Vai trò và yêu cầu của đội ngũ cán bộ giảng dạy trong việc thực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hành dân chủ trong giáo dục ở nhà trường đại học việt nam hiện nay theo tư tưởng hồ chí minh (Trang 31 - 36)

7. Bố cục của Luận văn

1.3. Quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ trong quản lý nhà

1.3.3. Vai trò và yêu cầu của đội ngũ cán bộ giảng dạy trong việc thực

dân chủ ở nhà trường đại học

Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho người thầy nhiệm vụ to lớn là chăm lo sự nghiệp “trồng người”, dạy dỗ con em nhân dân lao động trở thành những công dân có ích cho Tổ quốc. Người viết: “Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng và Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú” [60, tr. 528]. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, gắn liền với sự nghiệp cuả những người làm thầy, cô giáo. Người giáo viên của chế độ dân chủ mới đảm nhận sứ mệnh cao cả là làm cho người dân được hưởng quyền chính đáng của họ là được cắp sách đến trường, được bồi dưỡng ý thức làm chủ, lý tưởng cao đẹp, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người công dân đối với Tổ quốc. Đây chính là cơ sở để khẳng định vị thế của dân tộc ta trên trường quốc tế: “Đồng bào bây giờ phải biết chữ hết để trả lời cho thế giới biết nước ta là một nước văn minh, ai cũng biết chữ” [54, tr. 379].

Phát biểu tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội (tháng 10 - 1964), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song

những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa” [63, tr. 402- 403]. Khi nói thầy giáo là anh hùng vô danh tức là khẳng định công lao to lớn và đức tính hy sinh thầm lặng của người thầy giáo, người làm công tác giảng dạy, đồng thời nói lên đặc điểm của hoạt động sư phạm. Những đóng góp của giáo viên cho xã hội không phải để đắp “tượng đồng, bia đá” hay để tính toán thành tích cá nhân mà đó là trách nhiệm lương tâm nghề nghiệp, là niềm vinh dự, tự hào của người giáo viên. Bởi lẽ, như Người khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa” [59, tr. 345]. Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của các thầy, cô giáo đối với sự phát triển của xã hội. Muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có tri thức. Không có giáo dục thì không có tri thức. Không có tri thức thì không nói gì đến phát triển kinh tế và văn hóa. Một dân tộc không có tri thức là một dân tộc dốt và một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, một đất nước hưng thịnh là nhờ một nền giáo dục hưng thịnh. Đó là một chân lý cho các dân tộc muốn phát triển, đồng thời là vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức nước nhà, trong đó đội ngũ các thầy, cô giáo là trung tâm. Mà điều hết sức vẻ vang của những người thầy, người cô đó là việc chăm lo, dạy dỗ con em nhân dân thành những người công dân tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt cho nước nhà. Người nói: “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được” [63, tr. 403]. Hồ Chí Minh cho rằng, đội ngũ giáo viên là người quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và đổi mới nền giáo dục nước nhà. Vì lẽ đó, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến giáo viên và những người làm giáo dục. Người khẳng định công lao của các thầy giáo, cô giáo: “Anh chị em chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào... Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em... Cái vinh dự đó thì tượng đồng bia đá nào cũng không bằng” [53, tr. 556].

Vai trò của người giảng viên còn được thể hiện ở việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo phù hợp để thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu của giáo dục. Theo

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người giáo viên xây dựng nội dung chương trình phải theo các nguyên tắc sau đây để có được một chương trình giáo dục dân chủ: xây dựng nội dung chương trình phải toàn diện, bao gồm các mặt, văn hóa, chính trị, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, lao động; người thầy giáo phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn, nhiệm vụ chính trị, đường lối phát triển kinh tế- xã hội, mục tiêu giáo dục để biên soạn giáo trình cho phù hợp; xây dựng nội dung chương trình phải thiết thực, tiếp cần trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới và gắn với thực tiễn Việt Nam; xây dựng nội dung chương trình phải phù hợp với đối tượng người học.

Trong Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng tháng 10/1955, Người nêu rõ nội dung chương trình đào tạo bậc đại học: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà” [59, tr. 186].

