Nước mắt – nỗi đau khổ và sự thanh lọc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngôn ngữ cử chỉ trong tiểu thuyết anh em nhà caramozov của dostoevski (Trang 68 - 74)

Chương 3 : CỬ CHỈ NHƯ LÀ BIỂU TƯỢNG

3.2. Cụm cử chỉ mang tính biểu tượng trong tác phẩm Anh em nhà

3.2.1. Nước mắt – nỗi đau khổ và sự thanh lọc

Trong Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, nước mắt được hiểu:

“Là cái giọt sẽ tan đi, sẽ biến thành hơi, sau khi đã làm chứng: một biểu tượng của nỗi đau và sự can thiệp giúp đỡ” [5, tr. 717].

Trong những tác phẩm của Dostoevski, nước mắt đã xuất hiện với một

tần số không nhỏ, Anh em nhà Caramazov cũng không ngoại lệ. Chúng tôi gọi đó là những giọt nước mắt của nỗi đau khổ và sự thanh lọc.

Trong gia đình Caramazov, Fiodor và Xmerdiacov không phải không có lúc nhỏ những giọt nước mắt, nhưng khó có thể kết luận đó là những giọt nước mắt của sự đau khổ, dày vò mang ý nghĩa thanh lọc. Nước mắt của Fiodor dù

có nức nở trong điệu bộ “khóc rưng rức” thì ta cũng chỉ thấy ở đó sự kệch kỡm của thói bông đùa hợm hĩnh. Xmerdiacov có “khóc thút thít” khi bị Ivan thụi

một quả đấm khá mạnh trong buổi gặp lần thứ hai sau án mạng thì những giọt nước mắt cá sấu kia cũng không thể thanh lọc được tâm hồn y. Đấy là những giọt nước vắt ra từ nỗi run sợ yếu đuối, đớn hèn, mạt hạng của cái xấu và cái ác. Đây không phải là những giọt nước mắt mà chúng tôi muốn đề cập đến.

Hình ảnh biểu tượng của nỗi đau khổ và sự thanh lọc mà chúng tôi muốn nói ở đây, đầu tiên, phải kể đến những giọt nước mắt chất chứa nỗi đau thuần nhất, nỗi đau của một con người có trái tim đa cảm - Aliosa. Nghe Fiodor kể câu chuyện về người mẹ ngộ dại của mình khi y xúc phạm đức tin của vợ, Aliosa đã có một loạt những biểu hiện cử chỉ đặc biệt:

“Ngay từ lúc ông ta bắt đầu nói về mẹ anh, mặt Aliosa dần dần biến sắc, đỏ bừng lên, mắt nảy lửa, môi run run … (…), Aliosa ngồi bên bàn bỗng đứng bật dậy hệt như mẹ anh trong câu chuyện bố kể, đập hai tay vào nhau rồi đưa hai tay bưng mặt, đổ dụi xuống ghế, toàn thân run bần bật trong cơn thần kinh, nước mắt đau khổ cứ lặng lẽ trào ra” [8, tr. 214].

Nỗi đau bị xúc phạm đức tin của người mẹ đã một lần nữa tái hiện trong những giọt nước mắt của Aliosa. Aliosa đau khổ cho người mẹ đã khuất, đau khổ cho người cha bất kính, và đau khổ cho chính đức tin bị trà đạp. Cũng bằng chính những giọt nước mắt đau khổ ấy, anh như thể nguyện cầu trong sám hối cho những tội lỗi mà người cha đáng tủi hổ của mình gây ra.

