Những yếu tố tích cực và tiêu cực của Đức trị trong Nho giáo Khổng –

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng đức trị của nho giáo Khổng - Mạnh và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay (Trang 63 - 70)

7. Kết cấu của luận văn

2.2 Những yếu tố tích cực và tiêu cực của Đức trị trong Nho giáo Khổng –

Khổng – Mạnh đối với việc xây dựng đạo đức mới.

Trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tư tưởng đức trị của Nho giáo Khổng – Mạnh vẫn ảnh hưởng trong đời sống xã hội và có vai trò nhất định đến vấn đề xây dựng và hoàn thiện đạo đức của con người và xã hội Việt Nam hiện nay.

2.2.1. Tích cực.

Trước đây, trong lịch sử dân tộc ta, những chuẩn mực cơ bản của đạo đức như nhân, nghĩa, trung, hiếu, những nguyên tắc tu dưỡng đạo đức như tu thân, sửa mình, làm gương…đã được các ông vua ở các triều đại phong kiến đề cao. Họ đã coi việc nhà vua noi gương sáng về đạo đức là điều kiện để nước thịnh, dân an. Đồng thời, họ quan tâm đến việc thực hành đường lối đức trị. Bản thân các ông vua là người thực hành đạo đức và cũng là người đề ra các chiếu, chỉ, dụ huấn,…về đạo đức để mọi người thực hiện. Như vậy, sự ảnh hưởng của Nho giáo nói chung và đạo đức của Nho giáo Khổng – Mạnh nói riêng đối với con người và xã hội Việt Nam trong lịch sử vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực. Nho giáo nói chung, đạo đức Nho giáo Khổng – Mạnh nói riêng đã hòa quyện vào suy nghĩ, vào tác phong, lối sống, nếp sống của người Việt Nam trong lịch sử. Đạo đức, tác phong, lối sống của Nho học đã và đang còn tác động ảnh hưởng tới người Việt Nam hiện nay.

Trong đạo đức Nho giáo Khổng – Mạnh, “nhân”, “nghĩa” được đề cao và được coi là nguồn gốc của mọi đức khác. Việc tiếp nhận nội dung tư tưởng nhân (yêu người) của Nho giáo kết hợp với truyền thống tương thân, tương ái vốn có của dân tộc, đức nhân ái, khoan dung ấy đã trở thành giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Giá trị này được truyền từ đời này qua đời

khác, nó có ý nghĩa tích cực không những chỉ trong quá khứ mà còn cho đến hôm nay.

Đạo đức nhân ái truyền thống của dân tộc đã được Đảng và Hồ Chí Minh kế thừa để giáo dục đạo đức cách mạng cho con người nói chung và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn là đã đào tạo nên đội ngũ cán bộ có đạo đức nhân ái, phẩm chất đạo đức này được thể hiện trong quan hệ của cán bộ với nhân dân hay những người cấp dưới. Người cán bộ có phẩm chất đạo đức cách mạng biết đặt mục tiêu quan tâm đến con người là trên hết, nên họ đã sẵn sàng đấu tranh xả thân vì nghĩa cả, không nề hà khó khăn gian khổ mà đấu tranh không khoan nhượng đối với những hiện tượng tiêu cực, những biểu hiện đồi bại trong cuộc sống của một số người

Nho giáo Khổng – Mạnh quan niệm rằng, việc trị nước, trị dân không chỉ chủ yếu bằng đạo đức mà còn phải có pháp, lễ (luật pháp) thì nước mới nghiêm, trong gia đình phải có gia pháp (quy định của gia đình) thì mới có trên có dưới, mới trên thuận dưới hòa. Lễ là những quy phạm ràng buộc con người với con người từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đồng thời, lễ cũng là một đức của con người sống đúng theo lễ giáo, kỷ cương. Tư tưởng lễ của Nho giáo Khổng – Mạnh với việc đề cao tôn ti trật tự đã tạo cho con người nếp sống trên kính dưới nhường, trong gia đình có trên có dưới, xã hội có ổn định trật tự theo quy định, phép tắc nhất định. Tư tưởng chính danh của Nho giáo Khổng – Mạnh có ý nghĩa tác động mọi người cố gắng làm theo bổn phận, trách nhiệm của mình. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý thì tinh thần trách nhiệm cần phải cao hơn. Trong điều kiện thực tiễn nước ta hiện nay, khi nếp sống mới đã được xây dựng chưa phát triển, nhiều hiện tượng tiêu cực đang nảy sinh, quan hệ giữa người với người trong các mối quan hệ xã hội vẫn còn tùy tiện thì tư tưởng lễ, chính danh và việc yêu cầu con người phải làm đúng lễ, đúng danh của Nho giáo Khổng – Mạnh cũng có ý nghĩa tích cực nhất định.

