Con người khỏe mạnh, có lòng bao dung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống nhân vật nữ trong âm thanh và cuồng nộ, nắng tháng tám, thánh địa tội ác của w faulkner từ góc nhìn phân tâm học (Trang 25 - 29)

5. Bố cục luận văn

1.1. Disley – Hình ảnh của những thân phận nô lệ đáng trân trọng

1.1.1 Con người khỏe mạnh, có lòng bao dung

Nếu như xã hội Mỹ với những cái nhìn định kiến về phân biệt chủng tộc, coi thường những ai mang dòng máu da đen (những người gốc Phi) vì thân phận nô lệ của họ; thì đến với Faulkner, người đọc sẽ cảm nhận được cái nhìn đầy tính nhân văn của ông. Trong tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ, nhà văn đã dựng lên bức chân dung nhân vật bà vú già da đen Disley trong gia đình

quý tộc Compson với tấm lòng bao dung vô bờ bến. Bà Disley đã trở thành chỗ dựa tinh thần, luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay của mình cho mọi thành viên trong ngôi nhà ấy, bất kể họ là những cậu chủ, cô chủ mang màu da trắng hay những người con, người cháu của bà.

Hình ảnh bà vú già bị mài mòn bởi năm tháng hiện lên đầy chân thực: “Chiếc áo rủ xuống buồn thảm từ vai đến bộ ngực chảy nhẽo, bó lại phía sau bụng, rồi lại rũ xuống trên những váy lót mà bà sẽ cởi bỏ từng lớp khi mùa xuân tới hẳn với màu sắc vương giả và suy tàn. Trước kia bà là một phụ nữ to lớn, nhưng giờ đây khung xương đã nhô lên dưới lớp da bùng nhùng, tuy nhiên, lớp da này thít lại trên cái bụng gần như phù thủng, như thể cơ và mô một thời từng là can đảm và chịu đựng đã bị năm tháng gặm mòn cho đến khi chỉ còn bộ xương bất khuất trồi lên như một tàn tích hay một cột mốc dựng trên can trường và đờ đẫn, và trên nữa là khuôn mặt sụp xuống, khiến người ta có cảm tưởng như xương ở ngoài da, gương mặt ngước lên đón một ngày cuồn cuộn với vẻ vừa an phận vừa như một đứa trẻ thất vọng ngỡ ngàng” [6, tr. 343].

Với Disley, chỉ có hành động mới gặt đƣợc kết quả, chỉ kết quả mới lay chuyển được cuộc sống và chỉ cuộc sống tốt đẹp mới nuôi dưỡng vun đầy tâm hồn. Và đặc biệt, tình yêu thương đâu cần phải là những gì đó lớn lao, phải phô trương hay khoe mẽ. Những thứ tốt đẹp nhất trong cuộc sống này vẫn luôn là những thứ lặng im, đơn giản. Disley vẫn lặng thầm mang tình yêu thương, lòng bao dung vô bờ trải rộng khắp căn nhà, trải dài cho cả ba thế hệ những con người quý tộc mà bà giúp việc tại đó. Dilsey đã chăm sóc lũ trẻ nhà Compson khi mẹ chúng luôn sống trong cảnh ốm đau, bệnh tật, cha của chúng ngập chìm trong men rượu.

Đối với Benjamin hay Benjy, đứa con điên dại của đại gia đình Compson, Disley đã giúp người đọc cảm nhận được tình mẫu tử bao dung,

chở che của bà đối với nhân vật đáng thương này – thứ tình cảm trân quý ngay cả người mẹ đẻ của anh ta cũng không thể mang lại. Bà luôn dỗ dàng anh với những cử chỉ âu yêu không phai mòn theo năm tháng dù anh là một đứa trẻ hay là một người đàn ông to lớn mang tâm hồn của một đứa trẻ lên ba. Bà vẫn chăm Benjy từng miếng cơm, từng tấm áo, không quên làm bánh sinh nhật cho anh, lo anh bị bỏng tay mà đau đớn…

Và đặc biệt, nếu như mẹ của Benjy – bà Compson là cho rằng Benjy là một sự trừng phạt với mình, thì Disley vẫn luôn có cái nhìn thiện cảm về nhân vật này. Bà dỗ dành Benjy nín khóc đầy thân thương với tấm lòng bao dung mà người đọc chưa từng thấy một lần nào người mẹ ruột của anh làm điều này. Khi Quentin, con gái của Caddy sau khi cạy cửa sổ phòng người cậu Jackson của mình, lấy trộm tiền và bỏ đi, Benjy đã không ngừng khóc. Nếu mẹ cậu chỉ biết bỏ đi một mình về phòng nghỉ thì Disley “xoa đầu Ben, đều đều chậm chậm vuốt mớ tóc trước trán hắn. Ben khóc lặng lẽ và chậm rãi. “Nín đi”, Disley nói. “Nào nín ngay. Mình đi ngay bây giờ đây. Nín ngay!”. Hắn vẫn rền rĩ từng đợt âm thầm” [6, tr. 371]…

Hay với người con trai lớn của gia đình Comspon, Quentin có làm những điều dại dột như treo bàn là vào chân, gieo mình tự tử thì bà vú già cũng không bao giờ nặng lời khi nói về anh chàng, không trách móc hay oán thán về hành động đầy cực đoan này.

