Quan niệm về con người trong các mối quan hệ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số nội dung cơ bản trong tư tưởng chính trị xã hội của khổng tử (Trang 40 - 50)

2.1. Quan niệm của Khổng Tử về con người nền tảng xây

2.1.2 Quan niệm về con người trong các mối quan hệ

Cũng như các học thuyết khác, khi xây dựng học thuyết của mình, Khổng Tử luôn đề cao vấn đề con người và đặt con người trong các mối quan hệ với tự nhiên và xã hội (trời, đất, vạn vật và quan hệ xã hội của con người ). Trong đó, ông đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa con người với con người trong đời sống xã hội. Ông ít nói đến mối quan hệ giữa trời và người.

Thứ nhất: Mối quan hệ giữa con người với tự nhiên (trời đất, vạn vật).

ở giai đoạn đầu của lịch sử tư tưởng Trung Quốc, trời được xem là vị thần tối cao, có nhân cách. Trong quan niệm đó, người ta cho rằng, trời sinh ra con người, chi phối sự sống chết, sướng khổ của con người; trời sinh ra vũ trụ, các thiên thể (mặt trời, mặt trăng, các vì sao), sông núi, động thực vật, sinh ra các hiện tượng mưa gió, sấm chớp, hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh. Từ đó họ cho rằng, kính trời thì trời cho mưa thuận gió hoà, còn nếu bất kính với trời thì trời giáng tai hoạ. Như vậy, quan niệm về trời ở đây hoàn toàn mang tính chất duy tâm thần bí.

Từ sự tiếp nhận và phát triển tư tưởng trong lịch sử, Khổng Tử bàn về thiên mệnh, quỷ thần tương đối phức tạp. Tuy nhiên, cái “tự nhiên” trong tư tưởng của ông không đồng nghĩa với giới tự nhiên, mà nó chỉ cái khách quan đối với con người, cái bên ngoài con người. Tự nhiên ở đây cũng không phải là cái tự nhiên (bản tính tự nhiên) trong bản thân con người (như cái sinh học đối với cái xã hội trong triết học mác xít). Tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” ở đây chỉ được hiểu là quan hệ giữa trời và người. Tuy ông ít khi nói về “thiên” (trời), song nhiều đoạn trong Luận ngữ Khổng Tử vẫn chú ý đến mối quan hệ giữa trời và người. Ông coi trời như là một đấng chúa tể của vũ trụ, có quyền uy vô song, có nhân cách, có ý chí. ý chí của trời là “thiên mệnh” (mệnh lệnh của trời). Ông cho rằng, sự sống - chết, phú quý hay nghèo hèn của mỗi

người đều do “thiên mệnh” quy định. Ông nói: “Trời sinh đức tốt cho ta” (Thiên sinh đức ư dư) [92; 332], “chết sống là có mệnh, giàu sang là ở trời” (Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên) [92; 413]. Ông còn khẳng định, trời có ý chí, có uy quyền, có vai trò to lớn như vậy, cho nên “kẻ mắc tội với trời thì cầu đảo cũng chẳng có ích gì” (Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã) [92; 267]; “Đến năm 50 tuổi thì biết được mệnh trời” (ngũ thập tri thiên mệnh) [92; 227].

Khổng Tử còn cho trời là quy luật của vũ trụ, là trật tự của vạn vật mà con người phải tuân theo. Ông nói: “Chỉ có trời là lớn” (Duy thiên vi đại) [92; 352] và “trời có nói gì đâu mà bốn mùa cứ xoay vần, trăm loài cứ sinh hoá. Trời có nói gì đâu” (Thiên hà ngôn tai, tứ thì hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai) [92; 519]. Tử Lộ hỏi sau khi chết con người sẽ ra sao? Khổng Tử nói: “chưa biết được việc sống làm sao biết được việc chết”.

Đối với quỷ thần, Khổng Tử hoài nghi về sự tồn tại của quỷ thần, nên khi Tử Lộ lại hỏi về quỷ thần, ông nói: “chưa biết chuyện người làm sao biết chuyện quỷ thần”, đồng thời ông chủ trương với quỷ thần, con người phải tôn kính, nhưng phải xa lánh “kính nhi viễn chi”.

