C ƢƠN 2 NHỮNG BIỂU HIỆN ỦA SỰ DUNG THÔNG NHO –
2.3. Sự dung thông tam giáo thể hiện trong quan niệm về con ngƣời
2.3.4. Sự dung thông triết lý Nho gia để giải thích giáo lý Phật giáo
Thứ nhất: Dung thông “Luân hồi” của Phật giáo và “lẽ tuần hoàn” của Nho giáo.
Ngô Thì Nhậm luận giải chỗ tương đồng giữa thuyết Luân hồi của nhà Phật và lẽ tuần hoàn mà nhà Nho đề cập đến. Hiểu theo nghĩa gốc của chữ luân hồi và chữ tuần hoàn là: Luân là cái bánh xe, hồi là xoay vòng, cũng như hoàn là cái vòng, tuần là ven theo, vì chúng đều tròn cho nên xoay. Vì là cái bánh xe (luân) cho nên xoay vòng (hồi), cũng như Nho giáo nói tuần hoàn, vì là cái vòng (hoàn) cho nên ven theo (tuần), không phải cái vòng thì không xoay. Trên đời, chẳng cái gì mà chẳng lưu hành, chẳng cái gì mà không vận động. Lưu hành, vận động bắt nguồn ở cái tròn. Tròn là cái thể của trời, nhật, nguyệt, ngũ tinh đều tròn, cho nên chu lưu, vận hành được. “Khổng Tử dạy: Bốn mùa theo nhau, trăm loài sinh trưởng, trời có nói gì đâu”. Đây chính là cái lẽ tuần hoàn của trời đất. Bốn mùa không thay đổi thì công dụng của năm không thể thành được, vạn vật không biến hóa thì phẩm loại không sinh được. Cho nên, kiếp người có sinh hóa, lúc đầu thì thác thai mà sinh, sinh ra rồi lớn lên, lớn lên thì già đi, già đi rồi chết, chết mà tinh thần không mất, lại thụ hình mà sinh, ấy là cái lẽ luân hồi của Phật vậy. Nhưng Hải Lượng thiền sư nói thêm: “Người hữu đạo thì có luân hồi, người vô đạo thì không luân hồi”. Tăng Hải Hòa giải thích rằng: “Người ta có nghèo khó, nghèo khó thì phải cần kiệm, cần kiệm thì trở nên phú quý, phú quý thì sinh ra kiêu xa, kiêu xa thì trở lại nghèo khó. Người hữu đạo, sinh ra làm người, không làm điều ác gì, chăm chăm làm mọi điều thiện, khi chết không rơi vào ma chướng, kiếp trước làm người, kiếp sau cũng làm người; phú quý và vẫn cần kiệm, giữ khỏi cảnh nghèo, ngày nay phú quý, ngày mai lại phú quý, người hữu đạo được luân hồi như thế. Người vô đạo thì kiếp trước làm người, kiếp sau làm súc sinh, luân hồi sao được?” [78; tr.166 - 167]. Do vậy, trong tư tưởng của Ngô Thì Nhậm,
thuyết Luân hồi của Phật giáo và lẽ tuần hoàn của Nho giáo cũng cùng nghĩa như nhau vậy.
Thứ hai: Triết lý Nhân quả, nghiệp báo của Phật giáo được Ngô Thì Nhậm lý giải bằng luận thuyết của Nho giáo.