Sự bao dung của Disley không chỉ dành cho đứa con điên dại của dòng họ này, mà còn dành cho Caddy hay đứa con gái bé bỏng của cô – những kẻ mà đại gia đình Compson coi là sự ô nhục. Bà vú già luôn dang rộng vòng tay để chăm sóc và chở che cho họ. Ở đây vang lên một thanh âm của tình yêu thương vô bờ bến của người vú già da đen đối với lũ trẻ da trắng.

Khi cả gia đình quay lưng với cô con gái duy nhất, coi Caddy là một con điếm làm mất mặt dòng họ, là vết nhơ của cả gia đình… thì đối với Disley,

Caddy vẫn mãi là cô chủ nhỏ với những hình dung tốt đẹp. Caddy sai lầm nhưng bà không thấy quay lưng lại với cô, đẩy cô đi xa mà sẵn sàng tha thứ cho những quyết định bồng bột của tuổi trẻ.

Dù cho bà Caroline – mẹ của Caddy cấm mọi người nhắc về đứa con gái của mình, đau khổ khi phải nhận nuôi đứa cháu gái không cha mà chẳng có tiền phụ cấp từ người chồng chính thức của cô con gái; hay người con trai út đầy bảo thủ và toan tính Jason cấm cửa chị gái Caddy không cho về gặp con gái để nhằm moi tiền từ người chị mình… thì Disley vẫn không ngần ngại mở cửa nhà đón chào Caddy về nhà. Người phụ nữ luôn bị gọi là “đồ mọi đen”, đồ ăn bám… ấy đã dùng tấm lòng bao dung của một người mẹ, rộng lượng sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm khờ dại của những đứa con thơ – những cậu ấm, cô chiêu màu da trắng mà bà phục vụ. Jason đã dọa Disley Caddy bị hủi và “lấy Kinh Thánh ra đọc đoạn có người bị thối rụng chân tay ra sao” [6, tr. 272] thì bà vẫn để Caddy được làm người mẹ thực sự, được gặp con gái, được cưng nựng nó dù ngắn ngủi đến đâu. Bởi bà hiểu: tình mẫu tử quan trọng như thế nào.

Ngay cả khi bị chính đứa trẻ mình chăm sóc bấy lâu rủa xả mình là “Đồ mọi đen già” [6, tr. 246], Disley vẫn ra sức bảo vệ Quentin – cô con gái nhỏ của Caddy. Ngay từ khi ông chủ gia đình Compson bế đứa cháu nhỏ đầy đáng thương về nhà, người bà ngoại đã chán nản muốn từ bỏ. Người phụ nữ da đen đã thẳng thắn nói rằng: “Ai sẽ nuôi nó ngoài tôi? Chả phải một tay tôi nuôi các cô các cậu hết người này đến người kia đấy sao?” [6, tr. 262]… Đến khi cô bé đã 17 tuổi, cái tuổi trăng rằm đẹp nhất ấy, nó cũng phản kháng, nổi loạn như người mẹ của mình, Disley vẫn thấu hiểu cô bé. Người cậu Jason mờ mắt vì tiền sẵn sàng bòn rút chút tài sản mà chị gái để dành cho con, trút mọi nỗi bực dọc lên đầu cháu gái thơ dại, dẫn đến những hành động đầy nổi loạn của cô bé sau này. Khi Jason muốn đánh đập Quentin, với tấm lòng thương yêu cô

bé da trắng tội nghiệp, dù “đã quá già rồi chẳng còn làm được gì ngoài việc nặng nề đi lại trong nhà” [6, tr. 246] thì Disley vẫn cố gắng ngăn cản hành động đầy thú tính của Jason – người được bà chủ Caroline coi là ông chủ của gia đình lúc bấy giờ.

Tấm lòng bao dung vô bờ bến của Dilsey được thể hiện qua những đoạn đối thoại giữa bà với vợ chồng Compson, giữa bà với các anh em nhà Compson, giữa bà với những người thân trong gia đình của chính mình. Dù bà có đối xử nghiêm khắc với Luster, dùng những lời lẽ nặng nề, mắng mỏ đứa cháu trai nhỏ khi không chăm sóc cẩn thận Benjy như: “mày câm mồm đi”, “mày mà làm Benjy giở chứng thì tao đập vào đầu” [6, tr. 366]… thì trên tất cả vẫn là tình yêu thương, sự quan tâm của người bà già cả dành cho đứa cháu nhỏ. Bà không cho cháu đi xem nhạc tại gánh xiếc vì sợ cháu hư hỏng, bà không cho cháu nghịch trò nguy hiểm trên nền đất ẩm vì sợ cháu bị thương… Hình ảnh của Disley là hình ảnh của những người phụ nữ luôn quan tâm, chở che cho gia đình với đức hi sinh thầm lặng đáng trân trọng.

Chứng kiến sự suy tàn của dòng họ Compson, Dilsey bỏ ngoài tai lời nói của chồng về định mệnh và số phận của gia đình này. Bà tin rằng tình yêu thương, sự bao dung sẽ cứu rỗi được tất cả. Bà thương yêu mọi thành viên trong cái gia đình mà được coi là chủ nhân của mình đó đầy chân thành. Nó chính là biểu hiện của cái tính chất phác, hồn nhiên và nhân hậu của những con người da đen gốc Phi. Họ sống theo bản năng và đầy nhiệt huyết, không toan tính vụ lợi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống nhân vật nữ trong âm thanh và cuồng nộ, nắng tháng tám, thánh địa tội ác của w faulkner từ góc nhìn phân tâm học (Trang 25 - 29)