Khổng Tử Người tập đại thành tư tưởng của thời đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số nội dung cơ bản trong tư tưởng chính trị xã hội của khổng tử (Trang 28 - 36)

Theo nhiều tài liệu, Khổng Tử (551 - 479 TCN) là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, người sáng lập ra học phái Nho giáo – một học thuyết chính trị – xã hội lớn nhất ở Trung Quốc cuối thời Xuân Thu. Tên thật của ông là Khâu, tự là Trọng Ni. Ông sinh ra ở ấp Trâu, làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ (nay là phía đông nam Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Tổ tiên của Khổng Tử là quý tộc nước Tống, do chiến tranh loạn lạc mà chạy đến nước Lỗ, nên con cháu trở thành người nước Lỗ. Khổng Khâu sinh ra trong điều kiện xã hội Trung Hoa đang hỗn loạn triền miên, tuổi thơ của ông đã phải trải qua nhiều biến cố đau buồn. Thân phụ của ông tên là Thúc Lương Ngột – một võ quan nhỏ ở nước Lỗ (vốn là dòng dõi quý tộc nước Tống), mất khi ông mới tròn ba tuổi. Do vậy, ngay lúc thiếu thời ông đã phải chịu cảnh “nghèo và hèn”, “cho nên biết làm nhiều việc nhỏ mọn”. Mẹ của Khổng Khâu tên là Nhan Thị Trưng Tại đã nuôi dạy ông bằng tất cả tình thương yêu cũng như vốn hiểu biết về văn hoá truyền thống của mình và bà mất khi Khổng Tử 17 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở nước Lỗ – nơi quy tụ và bảo tồn

nhiều di sản văn hoá của nhà Chu, do đó mà văn hoá lễ nhạc nhà Chu đã thấm đượm vào tâm hồn ông từ rất sớm. Ông thường bắt chước các nghi lễ cổ, “thích bày trò các khay để cúng và chơi trò tế lễ” [85; 211].

Bằng sự nỗ lực học tập và ý chí vươn lên trong cuộc sống, ông đã học qua nhiều thày, tương truyền đã từng gặp Lão Tử để hỏi về lễ, học nhạc với Trường Hoằng, học đàn với Sư Tương. Ông đã từng làm chức “Uỷ lại” (coi việc đong thóc, cống khố) và chức “Tư lại” (có sách ghi là “thừa điền” quản lý việc chăn nuôi bò dê để cúng tế).

Ông chiêu sinh học trò để giảng dạy và tham gia làm chính trị. Khổng Tử đã đi chu du nhiều nước và nhờ vốn hiểu biết sâu rộng về học vấn cũng như lễ tục làm cho tên tuổi của ông nổi tiếng khắp thiên hạ.

Đến tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, Khổng Tử trở về nước Lỗ, thấy cục diện chính trị ngày càng rối loạn “bồi thần nắm quyền”, nên ông không ra làm quan, mà ông tiếp tục đăng đàn giảng về học vấn, rộng rãi chiêu nạp học trò với hy vọng, thông qua việc giáo hoá, giáo dục, tư tưởng của ông có thể làm thay đổi cục diện chính trị đương thời, cứu vớt đạo lý nhân luân đang ngày càng suy vi.

Năm 50 tuổi, thời Lỗ Định Công, Khổng Tử lại có cơ hội làm quan. Từ chức Trung Đô Tể (quan cai trị thành Trung Đô), thăng lên làm chức Tư Không (quan phụ trách quản lý ruộng đất của nước Lỗ). Sau đó ông được phong làm Tư Khấu (quyền tể tướng). Trong thời gian làm quan này, Khổng Tử đã kiên trì tư tưởng trọng dân và dùng lễ giáo để quản lý xã hội. Chính sách của ông đã đưa đến cho nước Lỗ hưng thịnh, hùng cường, nhân dân được sống trong cảnh “ban đêm ngủ không phải đóng cửa, ban ngày ra ngoài không ai nhặt của rơi, luân thường đạo lý được coi trọng”. Sau đó, do Lỗ Định Công ham mê tửu sắc, bị người nước Tề ly gián nên không nghe lời khuyên của Khổng Tử, bỏ bê việc triều chính, thực hành không đúng lễ. Ông từ quan dẫn học trò rời nước

Lỗ, đi chu du các nước: Vệ, Tống, Tần, Thái, Tề, Sở, để truyền dạy đạo lý và mong tìm được người sử dụng học thuyết của mình vào bình ổn xã hội nhưng không thành. Đến thời Lỗ Ai Công năm thứ XI (484 TCN) ông quay về nước Lỗ. Giai đoạn cuối đời, ông dốc sức cho văn hoá, giáo dục, chỉnh lý các văn hiến cổ. Năm Lỗ Ai Công thứ XVI (479 TCN), Khổng Tử lâm bệnh và mất khi đó ông 73 tuổi. Khổng Tử mất đi, nhưng tư tưởng của ông chẳng những có tác động rất lớn đến toàn bộ đời sống chính trị, văn hoá tinh thần của người Trung Quốc mà còn lan toả sang nhiều nước ở châu á, trong đó có Việt Nam.

