Chƣơng 2 : NHÂN VẬT PHỤ NỮ TRONG TRUYỆN NGẮN
3.2. Miêu tả tâm lí nhân vật
Tâm lí con người là đối tượng phản ánh của văn học. Người nghệ sĩ lớn bao giờ cũng là một bậc thầy trong việc miêu tả tâm lí nhân vật.
Trong văn chương, Thạch Lam luôn đề cao yếu tố tâm hồn. Thạch Lam đã thấy được sự quan trọng, cần thiết của việc phân tích tâm hồn nhân vật. Trong sáng tác của mình, Thạch Lam thường đi sâu vào khai thác tâm hồn nhân vật và Thạch Lam đã diễn tả rất đúng, rất thành công. Nhà văn quan niệm khai thác tâm hồn nhân vật cũng là hình thức làm cho tâm hồn con
người trở nên phong phú hơn, đẹp đẽ hơn, đảm bảo được nhiệm vụ cao cả của văn chương. Trong cuốn Phong cách văn xuôi nghệ thuật Thạch Lam, Nguyễn Thành Thi đã khẳng định Thạch Lam là người có biệt tài kể về nội tâm và cảm giác [37, tr. 101].
Thạch Lam là người đôn hậu, điềm đạm, rất đỗi tinh tế .Ông là một cây bút tài hoa, có biệt tài về truyệnngắn. Lê Dục Tú trong Quan niệm con người trong sáng tác của Thạch Lam đã khẳng định: Ở giai đoạn văn học 1930 - 1945, trong khi các nhà văn hiện thực quan tâm chủ yếu đến tình trạng xã hội của con người thì phần lớn các nhà văn Tự lực văn đoàn, trong đó có Thạch Lam lại quan tâm chủ yếu đến thế giới tinh thần - thế giới nội tâm của con người. Việc đi sâu thể hiện thể giới tinh thần của con người và coi đó là một đối tượng để miêu tả con người là sự thể hiện một bước tiến của văn học [2, tr. 121]. Tác phẩm của Thạch Lam chủ yếu khai thác thế giới nội tâm nhân vật với biết bao xúc cảm, cảm giác mơ hồ, mong manh làm đọng lại trong lòng người đọc nhiều dư vi. Một trong những tác phẩm thể hiện sức hấp dẫn trong nghệ thuật viết văn ấy của Thạch Lam là truyện ngắn Hai đứa trẻ. Ở đây, nhà văn đã thật thành công khi miêu tả nội tâm nhân vật trong sự tương ứng với thế giới ngoại cảnh với bao buồn vui của bức tranh phố huyện khi chiều xuống, phố huyện lúc đêm về và phố huyện lúc có chuyến tàu đêm đi qua. Với ngòi bút tinh tế, Thạch Lam phát hiện được những rung động cực điểm của một tâm hồn thơ dại, tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm. Truyện viết về những đứa trẻ nghèo, khắc hoạ được vẻ đẹp tâm hồn cô bé Liên để lại nhưng ấn tượng sâu sắc trong lòng người.
Mở đầu tác phẩm là bức tranh phố huyện khi chiều xuống được hiện lên với cảnh chiều tàn. Thiên nhiên buổi chiều tàn hiện lên thật đẹp, gợi buồn như một bức họa đồng quê quen thuộc, gần gũi. Trên cái nền của bức tranh chiều tàn ấy là tâm trạng của Liên, một cô bé mới lớn được nhà văn cảm nhận
rất tinh tế. Liên thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn. Không những vậy, Liên còn cảm nhận được mùi riêng của đất, của quê hương này. Và đặc biệt Liên còn thấy động lòng thương bọn trẻ con nhà nghèo đi nhặt rác, xót thương cho mẹ con chị Tý. Qua ngòi bút miêu tả của Thạch Lam, Liên là một cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, có lòng trắc ẩn, yêu thương con người. Bằng sự quan sát, miêu tả tỉ mỉ, tinh tế với nhiều biến đổi tinh vi, phong phú, nhà văn đã giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về cảnh vật nơi phố huyện lúc chiều tàn như thấm vào lòng người hay nỗi buồn của tâm hồn Liên lan tỏa nhuốm vào cảnh vật.
