1.2.3 .Thơ trong sự nghiệp sáng tác của Viễn Phương
3.1. Hệ thống biểu tượng
3.1.4. Các biểu tượng trong thơ Viễn Phương
Dòng sông
Dòng sông có thể coi là một trong những cổ mẫu của văn hóa nhân loại. Được sinh ra từ mẫu gốc nước nên tất yếu dòng sông sẽ mang những y nghĩa biểu trưng chung của nước, mặt khác, sông còn có những hướng nghĩa biểu trưng riêng xuất phát từ những đặc điểm riêng của nó.
Trong thơ Viễn Phương, biểu tượng dòng sông vừa mang ý nghĩa chung theo quan niệm của cộng đồng vừa mang đậm dấu ấn chủ quan của tác giả. Hình ảnh dòng sông trong thơ Viễn Phương được ông lập đi lập lại nhiều lần, tần suất xuất hiện dày đặc thể hiện những cung cảm xúc dâng trào, khi thì thiết tha lắng đọng của một dòng sông tuổi thơ, khi thì trầm ngâm sâu lắng của một dòng sông triết lý cuộc đời, khi thì ngậm ngùi của một dòng sông chứng kiến nhiều tội ác của quân thù…tất cả hiện lên đa màu, đa sắc.
Đúng vậy, những con sông trong thơ Viễn Phương đã là hình tượng khó phai trong lòng độc giả. Nghĩ đến con sông, nó còn gợi cho ta những khung cảnh với những cánh diều bay phấp phới trên đê, hay những đứa trẻ nghịch ngợm ra sông tắm mỗi chiều về. Sông gắn liền với nông thôn Việt Nam, cùng với lũy tre làng góp phần tạo nên những truyền thống đánh giặc giữ nước, với người anh hùng Thánh Gióng, với trận Bạch Đằng nổi danh sử sách. Sông còn gắn bó với những kí ức, những kỉ niệm, những nỗi nhớ. Dòng sông là hình ảnh quen thuộc của mỗi làng quê Việt Nam, nó thân thương gần gũi với người dân nơi ấy. Nó là nơi thả mát tâm hồn con người mỗi buổi chiều về, nó đẹp và nên thơ:
Dòng sông tôi yêu phù sa cuộn đỏ Và xanh rờn mái tóc giao liên
(Dòng sông tôi yêu) Nhà thơ yêu những con sông và ca ngợi về chúng, chẳng thế mà nó hiện lên trong thơ Viễn Phương lấp lánh nhiều ý nghĩa. Dòng sông ấy gắn liền với thời kỳ kháng chiến của dân tộc, nó như nhân chứng lịch sử cho những tháng ngày gian nan, vất vả của mọi người. Dưới con mắt thẩm mỹ của nhà thơ, dòng sông cũng trở nên già hơn theo tháng năm cuộc đời, già hơn vì sự tàn khốc của chiến tranh:
Dòng sông tôi yêu phất phơ tóc trắng Cổ Chiên! Cổ Chiên! Triều đỏ mênh mông
(Dòng sông tôi yêu) Dòng sông là biểu tượng cho tâm hồn vùng quê, tự nó mang trong mình sự vẻ đẹp hài hòa. Trong thơ Viễn Phương, dòng sông như một biểu tượng đẹp của thiên nhiên:
Dòng sông mênh mông
Trong xanh mùa nắng hanh, đục lờ mùa nước đổ
(Cửu Long giang)
Trong thơ Viễn Phương, hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là đề tài xuyên suốt với hình tượng người lính và hình ảnh những em bé nhỏ tuổi có chí kiên cường. Dòng sông lúc này như một người bạn của trẻ thơ, nó trong sáng, hiền hòa, như một người đồng chí của các em khi cùng các em “chiến đấu” với quân thù:
Vai nhỏ vai nhỏ bắc cầu trên sóng nước Sóng hẹp lại rồi, lòng em mênh mông
(Như mây mùa xuân)