Những câu nói trên của Khổng Tử cho thấy, ông rất chú ý đến trời và đề cao trời, song không vì thế mà ông có chủ trương cách ly con người khỏi trời. Ngược lại, Khổng Tử muốn đưa đến sự bình đẳng giữa trời và người, từ đó xác lập nên sự cần thiết phải thiết lập mối quan hệ hoà hợp giữa con người với giới tự nhiên (trời). Điều này được trình bày trong Luận ngữ, khi ông ngồi đàm đạo với Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu, Công Tây Hoa. Khổng Tử nói: “Các trò đừng ngại ta lớn tuổi mà không dám nói lên chí hướng của mình. Bình thường ở nhà, các trò đều nói rằng: “thiên hạ chẳng ai biết đến ta!” “nếu như có người biết đến các trò, có thể dùng các trò, thì các trò phải trổ tài như thế nào đây? Tử

Lộ liền trả lời: “Nếu có một nước nghìn cỗ xe bị các nước lớn uy hiếp, ở ngoài thì có quân đến xâm lược, bên trong lại có nạn đói, nếu như cho trò Do này cai trị nước đó, chỉ cần ba năm thì trăm họ sẽ dũng cảm và biết đạo lý”. Khổng Tử mỉm cười rồi hỏi Nhiễm Hữu: “Cầu, vậy thì trò như thế nào?” Nhiễm Hữu trả lời: “Nếu như có một địa phương khoảng sáu bảy mươi dặm, hoặc nhỏ hơn nữa là năm sáu mươi dặm, để cho trò đến cai quản, thì chỉ trong vòng ba năm có thể làm cho trăm họ no đủ; còn về giáo hoá lễ, nhạc thì phải có người tài đức hơn trò này mới thực hiện được”. Khổng Tử lại hỏi Công Tây Hoa: “Trò Xích sẽ làm gì đây?” Công Tây Hoa trả lời: “Trò không dám nói là sẽ làm tốt được, nhưng cũng nguyện học tập! như tế lễ ở Tông Miếu, chư hầu hội họp gặp gỡ nhau, trò sẽ mặc áo lễ, đội mũ lễ, tình nguyện làm tiểu tưởng mà góp phần tế lễ” . Khổng Tử lại hỏi: “Còn trò Điểm, trò như thế nào đây?”. Tăng Tích nghe thấy thế liền bỏ đàn xuống, đàn vẫn còn ngân lên một tiếng, đứng dậy và đáp rằng: “ý nguyện của trò khác hẳn ba người kia? Khổng Tử nói: “Vậy có sao đâu. Chỉ mỗi người nói ra chí nguyện của mình thôi mà!”. Tăng Tích liền đáp: “về cuối xuân, y phục mùa xuân đã may xong, tôi cùng năm, sáu bạn thanh niên, sáu bảy cậu thiếu niên, đi tắm ở sông Nghi, hóng gió ở đàn Vũ Vu. Rồi ca vịnh với nhau về nhà”. Khổng Tử than rằng: “Ta đồng ý với chí hướng của trò Điểm đấy” [92; 399]. Qua đoạn văn trên chúng ta có thể thấy Khổng Tử khi nghe học trò của ông nói về chí hướng của mình, trong đó có người nói về sự hoà hợp giữa con người với tự nhiên làm Khổng Tử rất tâm đắc. Điều đó cho thấy, dù Khổng Tử luôn chú ý đề cao vấn đề chính trị, nhưng ông cũng là người rất yêu thiên nhiên và lúc thảnh thơi, ông cũng muốn hoà mình vào cùng với thiên nhiên tươi đẹp. Khổng Tử muốn dùng uy lực của trời trong tư tưởng chính trị, nhưng ông cũng đã thấy được vai trò của giới tự nhiên là một phần quan trọng trong đời sống của con người. Con người cần có thái độ, nghĩa vụ đối với giới tự nhiên. Quay lại với tự

nhiên cũng chính là vô cùng trọng thị con người, đây là một biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng của ông.

Khổng Tử không quan tâm nhiều đến giới tự nhiên cũng như quan hệ giữa con người và tự nhiên. Tuy nhiên, quan điểm về “trời” và “mệnh trời” vẫn giữ một vai trò quan trọng trong tư tưởng chính trị – xã hội của ông, nhưng khi trình bày các luận điểm về “trời” và “ mệnh trời” trong tư tưởng chính trị của ông lại không nhất quán. Theo chúng tôi, trước cảnh rối loạn của xã hội đương thời, Khổng Tử vẫn muốn dùng mệnh trời như là một công cụ giúp giai cấp cầm quyền đương thời sử dụng vào bình ổn xã hội. Còn đi vào thực chất vấn đề trời và mối quan hệ giữa người và trời ra sao, thì câu trả lời phải đến các nhà Nho sau Khổng Tử mới bàn tiếp. Mục đích của Khổng Tử nói về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên vẫn là để ràng buộc mọi người bằng luận điểm “Uý thiên mệnh, Uý đại nhân, Uý Thánh nhân chi ngôn” [92; 512] (Sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời dạy của thánh nhân). Thông qua những luận điểm trên để nói lên mối quan hệ giữa trời và người cho thấy rõ ràng chủ trương của Khổng Tử là muốn sử dụng cả thần quyền và thế quyền làm biện pháp cai trị thiện hạ.

