Đánh giá hoạt động của các đơn vị 35 ở Viện KH&CN Việt

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ thành lập theo Nghị định 35.HĐBT trong các Viện nghiên cứu và triển khai (Trang 60 - 64)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI

2.3.Đánh giá hoạt động của các đơn vị 35 ở Viện KH&CN Việt

Vấn đề gắn hoạt động nghiên cứu ở các tổ chức R&D với nhu cầu của sản xuất và xã hội luôn là nội dung quan trọng của chính sách KH&CN. Đã có nhiều nỗ lực về mặt chính sách của nhà nước trong việc cải thiện mối quan hệ này qua các biện pháp chính sách tăng cường quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN. Nhưng không phải đến khi Chính phủ ban hành Nghị định 115 thì khái niệm tự chủ, tự

chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN mới được biết tới, khái niệm này đã được nói đến từ khi Nghị định 35 ban hành. Tại Điều 5 Nghị định nêu rõ: “Các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có quyền tự do và dân chủ trong nghiên cứu, sáng tạo, trong việc thực hiện các vấn đề nghiên cứu…”. Nghị định 35 được coi là một

“tuyên ngôn dân chủ trong khoa học”, cho phép các viện nghiên cứu thành lập các tổ chức KH&CN trực thuộc, khuyến khích mạnh mẽ việc thành lập các tổ chức R&D trên cơ sở tự chủ tài chính, tự do liên kết, tự chủ hoạt động. Khi các đơn vị 35 được thành lập, cùng với sự điều chỉnh mô hình tổ chức lãnh đạo Viện thống nhất chủ trương bên cạnh hướng nghiên cứu cơ bản thuần túy vốn là thế mạnh, là sở trường, các đơn vị tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, nhiều nhà khoa học đã mạnh dạn theo hướng nghiên cứu ứng dụng, phục vụ sản xuất. Các đơn vị 35 ở Viện KH&CN Việt Nam đã là cầu nối đưa các công trình nghiên cứu của viện vào phục vụ đời sống, xã hội. Điển hình là nhóm các đơn vị 35 trực thuộc Viện Cơ học, các đơn vị này thường xuyên có sự trao đổi thường xuyên cả về nhân lực và nghiên cứu khoa học giữa đơn vị và Viện chủ quản trong quá trình nghiên cứu và triển khai thực hiện các đề tài, nhiệm vụ… trong số 03 đơn vị 35 thuộc Viện Cơ học đã có 2 đơn vị là Trung tâm Khảo sát, nghiên cứu tư vấn môi trường biển và Trung tâm Kiểm định chuẩn đoán công trình và thiết bị chuyển đổi thành đơn vị tự trang trải theo Nghị định 115. Bên cạnh đó còn có một số đơn vị khác hoạt động rất tốt đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội và nguồn thu cao cho đơn vị như Trung tâm Công nghệ hoá dược và Hóa sinh hữu cơ thuộc Viện Hoá học; Liên hiệp KHSX Công nghệ hoá học thuộc Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên; Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ môi trường và Trung tâm Phát triển công nghệ cao thuộc Viện Công nghệ môi trường… Thực tế cho thấy, thường lãnh đạo các Viện là người có chuyên môn cao, kinh nghiệm trong công tác quản lý khoa học nhưng chưa chắc có năng lực tiếp cận thị trường, bên cạnh đó lãnh đạo các đơn vị 35 là những người rất am hiểu

vấn đề này. Qua đơn vị 35, các Viện công nghệ phần nào nắm bắt thêm được nhu cầu của thị trường để có định hướng trong nghiên cứu của mình. Nhiều công trình khoa học đã được ứng dụng trong các ngành kinh tế, an ninh, quốc phòng (Hệ thống truyền ảnh hiện trường phục vụ diễn tập chiến đấu thực tế cho Trường Sĩ quan lục quân; Nghiên cứu tích hợp, chế tạo rađa đo cao trên vật bay tại Việt Nam; Nghiên cứu, thiết kế, chế thử mẫu thiết bị đo sơ tốc đạn pháo của Liên hiệp KHSX vật liệu kỹ thuật cao), phục vụ các công trình phát triển ở miền núi, xóa đói giảm nghèo, ứng dụng trong y tế (bột cản tia X của Liên hiệp KHSX quang hóa điện tử), ứng dụng trong các công trình giao thông, xây dựng (gạch chịu lửa của Liên hiệp KHSX vật liệu chịu lửa; phụ gia chống thấm, phụ gia cho vữa bê tông của Liên hiệp KHSX quang hóa điện tử) và nhiều lĩnh vực khác.