Trước đây, Nho giáo Khổng – Mạnh cho rằng, để thực hiện được lý tưởng đạo đức, con người cần có sự hiểu biết (trí tuệ). Chính vì thế, Nho giáo Khổng – Mạnh đề cao việc học tập, nghề được tôn vinh nhất là nghề dạy học. Điều này đã tạo nên một xã hội hiếu học, con người ham học. Tinh thần ham học, hiếu học ấy trong lịch sử nước ta đã góp phần đào tạo nên những người hiền tài, tuấn kiệt, có chí khí, biết trọng nghĩa khinh tài. Những đặc điểm tốt đẹp này còn được lưu giữ đến ngày nay. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi con người cần phải có tri thức, có trình độ chuyên môn cao. Vì vậy, người cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng phải là người ham học, ham hiểu biết, luôn biết làm giàu trí tuệ của mình bằng tri thức của nhân loại. Nét đặc sắc trong tư tưởng đức trị của Nho giáo Khổng – Mạnh là chú trọng đến vấn đề tu dưỡng đạo đức cá nhân, đặc biệt là chú trọng đến đạo đức của người cầm quyền. Khổng Tử khuyên người cầm quyền phải “tu thân” (tự sửa bản thân mình, tự rèn luyện mình) để làm gương cho người dưới. Nho giáo Khổng – Mạnh luôn coi tu dưỡng bản thân là gốc, như Khổng Tử đã nói: từ thiên tử cho đến thứ dân, ai cũng phải lấy sự tu thân làm gốc, cái gốc loạn mà cái ngọn trị thì chưa có vậy. Tu thân tức là sửa mình theo lễ, theo đạo cương – thường để bản thân trở thành người có đức hạnh. Chính vì đề cao đạo “tu thân” nên Nho giáo Khổng – Mạnh cũng nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức – giáo dục đạo luân thường (ngũ luân, ngũ thường), đạo “cương – thường” (tam cương và ngũ thường). Việc đề cao đạo tu thân và chú trọng đến đạo đức trong tư tưởng của Nho giáo Khổng – Mạnh có ý nghĩa tích cực ở chỗ, đã tạo nên một lớp người sống có đạo đức, có nhân cách. Điều này được thể hiện trong lịch sử dân tộc ta với nhiều tấm gương sáng ngời về đạo đức của các vị vua, của các anh hùng hào kiệt. Theo Nho giáo Khổng – Mạnh, người làm quan phải là người có đức, phải lấy nhân nghĩa, lấy chữ tín làm mục tiêu để cai trị. Muốn vậy phải đặt lợi ích của thiên hạ lên trên lợi ích của vua, quan. Ngày nay, tư tưởng trên vẫn còn có giá trị tích cực. Người cán bộ trong bộ

máy nhà nước nhất thiết phải có đức, đó là điều kiện đầu tiên để dân tin yêu, kính phục. Nho giáo đã coi những người làm quan mà hà hiếp dân hay vơ vét của dân là những người độc ác. Nếu để cho dân đói, dân rét là nhà vua cũng có tội. Khi nói về trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ cách mạng, Hồ Chí Minh đã nhắc lại ý trên của Nho giáo “Chính sách của Đảng và Chính phủ là hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi.

Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân” [40, tr.572]

Trước đây, Nho giáo Khổng – Mạnh luôn yêu cầu nhà vua, người cầm quyền cai trị dân chủ yếu phải bằng đạo đức, bằng nhân nghĩa, bằng lễ giáo, và để thực hiện có hiệu quả đường lối đức trị, người cầm quyền phải luôn “tu, tề, trị, bình”. Với mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày nay, thì quan niệm về yêu cầu về những phẩm chất đạo đức cần có của người cầm quyền trong tư tưởng Đức trị của Nho giáo Khổng – Mạnh vẫn có ý nghĩa giáo dục to lớn. Bởi, xã hội nào cũng cần có con người có đức, nhất là đối với người có chức quyền, đức của họ sẽ có ảnh hưởng và tác động không nhỏ trong xã hội.

