Phật giáo là một tôn giáo lớn đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Thời kỳ đầu, Phật giáo có nhiều điểm phù hợp với tín ngưỡng của người dân Việt Nam nên nhanh chóng được tiếp nhận. Theo thời gian, Phật giáo đã tồn tại, phát triển, bám rễ sâu trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam, ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống nhân dân Việt Nam. Cho đến ngày nay, Phật giáo vẫn tiếp tục vận động nhanh hơn nữa và có nhiều biến đổi phù hợp với thời đại mới.
Sự tồn tại và chuyển biến hơn nữa của Phật giáo trong điều kiện ngày nay đang là một tất yếu. Bởi lẽ các nhân tố kinh tế, tâm lý, nhận thức, lịch sử, văn hóa, chính sách ở nước ta đều tạo điều kiện cho sự biến đổi của Phật giáo.
Về nhân tố kinh tế
Phật giáo là một tôn giáo, là một hình thái ý thức xã hội, một tiểu kiến trúc thượng tầng, chịu chi phối của tồn tại xã hội mà trước hết là nhân tố kinh tế.
Từ khi đất nước thống nhất cho đến năm trước năm 1986, có lúc, có nơi, Đảng và Nhà nước ta đã có những bước đi chủ quan, nóng vội, giáo điều trong quản lý và phát triển kinh tế. Một thời gian dài chúng ta thực hiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Điều đó dẫn đến hiệu quả sản xuất kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng đó, từ Đại hội lần thứ VI đến nay, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Công cuộc đó đã đạt được những thành tựu đáng kể. Với việc đề ra chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng XHCN đã đem lại hiệu quả thiết thực: lực lượng sản xuất phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH bước đầu được xây dựng, đời sống nhân dân được thay đổi một cách toàn diện và sâu sắc. Chính sự chuyển mình đi lên đó đã tạo điều kiện cho sự vận động, biến đổi, phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Nhân dân ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, họ còn quan tâm hơn đến đời sống tinh thần. Thực tế, nhờ sự phát triển kinh tế mà nhiều chùa chiền, cơ sở thờ tự Phật giáo được xây dựng. Mọi người trong xã hội tham gia lễ chùa ngày một đông. Phải chăng khi đời sống vật chất tạm đầy đủ, con người hướng đến các nhu cầu khác trong đó có nhu cầu tâm linh. Họ cầu mong cuộc sống hạnh phúc, may mắn hơn, cầu mong sức khỏe, bình an…
Hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực thì sự phát triển kinh tế thị trường cũng có mặt trái của nó như tham nhũng, hối lộ, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội càng rõ rệt. Chính cơ chế thị trường đã đẩy người giàu thì giàu hết mức, người nghèo thì nghèo đến cùng. Cũng chính cơ chế thị trường nhiều may rủi khiến nhiều người giàu có và nhiều người phá sản nhanh chóng. Tình trạng đó là một nỗi hoang mang, lo lắng của nhiều người sống trong thời đại mới, đặc biệt là những người sống ở các thành thị lớn, những người trực tiếp tham gia vào thương trường. Cho nên con người có nhu cầu tìm đến chỗ dựa tâm lý, đến những những lực lượng thiêng có thể bù đắp cho họ, mà gần gũi thân thuộc phần nhiều với người dân Việt Nam là Phật giáo. Những người giàu thì mong muốn ngày càng giàu hơn, cuộc sống may mắn, no đủ, hy vọng duy trì mãi sự giàu có của mình. Cho nên họ thường xuyên lễ chùa, cầu Phật. Thậm chí có những người bỏ ra một lượng tiền lớn để công đức, trùng tu, tôn tạo chùa chiền. Bên cạnh đó, những người nghèo thì luôn tâm niệm, mong muốn cuộc sống bớt khó khăn hơn. Họ nương nhờ nơi cửa Phật để cầu mong sự che chở, hy vọng được Thần, Phật trợ giúp có một vận may để cuộc sống bằng bạn,
bằng bè. Tóm lại là họ cầu mong một sự “cứu thế” của Phật giáo và như vậy, nhu cầu đền bù hư ảo ở một bộ phận quần chúng nhân dân đang tăng lên.
