Tình cảm gia đình, bạn bè, tình yêu đôi lứa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thế giới nghệ thuật thơ Trần Huyền Trân (Trang 31 - 37)

5. Cấu trúc luận văn

2.1. Những nguồn cảm hứng chủ đạo

2.1.2. Tình cảm gia đình, bạn bè, tình yêu đôi lứa

Có thể nói, hiếm có nhà thơ nào viết về tình cảm gia đình, tình cảm bè bạn, những mối quan hệ cá nhân với cộng đồng xung quanh chân thành như Trần Huyền Trân. Đọc thơ ông, ta nhận thấy hình ảnh người mẹ lam lũ, vất vả của ông, cuộc đời bất hạnh nhưng đồng thời cũng là những tình cảm chứa chan của ông - người cha nuôi dành cho đứa con hoang của người bạn, bên cạnh đó, ta còn thấy cả hình ảnh những người bạn thơ của Trần Huyền Trân: Thâm Tâm, Nguyễn Bính…

Tác giả Thi nhân Việt Nam từng đánh giá “Huyền Trân ưa nhất là nói tình mẹ con”. Đánh giá này hết sức chính xác với thơ ông. Hiếm có nhà thơ mới nào viết nhiều về tình mẹ con như vậy. Dù trong nghèo khó, tình mẹ là không thay đổi, thương con nhưng mẹ cũng không thể giữ con bên mình. Có người mẹ nào không muốn con cái ở bên cạnh? Nhưng hiện thực nghiệt ngã, người mẹ trong bài thơ nhận ra được rằng, cuộc đời con không thể thoát khỏi cái bế tắc, cùng quẫn, nên đã động viên con “lên đường”, tìm cuộc đời mới tươi sáng hơn:

Mẹ nghèo rét miếng rau xanh Tiễn con lành rách bao tình thương con

(Xuống đò – 1942)

Đáng thương biết bao, hai mẹ con nhường nhau một manh áo đụp: “- Con ơi! Thương mẹ con nghe

Cho mẹ nhắm mắt, mẹ đi yên lòng -Mẹ ơi! Mẹ chết không gì bọc Con nào đành!

Con khóc làm chi?

Con ơi! Giữ áo mẹ đi

... Con ơi! Thương mẹ con nghe Cho mẹ nhắm mắt mẹ đi yên lòng!”

(Một manh áo đụp – 1953)

Chỉ có những người mẹ với một tình yêu thương con cái vô hạn mới có thể hành động như vậy. Xót xa làm sao khi mẹ chết không có nổi một tấm áo. Tấm áo đụp duy nhất còn lại mẹ cũng muốn nhường dành cho con để tiếp tục cuộc sống. Mỗi câu thơ là một lời cứa vào trái tim những người đọc. Có những người mẹ vĩ đại một cách giản dị như vậy. Có những lúc ở giữa sự sống và cái chết, nhưng người ta vẫn không nghĩ đến cái chết, vẫn nghĩ cho con mình, suốt một đời vất vả, lăn lộn, hy sinh, mong cho con có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có nhiều bà mẹ Việt Nam rất đáng tự hào, khuyên con gác lại những tình cảm cá nhân, gia đình, sống vì nhân dân, vì đất nước, hành động có ý nghĩa với cuộc đời mình:

Nhớ khi bóng mẹ âm thầm Tóc bay trắng ngõ mẹ cầm tay con Rằng: Đi một mất một còn Về sao khỏi thẹn với hòn núi cao!

(Đi vào xuân tươi – 1950)

Bên cạnh những bài thơ viết về đề tài gia đình, tình mẹ con, thơ Trần Huyền Trân viết về tình bạn cũng hết sức sâu sắc. Nhà thơ có những người bạn rất thân trong “hội tam anh” là Thâm Tâm và Nguyễn Bính. Ông viết nhiều bài thơ đề gửi hai người bạn thân thiết của mình. Khi viết về bạn của mình, thơ ông luôn chứa đựng một tình cảm chân thành.