Thứ hai: Con người trong các mối quan hệ xã hội cơ bản

Trong cuộc sống con người ta cần thiết phải có mối quan hệ với tự nhiên và xã hội. Quan hệ với giới tự nhiên, vì con người sống dựa vào tự nhiên, lấy tư liệu sinh hoạt từ tự nhiên và tác động vào tự nhiên để thoả mãn nhu cầu sống của mình. Con người còn cần phải thiết lập mối quan hệ với nhau, vì con người không thể sống đơn lẻ một mình được, họ phải sống với mọi người trong cộng đồng và cộng đồng xã hội luôn tác động đến họ. Ngược lại, con người cũng luôn tác động đến người khác và cộng đồng vì những nhu cầu của bản thân, cứ như vậy tạo nên các mối quan hệ xã hội phức tạp, và ở đó luôn cần đến sự đối xử thích hợp

của mỗi người. Các quan hệ với tự nhiên hay xã hội của con người đều mang tính chất khách quan.

Từ hoạt động thực tiễn con người hình thành nên nhiều mối quan hệ như: quan hệ kinh tế, chính trị, pháp luật, quan hệ luân lý đạo đức, quan hệ tôn giáo, quan hệ gia đình, . Trong đó Khổng Tử đặc biệt chú ý đến quan hệ xã hội mang tính chất chính trị - đạo đức, vì điều này phù hợp với tư tưởng chính trị và tư tưởng về đường lối đức trị của ông. Ông cho rằng, chính trị - đạo đức quyết định sự an nguy của triều đình và sự ổn định của xã hội. Sở dĩ quan tâm nhiều đến chính trị và đạo đức, bởi bản thân Khổng Tử luôn cho rằng, sự sa sút về mặt chính trị, đạo đức là nguyên nhân gây ra khủng hoảng về mặt kinh tế – xã hội. Do vậy, ông chủ trương khôi phục sự rối loạn bằng việc tuyên truyền mọi người hãy đối xử với nhau trong quan hệ xã hội theo đúng lễ nhà Chu.

Khổng Tử là người đầu tiên nêu lên mối quan hệ giữa cá nhân và cá nhân nói chung, giữa “kỷ” (mình) và “nhân” (người). Với học thuyết nhân là yêu người (nhân giả, ái nhân), ông xác định nên nguyên tắc xem người cũng như mình, cái gì mình muốn làm thì làm cho người, “ mình muốn lập thì cũng lo cho người được lập, mình muốn đạt thì cũng lo cho người được đạt” (kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân) [92; 327]. Ngược lại, cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người (kỳ sở bất dục, vật thi ư nhân). Với quan niệm về mối quan hệ giữa “kỷ” và “nhân” này, Khổng Tử đã đặt nền móng cho chủ nghĩa nhân đạo xem người như mình của Nho giáo. Từ đó, Khổng Tử đã chỉ ra các mối quan hệ cơ bản nhất giữa người và người trong xã hội. Ông đưa ra các quy tắc, chuẩn mực trong quan hệ xã hội từ những cá nhân có nhân cách trong quan hệ xã hội chứ không phải là con người chung chung, trừu tượng.

Trong các mối quan hệ xã hội, Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh đến ba mối quan hệ chủ yếu trong xã hội đương thời, đó là: quan hệ quân – thần (vua – tôi), phụ – tử (cha – con), bằng – hữu (bạn – bè) và ông khẳng định đây là ba mối quan hệ cơ bản nhất trong xã hội. Chỉ cần nắm vững được ba mối quan hệ đó là có điều kiện giải quyết mọi quan hệ khác trong xã hội. Điều này thể hiện khi Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử về việc làm chính trị, Khổng Tử liền trả lời: Phải làm cho “vua ra vua, tôi ra tôi, con ra con”. Cảnh Công nói: “phải lắm! Nếu như vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, thì dẫu ta có thóc, ta có chắc được ăn không?” (Tề Cảnh Công vấn chính ư Khổng Tử, Khổng Tử đối viết: “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”. Công viết: thiện tai! Tín như quân bất quân, thần bất thần, phụ bất phụ, tử bất tử, tuy hữu túc, ngô đắc nhi thực chư?) [92; 415]. Như vậy, trong quan hệ vua phải làm hết phận của vua, bề tôi phải làm cho đúng phận của bề tôi, con phải làm đúng với bổn phận của con. Hiếu chính là gốc của đạo làm người, cho nên cha mẹ đối xử với con phải nhân từ và con cái đối xử với cha mẹ phải hiếu kính. Cha mẹ phải yêu thương con cái, phải là tấm gương mẫu mực về mọi mặt để con cái noi theo, làm theo, để làng xóm nhìn vào. Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con cái thành người như Kinh Lễ đã dạy: Một cậu con trai trưởng thành (20 tuổi) thì theo lễ đội mũ, người cha dạy cho con những phận sự của kẻ trượng phu. Khi cô gái đến tuổi xuất gái, người mẹ dạy cho con những phận sự của kẻ làm vợ. Khi đưa con về nhà chồng, người mẹ dạy cho con những phận sự của kẻ làm vợ.