Tính dân chủ trong giáo dục còn được thể hiện ở quyền được bình đẳng, công bằng trong đánh giá, xếp loại học tập. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của người giáo viên ở bất kỳ bậc học nào, do vậy, Người yêu cầu giáo viên phải công bằng, khách quan trong đánh giá thành tích học tập của người học, tránh tình trạng “thầy, cô cho điểm học trò”, mà phải đánh giá, xếp loại dựa trên năng lực của người học.

Như vậy, vai trò và nhiệm vụ của giảng viên trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị, đường lối phát triển giáo dục là để đào tạo ra những con người đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong từng giai đoạn.

Người thầy của chế độ mới khác người thầy dưới chế độ thực dân phong kiến. Người so sánh: “Thầy giáo ngày nay không phải như trước, chỉ biết gõ đầu trẻ, miễn là có bài cho học trò học, cuối tháng lĩnh lương vào túi. Bây giờ thầy giáo có trách nhiệm với nhân dân, đào tạo cán bộ ra phục vụ nhân dân” [59, tr. 389]. Đề cao vai trò của người giáo viên cũng là đặt ra yêu cầu cao đối với các thầy, cô giáo. “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc” [56, tr. 400]. Nhiệm vụ của thầy, cô giáo không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy người. Để xứng đáng là người giáo viên xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội, thầy, cô

giáo phải thật sự là tấm gương mẫu mực để người học noi theo. Sự gương mẫu của thầy, cô không phải chỉ giới hạn về đạo đức nhân cách mà còn ở tài năng trong lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp, trên các mặt hoạt động thực tiễn chính trị, xã hội.

Người giảng viên của nền giáo dục dân chủ mới dưới chế độ xã hội chủ nghĩa phải đáp ứng yêu cầu rất cao của xã hội về phẩm chất đạo đức, nhân cách và năng lực, phải là kiểu mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Thầy cô giáo trong chế độ xã hội chủ nghĩa phải “luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội,... tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho” [64, tr. 507]. Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa phải có đạo đức cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thương yêu con người và tinh thần quốc tế thủy chung trong sáng. Nói chuyện với thầy giáo, cô giáo lớp nghiên

cứu chính trị khóa 1 Trường Đại học nhân dân, Hồ Chí Minh căn dặn: “chân lý là cái

gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân tức là phục tùng chân lý” [54, tr. 378]. Người thầy giáo phải đặt Tổ quốc, đặt nhân dân lên trên hết, trước hết và bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện tốt đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, phải kính trọng nhân dân, tin vào sức mạnh của nhân dân.

Người giáo viên phải có lương tâm nghề nghiệp, yêu người, yêu nghề. Người thầy, người cô cần nhất là có cái tâm trong sáng. Cái tâm của thầy, cô giáo là sự thể hiện của tình yêu thương con người. Cái tâm trong sáng được thể hiện ở đạo đức và hành vi hết lòng vì học sinh thân yêu, gần gũi, tôn trọng nhân phẩm người học, tận tâm dạy bảo học trò. Cái tâm trong sáng được thể hiện ở hành động tha thiết với nghề nghiệp, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo để tìm ra cách dạy hay nhất, tốt nhất. Cái tâm trong sáng được thể hiện ở chính lương tâm nghề nghiệp đó là sự công bằng, công tâm đối với học sinh. Không bị sa ngã bởi những cám dỗ vật chất tầm thường. Cái tâm ấy còn được biểu hiện ở sự kiên quyết đấu tranh chống những cái xấu, cái sai trong xã hội, trong chính bản thân mình và trong đồng sự. Theo Hồ Chí Minh, người thầy giáo phải có phẩm chất đạo đức thương yêu học trò, phải quan tâm săn sóc học

trò với một tình cảm sâu nặng như ruột thịt, nhưng tình thương đó phải được xây dựng trên cơ sở dân chủ, kỷ cương và trách nhiệm.

