2.2. Thực trạng vận dụng tƣ tƣởng Hồ Chí Minh về Phật giáo của
2.2.3. Một số kiến nghị đề xuất
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về Phật giáo và tình hình Phật giáo trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị về mặt giải pháp để góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống giải pháp của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ nhất, quán triệt quan điểm coi công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, chúng ta cần phải có sự cảm thông, thấu hiểu với thân phận nhỏ bé của mỗi tín đồ Phật giáo, tôn trọng đức tin của họ mà tuyên truyền, vận động cách mạng cho đông đảo đồng bào Phật giáo hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo
Hiện nay, tín đồ Phật giáo chiếm tỷ lệ đông nhất trong đồng bào theo đạo ở Việt Nam. Trong những năm qua, mọi tín đồ Phật giáo đã phát huy tinh thần hoà hợp tôn giáo, sống hài hoà với các tín đồ khác trong nước. Giống như các tín đồ tôn giáo khác, tín đồ Phật giáo có niềm tin thiêng liêng vào Đức phật. Đó là chỗ dựa tinh thần và tấm lòng của họ. Chính vì vậy cần phải
có sự cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ với đồng bào tín đồ Phật tử. Do đó, Đảng và Nhà nước ta bên cạnh việc ban hành các chính sách về tự do tín ngưỡng tôn giáo cần hoàn thiện chính sách riêng phù hợp với quyền lợi và trách nhiệm của các Phật tử.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng mọi chủ trương, chính sách đến tín đồ Phật giáo, khi cần thiết có thể kiến giải, giải thích để tín đồ thực sự hiểu được chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước nhằm mục đích xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào cả nước, trong đó có tín đồ Phật giáo.
Quan trọng hơn, Đảng và Nhà nước ta cần coi trọng hơn nữa công tác tư tưởng, tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước về tôn giáo đến các tín đồ Phật tử vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ các thế lực thù địch dễ dàng lợi dụng.
Làm được các công tác đó sẽ tạo được lòng tin trong đồng bào Phật tử cả nước. Họ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tin vào chế độ. Từ đó tự nguyện phấn đấu vì mục đích, tôn chỉ: “Đạo pháp - Dân tộc - XHCN”.
Thứ hai, cùng với hệ thống chính sách pháp luật như đã ban hành, hiện nay, Đảng cần lãnh đạo Nhà nước hoàn thiện hơn nữa hệ thống các luật, pháp lệnh, các văn bản pháp quy và hướng dẫn điều chỉnh trực tiếp hoạt động của Phật giáo như hoạt động của nhà chùa, tín đồ, chức sắc…
Hiện nay, các văn bản điều chỉnh hoạt động của Phật giáo chủ yếu dựa trên các văn bản chung điều chỉnh tôn giáo. Điều này còn nhiều vấn đề bất cập nên các thế lực thù địch có thể lợi dụng sơ hở để tiến hành âm mưu chính trị. Do đó yêu cầu bức thiết là xây dựng một hệ thống văn bản, pháp luật giám sát, quản lý hoạt động của các nhà chùa, văn bản pháp luật bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các tổ chức Phật giáo, bảo hộ các chức sắc, chức việc
thực hiện hoạt động bình thường. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu, đề ra các luật liên quan như luật bảo vệ di sản, di tích, luật xuất bản kinh sách, pháp lệnh thư viện Phật học hay xây dựng các quy chế đào tạo cụ thể cho các trường: Học viện Phật giáo, Trung cấp Phật giáo; bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng mới các quy chế quy định về lễ hội chùa, cúng bái ở chùa, đốt vàng mã, giữ gìn vệ sinh đình chùa; xây dựng, ban hành các chính sách kinh tế chùa chiền vừa đảm bảo đời sống của các tăng ni, Phật tử vừa hỗ trợ cho bảo tồn và phát huy di tích, danh lam thắng cảnh.