Ở chương Hoán Thanh, lý luận về nhân quả, nghiệp báo,luân hồi được Ngô Thì Nhậm triển khai và lý giải sâu sắc: “Hải Lượng đại thiền sư nói: Người là người, ma là ma, súc sinh là súc sinh. Đồ đệ bạch với thầy rằng: Phật nói người chết thì làm dê, dê chết thì làm người, là thế nào? Thầy trả lời rằng: Nho nói thấy lợn đội bùn, chở ma một xe, thì nhà ngươi cho đó là ma thật, lợn thật hay sao? Mắt vốn sáng mà hoa, tai vốn tỏ mà ù, mắt hoa thì không có bóng, tai ù thì không có vang” [78; tr.85 - 86]. Hình thức bên ngoài khác nhau của mỗi loài chính là do nghiệp cảm của mỗi loài khác nhau, tức là nhân khác nhau thì quả khác nhau. Nói người là người, ma là ma, súc sinh là súc sinh, chính là nói hình tướng thể hiện. Trong Kinh Dịch (ở quẻ Hỏa Trạch Khuê) có câu: “Thấy lợn đội bùn chở ma một xe”. Câu này được Ngô Thì Nhậm dùng lại để giải thích những thắc mắc về luân hồi, nhân quả theo hướng thực tiễn. Ma với lợn chỉ là hình tướng chúng sinh khác biệt nhau, còn tất cả đều bình đẳng về Phật tính. Người thì không tàng hình được, ma thì không hiện hình được, cầm thú thì không nói tiếng người được. Nhưng Phật nói người chết làm dê, dê chết làm người, là có ý nói rằng người vốn có cái đạo làm người, nhưng mất hết thiên lương (đức tính tốt mà trời phú cho) thì tính người tiêu diệt mà phải đi vào cái đạo của súc sinh. Cho nên kiếp này làm người, nhưng chết đi kiếp sau lại làm súc sinh là do cái nghiệp báo của kiếp này mà thành. Còn dê vốn ở trong đạo của súc sinh, nhưng hé ra một tia sáng trí tuệ thì cái nghiệp căn tự khắc bị chặt đứt mà được đi vào đạo người. Thiện ác, luân hồi là một lối ngụ ngôn giác thế của đạo Phật. Vạn vật có sinh có diệt nhưng về thực chất vốn không sinh không diệt, mà chỉ chuyển từ hình thức
này sang hình thức khác. Nhân sinh quan mang tính nhập thế tích cực rõ nét qua từng quan niệm của ông khi giải thích các khái niệm, phạm trù Phật giáo. Ở đây, Ngô Thì Nhậm giải thích về nghiệp báo, luân hồi của Phật giáo nhưng lại mang ý nghĩa hướng con người tới làm điều thiện, bỏ điều ác, tu tâm dưỡng tính theo quan điểm của Nho giáo để được luân hồi mà làm người, chứ không mang tinh thần thoát ly, giải thoát của Phật giáo. Còn Phật giáo giải thích luân hồi, nghiệp báo là nhằm đưa con người thoát khỏi vòng luân hồi mà trở về với Niết bàn, tịch diệt.
Triết lý nhân quả là một trong những nội dung chủ yếu trong nhân sinh quan của Phật giáo. Khi bàn đến Nhân, Phật giáo cho đây là yếu tố chính, có trước, sản sinh ra cái khác. Nhân ở đây là cái làm khởi lên, tạo ra cái khác. Còn quả chính là những kết quả, là cái có sau, do một hay nhiều nhân mà tạo nên. Nhân nào thì có quả ấy, gieo điều ác thì gặp họa, gieo điều thiện thì nhận phúc. Theo Phật giáo, luật nhân quả chi phối quá trình thác sinh, luân hồi của toàn vũ trụ. Phật đưa ra bốn chân lý “Tứ diệu đế” để