Những giá trị và hạn chế chủ yếu trong tư tưởng đức trị của Nho giáo

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng đức trị của nho giáo Khổng - Mạnh và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay (Trang 39 - 44)

7. Kết cấu của luận văn

1.3 Những giá trị và hạn chế chủ yếu trong tư tưởng đức trị của Nho giáo

Nho giáo Khổng – Mạnh

Qua phân tích một số nội dung cơ bản trong tư tưởng Đức trị của Nho giáo Khổng – Mạnh, có thể rút ra những giá trị và hạn chế chủ yếu như sau:

1.3.1 Một số giá trị nổi bật, chủ yếu

Trong học thuyết Nho giáo Khổng – Mạnh nói chung và tư tưởng Đức trị nói riêng, các nhà Nho đã nhận thức được vai trò tích cực của đạo đức trong đời sống xã hội. Nho giáo cũng đã nhìn thấy rằng, một trong những phẩm chất rất cơ bản của cá nhân nhà vua, của người cầm quyền là phải có đạo đức, phải là những tấm gương đạo đức, phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức và phải có năng lực đem những phẩm chất đạo đức ấy để “đạo đức hóa” toàn bộ xã hội. Khẳng định tính chính nghĩa của đường lối “đức trị”, Khổng Tử cho rằng, nhà cầm quyền mà theo đường lối “đức trị”, lấy cái đức của mình mà cảm hóa mọi người thì cũng giống như sao Bắc đẩu tuy ở yên một chỗ mà mọi sao khác đều chầu về. Các nhà Nho này cũng đã nhìn thấy mối quan hệ giữa nhận thức đạo đức và hành vi đạo đức cũng như vai trò sức mạnh của ý

thức đạo đức cá nhân trong cộng đồng. Xã hội sẽ ổn định, thịnh trị khi nền “đức trị” được thực thi từ “thiên tử” đến “thứ dân”.

Rõ ràng trong bất cứ xã hội nào, thời đại nào thì đạo đức luôn giữ vị trí quan trọng, nó là cái để điều chỉnh hành vi của con người trong các mối quan hệ xã hội. Xã hội sẽ hỗn loạn, sẽ không còn trật tự kỷ cương nếu không có đạo đức. Nhiều khi đạo đức còn có sức mạnh, có tác dụng điều chỉnh hành vi của con người hơn cả sức mạnh của pháp luật.

Như vậy, Nho giáo Khổng – Mạnh đã nhận thấy vai trò tích cực của đạo đức, của những cá nhân có đạo đức trong việc cai trị xã hội, trong việc duy trì, củng cố trật tự, kỷ cương và sự ổn định của xã hội.

Một giá trị nổi bật và đáng chú ý nữa là, trong tư tưởng đức trị, các nhà Nho đã xem xét, đánh giá con người thông qua các mối quan hệ xã hội, đặt ra những yêu cầu đạo đức tương đối cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm đạo đức của cá nhân con người đối với gia đình, với mọi người và với bản thân. Đặc biệt, Nho giáo đề cao đạo tu thân, coi đây là một yêu cầu quan trọng bậc nhất trong việc tu dưỡng đạo đức của mọi người từ bậc thiên tử xuống thứ dân. Đối với bậc quân vương – những người cầm quyền có trọng trách cao cả là trị nước, giáo hóa dân và an dân, thì việc tu thân, sửa đức lại càng quan trọng hơn hết. Ở điểm này, tư tưởng đức trị có nội dung tiến bộ hơn hẳn các học thuyết chính trị - đạo đức đương thời như Mặc gia, Đạo gia. Giá trị nhân bản cao nhất của đạo đức Nho giáo là ở việc thi hành nhân nghĩa, ở đạo tu thân dưỡng tính, và vì vậy, nó có vai trò to lớn là góp phần củng cố trật tự xã hội, xây dựng và hoàn thiện đạo đức xã hội.