Tất cả các hệ thống văn bản pháp luật kể trên hiện chưa có hoặc sử dụng văn bản quy phạm chung cho tất cả các tôn giáo. Trước tình hình mới của Phật giáo hiện nay, Đảng và Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng hệ thống pháp lý quy định riêng cho Phật giáo.
Thực hiện được các công việc như vậy sẽ ngăn chặn được âm mưu phản động lợi dụng nhiều kẽ hở của luật pháp thực hiện các âm mưu chính trị phản động. Bên cạnh đó, với sự điều chỉnh của hệ thống hành lang pháp lý chặt chẽ sẽ tạo cho Phật giáo môi trường lành mạnh, trong sạch để hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích đề ra.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền sâu, rộng tư tưởng Hồ Chí Minh về Phật giáo để tín đồ phát huy và đề cao cái đẹp của Phật giáo là sự chăm lo tới con người, bảo vệ di sản văn hóa đạo đức Phật giáo.
Hồ Chí Minh đã đánh giá Phật giáo như một lĩnh vực văn hoá, một bộ phận cấu thành của nền văn hoá dân tộc. Quán triệt tư tưởng đó ở Người, chúng ta phải tiếp tục tăng cường nhận thức, tuyên truyền giải thích rộng rãi, đề cao các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của Phật giáo. Cùng với nó là tuyên truyền, quảng bá trong quần chúng và đồng bào có đạo để họ chung sức chung lòng, nêu cao ý thức bảo vệ các di sản văn hoá Phật giáo.
Phật giáo là một bộ phận văn hoá tinh thần không thể thiếu của một bộ phận quần chúng. Đạo đức Phật giáo đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành đạo đức dân tộc. Các cơ sở chùa chiền là một bộ phận của kho tàng giá trị văn hoá quý báu của dân tộc. Trong đó có cơ sở đã được công nhận di sản văn hóa thế giới. Trong lịch sử, tín ngưỡng Phật giáo hoà quyện với đời sống văn hoá tinh thần dân tộc. Ngày hội chùa thường là ngày hội làng, ngày sinh hoạt văn hoá tinh thần của làng xã. Đó là nơi quy tụ đông đủ mọi tầng lớp nhân dân về thắp hương lễ Phật, tham gia các hoạt động văn hoá dân gian. Nó vừa có tác dụng duy trì các sinh hoạt văn hoá tinh thần truyền thống của dân tộc, vừa củng cố khối đoàn kết cộng đồng, củng cố tình yêu quê hương, làng xã, tinh thần hướng thiện.
Tuy vậy, trên cái nền sinh hoạt văn hoá tinh thần gắn bó với Phật giáo đó hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều biểu hiện vẩn đục, tiêu cực mà một trong các nguyên nhân của nó là chưa có sự sàng lọc, đánh giá đúng mức giá trị văn hoá, đạo đức cao đẹp của đạo Phật. Cho nên cần phải làm tốt công tác tìm tòi, phát huy và bảo vệ các di sản văn hoá Phật giáo, tiến tới lọc bỏ, xoá bỏ các yếu tố mê tín, lạc hậu, phản nhân văn trong đời sống văn hoá Phật giáo.
Thứ tư, cần quán triệt tiếp tục bảo đảm nguyên tắc giải quyết tình hình Phật giáo phải gắn với độc lập dân tộc và ổn định xã hội, khuynh hướng tiến lên CNXH.
Qua những phân tích ở chương 1, chúng ta thấy rõ đây là một nguyên tắc nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người luôn đặt Tổ quốc lên trên hết, độc lập dân tộc lên trên hết. Sau đó mới đến các yêu cầu khác “Dân tộc độc lập thì tôn giáo mới được tự do, nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang’’[43, 197]. Cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc phải gắn với định hướng XHCN.