Có thể thấy rằng, đối với các đơn vị có lĩnh vực triển khai và dịch vụ KH&CN gắn với lĩnh vực chuyên môn của Viện chuyên ngành đa phần đem lại hiệu quả hoạt động tốt, sản phẩm mang hàm lượng khoa học cao và một điều quan trọng là hoạt động theo đúng tinh thần của Nghị định 35 là thúc đẩy phát triển các hoạt động sáng tạo, khuyến khích việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới vào sản xuất và đời sống, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không phải tất cả những đơn vị có lĩnh vực hoạt động không liên quan đến Viện chủ quản là hoạt động chưa tốt, trong số đó có Liên hiệp KHSX công nghệ phần mềm hoạt động về lĩnh vực công nghệ thông tin trực thuộc Viện Khoa học vật liệu lại là một đơn vị hoạt động rất hiệu quả, những sản phẩm của họ có tính ứng dụng cao, trong 5 năm gần đây Liên hiệp KHSX công nghệ phần mềm đã đạt được những thành tích sau:

+ Liên kết với Học viện Công nghệ Châu Á Thái Lan (AIT) tổ chức các lớp đào tạo chuyên gia phần mềm.

+ Là nhà phân phối của hãng IBM về các máy chủ xSeries và pSeries.

+ Là nhà phân phối phần mềm Oracle.

+ Đơn vị đã phát triển công nghệ phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý ở Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh - Bộ Công an; Cục Tin học thống kê – Bộ Tài chính; Ban Quản lý dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại đa biên – Bộ Công thương…

Điều muốn nói ở đây là vấn đề tổ chức, đơn vị triển khai về lĩnh vực công nghệ thông tin đặt trực thuộc Viện Công nghệ thông tin – đúng chuyên ngành với cơ quan chủ quản mới hợp lý. Tuy nhiên đây là vấn đề mang tính lịch sử của Viện. Ở Viện KH&CN Việt Nam như đã nêu trên, không chỉ có Liên hiệp KHSX phần mềm là đơn vị có lĩnh vực hoạt động khác với chuyên ngành của Viện chủ quản mà còn có những đơn vị khác. Việc này phụ thuộc vào các Viện nghiên cứu, có Viện thủ trưởng sẵn sàng triển khai những hướng đi mới – thành lập các đơn vị triển khai theo Nghị định 35 thuộc đơn vị mình nhằm đẩy mạnh kết quả nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của Viện nhưng cũng có Viện ngại áp dụng các mô hình mới đối với đơn vị của mình, muốn giữ nguyên mô hình hiện tại nhằm ổn định tổ chức. Trong tình hình đó, một số nhà khoa học có ý muốn thành lập các đơn vị triển khai trong các đơn vị này không thể thuyết trình với thủ trưởng của mình đã bày tỏ ý định và được lãnh đạo các đơn vị khác đón nhận như những người đồng quan điểm muốn tạo lập một bộ phận nhằm thực hiện nốt công đoạn còn lại của nghiên cứu, hoàn thiện kết quả thu được từ phòng thí nghiệm và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu hoặc CGCN… Đáng tiếc là những đơn vị như thế này không trực thuộc Viện chủ quản cùng chuyên ngành để có sự trao đổi về khoa học thường xuyên hơn. Việc không trực thuộc Viện có cùng chuyên ngành với lĩnh vực hoạt động của đơn vị làm giảm sự trao đổi khoa học thường xuyên giữa Viện và đơn vị. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động và nghiên cứu, đơn vị vẫn có mối liên hệ với các đơn vị, tổ chức có cùng lĩnh vực, xét về “ngành dọc” vẫn tồn tại mối liên hệ hợp tác, vẫn tồn tại mối liên hệ trong cộng đồng khoa học cùng ngành và điều này là vô cùng quan trọng

trong hoạt động của mỗi đơn vị nói riêng và hoạt động KH&CN nói chung.

Về bản chất, các đơn vị 35 không chỉ có nhiệm vụ sản xuất thử nghiệm hoặc làm dịch vụ KH&CN mà các đơn vị này còn tiến hành nghiên cứu để hoàn thiện kết quả đã thu được từ phòng thí nghiệm và quá trình sản xuất thử nghiệm loạt nhỏ. Để tự trang trải về tài chính, các đơn vị này cũng phải tập trung trong việc nâng cao mẫu mã sản phẩm nhằm thương mại hoá sản phẩm, tìm kiếm đối tác để tổ chức sản xuất hoặc CGCN. Thời kỳ đầu công việc này không hấp dẫn các viện nghiên cứu và cũng không hấp dẫn doanh nghiệp vì chưa có điều kiện đầu tư cho nghiên cứu. Lúc này các đơn vị 35 đóng vai trò trung gian giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đây là một khâu rất quan trọng của việc triển khai kết quả nghiên cứu thu được từ phòng thí nghiệm.

Một điều quan trọng hơn cả là khi Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 35/HĐBT và việc hình thành các đơn vị 35 đã là tiền đề cho việc tự chủ trong hoạt động KH&CN của các tổ chức KH&CN. Điều này đã thực sự mở ra cho các nhà khoa học sự “tự do và dân chủ” trong hoạt động sáng tạo của mình. Điều đó thể hiện bằng các công trình nghiên cứu, các sản phẩm ứng dụng có hiệu quả vào các ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội như đã trình bày ở phần trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ thành lập theo Nghị định 35.HĐBT trong các Viện nghiên cứu và triển khai (Trang 60 - 64)