Hiện thực cuộc sống nơi “lều gianh Cống Trắng”

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thế giới nghệ thuật thơ Trần Huyền Trân (Trang 26 - 31)

5. Cấu trúc luận văn

2.1. Những nguồn cảm hứng chủ đạo

2.1.1. Hiện thực cuộc sống nơi “lều gianh Cống Trắng”

Đến với thơ Trần Huyền Trân, người đọc dễ dàng nhận thấy hiện thực cuộc sống nơi “lều gianh Cống Trắng” là một nguồn cảm hứng lớn, bao trùm lên một số lượng lớn tác phẩm của ông.

Trần Huyền Trân là một nhà thơ mới, nhưng ông không giống như hầu hết các nhà thơ mới của thời kỳ 1930 – 1945, thời kỳ mà như Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã nói: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta say đắm cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”[51, tr.30]. Các nhà thơ mới say đắm trong cái tôi mà thường cố gắng lảng tránh thực tại để quên đi cuộc sống bế tắc trước mắt, nhưng Trần Huyền Trân không như vậy. Ông đối mặt với hiện thực và viết lại hiện thực, dù không thể thay đổi nhưng cũng thể hiện nhà thơ là một con người sống đầy trách nhiệm.

Trần Huyền Trân sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn: Bố mất từ rất sớm, “mẹ chỉ có một cái lều vó kiếm cá quãng đầm ao sau Cống

Trắng phố Khâm Thiên, thuộc đất làng Văn Chương”. Chính vì vậy, Trần

Huyền Trân gắn bó biết bao với khung cảnh của cuộc sống “dưới đáy” xã hội ấy.

Tôi ở lều tranh Cống Trắng này, Chạnh lòng cá nhảy với chim bay. Đêm sầu kẽo kẹt ngư bà thức, Giăng phải hồn tôi một lưới đầy.

(Mưa đêm lều vó – 1938)

Hình ảnh “lều” xuất hiện rất nhiều lần trong thơ Trần Huyền Trân như tô đậm thêm cái hiện thực phũ phàng nghèo khổ ấy:

- Tôi về lều Cống Trắng Với chiếc vó mẹ già

- Lều tôi kiến đã rời lên mái

- Tôi ở lều gianh Cống Trắng này

- Tôi ở lều gianh – tôi ở đây

- Bóng anh trở về mái lều tăm tối

- Cái nghèo ngỡ cỏ mọc đầy lều ta

Hình ảnh “lều” trở đi trở lại rất nhiều lần trong các bài thơ của Trần Huyền Trân. Nó là biểu tượng của sự nghèo khổ, bần cùng. Giữa lòng chốn phồn hoa đô thị nhưng nhà thơ cũng như những người bạn của mình không có lấy một mái nhà theo đúng nghĩa để đi về. Chính hình ảnh này đã tô đậm thêm cho cuộc sống nghèo khổ, gây ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.

Địa danh Khâm Thiên trong thơ Trần Huyền Trân gắn với những gì hết sức tăm tối. Đó không chỉ đơn giản là một phố cô đầu. Ở nơi ấy là những sắc màu tương phản. Cuộc sống nghèo khổ bên cạnh cuộc sống trụy lạc, hưởng thụ. Với nhà thơ, đó là nơi chứa đựng những gì bất hạnh nhất, cơ cực nhất:

Khâm Thiên! Địa ngục có nghe Ở trong tiếng phách ta chia lạnh lùng

(Sầu chung II – 1942)

Ông tự bạch về mình:

Tôi từ khi chửa biết gì Con đi lưu lạc mẹ đi lấy chồng

Thuyền hồn chở một khoang không Bao lâu giạt sóng trên dòng cô đơn

Kinh thành mây đỏ như son Cái lồng eo hẹp giam con chim trời

(Thưa bà - 1938)

Đúng như lời nhà phê bình Hoài Thanh khi lý giải vì sao lại mở cửa đón Trần Huyền Trân: “Sau khi đọc hoài những câu rặt anh anh em em, tôi đã tìm thấy ở đây cái thú của người đi đổi gió”, trong khi nhiều thi sỹ Thơ Mới cùng thời chìm đắm trong cái đẹp, trong tình yêu thì Trần Huyền Trân lại “đi ngược gió”. Ông quan tâm tới nhiều vấn đề xã hội đương thời, điều mà ít nhà thơ lãng mạn làm được. Ông viết nhiều về những cảnh sống cùng cực, khổ đau của tầng lớp dân nghèo Hà Nội, những số phận bất hạnh, éo le. Tâm hồn thi nhân được nuôi dưỡng bằng những khổ đau trong cuộc sống:

Đẻ ra trong đói khó, Váy mẹ làm áo con. Miệng khát, trẻ cào vú, Nào hay già thiếu cơm!

