7. Kết cấu của luận văn
2.1. Thực trạng phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quản lý phát triển xã hộ
2.1.1. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với phát triển con người
Mục đích của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của các quốc gia, xét đến cùng là vì chất lượng cuộc sống của con người. Con người luôn là chủ thể của quá trình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Vì vậy, để phát triển bền vững xã hội và quản lý phát triển xã hội hiệu quả phải phát huy nhân tố con người trong cả ba trụ cột sinh thái, kinh tế và xã hội.
- Phương thức lãnh đạo thể hiện qua quan điểm và chủ trương của Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam coi phát triển con người là vấn đề trung tâm của chiến lược phát triển. Đảng hướng tới phát triển con người một cách toàn diện, tạo ra nguồn nhân lực trình độ cao có ý nghĩa quan trọng đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là quan điểm nền tảng cho phát huy nhân tố con người đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011), Đảng chủ trương: “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Từ đó, “chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có
tinh thần quốc tế chân chính” [8. Tr.76, 77]. Xem “phát triển và nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cơ cấu lại nền kinh tế”.
Đặc biệt, Đảng nhấn mạnh: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển” [8. Tr.100].
Tiếp tục kế thừa Đại hội trước, Đại hội XII (2016) của Đảng đã có bước chuyển biến quan trọng trong nhiệm vụ phát triển con người. Đảng chủ trương gắn xây dựng, phát triển con người với xây dựng, phát triển văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Gắn nhân tố con người với xây dựng văn hóa có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng một nền văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước gắn liền với xây dựng con người có nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực, kỹ năng, trách nhiệm xã hội… là yếu tố đảm bảo vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII, được Đảng xác định là: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; Tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh” [9. Tr. 218]. Muốn phát huy nhân tố con người, cần phải “đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam” [9. Tr. 127].
- Phương thức lãnh đạo thể hiện qua chỉ đạo thực tiễn và kết quả
Để thực hiện những giải pháp mang tính đột phá nhằm phát triển con người trong phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chiến lược nhằm phát triển nguồn lực, như:
Quyết định số 579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/4/2011, phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020. Chiến lược hướng tới những mục tiêu cụ thể cần đạt được là: Nhân lực Việt Nam có thể lực tốt, tầm vóc cường tráng, phát triển toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức, có năng lực tự học, tự đào tạo, năng động, chủ động, tự lực, sáng tạo, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng và nhanh chóng tạo được thế chủ động rong môi trường sống và làm việc; nhân lực Việt Nam hội đủ các yếu tố về đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, tác phong làm việc, kỷ luật lao động, tinh thần hợp tác, tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân; xây dựng được xã hội học tập, đảm bảo cho tất cả các công dân Việt Nam có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo, thực hiện mục tiêu: Học để làm người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập; học để có nghề, có việc làm hiệu quả; học để làm cho mình và người khác hạnh phúc; học để góp phần phát triển đất nước và nhân loại... [56].
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, chủ trương xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học [59].
Đại hội XII của Đảng xác định, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá quyết định sự phát triển bền vững đất
nước.Vì vậy, Đảng đặc biệt quan tâm tới giáo dục - đào tạo, coi “Giáo dục -
đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào
tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước [9. Tr.77].
Đã xây dựng cơ chế, chính sách về quy hoạch nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá, sử dụng, đãi ngộ cán bộ. Công tác đánh giá và sử dụng cán bộ thực hiện theo nguyên tắc lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tiếp tục đẩy mạnh thực
hiện “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước”; đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng,
bố tria cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,… Đổi mới công tác bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ,… để lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu” [9. Tr.48, 49].
Từ đó, Đảng tiếp tục ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc [60].
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến lược phát triển con người đã đạt được những thành tựu to lớn. Chỉ số phát triển con người HDI tăng từ 0,477 năm 1990, lên 0,576 năm 2000;
0,655 năm 2010; 0,684 năm 2017, xếp thứ 116/189 quốc gia, Việt Nam được UNDP đánh giá là quốc gia có chỉ số HDI thuộc nhóm trung bình cao [61].
Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.160 USD/người (2010) lên 2.385 USD (2017); tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng, đạt 73,4 tuổi vào năm 2016; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng từ 17,5 m2 năm 2010 lên 22 m2 năm 2015.
Các quyền của con người và quyền công nhân ngày càng được bảo đảm như: Quyền chính trị, văn hóa, xã hội; Quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân; Bảo đảm quyền dân sự, quyền được chăm sóc y tế; Quyền tham gia bảo hiểm xã hội… Đồng thời, Nhà nước đã xây dựng hệ thống các chính sách đối với từng giai tầng xã hội để phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh của toàn dân. Những kết quả trên cho thấy sự phát triển con người ngày càng tăng, đời sống nhân dân ngày càng được đảm bảo, ổn định và phát triển.
Mặc dù lĩnh vực phát triển con người đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả quan trọng. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế:
Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân nhiều mặt còn hạn chế; Vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém; Công nghiệp dược phát triển chậm; Tuổi thọ bình quân tăng nhưng chất lượng cuộc sống chưa cao.
Công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều khuyết điểm, yếu kém. Giáo dục và đào tạo chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, chưa thành động lực phát triển. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Chưa chú trọng đúng mức giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc... Vì vậy mà nguồn nhân lực của nước ta còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.