Ngày nay, đất nước đang trong giai đoạn hình thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thế giới và khu vực đang trong qúa trình toàn cầu
hoá, quốc tế hoá mạnh mẽ. Tình hình kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ trong nước và thế giới phát triển mạnh mẽ nhưng kéo theo nó là nhiều biến đổi phức tạp khó lường trong đời sống xã hội. Tình hình Phật giáo cũng vậy, cùng với sự phát triển của kinh tế, gia tăng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, thêm nữa, “phú quý sinh lễ nghĩa” đã làm bùng phát đột biến nhiều hiện tượng cúng bái, mua thần bán thánh. Mặc dù Phật giáo và Nhà nước XHCN đều lấy mục tiêu là vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân nhưng Phật giáo vẫn là một hình thái ý thức xã hội mang thế giới quan tôn giáo, còn Đảng và Nhà nước ta cố gắng phấn đấu cho sự ưu thắng của thế giới quan duy vật biện chứng, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động. Do vậy, chúng ta phải xác định rõ khuynh hướng hoạt động và phát triển của Giáo hội Phật giáo theo hướng tâm linh gắn với dân tộc, gắn với định hướng đi lên CNXH của đất nước. Từ đó có cái nhìn đúng đắn về tổ chức này và có các hình thức quản lý nhà nước phù hợp, gắn sát với thực tế.
Dưới ngọn cờ độc lập và CNXH, hiện nay hơn lúc nào hết Đảng và Nhà nước ta cần vận động đông đảo nhân dân, quan tâm hơn đến đồng bào có đạo, có hình thức phù hợp để khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc. Từ đó, xây dựng một nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Do vậy, chúng ta cần có cái nhìn cởi mở và hoàn thiện đường lối, chính sách đúng đắn về tôn giáo để vừa có thể ổn định được tình hình tôn giáo mà không xâm phạm đến tín ngưỡng, niềm tin của đồng bào Phật tử, vừa làm cho Giáo hội Phật giáo trở thành một tổ chức xã hội gắn liền với độc lập dân tộc và ổn định xã hội, khuynh hướng tiến lên CNXH.
Thứ năm, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề Phật giáo cần có sự đấu tranh vạch rõ kẻ thù, công khai phê phán thẳng thắn những hoạt động lợi dụng Phật giáo để chống phá cách mạng, làm hại lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc.
Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất của cả nước nằm rải rác khắp các miền đất nước. Vì đóng vai trò là một tôn giáo vừa là một tín ngưỡng dân gian nên Phật giáo có cơ cấu tổ chức còn nhiều lỏng lẻo. Lợi dụng tình hình đó, bọn phản động cách mạng và kẻ thù đã âm mưu dùng lá bài Phật giáo, bằng các hình thức truyền thông hiện đại lấy ngay chính các tín đồ Phật giáo Việt Nam để chống phá con đường đi lên CNXH ở nước ta. Thực tế như phần tình hình chung đã nêu, những hiện tượng buôn thần, bán thánh lợi dụng cửa Phật, mê tín dị đoan, sư không ra sư, chùa không ra chùa, lợi dụng hoạt động từ thiện để âm mưu gây rối, mất ổn định an ninh chính trị đã làm giảm uy tín của Phật giáo. Đồng thời gây nhiều khó khăn cho Đảng và Nhà nước ta trong công tác quản lý.
Để ổn định được tình hình, chấn chỉnh lại các sai phạm, lỏng lẻo như trên, Đảng và Nhà nước, nhân dân ta phải cùng nhau thực hiện các biện pháp đấu tranh công khai vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng Phật giáo, chống phá cách mạng. Theo chúng tôi cần tập trung vào một số các biện pháp:
Luôn luôn đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, của chính quyền các cấp trong công tác đấu tranh chống địch lợi dụng Phật giáo.
Đảng, cơ quan các cấp của hệ thống quản lý lãnh đạo công tác Phật giáo bằng chính sách pháp luật của Nhà nước. Cần phải tăng cường công tác tuyên truyền chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước cho đồng bào Phật tử để tạo niềm tin và vận động họ tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại những thế lực thù địch.
