Nói tới Nguyễn Trãi ta không chỉ tự hào về vị anh hùng cứu nước, ông còn là nhà văn lớn, nhà thơ lớn - một danh nhân văn hóa của nước ta. Nguyễn
Trãi để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Về văn, trước hết phải nói đến Quân
trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn phú, Vĩnh Lăng bi ký. Về
thơ, phải nói đến Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập.
Với tư cách là nhà văn, nhà thơ, Nguyễn Trãi đã ý thức rõ ràng, tự giác về chức năng chiến đấu của văn chương, ông đã đem văn học phục vụ cuộc sống. Tiếp thu những quan niệm văn học tiến bộ từ thời trước, trực tiếp sống và chiến đấu trong cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài và gian khổ, vận dụng
một cách sáng tạo quan niệm “văn chở đạo”, trong bài Bảo kính cảnh giới số
56 ông viết:
Đạo bút phải dùng tài đã vẹn, Chỉ thư nấy chép việc càng chuyên. Vệ Nam mãi mãi ra tay thước Điện Bắc đà đà yên phận tiên.
Ông đã chứng minh văn học là một thứ vũ khí lợi hại. Bằng ngọn bút, bằng lý lẽ hùng hồn, Nguyễn Trãi đã uy hiếp tinh thần quân xâm lược, buộc chúng phải tự động ra hàng, góp phần giải phóng đất nước, giành lại độc lập đem lại hòa bình và tự do cho dân nhân ta. Nguyễn Trãi ghi dấu ấn của mình
trên rất nhiều thể loại. Từ Bình Ngô đại cáo qua các bức thư gửi tướng tá
để lại cho chúng ta những tác phẩm gồm nhiều thể văn và tất cả đều đạt đỉnh cao của nghệ thuật, đều hay và đẹp lạ thường!
Văn chính luận của ông có nội dung yêu nước và tính chiến đấu cao,
Quân trung từ mệnh tập “có sức mạnh như mười vạn quân” (Phan Huy Chú),
từng đợt tiến công mãnh liệt vào kẻ thù. Từ nhu cầu tâm công và từ nhận thức về tính năng chiến đấu của văn chương, với tinh thần chiến đấu không mệt mỏi, không khoan nhượng trên những điểm căn bản và tuân theo một sách lược linh hoạt, Nguyễn Trãi đã viết thư giáng cho địch những đòn tới tấp, đánh cho kẻ địch phải thua trên mặt trận tư tưởng. Chiến đấu là tính đặc thù của văn chính luận dân tộc, nhưng chiến đấu ngoan cường, trực diện, tập trung, thường xuyên và có hiệu quả cao, xuất phát từ trí tuệ nhạy bén, tình cảm chân thành và nhất là từ ý thức dùng văn chương làm vũ khí “mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao” (Phạm Văn Đồng), thì chỉ có thể tìm thấy sớm nhất trong văn chính luận Nguyễn Trãi. Trong lịch sử văn học, văn chính luận thời nào cũng có, người viết văn chính luận không ít. Song, “được tôn là bậc văn bá” (Nguyễn Mộng Tuân), là người “viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời” (Lê Quý Đôn), là “sông Giang, sông Hán trong các sông và sao Ngưu, sao Đẩu trong các sao” (Tô Thế Nghi), viết nên những áng hùng văn “có khí lực dồi dào… đọc không chán miệng” (Phạm Đình Hổ), “rõ ràng và sang sảng trong khoảng trời đất” (Dương Bá Cung), “đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, đều hay và đẹp lạ thường” (Phạm Văn Đồng) thì chỉ một Ức Trai, vinh dự thật là hiếm có.
Bình Ngô đại cáo được Nguyễn Trãi thảo ra sau khi cuộc khởi nghĩa
Lam Sơn giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là một áng thiên cổ hùng văn của dân tộc ta, một trong những tác phẩm tiêu biểu thể hiện sự phát triển mới về hùng
ca, tráng ca. Bình Ngô đại cáo có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ
hai của nước Đại Việt, là bản tổng kết sâu sắc cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, là bản anh hùng ca chiến thắng của dân tộc ta. Đó còn là bản cáo trạng
đanh thép, hùng hồn những tội ác “trời không dung, đất không tha” của giặc Minh xâm lược, của bọn bành trướng phương Bắc.
Bình Ngô đại cáo cũng đã diễn đạt một cách hùng hồn và có hệ thống
chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ta. Qua cuộc thử thách lịch sử Bình Ngô, Nguyễn Trãi đã khẳng định sức sống mãnh liệt của nền văn hiến Đại Việt, khẳng định độc lập, chủ quyền của đất nước ta và sự bình đẳng giữa các dân tộc với khái niệm “dân tộc” lần đầu tiên được đề cập một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất.