Khi phố huyện đã chuyển dần về đêm. Đó là một bức tranh có một sự hòa trộn đầy dụng ý giữa ánh sáng và bóng tối. Nhưng ánh sáng thì le lói, chỉ là khe sáng, chấm sáng, hột sáng; bóng đêm thì vừa mênh mông hiu quạnh vừa dày đặc. Điều này gợi một nỗi buồn đầy cảm thông, một nhận thức dù rất mơ hồ về những kiếp sống chìm khuất, le lói.
Một trong những thời điểm để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc đó là cảnh phố huyện lúc đoàn tàu đi qua. Ở đây như có một sự tương phản nổi bật giữa hình ảnh đoàn tàu và hình ảnh trở về trạng thái sống lặng lẽ, tối tăm không thay đổi nơi phố huyện. Tâm trạng của Liên lúc này là: Những cảm giác ban ngày lắng đi trong tâm hồn Liên và hình ảnh thế giới quanh mình, mờ mờ đi trong mắt chị. Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ, nhưng Liên không nghĩ đươc lâu, mắt chị nặng dần, rồi sau Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối. Chuyến tàu đêm đi qua sáng rực, vui vẻ và huyên náo, đầy vẻ hấp dẫn nhưng lại chỉ thoáng qua trong giây lát ngắn ngủi rồi trả phố huyện về cuộc sống mênh mang yên lặng và đầy bóng tối. Điều đó làm nỗi buồn như càng thấm thía hơn trong lòng Liên.
Tương ứng với mỗi cảnh là một sắc thái cảm xúc, tâm trạng. buồn man mác, mơ hồ khó hiểu trước bức tranh cuộc sống nghèo của phố huyện lúc chiều muộn: buồn khắc khoải trong cảnh đợi chờ, mong ước một cái gì tốt đẹp, tươi sáng hơn cuộc sống nghèo khổ thường ngày; buồn thấm thía sâu sa về một cuộc sống quẩn quanh, không thể đổi thay và mọi cái tốt đẹp, tươi sáng chỉ là hi vọng mong manh. Cũng tương ứng với cảnh vật, con người trong từng thời khắc khác nhau là những tâm trạng, cảm giác, ý nghĩ khác nhau. Trong đoạn đầu: lòng buồn man mác trước thời khắc của ngày tàn; đoạn giữa: mong đợi một cái gì đó tươi sáng cho cuộc sống hằng ngày, lặng theo mơ tưởng; đoạn cuối: thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ. Tất cả thể hiện niềm cảm thông sâu sắc cuả nhà văn. Tưởng chừng tác giả đã hòa nhập vào tâm trạng, cảnh ngộ của nhân vật để diễn tả những gì mong manh, mơ hồ khó tả nhất của tâm hồn con người.
Miêu tả tâm trạng của hai đứa trẻ, đặc biệt là Liên qua thực tại và hồi ức đan xen với một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, giàu chất thơ, nhà văn bộc lộ niềm xót thương những kiếp người đói nghèo cơ cực, sống quẩn quanh bế tắc trong xã hội cũ. Từ đó tác giả như muốn lay tỉnh những tâm hồn uể oải, đang lụi tàn, nhen lên trong họ ngọn lửa của lòng khát khao được sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, khát khao thoát khỏi cuộc đời tăm tối đang chôn vùi họ. Truyện ngắn Hai đứa trẻ đã thể hiện sâu sắc cái tài và cái tâm của nhà văn Thạch Lam. Với lối viết nhẹ nhàng, mỗi truyện tựa như một bài thơ trữ tình đầy xót thương, Thạch Lam đã mang đến cho người đọc sự đồng cảm sâu sắc về những thân phận cuộc đời trong xã hội cũ. Qua nhân vật Liên nhà văn đã làm toát lên những giá trị nhân văn cao đẹp, giúp chúng ta thấu hiểu nỗi buồn đau của dân tộc trong thế kỷ bạo tàn dưới ách đô hộ của bọn thực dân và đế quốc.