Riêng với nhà thơ Thâm Tâm, Trần Huyền Trân vô cùng thân thiết. Nhà thơ từng kể lại chuyện năm 1943, Thâm Tâm say mê cô đào nương tên Yến ở phố Khâm Thiên. Vì lẽ đó mà Thâm Tâm thường quên cả bạn bè, cũng

không còn mặn mà với văn thơ như trước nữa. Trần Huyền Trân hết lời khuyên can nhưng Thâm Tâm không nghe mà còn gây sự. Đã có lần vì chuyện này mà Trần Huyền Trân đấm sưng mắt bạn. Thâm Tâm vô cùng tức giận. Trần Huyền Trân lúc nóng giận như vậy nhưng sau đó rất ân hận vì việc mình đã làm, bèn làm một bài thơ “Gửi Thâm Tâm” trong đó giãi bày tâm sự cũng như nỗi buồn và niềm ân hận của bản thân mình. Bài thơ có những câu thơ hết sức chân thành, tha thiết như tình cảm của hai nhà thơ, cũng là những lời khuyên hết sức khéo léo của Trần Huyền Trân đối với Thâm Tâm:

Ô! Ví ta cười xé mắt ngươi Là lòng đau xót cố nhân ơi!

... Ta biết tình trường sóng gió lên, Mà ngươi sóng gió một con thuyền. Vắng ngươi, bút giấy ngày lên mốc, Chăn chiếu tình trai giọt sáp hoen. ... Trời ơi! Đến gái đời mưa gió Mà cũng phụ tình trai gió mưa!...

Thâm Tâm sau khi nhận và đọc bài thơ Trần Huyền Trân gửi vô cùng vui vẻ, tha thứ cho Trần Huyền Trân và cũng từ bỏ ý định lấy cô đào nương ấy.

Trong bài thơ Say ca (1943), Trần Huyền Trân viết tặng hai người bạn

trong “hội tam anh” của mình, tình cảm bạn bè thắm thiết, chân thành được nhà thơ thể hiện hết sức rõ nét. Họ say sưa cùng nhau trong niềm vui, nỗi buồn:

Tối om kia vận chúng mình Trai lành bỏ cỗi, gái trinh bỏ già Nào ta cạn chén đồng ca Dăm ba trận khóc, dăm ba trận cười

Từ “chúng mình” được nhà thơ lặp đi lặp lại nhiều lần khẳng định cái duyên bạn bè ấy. Ông còn dùng cả những từ hết sức dân dã “lũ ta” để nói về bạn mình. Họ là ba con người nhưng là một tâm hồn. Rất ít nhà thơ mới viết về tình bạn. Trần Huyền Trân thì khác, ông viết về tình bằng hữu với biết bao trân trọng. Đối với ông, tình cảm ấy là thiêng liêng, không gì có thể mua được. Trân trọng tình bạn, ông đồng cảm với những tâm tư chung của họ. Họ cũng như ông, cũng nghèo, cũng khổ, cũng bất bình trước thực tại và chỉ còn cách tự an ủi nhau bằng chén rượu nhạt:

Này thôi đấy! Này thôi đây! Này thôi kia nữa! Hớp này thì thôi! Men lên ví chuyển lại thời Lũ ta đội ướt đêm dài với nhau.

Đã là một nhà thơ, một thi sỹ, hẳn ai cũng có một tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động, phải yêu nhiều hơn người bình thường. Trần Huyền Trân cũng không nằm ngoài số đó. Tuy nhiên, số lượng bài thơ tình của Trần Huyền Trân không nhiều so với nhiều nhà Thơ Mới, có lẽ vì vậy mà người đọc ít nhắc đến cái tên Trần Huyền Trân khi nói đến thơ tình – đề tài lớn nhất của Phong trào Thơ mới lãng mạn 1930 – 1945.

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: “Trần Huyền Trân, con

người có tên lạ ấy không phải là một thiên tài. Nhưng tôi ưa những vần thơ hiền lành và ít nói yêu đương” [51, tr.374]. Như lời Hoài Thanh đã nói, Trần Huyền Trân “ít nói yêu đương”, nhưng những bài thơ tình ít ỏi của ông nhiều câu xem ra chẳng kém nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Diệu. Trong bản thảo Thơ

của tình yêu (1940 – 1942) gồm năm bài thơ được đánh số thứ tự từ I đến V

có nhiều câu thơ rất hay, rất tiêu biểu cho Thơ Mới lãng mạn.

