Cái tôi lãng mạn, đa tình

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thế giới nghệ thuật thơ Trần Huyền Trân (Trang 57 - 64)

5. Cấu trúc luận văn

2.2. Cái tôi trữ tình trong thơ Trần Huyền Trân

2.2.3. Cái tôi lãng mạn, đa tình

Bên cạnh cái tôi cảm khái, bi phẫn, trăn trở, băn khoăn nhưng tràn đầy ước vọng trước thời cuộc và cái tôi cảm thông với những thân phận bất hạnh, chứa chan tình yêu con người, chúng ta còn nhận thấy ở thơ Trần Huyền Trân một cái tôi lãng mạn, đa tình. Đây hoàn toàn là điều dễ hiểu khi mà Trần Huyền Trân bắt đầu sự nghiệp văn chương nghệ thuật của mình khi phong trào Thơ mới đang ở đỉnh cao.

Cũng như nhiều thi sỹ lãng mạn cùng thời, Trần Huyền Trân tuy ít viết thơ tình nhưng nhiều bài thơ tình của ông lại đều được xếp vào diện được độc

giả ghi nhớ. Thơ tình của ông cũng tràn đầy ý tình nhẹ nhàng, gợi cảm, có lúc lại thương nhớ, bâng khuâng chứa chan tình cảm, lại cũng có những vần thơ tràn đầy niềm luyến tiếc, ngậm ngùi khi chia tay với người yêu. Qua những bài thơ này, bên cạnh Trần Huyền Trân mà chúng ta vẫn thường nhớ đến với biết bao niềm trân trọng con người đức độ, bao dung lại là một nhà thơ với cái tôi tràn đầy sự lãng mạn.

Mưa bay trắng lá rau tần Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa. Có người về khép song thưa Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng.

(Thu - 1939)

Câu thơ gợi những cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng. Cái bàng bạc, mơ hồ cuốn hút người đọc phát huy trí tưởng tượng của bản thân mình. Nhiều điều thật khó lý giải, cắt nghĩa. Thuyền bốc khói là như thế nào? Bến ở đây sao không là bến sông, bến đò, bến phà ... mà lại là bến mưa? Bến mưa ở đây có lẽ chỉ là một ảo ảnh mà nhà thơ tưởng tượng ra trong tâm trí. Đến con người trong thơ cũng dịu dàng, nhẹ nhàng. Người trong đoạn thơ trên có thể là người yêu, người thương của trái tim nhà thơ, “khép song thưa” hay khép lại tấm lòng. Hành động ấy đã khiến cho ngõ trúc vốn thơ mộng, vốn là nơi hò hẹn, tình tự trở nên hoang tàn, rêu phủ, lá vàng rơi. Bài thơ tuy chỉ có bốn câu nhưng lại vô cùng đặc sắc và tiêu biểu cho cái tôi lãng mạn Trần Huyền Trân.

Bài thơ Lạc loài, Trần Huyền Trần viết năm 1938 có những câu thơ: Ai xui em gửi đời mưa gió

Làm kiếp hoa chiều đón bướm si. Để một chiều buồn, anh tới đó, Lòng về thật khác lúc ra đi.

Câu thơ vừa là là tỏ tình, vừa là lời giãi bày những tâm sự sâu kín của tình yêu. Vẫn là hình ảnh quen thuộc của Thơ Mới – bướm, hoa. Nhưng đọc câu thơ, ta vẫn có một cảm giác mới lạ. Nàng là hoa, và lẽ dĩ nhiên, chiều chiều đón bướm. Ấy vậy mà sao một chiều “anh” đến nhưng “lòng thật khác lúc ra đi”. Hẳn lúc đến nơi hẹn hò, “anh” mang biết bao niềm vui hồ hởi, mang ý tình tha thiết nhưng dường như những điều diễn ra không như mong đợi hay tại khung cảnh “chiều buồn” đã gây nên. Câu thơ tạo nên ở người đọc một nỗi buồn khó định hình, man mác, bâng khuâng.

Thời đại ông là thời đại mà như Lưu Trọng Lư đã nói: “... Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi... cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu”. Tình yêu trong thơ Trần Huyền Trân đôi khi không cuồng nhiệt, si mê mà nhẹ nhàng nhưng vẫn hết sức gợi cảm. Và ở Trần Huyền Trân ta dường như không thấy xuất hiện những “cái tình trong giây phút”, nhà thơ có lúc viết rằng:

Mười năm mới hiểu tình yêu,

Một nguồn hương nhẹ, mấy chiều gió đưa.

(Mười năm – 1940 – 1942)

Đôi khi là thương nhớ bâng khuâng: Xa nhau, gió ít lạnh nhiều,

Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh.

(Tương tư – 1940-1942)

Chỉ một từ “xa nhau” mà gợi biết bao suy nghĩ, bao tưởng tượng. Gió không nhiều nhưng nhân vật trữ tình vẫn thấy rất lạnh, bên bếp lửa mà vẫn không thấy ấm lên, cơn mưa mùa đông có khi nào lại nhanh mà lại có thể “đổ” như

mưa rào mùa hạ. Tất cả những điều vô lý ấy trở thành có lý khi người ta đang yêu.