Gắn liền với phẩm chất đạo đức yêu thương học trò là phẩm chất đạo đức thật thà yêu nghề của người giảng viên. Phẩm chất yêu nghề của người thầy, người cô được biểu hiện trước hết là sự gắn bó thiết tha với nghề nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nghề giáo viên là một nghề lao động khó nhọc, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, nhưng không phải là nghề có thu nhập cao. Nếu không tha thiết với nghề nghiệp sẽ bị dao động trước hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, Hồ Chí Minh thường căn dặn những người làm giáo viên nên “yên tâm công tác. Phải hiểu rằng không có công tác gì vẻ vang bằng việc chăm nom bồi dưỡng cho các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, các cô, các chú phải thật thà đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, không nên “đứng núi này trông núi nọ”, muốn thay đổi công tác, kèn cựa vì địa vị” [58, tr. 499].

Thầy, cô giáo phải có trí tuệ và tài năng để làm cho học trò thông suốt và thêm hăng hái. Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của đạo đức, song không tuyệt đối hóa mặt đạo đức, coi nhẹ lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Hăng hái là một dấu hiệu tích cực của đời sống tâm lý con người, và do đó, cũng là dấu hiệu tích cực của đời sống dân chủ trong giáo dục, một dấu hiệu được nhìn ngắm từ phía người học, nhân vật trung tâm của nhà trường. Và điều đó chỉ có được với tài năng, chuyên môn và sự tâm huyết của người thầy. Hiểu được điều đó, Người yêu cầu: “Trong mỗi trường học, các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực” [54, tr.120].

Người giáo viên phải luôn cố gắng học thêm mãi. Thầy giáo, cô giáo phải đại diện cho tinh thần và ý chí tự học, tự rèn. Hồ Chí Minh yêu cầu: “các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến bộ chung, sẽ trở thành lạc hậu”. Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, người đi huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Hơn ai hết, những người làm công tác huấn luyện phải thực hiện khẩu hiệu của V.I. Lênin: “Học, học nữa, học mãi”. “Cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm

được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước” [61, tr. 266].

Thầy giáo phải học mọi lúc, mọi nơi. Giáo viên không chỉ học trong nhà trường mà phải học trong nhân dân, trong xã hội, học trong công việc. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc học trong nhân dân. Đối với người thầy giáo không chỉ học đạo đức trong nhân dân mà còn phải học cả tri thức trong nhân dân, học cách nói của nhân dân, học cách xử lý công việc của nhân dân. Học ở những người xung quanh và học ở chính công việc của bản thân mình. Người giáo viên phải được đào tạo trong nhà trường và tự đào tạo trong thực tiễn, trong cuộc sống. Hồ Chí Minh yêu cầu các thầy giáo phải có kế hoạch và có phương pháp học mọi lúc, mọi nơi.

Đồng thời với việc đặt ra yêu cầu cao cho đội ngũ các nhà giáo, Hồ Chí Minh yêu cầu, Đảng và Nhà nước phải thường xuyên quan tâm đến thầy giáo, cô giáo cả tinh thần lẫn vật chất, và có như vậy mới có cơ sở để thầy, cô giáo sống thật tốt, dạy thật tốt. Để người thầy giáo thật sự xứng đáng với sự tôn vinh của nhân dân và xã hội. Một mặt phải do chính bản thân người thầy tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu, mặt khác, rất cần và phải có sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân, cũng như sự nghiệp trồng người phải được tạo thành từ sức mạnh xã hội chứ không chỉ riêng nhà trường và các thầy cô.

Tóm lại, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người giáo viên của nền giáo dục dân chủ mới là người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa. Người giáo viên luôn được xã hội tôn vinh, vì vậy mỗi thầy cô giáo phải luôn phấn đấu vươn lên để xứng đáng với vinh dự đó. Giáo viên phải có những phẩm chất đạo đức cách mạng, đồng thời phải có các phẩm chất của nhà sư phạm, có năng lực chuyên môn, giỏi nghiệp vụ. Thầy cô giáo phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước. Người thầy giáo phải dành cho trẻ một tình thương lớn như ruột thịt, thì hiệu quả giáo dục càng cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hành dân chủ trong giáo dục ở nhà trường đại học việt nam hiện nay theo tư tưởng hồ chí minh (Trang 31 - 36)