Vẫn biết không phải cuộc tình nào cũng dẫn đến kết thúc êm đẹp, nhưng khi phải chia tay với người yêu thì sao khỏi luyến tiếc, ngậm ngùi, hợp

rồi tan, tan lại hợp, là điều khó tránh khỏi trong tình yêu. Cái nhìn của nhân vật “anh” như chất chứa biết bao nỗi niềm. Hình tượng thuyền, sông thường xuất hiện trong Thơ mới cũng được Trần Huyền Trân sử dụng hết sức khéo léo:

“Tương phùng là để biệt ly Biệt ly là một lòng đi qua lòng Giờ thuyền em đã sang sông

Anh nhìn khói sóng ngỡ trông mây đèo.”

(Mười năm – 1940-1942)

Hay như một đoạn thơ khác của nhà thơ:

Có những tình thơ rối như tơ Đời không lời tiếng để cho vừa

Dẫu muôn dòng chữ, nghìn trang giấy Lòng bể làm sao đắp được bờ

(Thơ không có tên – 1940 – 1942)

Đã là tình yêu thì có trăm muôn ngàn lối, triệu vạn cung bậc khác nhau. Tình yêu là không bao giờ có thể thỏa mãn được. Biết vậy nhưng con người vẫn phải yêu, vẫn tìm đến tình yêu như một nhu cầu thiết yếu. Có yêu bao nhiêu, có nhiều như thế nào vẫn là chưa đủ, con người vốn dĩ tham lam, nhất là trong tình cảm “lòng bể làm sao đắp được bờ”. Cũng có lúc nhà thơ thừa nhận rằng: “Biết yêu thì khổ có thừa – Hình dung một thoáng tương tư chín chiều” (Tương tư) nhưng vẫn yêu, vẫn tha thiết và hết mình với tình yêu dù biết “Yêu là chết ở trong lòng một ít” (Xuân Diệu).

Với Xuân Diệu, mùa xuân, mùa thu là mùa của tình yêu. Trong tập

Trường ca, nhà thơ đã từng viết: “Trời vốn lạnh nên người ta cần nhau hơn

mà người nào chỉ có một thân thì cần một người khác. Xuân, người ta vì trời sắp ấm lên mà rất cần tình. Thu, người ta vì lạnh sắp đến mà rất cần đôi; cho

nên không gian đầy những lời nhớ nhung những linh hồn cô đơn đang thả ra những tiếng thở dài để gọi nhau”. Nhưng với Trần Huyền Trân, tình yêu không có mùa. Xuân, hạ, thu, đông, mùa nào cũng là mùa của tình yêu, của những rung động đôi lứa:

Xuân về trời đất chào xuân ấm Nắng thở rung rinh vạn tấm lòng ... Hạ đến! Vườn ai trái tới mùa Nắng cười đã chín khối tương tư ... Rồi khói thu về tím xóm thôn

Một chiều muôn hướng vạn hoàng hôn ... Mai mốt đông sang gió thở dài Lòng người cũng nổi gió không thôi ... Riêng có một mùa không tiếng gọi Của lòng anh với của lòng em.

(Mùa không tiếng gọi – 1940- 1942)

Trong bài Gửi người thêu thơ II (1941 – 1942), nhà thơ cũng ngậm

ngùi:

Phải tình yêu ở cõi đời

Chỉ là một tiếng thở dài ... ngày xưa?

Phải chăng, hiện thực quá phũ phàng, khắc nghiệt, không có chỗ cho những tình cảm lứa đôi lãng mạn, không có chỗ dành cho những tình yêu say đắm khiến cho nhà thơ không có sự tin tưởng ở tình yêu trong hiện tại. Ông từng bi quan nghĩ rằng, tình yêu chỉ có ở “ngày xưa”, chỉ là “một tiếng thở dài”. Tiếng thở dài ấy là gì? Là sự bất lực, buông xuôi hay chối bỏ những tình cảm trong lòng mình?

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thế giới nghệ thuật thơ Trần Huyền Trân (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)