Và, những dòng sông không đơn thuần với vẻ đẹp mà thiên nhiên, tạo hóa đã ban tặng, mà dòng sông còn đẹp bởi có những con người đẹp:
Mười sáu tuổi, em làm dây máu nhỏ Chở những hồng cầu vượt sông Cổ Chiên
(Dòng sông tôi yêu)
Và thật sự đã có rất nhiều nhà thơ, với những bài thơ thành công như: Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu, Hoàng Cầm... Với những không gian "sông dài, trời rộng", với cái cái thực-ảo của "bến sông trăng" với cái "man mác" của "mái nhì "trên sông Hương", với "sông Đuống cuồn cuộn trôi" để cuốn ra bể hết những đau khổ của con người...thì với Viễn Phương dòng sông Cửu Long trong thơ ông lại khoác trên mình màu áo mới, màu áo gắn liền với sự sống và cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cái màu áo ấy theo bước chân người lính trên từng cung đường của chiến trường khói lửa:
Đêm hành quân
Mang trong hồn sông nước
Trong thơ Viễn Phương, dòng sông được nâng lên thành biểu tượng tiêu biểu, nó là biểu tượng cho cái đẹp, biểu tượng của nguồn cội con người, vì thế nó hiện lên trong mỗi vần thơ đều mang trong mình một sức mạnh lan tỏa. Người ta yêu dòng sông trong thơ Viễn Phương vì ở bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, nó vẫn luôn hiện diện khi thì đẹp thơ mộng, khi thì buồn bã, khi thì lại đau thương chất chứa…nó thể hiện những cung bậc tình cảm của con người. Dòng sông không chỉ là biểu tượng của thiên nhiên mà nó còn là biểu tượng của lòng người:
Khói lấp mặt trời, vàng vọt dòng sông Tìm một thoáng xanh, bình yên bình yên
(Trận địa)
Dòng sông tìm sự bình yên hay con người tìm sự bình yên? Giữa cuộc đời nhiều bom đạn khói lửa, lòng sông không yên, lòng người càng không thể yên. Dòng sông ấy, nhân chứng lịch sử ấy, chứng kiến mọi nỗi khổ đau, gian truân của người dân khi gồng mình chiến đấu với kẻ thù, xót thương và căm hận biết bao:
Sông đen nhả hận đục trời
Từ nghe súng nổ, bồi hồi lắng xanh
(Tiếng hát dưới gầm cầu)
Dòng sông ấy không ngậm ngùi đứng nhìn sự tàn phá của quân thù, không đứng nhìn mất mát của người dân một cách vô định, nó như trỗi dậy cùng người lính kiên cường đứng lên phá tan địch. Dưới ngòi bút của Viễn Phương, dòng sông ấy mạnh mẽ vô cùng:
Dòng sông mênh mông Dòng sông lấp lánh
Một lưỡi kiếm ngang trời sắc lạnh Tuốt mây chém xuống đầu thù
Dòng sông ấy in đậm dấu ấn của những trận đánh, dòng sông như một biểu tượng về sức mạnh con người
Anh hùng Lê Thị Riêng Cánh chim trời bão tố Liệt sỹ Dương Tử Giang Dòng sông đầy sóng vỗ
(Những nẻo đường thành phố)
Dòng sông trong thơ Viễn Phương được nhà thơ nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, mỗi góc độ dòng sông hiện lên với những sắc màu khác nhau. Ban ngày, dòng sông êm dịu thướt tha, nó là nơi tắm mát của trẻ thơ, là người bạn tâm tình của những đôi lứa yêu nhau, là người đồng chí gắn bó với số phận người lính. Nhưng đêm về, dòng sông như hòa mình vào những trận đánh của dân tộc, nó trở nên dữ dội, sục sôi khí thế ra trận.