giải thích cho luật nhân quả của con người, mục đích cuối cùng là giúp con người tìm ra con đường giải thoát, đưa chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi, đau khổ bất tận. Nhưng khi thiền sinh hỏi về nhân quả và thạc quả, Hải Lượng thiền sư vận dụng cách hiểu thực tế của nhà Nho để trả lời câu hỏi về lý nhân quả của Phật và thạc quả của Nho một cách dung thông như sau: “Đây là chữ quả trong quả nhiên, cũng như nhà Nho nói chữ tất trong chữ tất nhiên. Ví như nhà Nho nói nhà nào tích trữ điều thiện, tất nhà ấy có thừa phúc; nhà nào tích trữ điều bất thiện, tất nhà ấy có thừa tai ương. Quả có cái ấy, thì được cái ấy, đó tức là quả. Còn thạc quả (quả lớn) tức là công quả , phúc quả nói chung. Vì vậy cho nên, phúc không nên hưởng hết, công không nên kể hết, quả không nên ăn hết”. Hòa thượng Hải Âu khẳng định: “ruộng lúa tám gạo dự thì không mọc cỏ gà, tổ chích chòe thì không ấp được loan phượng”. Đó đều là ý nghĩa của chữ nhân
quả. Cho nên người làm điều thiện thì gặp được phúc, trái lại kẻ làm điều bất thiện thì trời lấy họa mà trả lại. Không có chuyện gieo nhân ác mà gặp quả thiện. Nhưng nếu làm thiện mà hưởng hết phúc thì họa sẽ sinh. Sự biến hóa của cái phúc, cái họa ấy được tăng Hải Âu lý giải: “Phúc quá thì sinh tai, lợi quá thì sinh hại. Liễu ngộ được điều ấy thì biết rằng cái phúc không nên hưởng hết: cái được sinh ra ở cái mất, cái sủng sinh ra ở cái nhục,… Sách Nho nói rằng: Đầy thì gây tổn, rằng: Giẫm lên thịnh mãn, nói: Để lại cái phúc còn thừa không hết mà trả cho con cháu. Sách Đạo nói: Làm khe, làm hang, mọi việc đều để lại một chỗ làm lề. Đại Thiền sư nói: Công không nên nhận hết, phúc không nên hưởng hết” là bởi vậy. Những quan niệm trên đây cho ta thấy, không những triết lý nhân quả của Phật giáo được Thiền sư giải thích dung hòa với quan niệm của Nho giáo mà còn bằng tinh thần biện chứng của triết học Lão Trang. Triết lý nhân quả được cụ thể hóa bằng quan niệm về phúc và họa. Phúc là cái đối lập với họa, do nhân thiện, ác mà tạo thành. Phúc, họa là hai mặt đối lập chuyển hóa lẫn nhau. Phúc mà hưởng hết thì họa sinh, có công mà kể ra hết thì lỗi sinh. Khi khẳng định giá trị đạo đức nhân quả báo ứng, con người cần phải tu dưỡng đạo đức, vì sức mạnh của nó có thể tác động cả vũ trụ nhân sinh, tăng Hải Hòa góp phần làm rõ triết lý nhân quả qua hình ảnh của vị tổ Trúc Lâm: “Điếu Ngự Giác Hoàng sang sông đánh tan quân Nguyên, làm vua một nước mà không đoái hoài quyền vị. Dưới một bậc thì có Pháp Loa Thiền sư, đáng được hưởng phúc thanh nhàn, thế mà chăm việc giới hạnh, không tận hưởng phúc thanh nhàn. Các bậc ấy đều có cái công làm sáng tỏ giáo lý mà vẫn để chỗ thừa, không kể hết công mình, đạo cao đức thịnh, đều chưa dễ kịp được. …. Có lẽ ngày nay Trúc Lâm hưng khởi, cũng là cái lý quả nhiên, tất nhiên” [78; tr.172].
