Vai trò và yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hành dân chủ trong giáo dục ở nhà trường đại học việt nam hiện nay theo tư tưởng hồ chí minh (Trang 27 - 31)

7. Bố cục của Luận văn

1.3. Quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ trong quản lý nhà

1.3.2. Vai trò và yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục

hành dân chủ ở nhà trường

Đối với mỗi nhà trường, một lực lượng không thể thiếu để vận hành hoạt động của nhà trường đó là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Nhiệm vụ bao trùm của người lãnh đạo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trong nhà trường là quản lý về nhân sự, quản lý hành chính và tài chính, quản lý chất lượng giáo dục của nhà trường để đạt được mục tiêu giáo dục đề ra. Sự nghiệp giáo dục chỉ có thể thực hiện sứ mệnh của mình nếu hệ thống giáo dục đảm bảo bằng đội ngũ cán bộ quản lý có đủ năng lực, phẩm chất bao gồm: đạo đức, văn hóa, tầm nhìn lý luận, khả năng tác nghiệp và phong cách điều hành khoa học và dân chủ, khả năng truyền đạt.

Để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, người lãnh đạo phải xây dựng được bầu không khí tâm lý lành mạnh, dân chủ. Ban giám hiệu nhà trường và các cá nhân giữ trọng trách lãnh đạo trong trường phải không ngừng đúc kết kinh nghiệm, tìm tòi những biện pháp tối ưu, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ công chức, đoàn kết gắn bó với ý thức phấn đấu vươn lên vì trách nhiệm cá nhân và vì thanh danh của tập thể nhà trường. Muốn vậy, trong mọi hoạt động, người cán bộ

phải có đủ đức, đủ tài, phải vừa hồng, vừa chuyên, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, được quần chúng tin yêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức cách mạng là cái gốc của người cán bộ. Tuy nhiên, theo Người, cán bộ quản lý nhà trường chỉ có “đức” thì chưa đủ, muốn hoàn thành nhiệm vụ, có uy tín cao với quần chúng ngoài phẩm chất đạo đức người cán bộ cần phải có cả “tài” nữa. Tài của người cán bộ được biểu hiện ở trình độ lí luận, năng lực hoạt động thực tiễn, gắn với chuyên môn nghề nghiệp mà người cán bộ đang đảm nhiệm.

Một trong những biện pháp tốt nhất để tác động vào sự phát triển nhà trường chính là thực hành dân chủ. Về vấn đề này, Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Bầu không khí dân chủ trong nhà trường chỉ có thể có được khi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong trường có phong cách lãnh đạo thực sự dân chủ, khoa học. Là những người có trọng trách trong một tập thể, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần rèn luyện phong cách làm việc dân chủ, tập thể.

Thực hành nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” là một yếu tố cơ bản để thực hiện tốt dân chủ trong nhà trường. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Một người dù tài giỏi đến đâu cũng không thể nắm được hết mọi mặt của một vấn đề phức tạp, không thể biết hết được mọi việc trong đơn vị cũng như đời sống xã hội. Cho nên, cần phải có cách làm việc tập thể để phát huy được trí tuệ của tập thể, của đông đảo quần chúng nhằm hoàn thành sự nghiệp của một tập thể, một đơn vị mà riêng một mình cán bộ lãnh đạo, quản lý không làm nổi. Người lãnh đạo thật sự dân chủ, ý kiến của cán bộ được thật sự tôn trọng, thì khối đoàn kết nội bộ được củng cố, những sáng kiến được nảy nở, công việc nhất định sẽ được hoàn thành tốt đẹp.

Người nói: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo” [54, tr. 284]. Càng dân chủ thì càng có nhiều sáng kiến. Sáng kiến chỉ ra đời khi người đó tâm huyết, hăng hái làm việc trong một môi trường dân chủ. Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Lãnh đạo, quản lý không phát huy trí tuệ tập thể, thì sẽ dẫn đến tệ bao biện, độc đoán, chủ quan, chuyên quyền. Tuy nhiên, có ý thức tập thể cao, biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phát huy trí tuệ tập thể, nhưng lại không có tính

quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, thì không thể có những quyết định kịp thời đáp ứng yêu cầu cuộc sống đòi hỏi và công việc cũng không thể tiến triển được. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý các cán bộ lãnh đạo, quản lý rằng: “Không phải vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người vẫn có thể giải quyết được, cũng cứ đưa ra bàn mới là tập thể lãnh đạo. Nếu làm như vậy là hiểu máy móc. Kết quả là cứ khai hội mà hết ngày giờ. Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng mới cần tập thể quyết định” [54, tr. 620]. Và “việc hội họp còn quá nhiều hại đến sức khỏe và lãng phí thời gian của thầy giáo và học trò” [63, tr. 746]. Đặc biệt trong những thời điểm then chốt, khi có thời cơ người lãnh đạo, quản lý phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết đoán.

Phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục đúng đắn là phải kết hợp chặt chẽ giữa cách làm việc dân chủ tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, trước các thành viên nhà trường, kịp thời đưa ra những quyết sách đúng. Những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc dựa dẫm, ỷ lại tập thể, không dám quyết đoán, không nêu cao trách nhiệm cá nhân đều làm trì trệ, suy yếu năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý của người cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên cán bộ, đảng viên nói chung và các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong mọi công tác, phong cách làm việc tốt nhất là phải: “Từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng và làm nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó có đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành. Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt” [54, tr. 330].

Trong mọi công việc ngay từ khi lập kế hoạch và suốt thời gian thực hiện, phải mạnh dạn phát động quần chúng, làm cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ

tập thể. “Quần chúng thật sự có quyền dân chủ và cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu, thì chắc chắn ngăn ngừa được những tệ quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô và cuộc vận động quần chúng quyết tâm thực hiện kế hoạch... cũng nhất định sẽ thắng lợi” [64, tr. 326]. Các cán bộ lãnh đạo, quản lý do không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng, cho nên ý kiến của họ thành ra lý thuyết suông, không hợp với thực tế. Vì vậy, Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ lãnh đạo, quản lý: “Công việc càng gay go thì sự lãnh đạo càng phải liên hệ với quần chúng, càng phải liên hợp chặt chẽ chính sách chung với chỉ đạo riêng” [54, tr. 333], có liên hệ chặt chẽ với quần chúng, với chính sách của cấp trên và với yêu cầu cụ thể của cơ sở thì mới khắc phục được tệ quan liêu trong lề lối làm việc. Có như vậy mới “phá tan được cách lãnh đạo lờ mờ, quan liêu, chủ quan, bàn giấy” [54, tr. 333],. Tóm lại, phải dùng cách “Từ trong quần chúng ra, trở lại với quần chúng”. Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo, quản lý.

Hồ Chí Minh dành nhiều công sức giáo dục cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý phong cách làm việc đi sâu, đi sát quần chúng, mong muốn họ trở thành những người lãnh đạo, quản lý thành công do được quần chúng tin yêu, dân phục, ủng hộ. Người viết: “... Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu” [54, tr.325], trong nhà trường cán bộ lãnh đạo, quản lý không được quan liêu, hách dịch, coi thường quần chúng mà cần phải gần gũi với mọi đối tượng là cán bộ, giáo viên và sinh viên của nhà trường. Họ phải biết đời sống thực, khả năng thực của mỗi đối tượng ra sao? Cần biết được tâm tư, băn khoăn, thắc mắc của quần chúng, để cùng họ kịp thời tháo gỡ.

Bên cạnh việc phát huy phong cách dân chủ, những người lãnh đạo quản lý trong quá trình làm việc cũng việc phải có thái độ thận trọng, biết phân tích, tổng hợp để tìm ra ý kiến đúng, giải pháp đúng, đi dần đến tác phong làm việc khoa học. Hơn nữa, công tác kiểm tra có vai trò quan trọng, là một bộ phận, là một quá trình trong khoa học quản lý: “Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm” [54, tr. 637- 638]. Qua kiểm tra, Người chỉ ra khuyển điểm chung là tham làm nhiều mà không làm chu đáo. “Lớp quá

đông. Đông quá thì dạy và học ít kết quả vì trình độ lý luận của người học chênh lệch, nên thu nhận không đều. Mở lớp lung tung. Vì mở lớp nhiều nên thiếu người giảng. Thiếu người giảng thì học viên đâm chán... Phải hợp lý hóa, nghĩa là mở lớp nào ra lớp ấy. Lựa chọn người dạy và người học cho cẩn thận. Đừng mở lớp lung tung. Tránh bệnh thành tích” [55, tr. 362- 363]. Do vậy, người cán bộ quản lý nhà trường cần phải có phong cách làm việc khoa học, bám sát vào tình hình thực tế của nhà trường và của đất nước để đưa ra những quyết định đúng đắn cho phù hợp với hoàn cảnh của nhà trường, khả năng của người dạy và người học, đáp ứng được nhu cầu của cách mạng.

Tóm lại, trong nhà trường nói chung và nhà trường đại học nói riêng: “nếu ban phụ trách có sáng kiến, có dân chủ thì trường tốt, nếu ban phụ trách lại quan liêu, mệnh lệnh, bớt xén thì trường sẽ không ra gì hết” [62, tr. 438]. Người làm công tác quản lý trường học, hơn ai hết, phải quán triệt điều đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hành dân chủ trong giáo dục ở nhà trường đại học việt nam hiện nay theo tư tưởng hồ chí minh (Trang 27 - 31)