Trần Huyền Trân tuy sáng tác không nhiều thơ, thơ tình lại càng ít, thế nhưng thời ấy, rất nhiều người, nhất là các cô gái mê thơ ông. Chuyện kể rằng có cô còn nhiều năm cần mẫn thêu thơ Trần Huyền Trân trên lụa, ông biết, viết tặng cô gái hai bài thơ Gửi người thêu thơ với những câu thơ chứa chan

tình cảm. Hóa ra, trên đời vẫn còn có những tình cảm mơ hồ đến vậy. Người ta đến với nhau, đồng cảm với nhau chỉ qua những câu thơ, những đường kim mũi chỉ mà không cần gặp mặt. Ấy thế mà thơ vẫn tình tứ, dịu dàng, tha thiết, đằm thắm:

Phải người là xuân nữ Thơ tôi làm hương đưa. Phải người là cô phụ Thơ tôi làm trăng thu. Là ai? Mà tâm sự Gửi kim chỉ đường tơ? Là ai? Mà tình tự Với tình tôi trong thơ?

(Gửi người thêu thơ I – 1940)

Có lúc thơ ông trầm tư đầy tâm sự:

Bây giờ năm tháng vô duyên quá, Em đã theo chồng bến cát xa. Đò đã sang sông, chèo lái mới Sao còn khua sóng mãi thơ ta?

Những hình ảnh “bến cát xa”, “sang sông”, “qua đò” vốn không chỉ riêng có ở thơ Trần Huyền Trân. Ta bắt gặp nhiều những hình ảnh ấy ở thơ, và cả truyện ngắn của Thâm Tâm, Nguyễn Bính. Những hình ảnh ấy gợi biết bao nỗi buồn mênh mang, sâu lắng nhưng lại đẹp. Cái tình trong thơ Trần Huyền Trân không quá mãnh liệt, không quá si mê. Mỗi một lần thất vọng trong tình yêu, ta chỉ nhận thấy một cảm giác gờn gợn buồn, trầm tư, không có những cảm xúc kiểu như thơ Xuân Diệu “Em không nhận thì tình yêu cũng mất – Tình đã cho không lấy lại bao giờ”.

Thơ Trần Huyền Trân có lúc đầy chất giang hồ, lãng tử, đa tình và kiêu bạc:

Ta trở về đây không gối chăn Một mình ly rượu... rét căm căm

Không là lính thú sầu biên ải Cũng thấy lòng chia dưới cát lầm!

Tro bụi giờ trơ lại chiếu hồng Nhà như cổ mộ mặc thây lòng Gia đình đắp đổi tình thiên hạ

Cho hết không còn nước mắt trong! Lên thang nghe gió nhủ mưa thầm Gác trọ không đèn, hết cố nhân!

Nhấc chén nghĩ khinh người Chiến Quốc Phù hoa thường đổi mất tri âm!

(Hết cố nhân - 1940)

Thơ tình Trần Huyền Trân cũng có những câu thơ hết sức da diết: Khép nhanh cánh gỗ là xong

Mà chân người khuất vấp lòng còn đây...

(Tiễn biệt 1940 – 1942)

Một mình nhóm lại nồi than Tưởng còn bên lửa mấy bàn tay hơ

(Đêm trừ tịch – 1943)

Trong số những bài thơ thể hiện cái tôi lãng mạn của Trần Huyền Trân, chúng ta không thể không nhắc đến bài thơ Đôi mùa (1940):

Gió ngớt khua lau dưới gậm cầu Đường về xóm lạnh bước thôi mau Ngõ hoang đã nở dăm màu bướm Đây lúc đôi mùa đưa tiễn nhau Ấy lúc hồn hoa trở gót về

Thả đàn chim mộng xuống đêm khuya Tôi nghe xa lắm làn mây trắng

Rời bóng kinh thành lững thững đi

Đây là một trong số những bài thơ giàu chất lãng mạn nhất của Trần Huyền Trân. Đọc bài thơ, thấy có gì đó vừa man mác, vừa xa vắng. Bài thơ mở ra trước mắt ta một bức tranh vô cùng sinh động. Không gian trở nên trong trẻo, khoáng đạt. Nhân vật trữ tình tôi hòa mình vào khung cảnh huyền diệu ấy và thả cho hồn mình tự do bay theo trí tưởng tượng.

Như nhiều nhà Thơ Mới, Trần Huyền Trân không chấp nhận cái tầm thường, tẻ nhạt. Ông ghét lối sống mòn, sống mà như không sống. Ông luôn

khao khát được sống có ý nghĩa, được làm một cái gì lớn lao, thỏa mãn khát vọng của tuổi trẻ:

Với đời một thoáng say mê Còn hơn đi chán về chê suông đời

(Uống rượu với Tản Đà)

Đọc câu thơ này, ta bắt gặp ở Trần Huyền Trân một thái độ gần như Thế Lữ hay Xuân Diệu:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm

(Giục giã)

Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng, cái tôi lãng mạn, đa tình không phải là cái tôi chủ đạo, không chiếm số lượng lớn thơ Trần Huyền Trân nhưng cũng là một cái tôi quan trọng trong thơ ông. Ông vẫn là một nhà Thơ Mới với đủ các đặc điểm và cái tôi lãng mạn, đa tình thể hiện trong thơ ông là minh chứng rõ ràng nhất. Cái tôi này đã tạo nên cho thế giới nghệ thuật thơ Trần Huyền Trân thêm đa dạng, phong phú và cũng đã tạo nên được những dấu ấn nhất định trong lòng độc giả.

Chƣơng 3:

MỘT SỐ PHƢƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT THƠ TRẦN HUYỀN TRÂN

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thế giới nghệ thuật thơ Trần Huyền Trân (Trang 57 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)