1.2. Cơ sở hình thành cái cao cả trong tƣ tƣởng Nguyễn Trãi
1.2.2 Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi (1380-1442), nguyên quán xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn (nay là xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương) sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học và khoa cử, cha là Nguyễn Phi Khanh, vốn là nhà Nho nghèo dạy học, thi đỗ Thái học sinh năm 1374, sung chức Tư nghiệp Quốc Tử giám dưới thời nhà Hồ; mẹ là Trần Thị Thái, con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Sáu tuổi, Nguyễn Trãi đã ham đọc sách và thời trẻ đã nức tiếng thơm về học vấn trong giới nhà Nho. 20 tuổi, ông thi đỗ Thái học sinh trong khoa thi đầu tiên do nhà Hồ tổ chức (1400) sau đó làm quan đến chức Ngự sử đài chính chưởng (dưới thời Hồ Hán Thương 1401-1407).
Cuối năm 1406, giặc Minh xâm lược Đại Ngu. Tháng 4 năm 1407, nhà Hồ thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhiều triều thần bị giặc bắt, đưa về Trung Quốc, trong đó có cha và em trai Nguyễn Trãi. Tương truyền ông đã nghe lời cha quay trở lại để thực hiện ý nguyện cứu nước.
Nhà Minh thôn tính nước ta và thực hiện chính sách cai trị tàn bạo. Nguyễn Trãi bị giặc bắt và giam lỏng ở phía Nam thành Đông Quan. Ông sống trong cảnh cơ cực, thiếu thốn của một người dân mất nước nhưng quyết không để giặc Minh dụ dỗ, mua chuộc. Với lòng căm thù và ý chí quyết tâm sâu sắc, ông đã kiên trì đọc sách, suy ngẫm để tìm ra kế sách cứu nước, cứu nhà. Sau đó, ông tìm cách trốn khỏi thành Đông Quan, tìm vào Thanh Hóa,
dâng Bình Ngô sách lên thủ lĩnh Lê Lợi và chính thức tham gia phong trào
khởi nghĩa Lam Sơn với mục đích “lo vận nước”, “cứu lê dân”, “rửa mối hận nghìn thu” để xây dựng “nền thái bình muôn thuở”...
Trong sự nghiệp bình Ngô, Nguyễn Trãi giữ vai trò quan trọng và có nhiều cống hiến lớn lao trong việc đề ra đường lối cứu nước, khắc phục
những sai lầm của triều Hồ và các cuộc khởi nghĩa khác, phò tá Lê Lợi trong trù hoạch mưu lược đưa cuộc khởi nghĩa phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mang tính nhân dân sâu rộng trên quy mô cả nước. Nguyễn Trãi còn được Lê Lợi giao cho trọng trách tổ chức và chỉ đạo cuộc đấu tranh địch vận "ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất" (ta đánh bằng mưu nên đánh vào lòng người khiến không đánh mà chúng phải khuất phục). Vào giai đoạn kết thúc chiến tranh, Nguyễn Trãi là người đảm đương cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao nhằm phát huy những thắng lợi quân sự để sớm chấm dứt chiến tranh “sửa hoà hiếu cho hai nước, tắt muôn đời chiến tranh” và có lúc “miệng hổ lăn mình, quyết nghị hoà để hai
nước can qua đều khỏi”. Ông là người soạn thảo Văn hội thề Ðông Quan và
viết Bình Ngô đại cáo, một bản tuyên ngôn độc lập bất hủ, một tổng kết tuyệt
vời về cuộc chiến tranh bình Ngô và toàn bộ lịch sử Việt Nam cho đến lúc đó. Với vai trò và những cống hiến lớn lao trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã trở thành một anh hùng cứu nước. Đồng thời ông cũng đã chuẩn bị những ý tưởng cho việc xây dựng chế độ chính trị, quân sự, ngoại giao, giáo dục, văn hóa cho triều đại mới. Năm 1426, với cương vị là Hàn lâm viện thừa chỉ, Nguyễn Trãi đã chủ động đề xuất với Lê Lợi tổ chức khoa thi để tuyển chọn người tài đức ra giúp nước. Khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi với cương vị Nhập nội hành khiển, Lại bộ thượng thư, ông càng nỗ lực phát huy tài đức của mình.