Về sự nghiệp của ông: dù sinh ra và lớn lên trong điều kiện hết sức khó khăn và hỗn độn của xã hội, nhưng với bản tính ham hiểu biết và kiên trì học hỏi, Khổng Tử đã thành đạt trong cuộc sống. ở cái tuổi “tam thập nhi lập” Khổng Tử đã bắt đầu sự nghiệp giáo dục và làm chính trị. Ông là người đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc mở trường tư dạy học. Ông là một nhà chính trị lỗi lạc, người thầy vĩ đại, là một tấm gương sáng trong việc học tập và rèn luyện bản thân. Ông dạy học trò từ những sự kiện thực tế mắt thấy tai nghe trong đời sống xã hội đương thời, cho đến những tri thức trong lịch sử. Từ những bài học đó khiến nhiều học trò của ông trở thành người tài giỏi, những người được ông giáo huấn thì trở nên ngay thẳng, tránh được nhiều tà khúc. Nhưng, mục đích giáo dục cuối cùng của ông là mong tìm được người sử dụng học thuyết của mình để ứng dụng vào xã hội đang loạn lạc đi đến có trật tự, kỷ cương và phát triển ổn định.

Với mục đích đó, Khổng Tử đã làm hết sức mình để mong phục hồi lại triều đại Tây Chu chính thống. Ông đã lựa chọn việc học đạo và truyền đạo làm mục đích cho cuộc đời mình, Khổng Tử đã nhận thức sâu sắc được vai trò của nhân tố con người đối với sự phát triển văn hoá cũng như chính trị - xã hội. Ông cho rằng, để khắc phục cảnh loạn lạc

của xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ, cần phải có những con người đủ tài năng và đức hạnh để gánh vác trọng trách phục hưng xã hội. Do đó, tài liệu mà Khổng Tử sử dụng để giảng dạy cho học trò là “Lục kinh” đó là: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch và Kinh Xuân

Thu (sau này Kinh Lễ, Kinh Nhạc nhập vào làm một). Ngoài sách Kinh Xuân Thu do Khổng Tử biên tập lại, những sách bộ kinh còn lại đã có từ thời trước Khổng Tử. Trong các sách kinh này, ghi chép những nội dung cơ bản nhất của văn hoá Trung Quốc thời kỳ Xuân Thu. Ngoài việc dùng lục kinh làm tài liệu giảng dạy, Khổng Tử còn sử dụng lục kinh làm cơ sở để xây dựng học thuyết chính trị – xã hội của mình.

ở thời Tây Chu yêu cầu đặt đối với nhân tài là vừa phải có tri thức, vừa phải tu dưỡng đạo đức chính trị (lễ, nhạc) nhất định, nhằm điều tiết quan hệ trong nội bộ giai cấp thống trị để làm gương trong việc giáo dục và cai trị dân, đồng thời nhân tài cũng phải có bản lĩnh chiến đấu (xạ, ngự) để tiến hành chiến tranh. Vì thế, bắt buộc phải dạy “Lục nghệ” (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số) cho họ để đáp ứng cả hai mặt văn và võ. Nhưng, đến thời của Khổng Tử (Đông Chu), thì sự chinh phạt địch quốc không chỉ thuần tuý dựa vào quân sự mà còn phải dựa vào hoạt động du thuyết và sự ảnh hưởng về tiếng tăm đức hạnh của những người đứng đầu đất nước. Cho nên, tri thức về “Lục nghệ” dần phù hợp với nhu cầu đào tạo mẫu người toàn đức của Khổng Tử. Bên cạnh đó, Khổng Tử còn xác định rằng để thiên hạ được ổn định lâu dài phải lấy lễ, nhạc, nhân, nghĩa làm đầu. Đây chính là gốc rễ trong tư tưởng đức trị của ông. Những tri thức Khổng Tử cần để đạt mục đích chính trị, đạo đức của mình đều được chứa đựng trong “Lục kinh”. Bằng toàn bộ tâm huyết của mình nhằm cải biến hiện tượng lễ, nhạc băng hoại, Khổng Tử dùng

Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Nhạc làm trọng trong việc giáo hoá, giáo dục học trò.