1.3.2 Một số hạn chế chủ yếu.

Bên cạnh một số giá trị nổi bật, trong tư tưởng Đức trị của Nho giáo Khổng – Mạnh mà còn bộc lộ một số hạn chế chủ yếu sau đây:

Nho giáo quá đề cao vai trò quyết định của đạo đức, của những cá nhân có đạo đức trong việc cai trị, quản lý xã hội cũng như trong những diễn biến

của lịch sử. Do vậy mà, quan niệm của Nho giáo Khổng – Mạnh về đạo đức, về vai trò của đạo đức cá nhân không tránh khỏi tính chất duy tâm, siêu hình. Thực chất và mục đích cuối cùng của tư tưởng Đức trị, đường lối Đức trị của Nho giáo Khổng – Mạnh cũng như của Nho giáo nói chung là nhằm củng cố, duy trì sự tồn tại vĩnh viễn chế độ phân biệt đẳng cấp và địa vị, lợi ích của giai cấp thống trị bóc lột mà thôi.

Khổng Tử có xu hướng tuyệt đối hóa “đức trị”. Ông chủ trương “nặng đức nhẹ hình” và chưa nhận thức đầy đủ và đúng mức vai trò của pháp luật (hình) cũng như vai trò của nó đối với việc hình thành, giáo dục và hoàn thiện đạo đức của con người và xã hội. Như Hồ Chí Minh quan niệm rằng, người cán bộ cách mạng phải làm gương không chỉ về đạo đức, mà trước hết còn phải làm gương trong việc chấp hành nghiêm chỉnh kỷ cương, phép nước cho nhân dân noi theo. Đức trị và pháp trị không loại trừ nhau mà thống nhất, bổ sung cho nhau để xây dựng một xã hội đảm bảo cho mọi người có cuộc sống lương thiện, yên vui, kẻ ác bị trừng trị. Hồ Chí Minh từng nói “một Nhà nước vững mạnh, có hiệu lực phải là một Nhà nước làm cho mọi người dân biết sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật;…nhà nước pháp quyền chỉ phát huy được đầy đủ hiệu lực khi nó biết coi trọng kết hợp giáo dục đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội và Nhà nước” [43, tr.17]

Ngoài việc tìm mọi cách áp đặt các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của giai cấp mình cho toàn xã hội, nhằm sử dụng tối đa sức mạnh tinh thần của đạo đức phục vụ cho mục tiêu chính trị, duy trì xã hội trong trật tự lễ giáo phong kiến, Nho giáo còn quan tâm đến việc giáo dục và đào tạo con người. Mẫu người mà Nho giáo muốn xây dựng là quân tử - mẫu người lý tưởng, đại diện cho tầng lớp lãnh đạo cao nhất, ngoài ra còn có trượng phu, kẻ sĩ với những yêu cầu về phẩm chất cụ thể. Tuy nhiên, hạn chế của Nho giáo Khổng – Mạnh là đã nêu lên quan điểm giáo dục thiếu toàn diện (chỉ chú trọng giáo dục đạo đức và văn chương mà không chú ý đến giáo dục các kiến thức khoa

học, kỹ thuật, mà coi lao động chân tay, giản đơn là những nghề thấp hèn). Vì vậy, Nho học đã đào tạo nên những con người bảo thủ trong suy nghĩ, thụ động trong hành động và khó thích ứng được với sự biến đổi của xã hội. Chúng ta cần thấy được mặt hạn chế này của Nho giáo để khắc phục nó trong xã hội ở nước ta hiện nay.

Với việc Nho giáo Khổng – Mạnh nêu lên những chuẩn mực đạo đức cứng nhắc, sự tu dưỡng đạo đức bằng phương pháp khắc kỷ nghiêm ngặt đã gò bó, trói buộc con người, làm hạn chế tính năng động, sáng tạo của con người. Chính vì vậy, nó trở thành nhân tố kìm hãm sự phát triển của xã hội, làm cho xã hội vận động trong sự trì trệ, chậm chạp.

