Chương 2 : Hình thức thể hiện
3. 1 Kết cấu
3.1.2 Nghệ thuật tạo tình huống
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nhấn mạnh: "Tình huống, đó là sự tác động qua lại giữa con người và hoàn cảnh. Những nhà văn có tài là những người giỏi tạo ra những tình thế xảy ra truyện vừa rất cá biệt, vừa mang tính phổ biến hoặc tượng trưng...". Có thể nói, sáng tạo tình huống (hay còn gọi là tình thế - situation) luôn được coi là khâu then chốt của sáng tác truyện ngắn. Từ người nghiên cứu đến người sáng tác đều thừa nhận vai trò quan trọng của tình huống đối với sự thành công của truyện ngắn. Tình huống là những thời khắc tiêu biểu (có người gọi là khoảnh khắc, chốc lát...) trong cuộc sống của con người. Tại thời khắc đó, nó đã bộc lộ cái bản chất trong quan hệ giữa các tính cách, giữa nhân vật với hoàn cảnh và thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm.
Trong các truyện ngắn về đề tài dân tộc miền núi phía Bắc của Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Huy Thiệp thì sự xuất hiện của yếu tố kỳ ảo đã góp phần tạo ra những phương diện mới trong tình huống truyện: tình huống kỳ lạ, ma quái; tình huống ngẫu nhiên, đột biến; tình huống căng thẳng, kịch tính...
Tính chất kỳ lạ, ma quái là một trong những đặc điểm khá nổi bật của tình huống trong các truyện kỳ ảo. Ở nhiều tác phẩm, tình huống truyện rất khác thường. Chúng tôi cho rằng trong văn học đương đại Việt Nam, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đã có nhiều thành công trong sự sáng tạo "cái kỳ ảo" qua một loạt truyện ngắn xuất sắc của ông. Chính nhà văn khẳng định: ''Văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết... Trong văn học, thế giới hoang tưởng nhà văn dựng nên có thể như thực, giống thực, khác
thực, siêu thực".
Khi tiếp cận truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi nhận thấy, "cái kỳ ảo" được nhà văn sử dụng để tái tạo hiện thực có liên quan đến khái niệm "gián cách nghệ thuật". "Gián cách nghệ thuật" là một phương pháp do nhà soạn kịch Đức Bertolt Brecht sáng tạo ra. Cốt lõi của phương pháp này là biến sự vật quen thuộc, thông thường thành xa lạ, kỳ quái để người ta hiểu rõ sự vật ấy hơn.
"Cái kỳ ảo" trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, theo chúng tôi, có liên quan đến cái chất, cái "tạng" nhà văn. Mặc dù, nhà phê bình Vương Trí Nhàn trong bài Tưởng tượng về Nguyễn Huy Thiệp nghĩ rằng, nhà văn này có một vẻ “nhàu nát" (nhàu nát, tê dại để rồi trở nên hung hãn, táo tợn). Nhưng bắt được cái thần "Nguyễn Huy Thiệp" lại chính là nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu khi viết Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (Tên bài viết này được dùng làm tên một cuốn sách do nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên biên soạn)(2)
: "Anh Thiệp tiếp chúng tôi dưới tượng Phật. Vẫn nụcười hiền lành. Đôi khi, con mắt anh lóng lánh sáng và sắc hẳn lên, như có một ngọn gió Hua Tát thổi qua, hoang vắng và man rợ, và đầy tình người. Tôi nghĩ đến những dòng sông huyền thoại, đến bến Cóc, bến Tầm Xuân... thơ ca và bí ẩn".
Hãy để ý đến: "dưới tượng Phật", "ngọn gió Hua Tát thổi qua", "hoang vắng và man rợ", "dòng sông huyền thoại", "thơ ca và bí ẩn"... Tất cả những thành tố đó tạo nên cái "tạng" văn Nguyễn Huy Thiệp, làm cho người đọc nửa tin nửa ngờ vào những câu chuyện mà nhà văn tạo dựng. Nhà văn khi viết, dường như đã có ý đồ "các bạn đọc tin thì tin, không tin thì thôi".
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, trong nhiều truyện ngắn đương đại, cái kỳ ảo đóng vai trò như một tình huống quan trọng đối với sự chuyển biến của cốt truyện. Nó gắn kết các nhân vật cùng tham gia một sự kiện, biến cố có ý nghĩa nào đó, góp phần bộc lộ quan hệ và tính cách các nhân vật hoặc
thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Qua những khảo sát sơ bộ ở trên đã phần nào cho thấy sức hấp dẫn từ các tình huống truyện kỳ ảo hiện đại, do vậy, không hề thua kém những tác phẩm truyền kỳ hay tiểu thuyết chương hồi trung đại. Và một điều không kém phần quan trọng nữa là cái kỳ ảo đã xây dựng được những tình huống truyện mang hơi thở của những tác phẩm dân gian, nhờ thế đã tạo nên sự gần gũi với tập quán thưởng thức văn học nghệ thuật của người Việt Nam.