Mẹ ôm con dưới gầm cầu
Bóng thù trút xuống đục ngầu dòng sông
(Tiếng hát dưới gầm cầu) Dòng sông biến hóa thay đổi theo năm tháng, cũng như con người thay đổi theo quy luật của tự nhiên. Nó thơ mộng khi xuân sang, nó rực rỡ khi hè về, dịu dàng thướt tha khi thu tới và ấm áp khi đông qua. Mỗi sự thay đổi đó, dòng sông lại như “lớn” hơn một chút, “chiều” lòng người hơn một chút, chả thế mà người ta yêu dòng sông đến thế:
Tôi yêu tha thiết những dòng sông Chở nước cho xanh vạn cánh đồng Cuồn cuộn phù sa dòng máu đỏ Mơ về biển cả sóng mênh mông
Những năm tháng kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dòng sông chứng kiến biết bao cuộc chiến ác liệt, dòng sông đau cùng nỗi đau của dân tộc, cho nên biểu tượng của dòng sông lúc này toát lên một nỗi buồn, nỗi buồn của dân tộc. Nhưng càng về sau, nỗi buồn đó càng như dần biến mất, thay vào đó là một dòng sông “vui tươi”, một dòng sông của những lời ca và điệu hò. Lúc này nhà thơ như mở lòng để cảm nhận nét đổi thay đó:
Nước mênh mông và hồ mênh mông Nơi đây trăn trở một dòng sông Sông ơi! Sông đổ bao nhiêu nước Mà lúa reo vui những cánh đồng?
(Chuyện sông hồ)
Trong thơ Viễn Phương, hình ảnh dòng sông thực hiện lên dày đặc, đó là một Vàm Cỏ Đông, một sông Tiền, sông Hậu, một Cửu Long giang thơ mộng…những dòng sông ấy được lập đi lập lại trong những vần thơ tạo nên sức biểu cảm cao cho người đọc. Quê hương Việt Nam ta yêu biết mấy những dòng sông, con người Việt Nam ta đời đời kiếp kiếp gắn cuộc sống bên dòng sông. Cũng chính vì vậy, dòng sông đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người dân Việt. Dòng sông ấy thể hiện sức sống mạnh mẽ, dồi dào bất tận của dân tộc:
Tôi đến từ trong nắng Cửu Long
Trăm sông thương nhớ một sông Hồng Trăm sông nước đổ về trăm bến
Mơ cánh chim liền những bến sông
(Hát trên cầu Thăng Long) Có thể thấy rằng, biểu tượng dòng sông trong thơ Viễn Phương đi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Khi dịu dàng khi dữ dội, khi vui tươi khi đau thương…tất cả hiện lên bên cuộc kháng chiến của dân tộc và cuộc sống
của mỗi người. Dòng sông ấy biểu trưng cho cái đẹp của thiên nhiên ban tặng, biểu tượng cho sức sống trường tồn, chảy mãi đến bất tận của cuộc đời con người, của dân tộc Việt Nam.
Mặt trời
Cũng như những nhà thơ khác khi viết về tổ quốc thường sử dụng những hình ảnh cao sang vĩ đại như mặt trời, hừng đông, đôi cánh sóng…Nhưng ở thơ Viễn Phương hình ảnh mặt trời đã được nâng lên, khái quát thành biểu tượng độc đáo trong thơ ông. Mặt trời không chỉ đơn thuần là biểu tượng của sự luôn chuyển về mặt thời gian, nó đã khoác lên mình tấm áo đa màu, đa sắc hơn.