Trong giáo lý Phật giáo, triết lý vô thường được diễn tả qua bốn giai đoạn sinh, trụ, dị, diệt của vạn vật. Còn đối với con người, nó được cụ thể hóa
thành quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Đó là quy luật của tự nhiên, là cái Lý của vạn vật không thể thay đổi. Thế nhưng trong Đại chân viên giác thanh, tư tưởng quý sinh của Phật giáo và Nho giáo được Ngô Thì Nhậm nêu trong thanh 16 “Đổng thanh”: “Nho không cho phép người ta coi nhẹ cái chết, Thích cũng không cho phép người ta coi nhẹ cái chết”. Bởi tạo hóa nguyên không đem cái sinh mà cho con người một cách dễ dãi. Con người sinh ra là do tinh khí hội mà thành. “Cho nên thánh nhân cũng không cho phép người ta được chết một cách khinh suất”. Cả Nho giáo, cả Phật giáo đều không cho con người ta được dễ dàng từ bỏ mạng sống của mình. Phật giáo hướng con người tới giải thoát, tới Niết bàn là đưa ra con đường để đập tan u minh, để con người có thể từ bỏ những ham muốn, dục vọng thường ngày trở về với thiên tính chứ không bảo con người ta tìm tới cái chết. Trong thanh dẫn, Ngô Thì Hoành nhận định: “Những người tu tiểu thừa trong đạo Phật tự thiêu trong dàn lửa, ấy là không biết Niết bàn”. Hòa thượng Hải Âu khẳng định thêm: “Sách Nho nói: Chết đúng nơi đúng chốn. Sách Phật nói: sống chết là việc lớn, đều là không cho người ta xem nhẹ cái chết”, “Cho nên Nho mà xem nhẹ cái chết, thì tổn thương cái dũng. Thích mà xem nhẹ cái chết, thì tàn hại cái sinh”. Tăng Hải Âu và tăng Hải Hòa đưa thêm những dẫn chứng trong phần thanh chú để giải thích cho tư tưởng quý sinh mà Ngô Thì Nhậm đã nêu lên trong phần chính văn, là những con người cụ thể của Nho xem nhẹ cái chết mà liều mình không sáng suốt như Tử Lộ người nước Vệ, so với những vị tăng tục ngày nay vô cố mà tự thiêu, đều là kẻ thù của tính mệnh. Bởi “sinh tử là việc trọng đại” cho nên con người ta phải biết coi trọng mạng sống của mình nhưng không vì thế mà ham sống sợ chết, chỉ làm sao cho sống hay chết đều thích đáng với chữ nghĩa, chữ dũng. Tăng Hải Hòa lý giải thêm rằng: “Vì rằng ở trong trời đất, con người là quý, sống hay chết đều có mệnh, cái lòng ham sống sợ chết, ai mà chẳng có, chỉ hỏi ở chỗ nên sống nên chết như thế
nào, để làm cho nghĩa và mệnh hòa hợp với nhau mà thôi”. Tuy nhiên, Phật giáo và Nho giáo quý sinh không chỉ bởi cái thân xác, mà quan trọng hơn là vì cái tinh thần được lưu giữ bởi thân xác. Cho nên chủ trương giữ gìn, quý trọng sinh mệnh cũng chính là để bảo trọng cái chân tướng của mình. Tư tưởng này được Hải Lượng thiền sư khẳng định trong chương Túc Thanh. Ông nói: “Đạo Phật có cái lệ cất giấu xá lợi (xương cốt người chết); đạo Nho nói: Tinh khí cấu tạo ra vạn vật”, bởi vậy cho nên “Thích giới sắc, Nho xa sắc, đều là để bảo trọng tinh thần. Khi chết thì làm lăng, tháp, chùa, miếu, cũng là để nhóm họp tinh thần. Sống thì giữ rất trang trọng, chết thì giữ rất nghiêm túc. Tinh thần cất giấu ở trong thân thể,thân thể là đồng một chất với trời đất, cho nên chẳng dám không giữ gìn”. Hòa thượng Hải Âu lý giải trong phần thanh chú rằng: “Tinh thần không tiêu tan mới giữ được chân tướng của mình. Là Nho, là Thích cái tên tuy khác, nhưng chỗ tinh vi thì chưa hề bất đồng. Cho nên khi còn thì Thích giới sắc, Nho xa sắc, đó là để mà bảo trọng tinh thần”. Tăng Hải Hòa giải thích thêm cho tư tưởng “quý sinh” rằng: “Tinh là cái do đó mà người ta sinh ra; thần là cái mà do đó người ta anh linh. Tinh khí đầy rẫy thì tai mắt chân tay đều đủ, như thế gọi là tinh khí cấu tạo ra vật…. Giữ được cái tinh thì sống, giữ được cái thần thì linh” và “nếu biết giữ gìn trang nghiêm thì được cùng trời đất lâu dài vậy”.