Thạch Lam là một nhà văn mà tâm hồn, nói như Thế Lữ có cả một cái kho tàng cuộc sống bên trong, rất sẵn châu báu [37, tr. 127]. Trong truyện ngắn, thế giới cảm xúc, tâm hồn của nhà văn dường như được lọc qua tâm hồn, cảm xúc của nhân vật. Cái tinh tế, nhạy cảm của Thạch Lam được thể hiện rõ qua việc ông len lỏi vào ngõ nghách tâm hồn người, lắng nghe những vang động sâu thắm bên trong để thông cảm, đồng cảm với những thân phận khác nhau. Phải có một tấm lòng chân thành và giàu tình yêu thương, Thạch Lam mới có thể viết về những mảnh đời ấy chân thực và sinh động đến thế.
Giống với Thạch Lam, truyện ngắn Hồ Dzếnh là truyện ngắn trữ tình. Hồ Dzếnh ít quan tâm đến hành động của nhân vật mà ngòi bút của ông chủ yếu hướng vào phản ứng trong tâm thức của nhân vật trước hiện thực. Ông không đề cập đến những vấn đề rộng lớn, to tát mà thường đề cập đến những vấn đề nhỏ hẹp. Đó là thế giới nội tâm của con người với tất cả mặt khuất, tiềm ẩn phía sau lớp vỏ bên ngoài. Truyện của Hồ Dzếnh không có cốt truyện mà thường mải theo tâm trạng cảm giác của nhân vật. Các nhân vật của ông thường tự mổ xẻ, phân tích suy nghĩ của mình. Họ suy nghĩ triền miên, đau đớn, để rồi luôn tự thức tỉnh. Như nhân vật Liên và Huệ trong Tối ba mươi. Hai con người ấy trong đêm giao thừa ngồi khóc vì nỗi trơ trọi, cô đơn, vì nhớ quê hương để rồi nhận ra thực tại đầy đau xót, đau xót cho cảnh bèo bọt của thân phận mình.
Người chị trong Người chị dâu tôi từ “cặp mắt ngơ ngắc như vừa qua cái thảm cảnh của phân ly” đến việc “sống giữa sự lãnh đạm của mọi người, trừ anh cả tôi - chồng chị và tôi” để rồi phải thay đổi để thich nghi với cuộc sống nhà chồng. Nỗi buồn dồn nén lại rồi trôi ra theo những dòng nước mắt của người chị khi nhớ về quá khứ: “Chú ạ, ngày xưa chị sung sướng lắm kia. Chị là con một trong gia đình quý phái, cũng được nuông chiều như chú bây giờ,
có phần hơn thế nữa”. Cuộc sống đau thương người đàn bà ấy thôi không bao giờ còn dám hy vọng trở về quê hương nữa.
Hồ Dzếnh với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế đã miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật Dìn thật hay mà sâu sắc. Dìn lần đầu tiên bước vào ngưỡng cửa của tình yêu với những đổi khác: trang điểm cẩn thận trước khi đi, xịt nước hoa lên tóc. Để rồi khi bị phát hiện, em bị trói chặt với những trận đòn bằng roi mây, nức nở khóc trước câu nói của người anh: “gọt gáy bôi vôi”. Sau trận đòn đó, tâm trạng của Dìn đã thay đổi, trở nên buồn bã, nhưng tình yêu thì vẫn còn sâu nặng trong trái tim của người thiếu nữ để rồi dù bị nhốt trong buồng tối, chỉ giao tiếp với bên ngoài qua cái cửa sổ nhỏ thì Dìn vẫn gửi thư cho người yêu để rồi khi bị anh phát hiện thì đáp lại một cách cương quyết, rắn rỏi bằng một tấm lòng chân thật: “tại vì… em nhớ người ta quá”. Với tình yêu mù quáng, Dìn đã có những bước đường liều lĩnh để rồi đã liên tiếp từ sai lầm này đến sai lầm khác, lớn hơn. Cuối cùng khi bị người yêu ruồng bỏ, Dìn đã quay trở về để chuẩn bị cho bước đường xa hơn nữa. Khi trở về, Dìn chỉ dám gặp người anh Hồ Dzếnh với nước mắt tuôn trào: “Em xấu hổ lắm.Em lại đây thăm nhà vì em nhớ mẹ, nhớ các anh”. Dìn cốt muốn trông thấy anh để nhớ lại những kỉ niệm thơ ấu, “nhớ lại ngày nào anh mừng tuổi em”. Dìn đón lấy số tiền nhở bé của anh, cười đau đớn rồi lùi vào trong bóng tối. Đó chính là sự thức tỉnh trước thực tại.