Theo Nho giáo Khổng – Mạnh, người cai trị phải biết sửa mình (tu thân), làm gương thì sẽ dễ cai trị dân, nhà cầm quyền mà không tham lam, không có những thói hư tật xấu thì dân sẽ bị cảm hóa và noi theo. Bài học răn dạy trên đây của Nho giáo về đạo đức của nhà cầm quyền (các cán bộ lãnh đạo, quản lý) có ý nghĩa tích cực. Sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, ở trong gia đình và ngoài xã hội. Cán bộ lãnh đạo, quản lý muốn lãnh đạo được dân thì phải làm gương cho quần chúng, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, có như vậy mới được dân tín. Bản thân Hồ Chí Minh, không chỉ làm một cuộc cách mạng trong lý luận về đạo đức, mà còn là tấm gương lớn về việc tu dưỡng đạo đức cách mạng.

Người nói: “Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân” [39, tr.321]

Tư tưởng đạo đức Nho giáo đã nhấn mạnh các mối quan hệ của con người trong xã hội, trong đó, xuất phát là quan hệ gia đình, từ gia đình mở rộng ra quan hệ với nước, với thiên hạ. Nho giáo Khổng – Mạnh đã coi việc tu dưỡng đạo đức từ trong gia đình là cơ bản nhất, sau đó mới ra đến ngoài xã hội. Người có đạo đức phải là người biết yêu thương người thân thích ruột thịt của mình thì mới biết thương yêu những người khác. Nếu mỗi người thờ ơ, vô trách nhiệm với gia đình, cha mẹ, vợ con mình thì không thể biết quan tâm, chia sẻ, cảm thông với những người cùng cơ quan, đơn vị của mình, hoặc giả nếu có chăng nữa thì cũng chỉ là sự giả tạo, vụ lợi cá nhân chứ không phải là tình cảm nảy sinh từ sự thôi thúc của lòng nhân ái.

2.2.2 Tiêu cực.

Nho giáo nói chung và tư tưởng đức trị của Nho giáo Khổng – Mạnh nói riêng là hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến thống trị, nó là công cụ bảo vệ chế độ phong kiến và giai cấp thống trị, cho nên, bên cạnh những yếu tố tích cực, hợp lý, tư tưởng đức trị của Nho giáo Khổng – Mạnh không tránh khỏi những khiếm khuyết, hạn chế.

Thứ nhất, đó là, việc quá coi trọng Lễ và bản thân tư tưởng Lễ của Nho giáo Khổng – Mạnh cũng như cách giáo dục con người theo Lễ một cách cứng nhắc, bảo thủ cũng có mặt trái của nó. Cách giáo dục con người tuân theo Lễ một cách khắt khe đã tạo nên một lớp người chỉ biết phục tùng. Ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước rất cần những con người năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đây chính là yêu cầu đạo đức mới của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Những ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo Khổng – Mạnh trên đây là

một trở ngại to lớn trong việc xây dựng đạo đức mới. Tác giả Hà Thúc Minh cho rằng, “Lễ là tượng trưng cho sự ràng buộc, đè nén, kìm hãm mọi hoạt động, mọi nhu cầu của con người; lễ còn là tượng trưng cho sự giáo điều và đẳng cấp” [70, 362]. Điều này đã tạo cơ sở cho các quan niệm về tôn ti trật tự nặng nề, tệ gia trưởng, bè phái cục bộ, đề cao địa vị, coi thường lớp trẻ, trọng nam khinh nữ, vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ và hành động của không ít người trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta.