Khi bàn về định mệnh của Nho giáo với tiền kiếp của Phật giáo, Ngô Thì Nhậm cũng cho rằng, chúng có những điều thống nhất: “Nhà Nho nói
Định mệnh, nhà Phật nói Tiền kiếp, Tiền kiếp cũng chẳng qua là cái Định mệnh không dời đổi được. Kẻ nào phú quý mà không bo bo với danh lợi thì kẻ đó là người đã khống chế được Định mệnh. Cao sĩ chế tác Định mệnh, Đại sĩ biến hoá được Tiền kiếp. Biến hoá được Tiền kiếp cho nên thành Phật”. Xét nguyên nghĩa định mệnh theo quan niệm của Nho giáo cho rằng, mỗi con người đều có một số mệnh do quá khứ an bài và xếp đặt. Định mệnh là thứ đã
quyết định, không thể thay đổi. Con người không thể cưỡng lại với số mệnh được. Một người tốt theo quan niệm của Nho giáo là tuân thủ theo số phận: “Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử dã” (không biết mệnh không thể là người quân tử được). Nho giáo mà ngay cả Khổng Tử và học trò của ông đề cao tính “an phận thủ thường”; “Từ sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên” (Sống chết có số phận, giàu là do trời định). Và con người do đã tin vào mệnh thì phải biết sợ mệnh và trong suy nghĩ, hành động phải thuận theo mệnh. Trong Nho giáo, định mệnh luận cũng gần nghĩa với thuyết thiên mệnh. Thiên mệnh là Thiên đạo, tức đạo Trời, mệnh Trời. Theo đó, Trời quy định cho mỗi cá nhân một số mệnh. Con người không thể ngược lại, chống lại mệnh Trời. Do đề cao ý trời (thiên mệnh) nên trong quan niệm của mình, Nho giáo cho rằng, mọi cố gắng của con người không ngoài ý Trời. Còn tiền kiếp trong quan niệm của Phật giáo cho rằng, con người hiện hữu và tồn tại với các đặc tính khác nhau là kết quả được tạo tác bởi chính hành động họ trong quá khứ kiếp trước và cả trong hiện tại kiếp này. Nhưng tiền kiếp của Phật giáo không phải là Định mệnh hay Số mệnh như trong quan niệm của Nho giáo. Điểm khác nhau cơ bản giữa tiền kiếp và định mệnh ở chỗ, số phận con người kiếp này do chính con người tác tạo từ kiếp trước mà thành, có tính chất duyên sinh, bất định tính và vô ngã nên số phận của con người ở kiếp này vẫn có thể chuyển hoá được. Do đó, con người có thể thay đổi, chuyển hoá số mệnh của chính mình từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện hoặc ngược lại.
Tuy nhiên, trong chương Trác Thanh này, Ngô Thì Nhậm đã dung hòa thuyết định mệnh của Nho giáo với quan niệm về tiền kiếp của Phật giáo, cho chúng cùng thống nhất ở chỗ, con người có khả năng chế tác, thay đổi được định mệnh, số phận của mình. Ở đây quan niệm Nho giáo mang tính chất tiêu cực, thụ động, cứng nhắc và triệt tiêu mọi nỗ lực cải tạo, hướng thiện của con người được Ngô Thì Nhậm vượt qua mà thay vào đó là tư tưởng đề cao con
người, đề cao ý người. Khác với Nho giáo, Hải Lượng thiền sư phủ nhận sự sắp đặt của ý trời, ông đặt niềm tin vào khả năng làm chủ vận mệnh, làm chủ