Hạn chế trong tư tưởng “Đức trị” của Nho giáo còn thể hiện ở chỗ, do tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của con người, thừa nhận trong mỗi con người đều có sẵn thiên tính, nên đức trị chủ yếu xuất phát từ cơ sở của ý thức và tâm lý. Khổng Tử quan tâm nhiều đến giáo hóa đạo đức từ bên trong, đề cao vai trò tự giác thông qua nỗ lực tu thân của từng cá nhân, do đó, chức năng của lý tưởng, mục đích, khuôn mẫu trừu tượng được đặc biệt chú ý. Ông đã xây dựng mô hình quân tử với các tiêu chuẩn đạo đức như nhân, trí, dũng, hiếu đễ, trung thứ…để quần chúng noi theo; trong khi đó lại ít quan tâm đến những chuẩn mực cụ thể trong đời sống xã hội muôn màu, muôn vẻ và không ngừng vận động, vì vậy, dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện chủ quan trong đánh giá hoạt động của con người. Thậm chí có người còn lợi dụng sự hạn chế này để mưu cầu lợi ích cá nhân. Không dựa vào pháp luật, người thống trị có thể tùy tiện bắt người, tha người nhân danh đạo đức: “Người thật thà làng tôi có khác, cha dấu cho con, con dấu cho cha, như thế sự ngay thẳng đã có trong đó - Ngô đảng chi trực giả dị ư thị, phụ vị tử ẩn, tử vị phụ ẩn, trực tại kỳ trung hỹ” [69, tr.468]. Về vấn đề này, Hàn Phi đã nhận xét: “ban ơn cho người nghèo, người đời gọi là nhân nghĩa. Thương hại trăm họ, không nhẫn tâm giết phạt, người đời gọi là huệ ái. Ban ơn cho người nghèo khổ, thành ra kẻ không công mà

được hưởng. Không nhẫn tâm giết phạt thì bạo loạn không bao giờ hết” [4, tr.840]. Và nếu, “người có lòng nhân ái mà ở ngôi cao thì kẻ dưới cứ phóng túng làm liều và phạm pháp rồi mong chờ người trên tha thứ” [4, tr.481] đất nước không sớm thì muộn sẽ suy vong

Ngoài ra, giữa nội dung và thực chất tư tưởng đức trị của Nho giáo Khổng – Mạnh có sự mâu thuẫn căn bản. Về mặt nội dung, yếu tố con người được đề cao, nhân tố tình cảm, ý thức, tâm lý được coi trọng: đạo đức, nhân nghĩa được nhấn mạnh. Nhưng về thực chất, tất cả tinh thần ấy lại đều nhằm mục đích khôi phục, duy trì, củng cố địa vị của tầng lớp thống trị đương thời, kéo dài sự tồn tại của chế độ nô lệ thị tộc trong tình hình, điều kiện mới của lịch sử. Vì vậy, từ một học thuyết nhân bản, tư tưởng đức trị đã trở thành phương tiện để giai cấp thống trị phong kiến biện minh cho sự tồn tại vĩnh viễn của mình trong lịch sử. Nó khiến cho kẻ áp bức, bóc lột của nhân dân lại trở thành ân nhân của họ. Trong lịch sử không ít người đã hy sinh cả cuộc đời cho giai cấp bóc lột mà vẫn tin tưởng rằng như thế là đạo đức.

Khi Nho giáo được truyền vào nước ta, đặc biệt là từ thế kỷ XI đến giữa đầu thế kỷ XIX, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tiếp nhận và chịu ảnh hưởng cả mặt tích cực và tiêu cực của Nho giáo nói chung và đạo đức Nho giáo nói riêng. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định thêm một điều rằng, đạo đức Nho giáo Trung Quốc đã được người Việt kế thừa, có cải biến chứ không còn giữ nguyên bản nữa.

Sự ảnh hưởng của Nho giáo không những chỉ trong lịch sử mà còn có ảnh hưởng cả mặt tích cực và tiêu cực đối với đạo đức xã hội nước ta hiện nay. Vì vậy, để xây dựng đạo đức mới đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một mặt chúng ta cần phải kế thừa những yếu tố tích cực của đạo đức Nho giáo kết hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mặt khác, cũng cần phải đấu tranh để khắc phục những tàn tư, những hạn chế trong tư tưởng đạo đức Nho giáo nói chung và trong tư tưởng Đức trị của Nho giáo Khổng – Mạnh nói riêng.

Chương 2

Ý NGHĨA TƯ TƯỞNG ĐỨC TRỊ TRONG NHO GIÁO KHỔNG – MẠNH ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI

Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng đức trị của nho giáo Khổng - Mạnh và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay (Trang 39 - 44)