Biểu tượng giễu nhại Đức mẹ Đồng Trinh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống nhân vật nữ trong âm thanh và cuồng nộ, nắng tháng tám, thánh địa tội ác của w faulkner từ góc nhìn phân tâm học (Trang 52 - 54)

5. Bố cục luận văn

2.1. Caddy – Hiện thân của sự sa ngã

2.1.2 Biểu tượng giễu nhại Đức mẹ Đồng Trinh

Mang bóng dánh của một tiểu thuyết Gothic miền Nam nước Mỹ, Âm

thanh và cuồng nộ mang đầy đủ tính chất của thể loại này. Lối viết giễu nhại, mỉa mai được tác giả W. Faulkner sử dụng đầy thành thạo và tinh tế. Nếu Benjy là hình ảnh giễu nhại của nhân vật Benjamin trong Kinh Cựu Ước, thì Caddy chính là biểu tượng nhại của Đức mẹ Đồng Trinh. Vị tiểu thuyết gia này đã khéo léo lồng ghép những ý nghĩa tôn giáo vào trong tác phẩm của mình. Âm thanh và cuồng nộ là một bản nhạc giao hưởng với đủ cung bậc, đầy dữ dội với sự chất chồng nhiều lớp nghĩa.

Xem xét trên một số phương diện, Caddy chính là sự phóng đại của tư tưởng Kyto Giáo về vấn đề tính dục và lối sống buông thả. Nhiều người cho rằng chính là do “tinh thần Thanh giáo” mà nền văn hóa chính trị tại Hoa Kì lúc bấy giờ có khuynh hướng chống lại việc buôn bán rượu và tình dục phóng khoáng. Tuy nhiên, tôn giáo này không hoàn toàn phản đối việc uống rượu và hay xem thường việc hưởng thụ niềm hạnh phúc chăn gối. Họ đề cao sự tiết chế và có chừng mực. Từ những xác tín này, người Thanh giáo hay tín đồ Kyto Giáo công khai quở trách tệ nghiện rượu, say sưa chè chén và quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Tuy nhiên, Caddy muốn yêu đương và va chạm xác thịt với người mình yêu, dứt khoát từ bỏ tất cả những lề thói đạo đức xã hội để sống với chính bản năng của mình. Chình vì thế, bi kịch đã xảy ra với cô và những người cô thương yêu.

Trong Kyto Giáo, Đức Mẹ Đồng Trinh là một tín điều dạy rằng mẹ của Đức Jesus mãi mãi đồng trinh. Đó là sự đồng trinh trong cả ba giai đoạn: Thụ thai không có sự cộng tác của nam giới, sinh con mà vẫn còn nguyên vẹn, sau khi sinh vẫn còn đồng trinh. Về việc bà Maria mang thai chúa Jesus, Kinh Thánh đã chép như sau: “Khi Maria, mẹ Ngài hứa gả cho Joseph song chưa ăn ở cùng nhau thì người đã chịu thai bởi Đức Thánh Linh. Joseph chồng đức

mẹ Maria là người có nghĩa, không muốn để người mang tiếng xấu nên đã giấu nhẹm chuyện ấy đi”. Theo sự tích trên, bà Maria đã mang thai chúa Jesus mà không hề có quan hệ xác thịt với ông Joseph. Việc thụ thai chỉ là phép màu của Đức Thánh Thần [31].

Hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh hiện lên là một người thánh thiện, có niềm tin chân thành với Chúa Trời, sống có đạo đức và chuẩn mực. Bà là tấm gương sáng, ban phát tình yêu thương và chở che cho mọi vật. Thế nhưng với Caddy, cô chỉ là Đức Mẹ Đồng Trinh của riêng Quentin và Benjy. Cô là người đem đến ánh sáng của sự yêu thương, của lòng thánh thiện nhưng khi đã mất đi trinh tiết, thất thân với người tình của mình, Caddy lại biến thành kẻ reo rắc nỗi bất an cho họ. Sự trinh trắng của Caddy mất đi đã gây đau khổ cho Quentin và gây điên loạn trong Benjy, làm suy sụp cả gia đình Compson. Từ một người được mọi người yêu quý, cô trở thành tội đồ bị tất cả lên án, bị rủa xả, nguyền rủa.

Khi sự thuần khiết đã bị vấy bẩn thì những đứa “con chiên” như Quentin hay Benjy trở nên điên loạn. Sự đau khổ của họ chính là nỗi đau trong nội tâm của một thế hệ đánh mất thiên đường, ám ảnh tội lỗi của thời đại mất Chúa, khi những giá trị đạo đức bị băng hoại, khi giá trị văn hóa bị đánh mất. “Đó không chỉ là nỗi đau của các nhân vật trong tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ, mà còn là chung cho cả hệ nhân vật trong sáng tác của Faulkner, là nỗi đau của người dân miền Nam, hay nói cách khác là nỗi đau trong vô thức về văn hóa của người dân miền Nam” [23, tr. 90].

Không chỉ có Caddy, nhân vật người mẹ của Joe Christmas trong Nắng tháng Tám cũng phần nào mang biểu tượng giễu nhại về Đức Mẹ Đồng Trinh. Người đọc có thể nhận thấy câu chuyện của Joe Christmas có phần phỏng nhại đời Jesus Christ trong Tân Ước: một phần tên họ, bị kẻ thân tín bán đứng, tuổi trẻ lang thang… Người mẹ của Joe Christmas trước đó cũng mang

hình ảnh của một người phụ nữ thánh thiện. Tuy nhiên, bị gia đình kìm kẹp và đặc biệt là người cha đầy độc đoán, cổ hủ mà cô đã sẵn sàng trốn nhà bỏ đi cùng người tình là một kẻ trong gánh xiếc. Thế nhưng, hạnh phúc không mỉm cười với cô khi cha cô phát hiện. Không biết bằng linh tính gì, ông đã đoán đúng đường để giết tên đàn ông kia, lôi cô trở về. Người bố đáng sợ, lão Doc Hines, đã cướp mất đứa trẻ sơ sinh – cháu của mình – để mang đi nơi khác. Bà mẹ của Christmas đã chết trên bàn đẻ. Nó cho thấy cái bi kịch nối dài bi kịch khi người phụ nữ thánh thiện sa ngã quá đà vào những ham muốn bản năng, đam mê tính dục. Gia đình của Christmas cũng không hề hạnh phúc với sự mệt mỏi, nhớ thương cháu ngoại của người bà; sự lạnh lùng, tàn nhẫn của người ông và bi kịch cuối cùng dẫn đến cái chết của đứa con bị coi là tội lỗi ấy – mang trong mình dòng máu mọi đen.

Dù là trong Âm thanh và cuồng nộ hay Nắng tháng Tám, tác giả W. Faulkner đều vẽ lên bức chân dung của người đàn ông coi thường phụ nữ. Lời nói của lão Doc Hines hay chính là tiếng nói đa số của những người đàn ông trong xã hội miền Nam nước Mỹ lúc bấy giờ đầy tiêu cực và phiến diện: “tất cả bọn đàn bà bẩn thỉu” [7, tr. 490].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống nhân vật nữ trong âm thanh và cuồng nộ, nắng tháng tám, thánh địa tội ác của w faulkner từ góc nhìn phân tâm học (Trang 52 - 54)