Có thể khẳng định rằng, so với bài thơ Nam quốc sơn hà tương truyền
của Lý Thường Kiệt - được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân
tộc, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi hơn hẳn cả về khát vọng, tình yêu tổ
quốc, ý chí căm giận sục sôi, về sức khái quát của bản tuyên ngôn. Điều này được thể hiện rất rõ trong thơ ca của Nguyễn Trãi. Với những tác phẩm như thế, có thể xem Nguyễn Trãi là người đã mang tất cả những giá trị anh hùng, cao cả nhất của hình tượng vào thơ ca, truyền đạt lại cho thế hệ sau. Đây chính là giá trị cao cả mà thơ ca, sự nghiệp của Nguyễn Trãi đã đạt tới.
Nguyễn Trãi cũng là người có sáng tạo lớn về thơ Quốc âm - thơ Nôm.
Quốc âm thi tập là tập thơ nôm cổ nhất còn lưu giữ được của kho tàng văn
học Việt Nam, được nhà thơ Xuân Diệu đánh giá là tác phẩm mở đầu cho nền văn học cổ điển Việt Nam. Giữa một thời đại mà tiếng Việt chưa phải là chủ ngữ trong văn học dân tộc, sự quan tâm của thi sĩ về thơ Nôm là một hiện tượng đặc biệt đáng suy nghĩ đối với chúng ta. Nguyễn Trãi không phải là người đầu tiên viết thơ Nôm. Nhưng ông là người đã viết nhiều và thành công hơn hết tất cả các thi sĩ mấy thế kỷ trước.
Với vốn sống và vốn tri thức phong phú, sâu rộng, Nguyễn Trãi đã kết hợp văn học dân gian với văn học viết một cách nhuần nhuyễn, không chỉ ở ngôn ngữ nhân dân hàng ngày được ông nâng lên thành ngôn ngữ văn học có
giá trị nghệ thuật cao mà còn ở phần nhân văn nhân đạo: trọng lao động, quý tục lệ ông bà, cách đối nhân xử thế.
Nguyễn Trãi đã đưa khẩu ngữ hàng ngày của nhân dân vào thơ ca và tận dụng khả năng của những khẩu ngữ ấy để tả cảnh, tả người, tả vật:
“Nên thợ, nên thầy vì có học No ăn, no mặc bởi hay làm”.
(Bảo kính cảnh giới, bài 46) “Co que thay bấy ruột ốc
Khúc khuỷu làm chi trái hòe”.
(Trần tình, bài 8)
Làm được điều này đòi hỏi cái tài của người người nghệ sĩ, thật khéo léo mà cũng thật tinh tế để làm cho tác phẩm của mình như là cuộc sống, hơi thở của con người. Ngoài ra, Nguyễn Trãi còn sử dụng ngôn ngữ của văn học dân gian trên cơ sở gọt giũa và cách điệu hóa, sử dụng những hình tượng, kết cấu vốn đã được cô đúc trong ngôn ngữ văn học dân gian để diễn tả cái tình, cái ý một cách nhuần nhị:
Từ câu tục ngữ “Con sâu làm rầu nồi canh”. Nguyễn Trãi viết:
“Chẳng ngừa nhỏ, âu lên lớn Nếu có sâu thì bỏ canh”.
(Bảo kính cảnh giới, bài 21)
Từ câu ca dao:
“Bể sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”.
Nguyễn Trãi viết:
“Dễ thay ruột bể sâu cạn
Khôn biết lòng người ngắn dài”.
Người đọc hậu thế không khó để cảm nhận được niềm tự hào của Nguyễn Trãi với những giá trị của văn học dân gian, đặc biệt là khả năng vận dụng ngôn ngữ của cha ông xưa trong việc diễn đạt tâm tư, tình cảm. Nguyễn Trãi đã học hỏi, sử dụng ngôn ngữ nhân dân để làm tăng sự sinh động và gần gũi cho tác phẩm của mình, đồng thời Nguyễn Trãi còn lưu giữ và phát triển sự sáng đẹp của ngôn ngữ dân tộc đã được nhân dân gọt giũa, chọn lọc từ lâu đời. Điều đó cho thấy ông là người rất đề cao vai trò, vị trí của tiếng Việt. Ông nhìn thấy cái đẹp của tiếng mẹ đẻ, cái giản dị, mộc mạc của ngôn ngữ bình dân. Việc dùng tiếng mẹ đẻ để làm văn đã khó, đưa vào trong thơ còn khó hơn nhiều. Sự tích cực đưa những từ thuần Việt xen vào những câu chữ Hán trong sự hài hòa của thanh âm đem đến cho thơ Nguyễn Trãi cái mộc
mạc, chân chất nhưng không kém phần mỹ lệ (Ngôn chí, bài 6, 8). Rõ ràng,
đóng góp nổi bật ấy của Nguyễn Trãi không chỉ nói lên sự cố gắng của ông mà còn chứng tỏ tài năng nghệ thuật và tầm vóc tư tưởng của danh nhân văn hóa này. Phải chăng thi sĩ đã ý thức rằng đối với người sáng tác, tiếng mẹ đẻ bao giờ cũng là phương thức tự nhiên hơn hết, tốt hơn hết để biểu hiện tình cảm, tâm tư?
