Tổ chức và hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đoàn thanh niên cộng sản hồ chí minh với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh thiếu niên từ thực tiễn tỉnh hà tĩnh (Trang 39 - 43)

1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

1.3.1. Tổ chức và hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

1.3.1.1 Tổ chức bộ máy, lực lượng cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Theo báo cáo của Đại hội toàn quốc lần thứ IX, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2012) thì cả nước hiện có hơn 7 triệu đoàn viên và hơn 25 triệu thanh niên. Được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ:

- Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn do bầu cử lập ra, thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

- Cơ quan lãnh đạo cao nhất là Đại hội Đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở mỗi cấp là Đại hội Đại biểu hoặc Đại hội Đoàn viên ở cấp đó. Giữa hai kỳ Đại hội cơ quan lãnh đạo là Ban Chấp hành do Đại hội Đoàn cùng cấp bầu ra. Giữa 2 kỳ họp Ban Chấp hành, cơ quan lãnh đạo là Ban Thường vụ do Ban chấp hành cùng cấp bầu ra.

- Nghị quyết của Đoàn phải được chấp hành nghiêm chỉnh, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức.

- Trước khi quyết định các công việc và biểu quyết nghị quyết của Đoàn, các thành viên đều được cung cấp thông tin và phát biểu ý kiến của mình, ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên Đoàn cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết hiện hành.

- Đại hội, hội nghị của các cơ quan lãnh đạo của Đoàn chỉ có giá trị khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên được triệu tập tham dự. Trường hợp thành viên được triệu tập theo cơ chế đại biểu thì phải có ít nhất hai phần ba (2/3) số đại biểu và thay mặt cho ít nhất hai phần ba (2/3) số tổ chức Đoàn trực thuộc tham dự. Quyết định của đại hội, hội nghị chỉ có giá trị khi được sự đồng ý của trên một phần hai (1/2) số thành viên có mặt [50].

Hệ thống tổ chức của Đoàn được tổ chức thành 4 cấp từ Trung ương xuống cơ sở, cụ thể:

- Cấp cơ sở gồm Đoàn cơ sở và Chi đoàn cơ sở; - Cấp Huyện và tương đương;

- Cấp Tỉnh và tương đương; - Cấp Trung ương.

1.3.1.2. Các phong trào của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Các phong trào lớn của tổ chức Đoàn có vai trò nhất định và gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước, cụ thể đó là:

- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I (tháng 2/1950) đã phát động phong trào “Tòng quân giết giặc lập công”;

- Từ sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II (tháng 11/1956) tuổi trẻ miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới;

- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (tháng 3/1961) đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”

- Tháng 8/1964, đế quốc Mĩ đã leo thang gây chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc, phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Tháng 2 năm 1965 đại hội Đoàn thanh niên miền Nam đã phát động phong trào “Năm xung phong”, sau một thời gian ngắn có hàng vạn đoàn viên thanh niên tham gia phong trào này.

- Sau ngày thống nhất đất nước (1975) hàng triệu lượt đoàn viên thanh niên tham gia phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể”; “Thanh niên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” và hành quân theo chân Bác”. Tháng 11/1978, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V đã phát động phong trào “Tuổi trẻ xung kích sáng tạo xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

- Năm 1993, hai phong trào lớn “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” do Hội nghị lần thứ 2 BCH Trung ương Đoàn (khóa VI) thông qua đã được Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII (1997) quyết định tiếp tục phát triển và nâng lên một tầng cao mới. Năm 2000 đã được Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định là “Năm thanh niên”. Từ thời điểm này “Phong trào thanh niên tình nguyện” có bước phát triển mới, đi vào thực tiễn, được đông đảo các cấp cán bộ Đoàn và đoàn viên thanh niên tham gia hưởng ứng nhiệt tình.

- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII (12/2002) đã phát động phong trào lớn “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Các cuộc vận động phong trào mới được triển khai như “Sáng tạo trẻ”; “Bốn mới” (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới), “Cán bộ công chức trẻ với cải cách hành chính”, “Học tập tốt, rèn luyện tốt”… Đặc biệt, đợt sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ Việt Nam với tư tưởng Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đợt sinh hoạt chính trị “Tiếp lửa truyền thống – Mãi mãi tuổi hai mươi”; diễn đàn “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích”; cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” đã tạo nên sự chuyển biến trong cả nhận thức và hành động của đông đảo đoàn viên, thanh niên.

- Trong nhiệm kỳ 2007 – 2012, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trương triển khai thực hiện phong trào “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, góp phần chăm lo lợi ích chính đáng của thanh niên, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng của thanh niên và huy động các nguồn lực xã hội góp phần định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên và phong trào “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, vừa phát huy mạnh mẽ tiềm năng của thanh niên, vừa tạo môi trường giáo dục, rèn luyện cho thanh niên, vì sự phát triển của thanh niên, của cộng đồng và đất nước.

- Nhiệm kỳ 2012 – 2017, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục tiển khai 02 phong trào “Xung kích tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp” tuỳ vào điều kiện hoàn cảnh của từng vùng miền, địa phương mà chọn nội dung, hoạt động phù hợp để phát huy tối đa năng lực, nhiệt huyết của thanh niên.

02 phong trào lớn hiện nay của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là “Xung kích tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp”, cụ thể như sau:

Phong trào “Xung kích tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc” bao gồm nội dung:

+ Xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội. + Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

+ Xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

+ Xung kích thực hiện cải cách hành chính + Xung kích trong hội nhập kinh tế, quốc tế

Phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” bao gồm nội dung:

+ Đồng hành với thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ.

+ Đồng hành với thanh niên trong hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm.

+ Đồng hành với thanh niên trong nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa tinh thần.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đoàn thanh niên cộng sản hồ chí minh với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh thiếu niên từ thực tiễn tỉnh hà tĩnh (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)