Yêu cầu đối với người học trong trường đại học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hành dân chủ trong giáo dục ở nhà trường đại học việt nam hiện nay theo tư tưởng hồ chí minh (Trang 36 - 40)

7. Bố cục của Luận văn

1.3. Quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ trong quản lý nhà

1.3.4. Yêu cầu đối với người học trong trường đại học

Với bất kì quốc gia nào trên thế giới, học sinh, sinh viên chính là tương lai của đất nước, là lực lượng nòng cốt để xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển. Chính vì thế mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm tới lực lượng “rường

cột” này của nước nhà. Trong tiến trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta vì độc lập, vì tự do và chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm giáo dục, hướng dẫn sinh viên làm tốt vai trò của mình, Người chăm chú theo dõi, biểu dương những cố gắng, tiến bộ của sinh viên và luôn đánh giá cao tiềm năng, vai trò và những cống hiến to lớn của sinh viên. Người khẳng định: sinh viên là bộ phận năng động, tốt đẹp và hy vọng nhất của dân tộc. Người cũng nhìn nhận họ như một chủ thể đang phát triển, đang nhập cuộc và đang được tiếp tục hoàn thiện. Người nói về ưu điểm của họ là “hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh “anh hùng”.

Trong suốt sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Người luôn quan tâm sâu sắc tới công tác giáo dục thế hệ trẻ, tư tưởng, lý luận và tình cảm của Người đã để lại những bài học thực tiễn còn nguyên giá trị cho tới tận ngày nay và mãi về sau. Người không chỉ nêu lên vai trò hết sức quan trọng của học sinh, sinh viên mà còn nhấn mạnh trọng trách khó khăn nhưng vinh quang của các em, đó là bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Người, thanh niên muốn xứng đáng là người chủ tương lai của nước nhà thì yếu tố tự giác rèn luyện của bản thân thanh niên hết sức quan trọng. Sự rèn luyện, tu dưỡng của thanh niên phải được thể hiện trên mọi phương diện: Rèn luyện đạo đức cách mạng, trau dồi và nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ, chuyên môn, rèn luyện ý chí và lòng dũng cảm, rèn luyện thân thể. Sinh viên với tư cách là một bộ phận của thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, là lực lượng xây dựng chủ nghĩa xã hội, “Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng” [62, tr. 89]. “Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang” [58, tr. 265].

Nếu trong ngày đầu giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới khuyên người học “cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn” thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người lại căn dặn “Thầy và trò phải luôn luôn nâng

cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng” [64, tr. 507].

Có thể xem đây là lời răn dạy về rèn luyện phẩm chất chính trị cần thiết cho mọi sinh viên trong nền giáo dục mới để xây dựng lòng tin vững chắc, xác định lý tưởng cách mạng, đạo đức và năng lực hành động trong cuộc sống. Nhiệm vụ cách mạng còn nặng nề, điều kiện càng khó khăn, càng cần xây dựng lòng tin vững chắc, hoạt động có ý thức và đảm bảo kỷ luật một cách tự giác. Nguyên lý này có ý nghĩa không chỉ trong thời kỳ kháng chiến mà cả trong hòa bình xây dựng.

Hồ Chí Minh nhắc nhở khi giải quyết mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi thì bao giờ cũng phải chú ý đến nghĩa vụ trước; Người viết: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?” [58, tr. 265]. Hồ Chí Minh căn dặn thanh niên sinh viên: “muốn xứng đáng vai trò người làm chủ thì phải học tập”, Người nói: “nhiệm vụ chính của thanh niên, học sinh là học” [58, tr. 178].

Mục đích của việc học để làm gì? theo Hồ Chí Minh: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” [58, tr. 684]. Trước hết, muốn làm việc, học tập công tác tốt thì phải học, có học mới có năng lực giải quyết những yêu cầu của chương trình đào tạo và những tình huống trong thực tiễn đặt ra. Hồ Chí Minh phê phán nghiêm khắc tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cao, tự đại, cho mình là giỏi nhất thiên hạ.

Tốt nghiệp rồi có cần học không? Hồ Chí Minh nói: Còn học mãi khi ra làm việc. Khi thành công thì phải nghiên cứu vì sao thành công để lấy kinh nghiệm, khi thất bại cũng sẽ xét xem tại sao thất bại để mà tránh đi.

Thông qua học tập ở trường, ở sách vở và ở ngoài đời để có cách đối nhân xử thế hợp lí phù hợp với luật pháp, phong tục tập quán; ứng xử đúng với các quy tắc, chuẩn mực về đạo đức. Đặc biệt, muốn làm cán bộ tốt, muốn phụng sự Tổ quốc, phục

vụ nhân dân được tốt hơn bao giờ hết càng phải học để có tư duy, phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo; nắm chắc yêu cầu, nội dung quy trình giải quyết công việc cũng như hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người mà mình được giao phục vụ.

Hồ Chí Minh nói: học những điều cơ bản, thiết thực đối với mỗi người. Trong hành trang tri thức của mỗi con người còn rất nhiều điều chưa biết, nhưng nếu thấy cái gì học cái nấy thì chúng ta chỉ thu được một mớ kiến thức hỗn tạp, không có tác dụng với chính người học và cũng không đủ thời gian để học và hiểu biết tất cả. Do đó, ngoài việc học ở nhà trường theo chương trình quy định, cần phải căn cứ vào trình độ nhận thức, công việc đang đảm nhiệm và vị trí của mình để lựa chọn những điều thiết thực, những vấn đề cần cho lĩnh vực công tác đang và sẽ đảm nhiệm hoặc nhu cầu của mình để học.

Như vậy, từ nhận thức đúng đắn về vai trò và đặc điểm của sinh viên- chủ yếu ở lứa tuổi thanh niên đối với xã hội, cũng như đối với nhà trường. Hồ Chí Minh đã đưa ra yêu cầu đối với sinh viên về cả phẩm chất và năng lực để họ trở thành những con người toàn diện, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước, cống hiến cho quá trình xây dựng và bảo vệ nước nhà.

Từ trước đến nay, nhắc đến giáo dục người ta thường nhắc đến giáo dục trong nhà trường, mà chủ yếu là sự tương tác giữa người dạy và người học trong quá trình tiếp thu kiến thức và rèn luyện nhân cách. Tuy nhiên, nhà trường là một tổ chức mà lực lượng đông đảo nhất là người học, do vậy, người học cũng có vai trò to lớn trong quản lý nhà trường. Nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học nhân dân, ngày 21- 7- 1956, Người nhắc lại: “Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người” [59, tr. 378]. Với tư cách là lực lượng chiếm số đông trong nhà trường, người học có quyền nói lên tiếng nói của mình (trong phạm vi, khuôn khổ cho phép của pháp luật) đối với các kế hoạch, chủ trương và cơ chế của nhà trường, đối với giáo viên và cán bộ trong trường, cũng như đối với chương trình học tập..., có như vậy, tất cả mọi vấn đề mới được “thông suốt”, người học cảm thấy mình được tôn trọng và đáp ứng được những nhu cầu, nguyện vọng học tập của mình, khi tư tưởng đã “thông suốt”, tinh thần “thoải mái” thì chất lượng học tập sẽ được nâng cao. Như vậy, vai trò làm chủ và

ý thức làm chủ của người học đã được Hồ Chí Minh quan tâm nhắc nhở và đặt ở vị trí thích đáng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hành dân chủ trong giáo dục ở nhà trường đại học việt nam hiện nay theo tư tưởng hồ chí minh (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)