Bên cạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong tín đồ, Đảng cần lãnh đạo việc nghiêm trị thích đáng những kẻ cố tình vi phạm chính sách tôn giáo.
Đặc biệt theo chúng tôi, để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp đối với đồng bào Phật giáo cần tiếp tục đào tạo một đội ngũ
chủ chốt đáp ứng được yêu cầu của công tác tôn giáo. Thậm chí cần phát triển Đảng viên trong đồng bào Phật giáo để dễ cho việc lãnh đạo và quản lý.
Mặt khác, để đấu tranh chống các thế lực phản động cần nâng cao công tác vận động quần chúng tín đồ Phật giáo.
Như chúng ta đã biết, tín đồ Phật giáo là một bộ phận quan trọng hợp thành Giáo hội Phật giáo, là nguồn sống của Giáo hội này. Các âm mưu lợi dụng cũng xuất phát từ lợi dụng tín đồ Phật giáo. Cho nên quan tâm đến công tác tín đồ có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Vận động tín đồ Phật giáo cần phải chăm lo mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tín đồ từ kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, quan tâm đến việc thực hiện chính sách xã hội đối với các tín đồ, đặc biệt là tín đồ gặp khó khăn, tín đồ có công với cách mạng. Mặt khác, cũng cần tiếp xúc, trao đổi, gặp gỡ để hiểu về tâm tư, nguyện vọng của các tín đồ trước các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Làm tốt công tác tư tưởng, vận động tín đồ Phật giáo sẽ góp phần củng cố lòng tin của đồng bào vào vai trò lãnh đạo của Đảng, tin vào chế độ XHCN. Quan tâm chăm sóc tín đồ sẽ đáp ứng phần nào đòi hỏi còn khó khăn của tín đồ. Từ đó hạn chế các hoạt động tiêu cực trong đồng bào Phật giáo, tiến tới hạn chế các hoạt động tiêu cực tiếp tay cho các thế lực phản động phá hoại.
Cuối cùng, theo chúng tôi muốn đấu tranh loại bỏ âm mưu thù địch, lợi dụng Phật giáo cần tăng cường thiết chặt công tác an ninh và hoạt động của lực lượng pháp luật. Các cơ quan chức năng bảo vệ Nhà nước này cần theo dõi sát sao đối với các hoạt động lợi dụng Phật giáo đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời tất cả các âm mưu gây rối, vi phạm pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, các cơ quan pháp luật cần kiểm tra và quản lý chặt chẽ đối với một số nhóm phần tử chuyên lợi dụng Phật giáo lưu vong ở nước ngoài để ngăn chặn kịp thời khi phát hiện có âm mưu chính trị.
Hệ thống giải pháp để chỉ đạo tình hình Phật giáo hiện nay còn là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ và không ngừng hoàn thiện hơn, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh một số các giải pháp như trên sau khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về Phật giáo và sự vận dụng của Đảng ta trong điều kiện hiện nay. Thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp trên sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác Phật giáo, việc quản lý và giải quyết công tác Phật giáo sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Tóm lại, quá trình vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam là quá trình đã được thực hiện từ lâu trong lịch sử. Trước thời kỳ đổi mới, do nhận thức chủ quan, thiếu thận trọng, rập khuôn máy móc, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối phát triển kinh tế – văn hoá - xã hội chưa phù hợp với thực tiễn đất nước.
Từ năm 1986, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước từ kinh tế đến văn hoá - xã hội. Trong lĩnh vực tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta xác định: tôn trọng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, tôn giáo còn tồn tại với dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH, công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị…Theo đó, các chính sách đổi mới riêng đối với đạo Phật cũng được ban hành. Đạo Phật được Nhà nước quan tâm thành lập về mặt tổ chức, đào tạo chức sắc, quản lý tín đồ, bảo vệ cơ sở vật chất…Tất cả các chính sách chung và riêng đó đã phát tác dụng nhanh