình, Nguyễn Trãi đã tham gia vào quá trình vận động đó của lịch sử. Tư tưởng của Nguyễn Trãi được hình thành, nuôi dưỡng và phát huy tác dụng trong suốt thời kỳ đầy biến động, gian lao và bão táp ấy của lịch sử dân tộc. Ông là nhà tư tưởng lớn, tên tuổi ông sáng chói trong lịch sử dựng nước và giữ nước, trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Có thể nói, 62 năm cuộc đời Nguyễn Trãi đã chứng kiến những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc và triều đại. Ông đã sống 20 năm cuối triều Trần - một quyền lực truyền thống đã sa đoạ và gần như đã nằm trong tay khống chế của Hồ Quý Ly; 7 năm dưới triều Hồ - một quyền lực đang xây dựng dang dở; 20 năm dưới thời thuộc Minh và chống Minh thuộc - một thời kỳ đầy bão táp của bạo lực bành trướng và đô hộ Trung Quốc, đầy bão của bạo lực quần chúng, của toàn thể dân tộc được tổ chức, vùng dậy đấu tranh chống bành trướng và đô hộ Trung Quốc, giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do; và 15 năm đầu triều Lê, với những lộn xộn sau chiến tranh và đảo lộn thân phận xã hội quá nhanh của một triều đại dân tộc lớn cuối cùng của lịch sử Việt Nam, đã có xu hướng chuyên chế “kiểu châu Á”.

Chế độ phong kiến sau mấy thế kỷ hưng thịnh bắt đầu bước vào giai đoạn khủng hoảng với những biến động sâu sắc. Kinh tế điền trang thái ấp đã trở nên lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của sức sản xuất. Trong lúc đó, kinh tế hàng hóa, kinh tế địa chủ phát triển làm lay chuyển cơ sở kinh tế điền trang thái ấp.

Yêu cầu của xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV là thủ tiêu điền trang thái ấp, giải phóng nông nô, nô tỳ, thúc đẩy kinh tế địa chủ với quan hệ địa chủ tá điền phát triển nhằm mở đường cho chế độ phong kiến tiến lên giai đoạn mới cao hơn.

Tầng lớp vua quan quý tộc nhà Trần ngày càng suy đồi, tăng cường bóc lột, vơ vét để hưởng thụ sau những năm tháng kháng chiến gian khổ.

Tình hình kinh tế - xã hội ngày càng khủng hoảng nghiêm trọng: quý tộc, địa chủ bao chiếm ruộng đất, ruộng đất điền trang ngày càng nhiều, nhà sư, nhà chùa trở thành những địa chủ lớn. Điều đó dẫn đến sản xuất tự do của nông dân bị đe dọa, số lớn nông dân bị nông nô hóa, số trở thành lưu vong, sản xuất nông nghiệp đình đốn. Mất mùa, đói kém xảy ra thường xuyên. Đời sống vô

cùng khốn khổ của nông dân dẫn tới hàng loạt cuộc khởi nghĩa do Ngô Bệ, Trần Tề, Phạm Sư Ôn lãnh đạo.

Triều Trần từng bước suy sụp, dựa vào uy thế của ngoại thích, năm 1400 Hồ Quý Ly truất ngôi vua Trần, tự xưng là hoàng đế, đổi quốc hiệu là Đại Ngu, chính thức lập ra nhà Hồ (1400-1407).

Hồ Quý Ly đã nhận thức được những nguyên nhân sâu xa của tình trạng khủng hoảng của xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XIV nên sau khi nắm quyền, Hồ Quý Ly mạnh dạn tiến hành một loạt cải cách nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng cuối thế kỷ XIV và phục hồi, củng cố quốc gia quân chủ trung ương tập quyền đang lâm nguy.

Những cải cách của Hồ Quý Ly có mặt tiến bộ, tích cực nhưng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của xã hội. Dưới triều nhà Hồ, xã hội Đại Việt đã có những bước tiến nhất định, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế điền trang thái ấp và chế độ nông nô, nô tỳ vẫn chưa được giải quyết. Nhà Hồ đứng trước những thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Chính quyền nhà Hồ mới thành lập chưa được củng cố, thiếu cơ sở xã hội vững chắc, mâu thuẫn xã hội có từ cuối thời Trần vẫn không được hòa hoãn. Âm mưu xâm lược của nhà Minh ngày càng trở thành hiện thực.

Lợi dụng sự khủng hoảng xã hội, sự phản ứng của nhân dân và sự chống đối của quý tộc nhà Trần đối với triều đại Hồ Quý Ly, ngày 19/11/1406 nhà Minh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt và sau 6 tháng chống cự yếu ớt, cuộc kháng chiến của triều Hồ bị thất bại hoàn toàn.

Sau 4 thế kỷ độc lập, tự chủ, với cuộc kháng chiến thất bại của Hồ Quý Ly, lịch sử dân tộc lâm vào tình cảnh tăm tối. Đó là sự thống trị tàn bạo của quân Minh, nó đã cản trở và kìm hãm gay gắt sự phát triển của xã hội Đại Việt, đe dọa nghiêm trọng vận mệnh của cả dân tộc và sự sinh tồn của mỗi con người.

Thủ tiêu ách đô hộ của nhà Minh, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, khôi phục nền độc lập, tự chủ cho đất nước là nhiệm vụ lịch sử và tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc.

Nguyễn Trãi đã tìm đến Lê Lợi, một hào trưởng đất Lam Sơn, một người yêu nước xuất thân thứ dân, không có bằng cấp, quan tước, nhưng có tài cao chí cả và uy tín, ảnh hưởng rộng lớn khắp vùng. Đó là vị minh chủ có đủ tài đức đưa sự nghiệp giải phóng đất nước đến thắng lợi mà Nguyễn Trãi gửi gắm niềm tin.

Từ đó, Nguyễn Trãi luôn luôn có mặt bên cạnh Bình Ðịnh Vương Lê Lợi từ khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Lam Sơn cho đến khi kết thúc thắng lợi. Cùng với Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã có nhiều cống hiến vĩ đại cho sự nghiệp cao cả của dân tộc. Ông là vị anh hùng dân tộc, một con người văn võ song toàn có đầy đủ nhân, trí, dũng, là thiên tài trên nhiều lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, ngoại giao, văn hóa,...

Nguyễn Trãi không có những trước tác riêng về tư tưởng, không đề ra học thuyết, quan niệm, lý luận… thành một hệ thống quan điểm nào đó mà xuất phát từ chính thực tiễn đầy sôi động cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV để tư duy, suy xét, từ đó hành động tích cực trong cuộc sống. Chính vì vậy, tư tưởng của Nguyễn Trãi luôn gắn liền với thực tiễn lịch sử đầy biến động này trên nền tảng bề dày truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc. Đó là yếu tố tạo nên tính đa dạng, phong phú trong tư tưởng của ông.

Nguyễn Trãi đã gắn bó cả cuộc đời mình với lịch sử đất nước và ông đã vượt lên tất cả những biến động của lịch sử bởi một tầm nhìn rộng lớn về chính trị và thời đại, bởi những cống hiến vĩ đại cho lịch sử và dân tộc. Nói cách khác, Nguyễn Trãi là sản phẩm của một thời đại cao cả, thời đại với những vấn đề hết sức lớn lao mà nó đặt ra. Và chính ông là người đã giải quyết được những vấn đề đó, đáp ứng được những điều kiện của lịch sử, xứng đáng trở thành một vĩ nhân của thời đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tìm hiểu những biểu hiện về cái cao cả trong tư tưởng nguyễn trãi (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)