Chàng tập tu Aliosa còn trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần lớn lao trước sự ra đi mãi mãi của người thầy vĩ đại là trưởng lão Zoxima. Lần gặp

cuối cùng với trưởng lão trước khi người qua đời, Aliosa đã “đến gần, rạp

đầu chào sát đất và bật khóc. Tim anh như nứt vỡ, tâm hồn run rẩy chỉ chực nức lên” [8, tr. 437]. Rồi thời khắc bi thương nhất cũng đến, Aliosa chứng

kiến sự ra đi của trưởng lão trong một tâm trạng thực sự đớn đau: “hai tay

bưng mặt khóc không thành tiếng, nhưng hết sức đau xót, toàn thân rung lên theo từng cơn nức nở” [8, tr. 506]. Tưởng như không còn điều gì đớn đau hơn

những giọt nước mắt của Aliosa. Nhưng đồng thời đây cũng lại là nỗi đau đớn cuối cùng mà khi đón nhận nó, Aliosa tưởng chừng có thể yếu lòng gục ngã. Đây là những giọt nước mắt vừa khắc sâu nỗi buồn đau mất mát, vừa mang lại điều gì như khoả lấp nỗi niềm, xoa dịu thương đau và phần nào tạo nguồn sức mạnh cho nhân vật trước khi đối diện với những vết thương mới của cuộc đời.

Trên những bước đi đầu tiên của cuộc đời trần tục, một lần nữa Aliosa trải qua nỗi đau khổ mất mát lớn lao trước cái chết của người cha và nghi án xung quanh những thành viên còn lại trong gia đình mình. Nhưng lúc này đây, khi kinh qua nỗi đau khổ tưởng chừng không thể chịu nổi trước sự ra đi của trưởng lão Zoxima, vượt qua được những yếu đuối của một trái tim giàu lòng thương cảm, Aliosa đối diện với bức tranh gia đình tan nát của mình một cách khá bình tĩnh và chín chắn. Nỗi đau của anh không đơn thuần trong trạng thái xúc cảm mất mát thương đau mà nỗi đau ấy trưởng thành cùng với sự đồng cảm trước nỗi niềm bi đát của những người đang sống. Thấu hiểu được

“cái vực thẳm của nỗi đau xót và thất vọng không lối thoát trong tâm hồn

người anh của anh (Mitia)” [8, tr. 907], nỗi đau đã khiến Aliosa “nước mắt chan hòa” bởi “sự đồng cảm sâu sắc, vô lượng bỗng tức thời xâm chiếm và hành hạ anh. Trái tim bị đâm xuyên của anh đau kinh khủng” [8, tr. 907].

Aliosa là người duy nhất còn tỉnh táo trong biến cố gia đình mình. Anh nhìn nhận nỗi đau, sự trải nghiệm đau khổ và thấy cả được những tia sáng thiên lương trong tâm hồn những người anh mình một cách sâu sắc và thấm thía. Đối với Ivan, anh cũng nhìn ra được:

“(…) những giày vò về một quyết định kiêu hãnh, lương tâm sâu sắc!

Chúa trời mà Ivan không tin quả thực đã chinh phục trái tim vẫn chưa chịu phục tùng (…). Anh ấy sẽ vươn lên trong ánh sáng của sự thật, hoặc…sẽ chết trong căm thù, tự trả thù mình và tất cả những kẻ khác anh đã phục vụ điều mà anh không tin” [8, tr. 992].

Lúc này đây, dù chua xót cho sự bi đát của những người anh, nhưng

niềm tin đã khiến Aliosa có thể “lặng lẽ mỉm cười” và cầu nguyện. Và rất có

thể, như Dimit’ri nói, có điều gì đó kéo anh lại trong giây phút thú tính giục giã anh giết cha mình, điều đó phải chăng là những giọt nước mắt trong nguyện cầu thiêng liêng của người mẹ Aliosa trong quá khứ hay của chính Aliosa trong hiện tại. Những giọt nước mắt lăn trên má Aliosa là những giọt

lệ của nỗi đau nhân thế đồng thời mang trong nó sự thanh lọc thánh thiện nhất. Nó không chỉ khiến tâm hồn Aliosa thêm sáng trong hơn với lòng nhân ái bao dung, nó còn khiến cho người ta có thể tin tưởng hơn vào những điều tốt đẹp của cuộc đời.

Nếu như Aliosa mang lấy trong mình nỗi đau khổ thuần nhất, nỗi đau của một trái tim đa cảm thì hai người anh trai của chàng mỗi người lại mang lấy cho mình một nỗi đau mang hình hài và tâm sự khắc khổ khác nhau.