Nhìn lại trang sử đấu tranh 10 năm ấy, Nguyễn Trãi xuất hiện không chỉ như một nhà chiến lược đại tài, mà còn là một nhà tổ chức cỡ lớn, và cũng là một nhà ngoại giao khôn khéo, khi cứng rắn, khi mềm dẻo nhưng không bao giờ nhượng bộ về nguyên tắc.
Có thể nói, thời gian 1418-1428 chính là thời gian mà đạo đức và tài năng của Nguyễn Trãi đã phát triển tới tầm thước của một thiên tài đáp ứng
nhu cầu bức thiết của lịch sử. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn không thể tách rời tên tuổi lộng lẫy của Nguyễn Trãi.
Vương triều nhà Lê thành lập, Nguyễn Trãi lại hăm hở mong đem tài sức ra phò vua, giúp dân, dựng nước. Nhưng cũng từ đây, lý tưởng xây dựng đất nước của ông gặp rất nhiều khó khăn. Lê Thái Tổ lên ngôi vua và bắt tay vào việc xếp đặt cho vương triều nhà Lê một kỷ cương mới. Nguyễn Trãi đã được phong tước hầu, hàm thượng thư, dự việc cơ mật trong triều. Ông vinh dự được ban cho tên họ của vua. Nguyễn Trãi là vị triều thần anh tài bậc nhất trong triều đình, đang bước vào lứa tuổi sung sức và với tài năng của mình, lịch sử nước nhà còn có thể chờ đợi nhiều thi thố của ông trong sự nghiệp kiến quốc. Ấy thế nhưng, giữa lúc “trăm họ” đang chờ đợi một cuộc sống thái bình với vua hiền tướng giỏi thì triều đình nhà Lê cũng bộc lộ đầy rẫy những mâu thuẫn gay gắt giữa các bè phái, kèm theo âm mưu xấu xa nhằm tranh giành quyền lực. Tín nhiệm của nhà vua với các đại thần của mình đã bắt đầu mờ nhạt. Một số công thần đã bị xử trí tàn nhẫn. Năm 1429 nhà vua ra lệnh bắt Trần Nguyên Hãn khiến ông phải tự sát. Năm 1430 lại giết hại Phạm Văn Xảo. Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ và bị hạ ngục rồi được tha và phục chức. Nhưng rõ ràng, vị trí của vị công thần khai quốc nhà Lê này đã bị giảm sút nhiều. Nguyễn Trãi là người đã chứng kiến tất cả những bi kịch cung đình đó, nhưng ông hoàn toàn bất lực và gần như bị vô hiệu hoá.
Lê Thái Tông (1433-1442) lên nối ngôi khi mới 10 tuổi. Trong cương vị giúp rập nhà vua trẻ tuổi, Nguyễn Trãi tận dụng mọi cơ hội để hướng nhà vua vào mục tiêu xây dựng một đất nước cường thịnh, chăm lo đến cuộc sống của muôn dân. Nhưng lợi dụng nhà vua còn ít tuổi, bọn quyền thần càng lũng đoạn triều chính, bọn quan lại xu nịnh, tham nhũng càng ra sức hoành hành, sử dụng những thủ đoạn nham hiểm nhất để hãm hại những người tài năng, đạo đức. Nguyễn Trãi đã đấu tranh quyết liệt với bọn chúng, nhưng điều trớ
trêu, đau đớn là trong cuộc đấu tranh đó, chân lý thuộc về Nguyễn Trãi nhưng quyền lực lại trong tay bọn quyền thần và ông hoàn toàn bị cô lập. Ðây là những năm tháng đau buồn nhất của Nguyễn Trãi.