Toàn bộ nội dung Kinh Lễ là sự phản ánh đời sống đạo đức và tôn giáo của thời kỳ nguyên thuỷ, nó được đúc kết qua các triều đại Hạ, Ân và Chu. Chính vì vậy mà trước sự băng hoại của “lễ”, Khổng Tử chủ trương giáo dục “lễ” cho mọi người, nhưng ông đặc biệt chú ý đến việc tuyên truyền giáo dục cho giai cấp thống trị để họ thực hiện mục đích chính trị của mình. Theo ông, “Lễ” có nội dung rất rộng, nhưng tập trung chủ yếu ở những hành vi đạo đức, những lễ nghi tập tục của con người về văn hoá, tôn giáo và những quy định mang tính chất chính trị. Khổng Tử cho rằng: “Không học lễ, thì chẳng biết cách đứng với đời” [92; 513]. Từ chỗ khẳng định “lễ” là gốc của đạo làm người, cho nên theo Khổng Tử, sự cần thiết phải giáo dục “lễ” để mọi người làm theo đúng bổn phận của mình đối với gia đình, xã hội, đúng với những quy phạm của chế độ chính trị. Nhưng để điều hoà tâm tính của con người theo ông cần phải gắn kết “lễ” với “nhạc”.

Khổng Tử coi trọng cuốn Kinh Thi, vì theo ông, Kinh Thi là một cuốn sách chứa đựng những nội dung về luân lý đạo đức, chính trị, ngôn ngữ và cả những tri thức về động thực vật. Khổng Tử nói: “Các trò sao chẳng học Thi? Thi có thể bồi dưỡng sức tưởng tượng (hưng), có thể nâng cao óc quan sát (quan), có thể rèn luyện tính hợp quần(quần), có thể biết cách châm biếm (oán). Gần có thể thờ cha mẹ, xa có thể thờ vua; hơn nữa lại nhớ được tên nhiều loại chim muông cây cỏ” [92; 529].

Kinh Thư là một tác phẩm chuyên luận về chính trị – xã hội kinh điển của Nho giáo ghi chép lại các sự kiện lịch sử của bốn triều đại Hạ, Thương, Ân và Chu bao gồm các sự kiện chính trị, ngôn luận của những nhân vật chính trị. Trong đó có mệnh đề chính trị nổi bật nhất và lần đầu tiên đề cập trong đó là tư tưởng xem “dân là gốc nước”. Thường ngày trong khi đàm luận và giảng dạy cho học trò, Khổng Tử

thường dẫn Kinh Thư để giải thích cho học trò hiểu về nhân tình thế thái.

Đánh giá Kinh Thi, Thư sách Luận ngữ viết: “Khổng tử có lúc nói nhã ngôn: đọc thi, thư và hành lễ thì đều nói nhã ngôn” [92; 344].

Kinh Thi, Kinh Thư có quan hệ mật thiết với chính trị, nên Khổng Tử dạy kinh Thi, Thư cho học trò để thông qua các sự kiện chính trị- xã hội trong lịch sử được ghi chép lại ở các kinh mà ông lấy nền tảng, cơ sở để giải quyết các vấn đề thực tiễn lúc bấy giờ. Từ đó, mà hình thành và truyền bá sự ảnh hưởng tư tưởng chính trị – xã hội của mình một cách có cơ sở lịch sử, nhằm tạo niềm tin cho mọi người về đường lối trị nước của ông một cách dễ dàng.

Khổng Tử không dạy Kinh Dịch, nhưng ông khuyên mọi người học Kinh Dịch để không mắc sai lầm. Kinh Dịch là cuốn sách nói về tướng số làm cho mọi người thấy được sự tốt xấu, về đạo tiến, lui nhưng, trong Luận Ngữ chỉ có một lần Khổng Tử thốt lên nuối tiếc về việc ông không nắm vững được Kinh Dịch. Ông nói: “Nếu cho ta mấy năm để học xong đạo Dịch, thì có thể không có sai lầm lớn nữa”[92; 344].

Kinh Xuân Thu là cuốn sách viết về sự băng hoại của lễ, nhạc ở nước Lỗ thời Xuân Thu được Khổng Tử biên soạn. Khổng Tử giảng dạy

Kinh Xuân Thu để cho học trò thấy được thực trạng xuống cấp của đạo đức, phong tục lúc bấy giờ, nhằm kêu gọi mọi người cần phải khôi phục lại lễ, nhạc trước sự suy vi, băng hoại về mọi mặt của xã hội.

