Giọng điệu trung tính khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 93 - 96)

6. Cấu trúc luận văn

3.2. Giọng điệu trần thuật

3.2.2. Giọng điệu trung tính khách quan

Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương và nhiều nhà văn gần đây người đọc dẽ dàng nhận ra đặc điểm này. Không dễ dãi và dẫn dắt người đọc bằng cách để lại dấu ấn chủ quan trong tác phẩm của mình, Nguyễn Bình Phương và các tác giả đương đại đã tạo ra một khoảng cách với thế giới hư cấu họ sáng tạo nên bằng chính giọng điệu khách quan, tính chất trung tính trong ngòi bút - đó là giọng điệu “chỉ cung cấp sự thật mà không kèm theo giọng điệu, không có ngữ điệu, hoặc mang ngữ điệu ước lệ. Lời văn biên bản, thông báo khô khán dường như là lời vô giọng điệu, là chất liệu sống để tạo thành tiếng nói” [3, tr.166].

Việc xây dựng những kết cấu đa tầng, lồng ghép nên ở mỗi tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thường không có sự “thuần nhất”, mà thường có sự kết hợp đa dạng về ngôn từ cũng như giọng điệu. Tuy vậy vẫn có thể thấy giọng điệu khách quan, trung tính, sắc lạnh là giọng điệu chủ đạo của những mạch truyện mang tính hiện thực.

Mạch Chuyện trong Những đứa trẻ chết già đối lập với mạch Vô thanh chính ở ngay trong giọng điệu. Nếu như Vô thanh được kể bằng giọng đầy chiêm nghiệm suy tư để diễn tả nội tâm nhân vật thì ở Chuyện, tự sự tập trung tái hiện sự kiện và hành động, bản chất của con người, những tham sân si bộc lộ trong cuộc tranh giành kho báu cũng như trước những hỉ nộ ái ố của đời sống được thể hiện một cách trần trụi với một giọng điệu khách quan ở cái cách người kể chỉ đơn thuần thực hiện thao tác tường thuật lại những gì đang diễn ra mà không thể hiện bất cứ một thái độ hay cách đánh giá chủ quan nào đó:

“Lão gầm gừ, mặt đỏ găng, bọt sùi trắng hai bên mép như người trúng dại. Lần

đầu tiên trong đời, người ta thấy Trường hấp nổi cáu. Không khí trong gia đình trở nên căng thẳng, chốc chốc lại bùng lên những va chạm dữ dội. Liêm lầm lì hẳn, mặt lúc nào cũng sẵn sàng gây gổ. Một buổi sáng, sau khi Liên trốn ra thị trấn chơi hai ngày trở về, người làng nghe thấy tiếng đập vỡ loảng xoảng, lúc sau, thấy lão Trường hấp lạch bạch lao ra hiên nhà, tóc dựng ngược lên. Lão chỉ thẳng vào mặt con trai, hét lạc cả giọng: - Thằng động đực, đồ chết đâm, chết dầm, ông sẽ cho mày biết tay. Ông sẽ lấy cho mày con vợ nửa điên nửa dại, xem mày có bỏ được thói đòi của nữa hay không. Lão vớ bừa chiếc đôn sứ cạnh lan can cửa, đập đánh choang xuống sân (…) Trước khi chết, mụ vợ Trường hấp cho gọi con trai vào, thều thào điều gì đó rồi nghẹo đầu, mắt trợn ngược, thân hình còm cõi co rúm lại” [31, tr.12-13];

“Quý cụt nhảy xổ vào. Hải chỉ chờ có thế, thốc chân trái lên bụng Quý. Quý văng ra một đoạn. Trong cơn điên cuồng không biết trời đất là gì, Quý quờ tay vớ được cái xiên chuột, hùng hổ giơ lên, đâm mạnh xuống lưng Hải lẹ làng buông Lanh, lăn sang một bên. Một tiếng rú kinh hoàng nổi lên. Hải không nhìn Lanh, mắt hắn rực lửa, nói giễu cợt: - Xong nợ rồi nhé. Thằng cụt” [31, tr.160].