Trong mười mấy năm cuối đời, Nguyễn Trãi tuy vẫn giữ được quan hàm trong triều đình nhưng trong thực tế chỉ là một chức vụ rất “suông”, rất “nhàn”. Triều đình chỉ ủy thác cho Nguyễn Trãi nghiên cứu nghi lễ, điển chương, luật lệ, viết một số văn kiện có ý nghĩa lịch sử, địa lý, chính trị hoặc chủ trì một số kỳ thi thái học sinh... những công việc xứng đáng với một Hàn lâm học sĩ hơn là một vị đại thần. Một lần khác, Lê Thái Tông giao cho Nguyễn Trãi nghiên cứu dàn nhạc để ứng dụng vào nghi lễ triều đình, nhưng lại đặt bên cạnh Nguyễn Trãi một tên hoạn quan. Rõ ràng là vị thế của Nguyễn Trãi ngày càng sa sút. Chán nản đến thất vọng, Nguyễn Trãi đành phải từ quan về sống ẩn dật tại Côn Sơn. Nơi đây trở thành nơi an dưỡng lý tưởng đối với một tâm hồn trong sạch, muốn xa lánh cõi đời dơ bẩn, muốn tìm trong cảnh vật thiên nhiên một niềm an ủi. Nguyễn Trãi cố gắng vui với thơ ca, với non nước, với cuộc sống thanh bạch, an nhàn. Nhưng với một con người nặng lòng yêu nước thương dân tha thiết, nuôi lý tưởng đuổi giặc cứu nước để xây dựng một quốc gia độc lập và giàu mạnh, để thực thi tư tưởng nhân nghĩa đưa lại thanh bình và yên vui cho mọi người, một con người giàu nghị lực và ý chí như Nguyễn Trãi thì ẩn dật đâu phải lẽ sống của ông. Vì vậy khi nhà vua trưởng thành, bắt đầu nắm triều chính, trừng phạt một số quyền thần, năm 1439 mời Nguyễn Trãi trở lại giữ chức vụ trong triều. Tuy đã tuổi 60, ông vẫn hăm hở đem tài sức ra cống hiến cho đất nước với niềm hi vọng:
Thương thần như ngựa đến tuổi già, còn kham rong ruổi, Cho thần như thông qua năm rét, càng dạn tuyết sương. Quần môn mặc kệ dèm pha,
Thánh ý cứ bền tín nhiệm
Nguyễn Trãi lại đảm nhiệm chức vụ cũ, kiêm thêm chức Hàn lâm viện Thừa chỉ và trông coi việc quân dân hai đạo Ðông, Bắc. Ðó là những chức vụ quan trọng mở ra khả năng cho phép Nguyễn Trãi thực hiện hoài bão dựng nước của mình. Nhưng chỉ 3 năm sau, một tai họa khủng khiếp xảy ra dẫn đến cái chết bi thảm của Nguyễn Trãi. Nhân vua Lê Thái Tông sau khi duyệt binh ở Chí Linh, ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn và trên đường trở về kinh bị từ trần đột ngột ở Lệ Chi Viên, bọn quyền thần dựng lên một vụ án kết tội ông cùng vợ là Nguyễn Thị Lộ đã ám hại nhà vua. Ngày16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19-9-1442), Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ và nhiều người thân thuộc bị hành quyết tại pháp trường Thăng Long. Rõ ràng, vào cái tuổi ngoài sáu mươi, Nguyễn Trãi với bao nhiêu kiến thức, hoài bão vẫn chứa chan nhiệt tình vì dân vì nước, nhưng cung đình đã ghẻ lạnh quá chừng đối với một vị nguyên huân có một danh vọng quá lớn, có một học vấn quá uyên bác và một đạo đức quá thanh cao. Cái án tru di tam tộc là một thảm án oan khốc trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Trãi là con đẻ của thời đại đầy biến động, đầy hoạn nạn và âu lo của lịch sử Việt Nam, ông đã trở thành một vĩ nhân, một ngôi sao Khuê lấp lánh trên bầu trời lịch sử Việt Nam thế kỷ XV. Tên tuổi, sự nghiệp, tầm vóc tư tưởng của Nguyễn Trãi đã vượt ra khỏi khuôn khổ của thời đại ấy.