Cũng nên chú ý đến lối viết thơ Nôm của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi làm thơ chữ Nôm khi ngôn ngữ này chưa hình thành được lối thơ riêng do đó nhà thơ vẫn phải sử dụng thể thơ luật Đường như khi sáng tác bằng chữ Hán. Bên cạnh những bài thơ rất đúng niêm luật của thơ Đường thì dấu ấn Nguyễn Trãi trong kho tàng thơ ca Việt Nam còn nằm ở sự phá cách đầy táo bạo, được xem là hướng tiến bộ mới trong sáng tác thơ theo khuynh hướng dân tộc.
Trước hết đó là sự phá cách về ngắt nhịp. Ta bắt gặp trong những câu thơ 7 tiếng có lối ngắt nhịp 3/4 lẻ trước, chẵn sau, khác với cách ngắt nhịp 4/3
của thơ Đường (Trung Quốc) hoặc có thể là nhịp 2/2/3 hoặc 5/2 (Thuật hứng
Nhiều câu thơ lục ngôn, ngũ ngôn đã được sử dụng ở những vị trí khác
nhau trong các bài thơ bát cú của Quốc âm thi tập. Sự phá cách đó đã đem
đến cho thơ Nguyễn Trãi những sắc thái mới. Sự có mặt của những câu thơ lục ngôn, ngũ ngôn khiến cho lối thơ trở nên giản dị, cô đọng, ý thơ trở nên mạnh mẽ, sắc sảo, thể hiện rõ nét ý tưởng của nhà thơ. Rõ ràng, với sự sáng tạo này, chứng tỏ Nguyễn Trãi đã rất cố gắng trong việc tìm hướng đi mới cho thơ ca dân tộc, tiến tới xây dựng một lối thơ riêng của Việt Nam, khác hẳn với quy cách luật thơ Đường.
Tư tưởng cao cả trong các sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Trãi được thể hiện rất rõ trong các bài thơ miêu tả cảnh thiên nhiên hùng vĩ gắn với những chiến công lừng lẫy của cha ông.
Đề tài thiên nhiên trong thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi vô cùng phong phú như phản chiếu cuộc đời lắm thăng trầm của chính ông. Nếu như trong thơ chữ Hán, ta gặp nhiều địa danh gắn với quãng đời sôi nổi, với hoài bão kinh bang tế thế, với tầm nhìn bao quát lịch sử, chiêm nghiệm thời thế một cách cụ thể thì ở thơ chữ Nôm lại là những cảm xúc tinh lọc thăng hoa trong những đề tài tưởng như mòn cũ vì ước lệ “tùng, trúc, cúc, mai”, “phong, hoa tuyết nguyệt” - Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ.
Cảm hứng bao trùm trong những bài thơ chữ Hán viết về thiên nhiên
của Nguyễn Trãi là tự hào về vẻ đẹp kỳ vĩ, tráng lệ: Bạch Đằng hải khẩu, Dục
Thúy sơn, Vân Đồn, Quá Thần Phù hải khẩu,… Đó đều là những địa danh lịch
sử, văn hóa của đất nước, thể hiện một cảm hứng thi ca dạt dào, một tình yêu quê hương đất nước sâu sắc. Nguyễn Trãi luôn hướng tới cái đẹp thực tại, hiện hữu chứ không phải cái đẹp chốn thần tiên xa vời.
Đọc những bài thơ nói trên của ông, ta bắt gặp trong đó một bức tranh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ, khoáng đạt và đầy chất thơ. Nhưng thiên nhiên hùng vĩ trong thơ Nguyễn Trãi không phải là thiên nhiên vô tri vô giác, gây
cảm giác xa lạ, rợn ngợp với con người, bởi vì nó luôn gắn liền với những con người anh hùng với những chiến công oai hùng của những thời kỳ lịch sử oanh liệt. Cửa biển Bạch Đằng đã hai lần nổi tiếng trong lịch sử chống xâm lăng của nước nhà hiện lên như một bức tranh tráng lệ, hút mắt người thưởng lãm, với không gian rộng lớn, mênh mông, cái dữ dội của sóng và gió:
Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng Quan hà bách nhị do thiên thiết Hào kiệt công danh thử địa tằng
(Như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ, núi chia từng khúc Như mũi qua chìm, cây kích gẫy, bờ lớp lớp chồng
Quan hà hiểm hai người chống trăm người do trời xếp đặt Hào kiệt lập công danh đất ấy từng là nơi).