Vậy, qua việc thuật lại “Lục kinh”, Khổng Tử đã phát triển nhiều tư tưởng mới mang tính chất phù hợp với thực tiễn, giúp cho học trò hiểu được các nội dung tư tưởng trong lịch sử, giúp cho mọi người điều chỉnh hành vi đạo đức, ý thức trách nhiệm của mình đối với cha mẹ, anh

em, bạn bè, đối với vua và quốc gia. Từ đó, khắc hoạ được mục đích làm chính trị của mình. Tuy nhiên, Khổng Tử chỉ chú ý đến việc giáo dục văn hoá, đạo đức, chính trị mà không quan tâm đến tri thức lao động sản xuất cũng cần phải học và việc ứng dụng những tri thức ấy vào sản xuất cũng góp phần vào việc bình ổn trật tự xã hội. Đây là hạn chế của ông, đồng thời cũng là hạn chế của lịch sử. Nó phản ánh sự đề cao giáo dục đạo đức, chính trị là nhu cầu của xã hội đương thời. Tư tưởng chính trị – xã hội của Khổng Tử phản ánh rõ nét thực trạng xã hội chiếm hữu nô lệ đang tan rã, các giai cấp, tầng lớp trong xã hội phân hoá mạnh và cuộc đấu tranh giai cấp xảy ra hết sức gay gắt. Khổng Tử chủ trương giáo dục, tuyên truyền luân lý, đạo đức, chính trị cho tất cả mọi người bằng khẩu hiệu “hữu giáo vô loại”, nhưng thực chất ông chủ yếu tập trung truyền thụ những tri thức cho những người thuộc giai cấp thống trị và những người tầng lớp khác có thể học mà được bổ sung đứng vào hàng ngũ của giai cấp thống trị. Còn việc giáo hoá dân chỉ là để cho dân biết những điều lễ nghĩa mà tuân theo, làm cho xã hội đang loạn lạc trở nên có trật tự trên dưới. Thực chất của việc giáo hoá dân là để dễ sai bảo, dễ trị dân, để “dân tín” với lễ chế mà “bần nhi lạc”. Đây là sự phản ánh thành kiến sai lệch của giai cấp thống trị đối với nhân dân lao động và điều đó thể hiện lập trường tư tưởng chính trị – xã hội của Khổng Tử là đại diện cho quyền lợi của bộ phận chủ nô cấp tiến đang trong quá trình chuyển hoá thành tầng lớp quý tộc phong kiến. Mặc dù, mục đích chính trị của ông không được thực hiện trong lúc đương thời, nhưng tư tưởng chính trị - xã hội của ông đã miêu tả được thực tiễn lịch sử lúc bấy giờ đang khủng hoảng về đường lối trị nước. Khổng tử mới nhìn thấy sự biến đổi đó trong lĩnh vực chính trị - xã hội, mà không thấy được nguyên nhân của sự biến đổi đó là do xuất phát từ sự phát triển của kinh tế – xã hội, sự phát triển của lực lượng sản xuất. Do đó, ông coi mục đích giáo dục, tuyên truyền tư tưởng chính trị, đạo

đức quyết định trên tất cả. Để đạt được mục đích chính trị của mình ông chủ trương lấy việc giáo dục “Văn”, “Hạnh”, “Trung”, “Tín”, để dẫn dắt mọi người vào khuôn phép từ đạo đức đến chính trị.

So với người đương thời, Khổng Tử là người uyên bác hơn cả. Tri thức của ông, ngôn luận của ông đã chứng tỏ ông là người tập đại thành tư tưởng của thời đại.

Kết luận chương 1

Thông qua việc tìm hiểu về, những cơ sở kinh tế, chính trị – xã hội, tiền đề về tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Khổng Tử cho thấy, sự hình thành tưởng chính trị – xã hội của Khổng Tử không chỉ được xuất phát từ những điều kiện kinh tế, chính trị – xã hội nhất định, mà còn dựa trên cơ sở tiếp thu, phát triển những tư tưởng trong kho tàng lịch sử tư tưởng của Trung Quốc đến lúc bấy giờ; cùng với sự nỗ lực hết mình trong tìm tòi và học hỏi của bản thân ông. Như vậy, những cơ sở kinh tế, chính trị – xã hội, tiền đề văn hoá - tư tưởng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự ra đời học thuyết Nho giáo nói chung và tư tưởng chính trị – xã hội của Khổng Tử nói riêng.

Chương 2. Tư tưởng chính trị xã hội của Khổng Tử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số nội dung cơ bản trong tư tưởng chính trị xã hội của khổng tử (Trang 28 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)