Mặt trời trong thơ Viễn Phương có khi chỉ là mặt trời của tự nhiên ban tặng:
Khi mặt trời lặn rồi, trăng sao soi bước em Rừng khuya giật mình con cá quẫy trong đêm
(Như mây mùa xuân)
Có khi nó được nhà thơ nâng lên thành biểu tượng cho chân lí cách mạng. "Mặt trời chân lí" là hình ảnh ẩn dụ ca ngợi lí tưởng cách mạng, ca ngợi chủ nghĩa Cộng sản đã soi sáng tâm hồn, đem lại ánh sáng cuộc đời như "bừng" lên trong trái tim mỗi người lính trẻ. Một cách nói rất mới, rất thơ về lí tưởng. Viễn Phương với tấm lòng nhiệt thành của mình đã tự hào đón lấy ánh sáng của mặt trời, sẵn sàng hành động cho lí tuởng cách mạng cao đẹp. Bởi lí tưởng đã "chói" vào tim- chính là nơi kết tụ của tình cảm, là nơi kết hợp hài hòa giữa tâm lí và ý thức trí tuệ chỉ thực sự hành động đúng khi có lí tưởng cách mạng, khi có ánh sáng rực rỡ của mặt trời chân lí chiếu vào.
Ngày mai con có mặt trời
Con làm tia chớp sáng ngời núi sông
Lí tưởng cách mạng ấy là tiếng gọi đi theo lí tưởng của Bác Hồ kính yêu, hình ảnh mặt trời một lần nữa được nâng lên thành biểu tượng của vị lãnh tụ cao cả. Ai đã từng một lần đi viếng lăng Bác mới hiểu hết hàm ý trong câu thơ của Viễn Phương. Ngày ngày, mặt trời - chúa tể của thiên nhiên – “thán phục” một mặt trời trong lăng rất đỏ. Mặt trời “rất đỏ”, hình ảnh tượng trưng cho Bác Hồ - là mặt trời cách mạng, là nguồn ánh sáng rực rỡ không bao giờ tắt, mãi mãi chiếu rọi con đường đi tới của dân tộc Việt Nam. Nhiều nhà thơ đã sử dụng hình ảnh mặt trời để thể hiện ánh sáng của lý tưởng cách mạng, nhưng đối sánh hai hình ảnh mặt trời của Viễn Phương quả là rất độc đáo. Đây là một sáng tạo nghệ thuật có tác dụng bộc lộ nội dung rất hiệu quả. Không nhiều lời, chỉ một hình ảnh mặt trời “rất đỏ”, nhà thơ đã khái quát được hình ảnh Bác Hồ vĩ đại. Nhà thơ đã nói hộ chúng rằng: Bác Hồ là mặt trời cách mạng đẹp nhất, rực rỡ nhất, chói lọi nhất luôn luôn tỏa sáng trong tâm hồn người Việt Nam.
Bên cạnh đó, mặt trời được lặp đi lặp lại trong thơ Viễn Phương và mỗi lần xuất hiện, nó lại mang trong mình ý nghĩ riêng, biểu tượng đặc trưng riêng. Nhà thơ khái quát mặt trời là sức mạnh của toàn dân. Sức mạnh ấy là sự đoàn kết, sức mạnh ấy là ánh sáng soi chiếu bước chân mỗi người. Nó là niềm tin bất diệt:
Mẹ giận mẹ mắt mờ không thấy địch Nhưng có nhân dân là có mặt trời
(Mẹ)
Mặt trời là một vầng thái dương soi chiếu cho con người, ban tặng cho con người ánh sáng, xóa bỏ tối tăm khốn cùng. Với ý nghĩa biểu trưng cho sự sống, sự mãnh liệt trong trái tim mỗi người, Viễn Phương đã dùng mặt trời thắp lửa trong trái tim người lính, mặt trời là ánh sáng trong tim:
Tuy đêm tối con tim vẫn sáng
Thành phố này vẫn ửng mặt trời lên
(Thành phố trong tim)
Cuộc chiến tranh bao giờ cũng là sự khổ cực khốn cùng của người dân, nơi đó có máu chảy xương rơi, nơi đó có những giọt nước mắt, nơi đó có những con người ra đi không bao giờ quay trở về. Và chỉ có những người từng đi qua chiến tranh, từng chứng kiến những tháng năm ấy mới cảm nhận hết những mất mát mà nó để lại. Những con người hiền lành, những con người “đẹp tợ ánh mặt trời” đã ngã xuống vì tổ quốc. Họ sống vì tổ quốc, chết cho tổ quốc. Khi sống và chiến đấu họ hiên ngang bất khuất, khi ngã xuống họ vẫn đẹp, họ vẫn tỏa ánh hào quang của mặt trời soi chiếu:
Ôi! những chàng trai Ang-Kor đẹp tợ ánh mặt trời Chúng giết cả rồi! máu chảy thịt xương tôi
(Thắp lửa mặt trời)
Mặt trời trong thơ Viễn Phương được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng dù ở góc độ nào nó cũng mang một biểu tượng cho lòng dũng cảm, cho khí thế sôi sục và cho ý chí quyết tâm. Dù ở bất cứ đâu, bất cứ trong hoàn cảnh nào, mặt trời luôn theo sát dấu chân những người lính. Và người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp riêng của mặt trời khi nó tượng trưng cho sức mạnh dân tộc mà nó còn được khái quát lên thành nhân chứng của thời gian, trở về quá khứ:
Khắc một nét son trên núi sông hùng vĩ Ánh mặt trời chiếu sáng mặt cha ông
(Thần nỏ)
Viễn Phương sử dụng biểu tượng mặt trời gắn với những con người đẹp, ý chí đẹp:
Chào em Lê Văn Tám Ánh mặt trời long lanh
(Những nẻo đường thành phố)
Đi qua những năm tháng chiến tranh, biểu tượng mặt trời được khoác lên một tấm áo mới, nó không chỉ là lí tưởng cách mạng mà nó là chân lí của cái đẹp:
Chỉ còn câu thơ đẹp Sống mãi với thời gian Chỉ còn tâm hồn đẹp Cùng mặt trời chói chang
(Gặp người đẹp cũ)
Có thể thấy rằng, mặt trời trong thơ Viễn Phương được nâng lên thành biểu tượng cho cái cao cả, thiêng liêng. Ở đó, người đọc cảm nhận được mặt trời của ý chí, mặt trời của những anh hùng, mặt trời của nòng pháo…và một mặt trời đáng yêu:
Như cánh buồm xuân trôi trên sông xuân Mặt trời qua đây trẻ lại
(Vùng đất thanh xuân)
Biểu tượng mặt trời được nhà thơ sử dụng ở nhiều khung cảnh và hoàn cảnh khác nhau, nhưng tựu chung lại nó mang đến hồn thơ Viễn Phương một sức sống mãnh liệt, nó làm cho hồn thơ của ông sống động và mang nét riêng. Cũng vì lí do đó mà người ta nhớ đến biểu tượng mặt trời trong thơ Viễn Phương như nhớ đến những năm tháng gian khổ của dân tộc. Sự trường tồn của dân tộc gắn liền với biểu tượng mặt trời, đó là dụ ý nghệ thuật mà Viễn Phương đã sử dụng trong thơ của mình.
Trăng
Không biết tự bao giờ, ánh trăng đã là nguồn cảm hứng bất tận muôn đời của các thi sĩ văn nhân. Trong cảm quan của người nghệ sĩ, trăng không đơn thuần là nguồn sáng trong đêm mà đã trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo. Và nó đã trở thành một biểu tượng xoáy sâu vào tâm hồn con người, có sức ám ảnh, khơi gợi cho người đọc nhiều xúc cảm về chiến tranh và hòa bình, hạnh phúc và khổ đau, quê hương và gia đình, tình yêu và thân phận con người. Với Viễn Phương, trăng luôn là một chủ thể trữ tình đẹp, có sự vận động của cảm thức. Trăng đó nhiều lúc dịu dàng e ấp:
Trăng len lén nhẹ hôn mái tóc Tóc không cười nên trăng kém vui
(Hoa đô thành)
Trăng còn là người bạn tri kỉ của con người, người ở đâu trăng theo đó, vui buồn có nhau, chẳng thế mà trong những hoàn cảnh gian khổ ác liệt, ánh