(Bố về - 1945)

Cuộc sống vốn đã rất khó khăn, cùng cực. Nhưng như thế dường như chưa đủ, bọn phát xít Nhật còn bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, phục vụ cho mục đích quân sự của chúng, đẩy nhân dân ta đến bờ vực diệt vong. Nạn đói năm 1945 chính là hậu quả của việc này, hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Với một tấm lòng nhân ái như thế, làm sao không khiến Trần Huyền Trân xúc động. Hiện thực đồng bào đớn đau, vật vã ấy là nguồn cảm hứng lớn để sáng tác của ông càng dễ lay động lòng người:

Đàn ông sót lại bao tên,

Chôn người để đợi người đem chôn mình.

Cái ăn, cái mặc, cái ở đều không có, cuộc sống gần như địa ngục, không có một lối thoát, không có một tia hi vọng cho cuộc sống ngày mai, tất cả đều như một bóng đêm, “chỉ còn cõi huyệt”:

Không đủ tô, rau cháo cầm hơi

... Còn manh quần rách bươm nhem nhọ ... Còn nhà đâu? Xó hè, miệng cống ... Đành lìa quê bồng con, dắt vợ Lang thang kẻ chợ, đứa ở, con đòi.

(Đôi ta – 1943)

Cái đói bao trùm không gian và thời gian. Những miền quê vốn đã nghèo đói lại càng trở nên xơ xác, tiêu điều hơn. Con người vật vã trong những con đói, cuộc sống bế tắc, không lối thoát:

Ruộng đồng trơ trụi cỏ khô Mưa xuân rữa nốt phân gio thành mùn

Con trâu, con chó không còn, Khắp vùng dân đói dần mòn kéo đi. Vai mang đời sống lặc lè, Tráng phu năm trước, tử thi buổi này.

(Những người chưa chết – 1944)

Đó là hình ảnh các vùng nông thôn Việt Nam khi mà quân đội Nhật ra sức bóc lột, bắt nhân dân ta phá lúa, rau màu, trồng đay, trồng thầu dầu đã gây ra hậu quả hết sức nặng nề, nạn đói khủng khiếp tràn lan khiến cho dân ta hai triệu người chết đói.

Hiện thực trong thơ Trần Huyền Trân không phải lúc nào cũng đen tối, bế tắc. Cũng có lúc trong thơ ông xuất hiện những cảnh đồng quê hết sức nên thơ:

Nước thẹn bâng khuâng ửng má hồng. Bầy sẻ đâu về cười khúc khích

Rủ nhau lúa chín trộm vài bông.

(Về đâu - 1939)

Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã đưa ra nhận xét của mình về đoạn thơ trên: “Đồng quê của Trần Huyền Trân đã mất hết vẻ quê mùa. Nó làm duyên làm dáng như một cô gái thành thị”. Đọc những câu thơ này, rõ ràng chúng ta nhận thấy ở Trần Huyền Trân cũng sẵn một tâm hồn hết sức tươi vui và ngộ nghĩnh, không phải lúc nào nhà thơ cũng chỉ nhìn thấy một hiện thực xám xịt và đen tối. Ở ông ẩn chứa nhiều điều bất ngờ và thú vị. Chỉ vài câu thơ nhưng dường như chúng ta thấy một Trần Huyền Trân khác lạ, cũng hết sức yêu đời, say đắm với những khung cảnh nên thơ, tươi đẹp của đồng quê, của thiên nhiên Việt Nam. Phải có con mắt tinh tường và hết sức yêu đời mới có thể nhìn, cảm nhận và tái hiện một bức tranh đồng quê sinh động đến thế. Những câu thơ này đâu có kém gì những câu thơ viết về thiên nhiên của Xuân Diệu hay của Đoàn Văn Cừ:

Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa, Tia nắng tía nhảy hoài trong ruộng lúa. Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh, Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.

(Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ)

Lấy cảm hứng từ hiện thực cuộc sống nghèo khổ, tối tăm, bế tắc nên dường như mỗi câu thơ là một trăn trở, suy tư của Trần Huyền Trân về cuộc sống. Đọc những câu thơ ấy, gợi lên trong độc giả nỗi băn khoăn, khắc khoải khôn nguôi. Những câu thơ viết về hiện thực cuộc sống của Trần Huyền Trân thường không khiến chúng ta cảm thương đến rơi lệ nhưng lại để lại trong tâm trí người đọc những day dứt, băn khoăn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thế giới nghệ thuật thơ Trần Huyền Trân (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)