Nhân vật chính xuyên qua tất cả truyện là tác giả cho nên bên cạnh việc thể hiện tính cách, tâm lí của nhân vật, Hồ Dzếnh cũng dành cho mình những trang văn để bộc lộ những cảm xúc của mình. Đó là đoạn ông ca ngợi người mẹ: Mẹ tôi mỉm cười nhìn tôi – Ôi! Cái mỉm cười của một người mẹ! [30, tr. 104]; ca ngợi người chị: một tấm lòng thương người, một chân tình xứng đáng, vùi sâu giữa cát bụi của cuộc đời, vẫn còn sáng mãi những cảm tình chân thật buổi đầu [30, tr. 127]; ca ngợi đất nước Việt Nam – quê mẹ của
mình: Hỡi nước Nam! Tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói thứ tiếng của người, vì tôi đã thề yêu người trên bậc tuyệt vời của Tôn giáo. Trên giải đất súc tích những tinh hoa của văn chương, những công nghiệp của lịch sử, tôi còn ghi cả những bóng dáng người xưa tôi thương yêu, và trong số những người này, chị Yên tôi là một [30, tr.508]. Với Hồ Dzếnh, mỗi truyện ngắn của Chân trời cũ là một nỗi niềm, tâm trạng: có niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ, day dứt và hối hận,… Cái tôi chủ quan bộc lộ tâm sự, suy nghĩ của mình một cách thành thật và tha thiết. Xuyên suốt tập truyện, người đọc nhận thấy một tâm thế ăn năn hối hận đúng như nhà văn đã nói: Tôi chỉ viết khi nào tôi hối hận [30, tr. 517]. Theo Nguyễn Đăng Mạnh: Thực ra buồn đau và tiếc nuối quá khứ vốn là một yêu cầu thẩm mỹ của chủ nghĩa lãng mạn. Văn Hồ Dzếnh có thể xếp vào cái dòng tôi gọi là thứ văn xuôi trữ tình rất khó phân biệt là hiện thực hay lãng mạn – cái dòng của Thạch Lam, Thanh Tịnh. Không phải ngẫu nhiên mà hai tâm hồn ấy - Thạch Lam, Hồ Dzếnh đã bắt lấy nhau và trở thành đôi tri kỷ. [27, tr. 300]
Qua ngòi bút trữ tình của Hồ Dzếnh người đọc một lần nữa cảm nhận được sự tinh tế, phức tạp và đa diện của thế giới nội tâm bên trong của mỗi con người, đặc biệt là người phụ nữ. Đồng thời nó còn dẫn người đọc đi sâu khám phá vào những chiều sâu vô thức của thế giới tâm linh, khám phá ra những điều tưởng chừng là xa lạ, bí mật nhưng hết sức quen thuộc bởi ai cũng có và đã từng trải qua. Đó cũng chính là lý do mà khi đọc những trang văn của ông, người đọc như gặp lại chính mình ở một khoảnh khắc nào đó nằm ngoài không gian và thời gian.
Thạch Lam, Hồ Dzếnh - hai nhà văn đều tìm đến thể loại truyện ngắn, đều chú trọng đến việc miêu tả tâm lí con người trong hoàn cảnh cụ thể, không quan tâm nhiều đến việc miêu tả yếu tố ngoại hình. Với nghệ thuật
miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc, Thạch Lam, Hồ Dzếnh đã miêu tả rất cụ thể các diễn biến nội tâm qua suy nghĩ, hành động, ngôn ngữ, hay những day dứt, đau khổ, ám ảnh,… Điều đó chứng tỏ hai nhà văn phải là người rất am hiểu thế giới nội tâm nhân vật của mình, đặc biệt là tâm lí người nông dân.