Nỗi đau khổ đến với Dimit’ri khi lòng kiêu hãnh thách thức tiếng gọi trái tim trong giây phút chàng đấm tay vào ngực mình trỏ cái túi tiền lấy của người yêu cũ mà chàng đã tiêu mất một nửa vào cuộc tình mới. Dimit’ri gào thét trong đau khổ khi cùng quẫn không kiếm ra tiền để vừa giữ được danh dự, vừa giữ được cô nàng trong mộng – Grusenca. Sự quẫn bức tăng lên khi chàng dã tâm tìm đến người cha với âm mưu giết người và cướp số tiền ông

đang lén lút cất giữ để dụ dỗ “con bồ câu bé nhỏ” – cũng chính là người trong

mộng của Dimit’ri. Nhưng thiên lương đã kìm chân chàng lại, chỉ có giây phút bị lão quản gia phát hiện, vì tự vệ nên chàng gây đổ máu. Ám ảnh tội lỗi đã đem đến cho chàng nỗi đau khổ dằn vặt ghê gớm và nó buột phát ra ngoài qua những giọt nước mắt. Bắt đầu là những giọt nước mắt ngay khi Dimit’ri gặp Grusenca và mọi người sau cuộc đổ máu:

“Đột nhiên, bất ngờ cho tất cả mọi người, và cố nhiên chính chàng cũng không ngờ, chàng gieo mình xuống ghế và nước mắt tuôn trào, quay đầu về phía tường đối diện, hai tay giữ chặt thành ghế, như ôm lấy nó (…)

- Tôi…tôi không khóc. Mà thôi, xin chào! – Chàng quay phắt lại trên ghế và bỗng bật cười, nhưng không phải là tiếng cười khô khan, ngặt nghẽo của chàng, mà là cười một thôi dài, không thành tiếng, nóng nảy và rung động. Kể từ đó, chàng cười với tất thảy mọi người” [8, tr. 640].

Sau một quãng thời gian sống trong khủng hoảng, cuống cuồng vì không xoay được ra tiền và không làm sao giữ chặt được Grusenca cho đến khi bi

kịch được đẩy lên đỉnh điểm tại cuộc đổ máu, lúc này đây Dimit’ri mới nhỏ được những giọt nước mắt đầu tiên, những giọt xúc cảm mà bấy lâu chàng kìm lại trong lòng. Nhưng trớ trêu thay, ngay lập tức, những giọt nước mắt kia lại bị đẩy vào đâu đó thật sâu trong tâm khảm khi chàng buột ra những tràng cười ngặt nghẽo. Nỗi đau nén lại trong cái cười kia càng làm cho sự đau khổ trở nên thê thảm, cùng quẫn. Ta đã từng bắt gặp cái cười đau khổ ấy ở Raskolnicov. Đó là nỗi đau khổ của sự dằn vặt lương tâm sâu sắc.

Rồi Dimit’ri lại tiếp tục đau khổ khi bị kết án oan, không thể thanh minh, con người trẻ tuổi đầy kiêu hãnh và tự trọng ấy gào thét và khóc nức lên trong cuộc xử án. Những giọt nước mắt của Dimit’ri trào dâng khi nỗi đau khổ lên đến đỉnh điểm, và cũng chính nó đem đến cho chàng một điều gì đó như là sự giải thoát khỏi cơn cùng quẫn. Vỡ oà trong tiếng khóc ấy, chàng như được thoả lòng bung tràn xúc cảm. Cuối cùng vượt qua được nỗi oan ức, Dimit’ri

đã lựa chọn cho mình một hình thức đau khổ khác, đó là nỗi “đau khổ tuẫn

đạo” khi anh chấp nhận tù ngục để dọn mình thanh sạch. Tại khoảnh khắc

Grusenca vào thăm Mitia trong ngục, nghe Mitia nói về giấc mơ của anh, hai con người ấy đã chia sẻ với nhau những giọt nước mắt:

“Tôi chỉ khóc ròng khi anh ấy nói, bởi vì anh ấy nói rất hay, chính anh khóc, làm tôi cũng khóc, rồi anh ấy bỗng hôn tôi và giơ tay làm dấu thánh”. Thế là thế nào, Aliosa, hãy nói cho tôi biết đấy là “đứa trẻ” nào?” [8, tr. 863].