Bên cạnh các hoạt động trên, trong điều kiện cuộc sống sôi động như ngày nay, có nhiều hiện tượng lợi dụng Phật giáo để thực hiện mục đích mưu lợi cá nhân, buôn thần bán thánh. Các cô đồng, cậu bóng lợi dụng lòng tin của nhân dân kéo bè cánh lên chùa cúng, lễ, dâng sao giải hạn, xóc quẻ, bói quẻ tử vi…Đó cũng là nguyên nhân làm gia tăng sự phát triển của Phật giáo từ thành thị đến nông thôn.
Ngoài ra, trong điều kiện thực tế xã hội nóng bỏng như hiện nay, chúng tôi còn nhận thấy một bộ phận học sinh, sinh viên, thanh niên, những người trẻ tuổi có xu hướng lễ Phật càng đông. Phải chăng xuất phát từ tâm lý lo lắng trước cuộc sống hiện tại, từ áp lực công việc, học hành…mà họ đang tìm một niềm tin để nương tựa.
Rõ ràng, sự phát triển kinh tế thị trường đưa người ta đến cuộc sống nhanh hơn, phát triển hơn nhưng con người lại rơi vào thế bị động, hoang mang, lo lắng nhiều hơn. Chính vì vậy con người tìm chỗ dựa nhà chùa, cửa Phật là tìm chỗ dựa về tâm linh, tinh thần. Đó chính là những lý do khiến Phật giáo ngày nay đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở nước ta nhìn từ góc độ kinh tế.
Về nhân tố nhận thức
Trình độ dân trí nước ta tính đến giai đoạn hiện nay vẫn còn thấp, tỷ lệ mù chữ vẫn còn khá lớn. Thêm vào đó, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, đời sống kinh tế chưa thực sự phát triển, còn gặp nhiều khó khăn. Đứng trước nhiều hiện tượng biến động khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, khó lý giải trong những năm vừa qua như lũ lụt, hạn hán, sóng thần…con người thường gắn nó cho một hiện tượng siêu nhiên nào đó. Do vậy, tôn giáo lại là yếu tố giữ vị trí quan trọng giống như Ăngghen đã nhận định: “Nhưng tất cả mọi tôn giáo
chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế” [61, 437].
Bên cạnh những hiểm họa thất thường của khí hậu, trong những năm gần đây nhiều bệnh dịch đã xảy ra lan tràn từ nước này sang nước khác, khu vực này sang khu vực khác. Riêng ở Việt Nam, những hiện tượng dịch bệnh chưa tìm được thuốc chữa đó đã lấy đi sự sống của nhiều người, gây tâm lý hoang mang, sợ hãi trong quần chúng.
Ngoài ra, cũng do trình độ quản lý kinh tế, quản lý xã hội còn nhiều khuyết điểm, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của nhân dân chưa cao dẫn đến nhiều hiện tượng tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên đất nước ta, gây ra nhiều cái chết đau thương, nhiều mất mát kinh hoàng cho người thân và gia đình nạn nhân. Trước những hiện thực như vậy nhiều người không thể không nghĩ đến số phận, không thể không tìm đến giải pháp tâm lý cầu khấn giải hạn, cúng bái trời Phật phù hộ cho cuộc sống được bình an, hạnh phúc.
Rõ ràng, quan niệm duy vật cho rằng một trong các nguồn gốc nảy sinh tôn giáo là do trình độ nhận thức của con người còn hạn chế là không sai. Song không thể quy tất cả những người theo đạo Phật đều là do trình độ nhận thức thấp kém, hạn chế của con người. Bởi lẽ mỗi người theo đạo Phật đều có những mục đích, động cơ khác nhau, còn do những nhân tố khác quy định mà chúng tôi chưa có thể đi sâu tìm hiểu.