Thứ hai, đức Nhân, Nghĩa trong tư tưởng đức trị Nho giáo Khổng – Mạnh cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến một số cán bộ lãnh đạo, quản lý bởi họ đã quá coi trọng nội dung đạo đức đó trong khi xử lý công việc và các mối quan hệ xã hội. Giáo sư Trần Đình Hượu cho rằng, “Nhân nghĩa theo Nho giáo là một chủ nghĩa nhân đạo, chủ trương yêu thương con người, nhưng con người không phải là con người bình đẳng như nhau, mà là con người nằm trong quan hệ cha con, anh em, vua tôi, bè bạn – tức là quan hệ luân thường (…). Vì quan niệm con người không đúng nên lòng thương không phát triển được”, thậm chí “đi vào ngõ cụt” [19, tr.213 -214]. Do chịu ảnh hưởng truyền thống trọng đức của Nho giáo Khổng – Mạnh đó, cho nên nhiều cán bộ thường xuất phát từ tình cảm để đánh giá và thực hiện chính sách, chủ trương của nhà nước, thi hành luật còn khá tùy tiện, thường dựa theo những “lẽ phải”, “đạo lý” trừu tượng, hình thức và cảm tính, phụ thuộc vào khả năng nhận thức, đạo đức của từng cá nhân cụ thể. Kết quả của quá trình “tình cảm hóa” luật pháp ấy đã sản sinh nên cung cách quản lý tùy tiện, mang tính quan liêu. Tư tưởng gia trưởng, độc đoán, kết bè gây cánh…dần dần hình thành và ngày càng phát triển. Tiêu chuẩn để đánh giá, sử dụng người thường không chủ yếu thông qua năng lực chuyên môn mà qua lăng kính tình cảm gia đình, dòng họ, đồng hương, đồng tộc, thậm chí qua sự quen biết thân sơ. Cũng do cán bộ nhà nước có quyền, họ dễ trở thành những người “toàn diện”. Họ ôm đồm công việc ngay cả đối với những chuyên môn xa lạ. Họ tuyệt đối hóa tư

tưởng gia trưởng đến mức cho rằng, mình là người duy nhất quyết định, lấy quyền gia trưởng để giải quyết các công việc chung. Cán bộ nhà nước có khuynh hướng biến mình thành những quan lại hiện đại, có quyền lực vô hạn. Họ nhận trách nhiệm lo lắng, nuôi dưỡng nhân dân. Họ nắm trong tay mọi chân lý. Chúng ta biết rằng, một trong những phẩm chất của cán bộ lãnh đạo là phải có tính quyết đoán, nhưng quyết đoán theo kiểu độc đoán, chuyên quyền, chỉ dựa theo cá nhân mình mà bất chấp lợi ích của tập thể, của cộng đồng là biểu hiện của thói gia trưởng…Những biểu hiện tiêu cực này vô hình chung đã trở thành lực cản đối với sự phát triển của xã hội.

Thứ ba, Nho giáo Khổng – Mạnh do luôn cho rằng, đức của người quân tử là sáng tỏ ở điều nghĩa mà coi thường danh lợi, nhưng trên thực tế và thực chất, tư tưởng này chỉ là ảo tưởng, được lý tưởng hóa đến mức phi thực tế.

Thứ tư, trước đây, Khổng Tử cho rằng, đức của người cầm quyền là phải biết chọn người, chọn người có đức, gạt bỏ kẻ gian trá, và làm chính sự cốt ở chỗ chọn bề tôi. Tư tưởng trên của Khổng Tử rất có ý nghĩa, tuy nhiên mặt hạn chế ở đây là quá nhấn mạnh đức hơn tài. Ngày nay, chọn người không chỉ nhấn mạnh đức mà còn trọng cả tài. Nếu chỉ chú ý một trong hai mặt này thì sẽ khiếm khuyết. Tài và Đức là hai mặt cấu thành nhân cách người đảng viên nói chung, người đảng viên là cán bộ nói riêng, chúng phải thống nhất gắn bó với nhau. Nếu tách rời, bản thân mỗi thành tố sẽ tự làm suy yếu nó. Nói về sự thống nhất giữa đức và tài trong cấu trúc nhân cách người cán bộ, Hồ Chí Minh viết: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người” [40, tr.172].

Một hạn chế nữa là, phương pháp giáo dục trong tư tưởng của Nho giáo Khổng – Mạnh chủ yếu theo lối tầm chương, trích cú, ít gắn liền với thực tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng đức trị của nho giáo Khổng - Mạnh và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay (Trang 63 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)