Giọng điệu trung tính cũng là giọng chủ đạo trong tiểu thuyết Ngồi ở mạch truyện tái hiện lại đời sống thường nhật của Khẩn và những con người quanh anh. Tái

hiện lại cuộc sống ở chốn công sở và sinh hoạt với những mối quan hệ phức tạp giữa đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, Nguyễn Bình Phương chọn lối kể “tường thuật”, mọi sự việc, sự kiện, kể cả cái cách sử dụng diễn ngôn trần thuật đặc biệt ở tiểu thuyết này đều góp phần tạo ra cái chất giọng “đều đều”, thiếu cảm xúc, thiếu cái nhìn bình luận, đánh giá mang tính chủ quan:

“Tiếng còi như một làn roi vũ phu quất ngay trước mặt. Người công an từ góc

khuất bước ra chỉ thẳng cây gậy vằn trắng đỏ vào ngực Khẩn. Vượt đèn đỏ, cho kiểm tra giấy tờ, giọng người công an hách dịch. Khẩn lật bật giở ví lấy giấy tờ ra. Minh cấu vào sườn Khẩn ra hiệu. Khẩn hiểu ý kẹp tờ năm mươi nghìn vào giữa bằng và giấy đăng kí đưa cho người công an. Anh ta đón lấy, xem lướt qua rồi trả lại ngay cho Khẩn. Tờ năm mươi nghìn biến mất.” [29, tr.26]

“Sáng. Hùng và Nghĩa chăm chú nghe Nhung kể chuyện vụ giết người xảy ra tối

qua ngay phố mình. Hai thằng choai choai mười bảy, mười tám dùng dao nhọn đâm đứt cuống tim một người đàn ông trung niên ngay trước cửa nhà ông ta. Lý do rất đơn giản: người đàn ông ấy hắt nước bẩn ra đường, vô tình lại hắt vào chân bọn chúng” [29,

tr.144];

Trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thì Thoạt kỳ thủy là tác phẩm duy nhất thuần nhất, đơn nhất một giọng điệu chính là giọng khách quan, trung tính, sắc lạnh. Hiện thực trong Thoạt kỳ thủy tràn ngập bạo lực, tội ác, dục vọng, những bản năng đen tối của con người và Nguyễn Bình Phương đã chọn lối kể “camera”, “máy quay” để tái hiện lại những hiện tượng gai góc và dữ dội của đời sống. Ở đây người đọc bắt gặp lại kiểu hành văn bằng những câu văn ngắn, cụt, ít miêu tả mà chỉ đơn thuần tái hiện những diễn biến của hành động, sự kiện phổ biến trong Chinatown của Thuận. Có thể nói ở những tiểu thuyết này, các nhà văn đã lựa chọn giọng điệu thiên về phản ánh hơn là biểu cảm:

“Tính hết việc khoanh tay nhìn. Ông Điện vốc nước vỗ vỗ vào cổ con lợn. Vỗ đến

ba lần, ông Điện quơ con dao, hô Tính cầm chậu hứng, rồi xọc vụt dao vào cổ lợn. Tính nghe tiếng dao đi sừn sựt. Ông Điện vặn nghiêng dao, tiết phun ra đỏ rực. Tính ngửa cổ ra sau tránh tiết lợn bắn vào thấy mặt ông Điện thản nhiên như không. Tay giữ dao, tay thò xuống, ông Điện khoắng liên tục, tiết vỗ vào chậu óc ách.” [32, tr.23]

“Ông Phước uống nước vối suông, uất khí, về chửi đổng. Bà Liên đang khâu áo

hỏi chửi gì. Ông Phước quát chửi cho sướng mồm, đời toàn quân lừa đảo. Lời qua tiếng lại, hai người quặc nhau. Ông Phước túm vợ, đánh. Tính đứng ngoài, hô: chọc tiết” [32,

tr.48];

“Ông Phước đang tắm cho lợn thì nghe tiếng thét, ngoảnh nhìn, thấy tính cầm

kéo đâm liên tục vào cổ một thằng bé điên. Cả nhà đổ ra can nhưng không kịp. Thằng bé điên ôm yết hầu, máu phun thành tia. Đám nười điên bu quanh reo hò ầm ĩ. Tính chống tay vào hông, ngửa mặt cười ằng ặc” [32, tr.79];

Những mảng hiện thực dữ dội được tái hiện một cách bình thản, cảm xúc của nhân vật cũng như người kể chuyện đã bị xóa bỏ hoàn toàn, “tất cả đã bị tiết chế một cách tối đa, bị ghìm giữ hết sức dưới lớp vỏ ngôn từ gần như vô can và đóng băng”, có thể nói giọng điệu khách quan ở Thoạt kỳ thủy đã trở thành một thứ giọng vô âm sắc, và lối viết của nhà văn ở tiểu thuyết này trở thành lối viết trắng; ở đó người kể chuyện không thể hiện quan điểm, người đọc không được dẫn đường, định hướng bằng giọng điệu, thái độ, cảm xúc mà phải tự khám phá tiểu thuyết bằng chính hiện thực được phản ánh ở góc độ trần trụi nhất, chân thực nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 93 - 96)