Những giọt nước mắt kia làm lắng lại nỗi đau, kéo trầm lại những ngông cuồng của một cá tính quẫy đạp phá bĩnh trong Dimit’ri và đưa Dimit’ri tới gần đức tin chân chính của người Nga.

Trong Đi tìm tính cách Nga, B.P.Vicheslavtrev nhận định rằng

Dostoevski đã tiếp tục chủ đề sợ đau khổ của người Nga. Quả thật, không khí chung trong phần lớn những tác phẩm của Dostoevski ở những cấp độ khác nhau đều nhuốm màu đau khổ. Và những giọt nước mắt gắn với nỗi đau của nhân vật cũng chính là những giọt nước mắt làm dịu đi sự đau đớn, hướng

nhân vật đến thiên lương. Kinh qua nỗi khổ đau và thanh lọc bởi chính sự khổ đau ấy bằng những giọt nước mắt, nhân vật của Dostoevski tịnh tiến dần đến với tình yêu thương và sự phục sinh lý tưởng. Những giọt nước mắt trong tác phẩm của Dostoevski vừa là hình ảnh của nỗi đau khổ, đồng thời cũng là những giọt nước mắt tẩy rửa sự u ám và thanh lọc tâm hồn con người.

Nếu như Aliosa và ngay cả Dimit’ri dù chịu những nỗi đau khổ quá lớn nhưng họ vẫn còn có thể nhỏ những giọt nước mắt nức nở thì Ivan của chúng ta mang một khối đau khổ vô cùng tận lại không một lần nào rơi lệ, anh ôm trọn khối nội tâm cùng quẫn không sao giải tỏa được. Tác giả để cho khối đau khổ của Ivan đặc quánh lại và xiết chặt lấy tâm can chàng khiến con người ấy run rẩy trong co quắp đối thoại với chính mình. Nỗi đau không thể giải toả, sự khủng hoảng không tìm được lối thoát khi thiếu những giọt nước mắt thanh lọc, Ivan trở nên điên dại.

Tóm lại, nói đến nỗi đau khổ, muôn đời người ta gắn nó với những giọt nước mắt, Dostoevski cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Kể từ lúc nhà văn bắt tay vào nghiệp viết với những tác phẩm lãng mạn đầu tiên, nỗi buồn đau của nhân vật đã bắt đầu xuất hiện ở dạng sơ khởi gắn với cái trầm buồn man mác của những giọt nước mắt. Rồi từ đó, nỗi buồn cứ thế đẩy cao hơn, sâu hơn, người ta không thể khóc mà thay bằng cái cười nghiệt ngã nhất, cho đến

cuốn tiểu thuyết cuối cùng Anh em nhà Caramazov thì nỗi đau của những

nhân cách còn lương tri và lòng trắc ẩn của tuyến nhân vật chính cũng đã mang cho mình mỗi người một vẻ nhưng đều được đẩy lên đến tận cùng.

Nguyễn Kim Đính khi viết về Dostoevski trong cuốn Lịch sử văn học Nga có

trích lại lời nhận định của Macxim Gorki:

“Cần phải xuất hiện một con người thể hiện được trong tâm hồn mình kí ức về tất cả những đau khổ của con người và phản ánh được cái kí ức khủng khiếp đó – con người đó là Dostoevski” [15, tr. 355].

Dostoevski đã từng bước vẽ ra bức tranh kinh hoàng về nỗi đau khổ của con người bắt đầu từ những giọt nước mắt. Nhưng cuối cùng chính ông lại hoàn thiện bức tranh ấy bằng nỗi đau không thể giải toả được bằng nước mắt khiến khối đau khổ của Ivan trở nên ám ảnh khôn nguôi. Khi nghịch cảnh thiện – ác vẫn chưa có lời phán quyết cuối cùng trong cuộc sống phi lý này, những giọt nước mắt của nỗi đau và sự thanh lọc là điều không thể thiếu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngôn ngữ cử chỉ trong tiểu thuyết anh em nhà caramozov của dostoevski (Trang 68 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)