Những hình ảnh về núi, về bờ gây một ấn tượng mạnh đối với người đọc. Núi thì ngổn ngang như cá kình bị mổ, cá sấu bị chặt, còn bờ thì lớp lớp như đống qua chìm, kích gãy. Không phải ngẫu nhiên mà có nhà nghiên cứu cho rằng, Nguyễn Trãi cảm nhận vẻ đẹp của Bạch Đằng hải khẩu bằng con mắt của một vị tướng, một người đã từng xông pha chiến trận. Nhưng viết về Bạch Đằng, Nguyễn Trãi không chỉ ca ngợi cảnh trí của non sông đất nước, mà còn để bộc lộ suy tưởng về địa thế núi sông hiểm trở, về anh hùng hào kiệt. Địa thế núi sông hiểm trở đã làm gia tăng sức mạnh cho con người trong cuộc chiến chống kẻ thù, và chính con người bằng chiến công vang dội của mình đã làm cho cửa biển Bạch Đằng thêm phần hiển hách.
Những phong cảnh hùng vĩ của đất nước được Nguyễn Trãi khắc hoạ những với bút lực cuồn cuộn, với hơi văn dào dạt, cảm hứng thiên nhiên kết hợp với lịch sử qua giọng thơ lúc hào hùng, mạnh mẽ, lúc suy tư trầm lắng.
Ở bài Thần Phù hải khẩu, Nguyễn Trãi cũng đi vào tái hiện cảnh trí bằng những nét bút hoành tráng, làm bật nên nét kỳ vĩ và diễm lệ của núi sông:
Kình phun lãng hống lôi Nam Bắc Sáo ủng sơn liên ngọc hậu tiền
(Sóng rống như kình phun, sấm gầm ở Nam và Bắc Núi liền như giáo dựng, ngọc bày cả trước và sau).
Thần Phù là nơi anh hùng Hồ Quý Ly chống sự xâm lăng của vua Chiêm Chế Bồng Nga. Rõ ràng, cửa biển Thần Phù hấp dẫn Nguyễn Trãi không chỉ bởi những đợt sóng cao mười trượng mà còn quyến rũ bởi bề dày lịch sử của nó. Đối diện với thiên nhiên, ông như cảm thấy bóng dáng của người anh hùng Hồ Quý Ly, người lấy đá lấp ngả sông để chống giặc Minh năm xưa:
Thiên địa đa tình khôi cự tẩm
Huân danh thử hội tưởng đương niên
(Trời đất đa tình, mở vụng biển lớn Công danh hội ấy, nhớ lại năm nào)
Trong Quá Thần Phù hải khẩu cảnh hiện lên:
Giáo ngạn thiên phong bài ngọc duẩn Trung lưu nhất thủy tẩu thanh xà
(Sát bờ nghìn ngọn núi bày như búp măng mọc Giữa dòng một đường nước chảy như con rắn xanh)
Những bức tranh thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi còn lôi cuốn người đọc bởi sự hùng vĩ nhưng hết sức lộng lẫy. Qua con mắt thơ của nghệ sĩ Nguyễn Trãi, cảnh vật hiện lên như những kỳ quan sống động. Cái trùng điệp “san phục san” khi đến với Vân Đồn, không còn gợi cảm giác nguy hiểm rợn ngợp mà đẹp tráng lệ như một kỳ quan:
Lộ nhập Vân Đồn san phục san Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan
Nhất bàn lam bích trừng minh kính Vạn hộc nha thanh đóa thúy hoàn
(Đường vào Vân Đồn núi rồi lại núi Trời lồng lộng đất đặt thành chỗ kỳ quan Một tấm sắc lam sắc biếc, kính sáng trong vắt Muôn hộc sắc đen sắc xanh, tóc thúy từng chòm)
(Vân Đồn)
Nổi lên giữa không gian sóng nước là núi non trùng điệp như những chiếc mâm xanh khổng lồ. Hình tượng thơ xuất hiện đột ngột, tạo được cảm xúc thú vị nhờ những liên tưởng độc đáo của nhà thơ. Trong con mắt của Nguyễn Trãi, cảnh vật Vân Đồn chính là một tặng phẩm tuyệt vời của tạo hóa, vừa lộng lẫy, vừa mượt mà, thướt tha như vẻ đẹp của người thiếu nữ. Cái nhìn đầy ưu ái với thiên nhiên đất nước thể hiện rõ chất phong tình của thi sĩ Nguyễn Trãi.