Khái quát tư tưởng “phụ – tử” (cha - con), học trò của Khổng Tử tên là Hữu Nhược nói: “kẻ hiếu đễ mà thích phạm thượng thì hiếm lắm. Kẻ không thích phạm thượng mà thích làm loạn thì chưa từng có. Quân tử cốt ở cái gốc, gốc đứng vững thì đạo nảy sinh. Hiếu đễ chính là cái gốc của nhân” [92; 224].

Về hiếu với cha mẹ, Khổng Tử đã chỉ rõ, hiếu là con cái phải đem hết sức mình mà phụng dưỡng cha mẹ “hiếu là phụng dưỡng cha mẹ với lòng kính trọng” [92; 246], phụng thờ cha mẹ phải theo lễ: “Làm con khi cha mẹ sống thì theo lễ mà phụng sự cha mẹ, khi cha mẹ chết thì theo lễ mà an táng, và khi cúng tế cũng phải theo đúng lễ” [92; 245]. Như vậy, “hiếu” là đức hạnh cần có ở tất cả mọi người, có ảnh hưởng vượt ra ngoài cả quan hệ gia tộc và hiếu chính là cơ sở cho “trung”; quan hệ cha – con là nền tảng cho quan hệ vua – tôi. Do đó, Khổng Tử giáo dục “hiếu, đễ” cho học trò trở thành những con người hoàn thiện, có thể đảm đương được việc trị quốc, an dân. Khổng Tử tin rằng người có hiếu thì sẽ cảm hóa được dân chúng. Ông nói: “nếu mình ăn ở hiếu với cha mẹ, từ với con cái và mọi người thì dân sẽ trung thành với mình” [92; 248]. Từ những phạm trù quan hệ đạo đức trong gia đình với mục đích chính trị đã được chuyển thành những phạm trù quan hệ chính trị – xã hội. Theo đó, sách Đại học ghi rõ: “Đạo hiếu [đối với cha] cũng chính là để thờ vua, ..., đạo từ [đối với con] cũng chính là để sai khiến dân chúng vậy” [92; 57].

Quan hệ vua - tôi, nhà vua là người thay trời trị dân, được coi là cha mẹ của dân. Điều đó, được lý giải là hợp với đạo tự nhiên nên nhà vua được mệnh trời, vì “trời lập ra vua là vì dân”. Do đó, vua đối xử với bề tôi theo đúng nghĩa, giữ đúng lễ, vì lễ là đầu mối của sự bình trị, cho nên “quân thần phải hữu nghĩa”. Đạo quân thần theo Khổng Tử phải là vua khiến bề tôi theo đúng lễ, bề tôi đối với vua phải hết lòng trung thành. Giống như người cha, vua phải là tấm gương đạo đức lớn, là mẫu mực trong ứng xử và giải quyết các mối quan hệ để bề tôi ngưỡng mộ mà noi theo. Còn bề tôi đối với vua phải hết lòng trung thành theo đạo lý mà phò vua giúp nước. Ngoài ra, phận làm bề tôi phải tỏ rõ tư cách đạo đức và tài năng để cho vua tin dùng. Như sách Đại học đã viết: “... nếu nhà vua tôn kính người già, thì dân chúng sẽ dấy lên phong khí hiếu

kính; nếu nhà vua trọng người huynh trưởng, thì dân chúng sẽ dấy lên phong khí lễ nhượng; nếu nhà vua thương xót kẻ cô độc thì dân chúng sẽ không rời bỏ” [92; 62].

Phát triển tư tương của Khổng Tử, Mạnh Tử cho rằng: Nếu vua thương yêu bề tôi, thì bề tôi sẽ trung thành với vua. Còn nếu như vua coi bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi coi vua như kẻ qua đường, vua coi bề tôi như bùn rác, thì bề tôi coi vua như giặc thù. Như vậy, quan hệ Vua – tôi là quan hệ mang tính chính trị là chủ yếu, nhưng ít nhiều vẫn biểu hiện tính nhân văn sâu sắc.

Quan hệ bạn bè (bằng hữu) là đại diện cho các mối quan hệ khác ngoài xã hội. Đối với bạn bè nói riêng và mọi người nói chung, điều

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số nội dung cơ bản trong tư tưởng chính trị xã hội của khổng tử (Trang 40 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)