Về nhân tố tâm lý
Ngay từ khi vào Việt Nam, Phật giáo đã có sự thích ứng, gần gũi, gắn bó với tín ngưỡng bản địa, có nhiều điểm tương đồng, hòa hợp với tín ngưỡng bản địa, với tâm lý tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam. Người dân Việt Nam, khi ông bà, tổ tiên qua đời họ thường tổ chức, thực hiện các nghi thức cúng lễ
theo nhà Phật. Thông thường, họ mời sư tăng đến cúng lễ, tụng kinh cho người đã khuất vào các dịp lễ cúng trong năm đầu. Ngoài ra, nhân dân Việt Nam còn tục lệ đưa bát hương ông bà tổ tiên lên chùa để vong linh được siêu thoát. Phật giáo đã thực sự gia nhập vào lối sống, phong tục, tập quán, là một bộ phận văn hoá dân tộc, đáp ứng các nhu cầu tâm lý dân tộc.
Bên cạnh tính chất gần gũi với tâm lý tín ngưỡng dân tộc thì chính sự gia tăng các tâm lý hoang mang, lo sợ, gia tăng nhu cầu được đền bù hư ảo trước những biến đổi bất thường của cuộc sống hiện tại như vừa phân tích ở phần trên là một nguồn gốc dẫn con người đến với Phật giáo. Như vậy, một trong các lý do khiến Phật giáo gia tăng còn là do nhân tố tâm lý.
Về nhân tố lịch sử, văn hoá
Theo chiều dài lịch sử, Phật giáo đã thực sự bám rễ sâu trong lòng dân tộc Việt Nam. Từ khi khôi phục được độc lập, qua các triều đại, Phật giáo đã được chấp nhận và góp phần không nhỏ vào việc xây dựng triều chính. Mỗi triều đại lịch sử từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Vương triều được xây dựng, phát triển đều gắn liền với công lao của các bậc thiền sư. Thậm chí đã từng có các vị quân vương khi cầm quân chống giặc ngoại xâm thì minh quân gang thép nhưng hoà bình thì sằn sàng từ bỏ ngai vàng, khoác áo cà sa xây dựng hệ tư tưởng Phật giáo mang màu sắc dân tộc. Sau này, nhiều sư tăng Phật giáo đã nhiều lần cùng dân tộc Việt Nam đánh đuổi Đế quốc xâm lược. Ngoài lĩnh vực chính trị, Phật giáo còn thẩm thấu vào đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc như đạo đức, lối sống, văn hóa nghệ thuật. Phật giáo đã len lỏi khắp nơi, từ thành thị cho đến nông thôn, dường như đã trở thành một bộ phận của văn hoá truyền thống Việt Nam. Với đặc trưng về sự tồn tại lâu dài trong lịch sử này, Phật giáo thực sự có vai trò và ý nghĩa to lớn, thẩm thấu vào văn hóa Việt Nam đến tận ngày nay và xa hơn nữa. Bởi lẽ Phật giáo là sản phẩm, là di sản của lịch sử văn hóa truyền thống, mà con người ta không thể đoạn tuyệt và tách rời với lịch sử truyền thống được.
Về chính sách của Đảng và Nhà nước
Đảng và Nhà nước ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều quan điểm đổi mới về tôn giáo và chính sách đối với tôn giáo. Qua các Văn kiện, Nghị quyết, Đảng và Nhà nước ta trước sau như một thừa nhận quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, tạo điều kiện cho các tôn giáo được tự do phát triển trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, mọi tín đồ tôn giáo được tự do sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước còn được thể hiện ở chỗ chính sách tôn giáo được đặt trong mối quan hệ với các chính sách xã hội khác, đặt trong tổng thể các chính sách xã hội nhằm mục tiêu phát huy nhân tố con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Các quan điểm đó đã ảnh hưởng tích cực đến đồng bào tín đồ tôn giáo, các tín đồ yên tâm hành đạo, tin tưỏng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ có các chủ trương, chính sách này của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho các tôn giáo vận động, biến đổi, phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, trong đó có Phật giáo.
Với các nhân tố tổng hợp đã phân tích ở trên đã tạo điều kiện và chi phối mạnh mẽ đến sự du nhập, tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Phật giáo hiện tồn như một bộ phận khách quan của lịch sử dân tộc. Với tư cách là một trong các yếu tố của hình thái ý thức xã hội, một bộ phận của kiến trúc thượng tầng thì Phật giáo vẫn sẽ tồn tại cùng với sự tồn tại của xã hội Việt Nam, có sự biến đổi do sự biến đổi của toàn xã hội và nó góp phần chi phối nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Cho nên, nhìn một cách tổng quan, Phật giáo Việt Nam đang có bước vận động mạnh mẽ. Hiện nay, trong cả nước, đạo Phật là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2005, cả nước có khoảng 10.000.000 tín đồ Phật giáo, 37.775 chức sắc, 16.972 cơ sở thờ tự, 3 Học viện Phật giáo, 1 Viện nghiên cứu Phật học, 6 lớp Cao đẳng và 31 Trung cấp Phật học[6, 80-81].
Theo GS. Đặng Nghiêm Vạn, đạo Phật là tôn giáo có quy định tiêu chuẩn tín đồ vừa tự giác, vừa mềm dẻo nên số lượng tín đồ Phật giáo khó đoán định một cách chính xác. Nếu dựa vào người lên chùa, có niềm tin, thậm chí thờ Phật trong nhà thì con số trên là chưa đủ. Viện nghiên cứu tôn giáo khảo sát cho thấy kết quả: “70,8% người dân không theo Kitô được hỏi là theo đạo Phật, 60,1% có thờ Phật, 71,2% tin ở Phật có khả năng giúp đỡ và 78,8% đi lễ chùa”[77, 322].
Với các con số thống kê này, chứng tỏ tình hình Phật giáo ở Việt Nam hiện nay đang có xu hướng phát triển và tiếp tục phát triển hơn nữa. Sự phát triển này của Phật giáo từ trong lịch sử đến nay đã và đang có những đóng góp tích cực trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Phật giáo đã đi vào kho tàng giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến giá trị truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc. Theo dòng lịch sử, cho đến nay, Phật giáo đã từng bước khẳng định vai trò trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Đó là góp phần củng cố ý thức độc lập dân tộc, là xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất dân tộc. Đặc biệt trong lĩnh vực đạo đức, Phật giáo đã góp phần vào việc hình thành một hệ thống giá trị đạo đức truyền thống cũng như củng cố các thang giá trị đang bị biến dạng trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, Phật giáo đang góp phần vào bảo vệ các giá trị truyền thống, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho mọi người dân Việt Nam. Trong điều kiện kinh tế thị trường phát triển như hiện nay thì những giá trị “từ , bi, hỷ, xả”, bảo vệ cái thiện, tránh cái ác của đạo Phật có giá trị to lớn trong việc định hướng hoạt động và lối sống của con người. Đó chính là những xu hướng tác động tích cực trong đời sống tinh thần hiện nay.
Bên cạnh xu hướng vận động tích cực như trên, Phật giáo Việt Nam hiện nay đang có nhiều xu hướng biến đổi phức tạp, đi ngược lại giáo lý
truyền thống đạo Phật, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam.
Trước hết là ảnh hưởng tiêu cực về mặt đạo đức, lối sống
Lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tự do, tín ngưỡng tôn giáo, một số phần tử trong xã hội thường hoạt động buôn thần, bán thánh, lui tới các chùa chiền để cầu may, giải hạn, hoạt động mê tín dị đoan, xóc quẻ, bói quẻ, tử vi, xem số… Họ coi đây như là cơ hội để hành nghề. Thậm chí có những kẻ núp dưới bóng của nhà Phật để bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật của mình. Từ đó ảnh hưởng nhiều đến đạo đức, lối sống của nhân dân. Càng ngày, con người càng tin nhiều hơn vào việc xóc quẻ, bói quẻ, xem