Xuất phát điểm của Phân tâm học Freud khi nghiên cứu vấn đề con

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm về con người trong phân tâm học của Sigmund Freud (Trang 35)

đề con ngƣời

Để làm sáng tỏ quan niệm của phân tâm học Freud về con người, trước tiên, cần phải tìm hiểu Freud tiếp cận vấn đề từ góc độ nào, cụ thể hơn, điểm xuất phát của quan niệm về con người của phân tâm học Freud là gì? Bởi chính từ xuất phát điểm đó mà Freud có cách nhìn nhận về con người khác với quan điểm của triết học truyền thống. Lý thuyết phân tâm học của Freud xuất phát từ hai quan niệm cơ bản của ông, đó là: quan niệm về cái vô thức và quan niệm về bản năng tính dục.

2.1.1. Quan niệm về cái vô thức

Trước Freud, quan niệm của Decartes và Kant thường đồng nhất đời sống tâm linh với đời sống ý thức bởi theo họ, tất cả những hiện tượng tâm linh đều ý thức. Đó là điểm cốt lõi của chủ nghĩa duy lý. Thế kỷ XVII, La Rochefaucauld đã nhận ra lý do sâu xa của hành động con người không phải là những lý lẽ tốt đẹp ta thường viện dẫn. Ông cho rằng, con người tưởng mình tự do hành động trong khi thật ra mình bị bó buộc phải hành động. Cùng với quan niệm này, Leibniz cũng thấy rằng chính bản thân con người không thể biết hiết tâm linh của con người. Đến thế kỷ XIX, Schopenhauer cho rằng ở mỗi con người có ẩn sâu một ý chí mù quáng và xuất phát căn nguyên của sự sống. Theo ông: “Trí thông minh không biết gì hết về những quyết định của ý chí”. Cuối thế kỷ XIX, Nietzsche khẳng định những động lực chính thúc đẩy chúng ta không phải là những lý lẽ chúng ta giải thích mà xuất phát từ một ý chí hùng bá, ý chí này là một ước muốn tăm tối và dữ dội ngự trị thế giới. Cùng thời gian đó, một nhà tâm lý học người Pháp- Pierre Janet cũng đã

nhận ra nhiều tầng trong nhân cách con người mà chúng ta chỉ nhận ra tầng ý thức mà thôi, còn những phần ta không nhận ra chỉ là sơ đẳng của ý thức.

Như vậy, Freud không phải là người đầu tiên phát hiện ra cái vô thức như ông từng nói: “Phân tâm học không phải lần đầu tiên đi bước này. Đi trước chúng ta trong lĩnh vực này có những nhà triết học nổi tiếng, đặc biệt trước hết là nhà tư tưởng vĩ đại Schopenhauer. Ý chí vô thức của ông tương đương với dục vọng tinh thần trong Phân tâm học” [trích theo 49;112], Nietzsche cũng có quan niệm tương tự như vậy khi cho rằng “vô thức là điều kiện tất yếu của mọi hoàn cảnh lý tưởng” [trích theo 49;112]. Ngoài ra, bệnh lý học tâm thần lúc bấy giờ và thực tiễn chữa bệnh của căn bệnh này cũng đề cập đến vấn đề vô thức và đó có thể xem là nguồn tư tưởng trực tiếp của học thuyết vô thức. Song, trước Freud chưa có ai tìm hiểu vai trò của vô thức đối với đời sống tinh thần con người.

Khác với truyền thống triết học duy lý, Freud cho rằng không phải ý thức mà vô thức mới là cái tác động, ảnh hưởng tới hành động và tâm lý con người. Theo Freud, ý thức chỉ là cái bên ngoài, cái phần nổi còn phần chìm ở bên dưới, phần chính chi phối mọi hành động của con người thuộc về cái vô thức. Con người vẫn tưởng rằng mình tuân theo sự mách bảo của ý thức mà không hề biết rằng chính vô thức mới là cái đang chế ngự mình. Vì thế, Freud cho rằng nếu hiểu được cái bí mật ẩn giấu trong cái vô thức, chúng ta sẽ hiểu được bản chất nội tâm của con người sẽ giải mã được những giấc mơ cũng như những hành động bất thường khó hiểu như của mình.

Freud chia kết cấu tâm lý con người làm ba hệ thống, ở những tầng khác nhau: hệ thống ý thức, hệ thống tiền ý thức và hệ thống vô thức. Hệ thống ý thức chỉ kết cấu tâm lý có quan hệ với cảm giác, tri giác trực tiếp, nó hướng về thế giới bên ngoài, hoàn thành tác dụng khí quan của cảm giác. Nó là hình thức tối cao trong trạng thái tâm lý của con người, là người thống soái

của các nhân tố tâm lý. Freud nói, trước đây mọi người vẫn cho rằng “những gì thuộc về tâm lý chính là thuộc về ý thức”, “ý thức giống như là đặc trưng của sinh hoạt tâm lý”. Họ đâu biết rằng “dưới đáy của ý thức còn có một lĩnh vực rộng lớn hơn”, nằm ven hệ thống ý thức. Đó là hệ thống tiền ý thức. Tiền ý thức là thức được tồn trữ trong ký ức của con người; nó cũng từng thuộc ý thức nhưng quan hệ với tình huống trực tiếp không lớn nên bị trục xuất ra khỏi ý thức, chỉ nằm ở chỗ gần với ý thức mà thôi. Tách rời ý thức, nằm xa hơn, ở tầng sâu của kết cấu tâm lý là hệ thống vô thức. Nó là kho tàng trữ bản năng, dục vọng sinh vật của con người. Loại bản năng, dục vọng này có sức chứa năng lượng tâm lý mãnh liệt phục tùng nguyên tắc khoái lạc, luôn luôn bức thiết tìm cách biểu hiện ra ngoài, muốn thấm sâu vào ý thức để có được sự thỏa mãn. Freud đã ví toàn bộ đời sống tinh thần của con người giống như một ngọn núi băng ở giữa biển khơi, đỉnh núi nổi lên trên mặt biển chính là ý thức; còn phần rất lớn còn lại của quả núi đó nằm dưới mặt nước là vô thức mà người ta thường không nhìn thấy được. Bộ phận giữa mặt nước và dưới nước khi nước biển lên, xuống bị ngập hay nhô ra là tiền ý thức. Các nhà triết học trước đây chỉ chú ý nghiên cứu bộ phận nhỏ lộ ra trên mặt nước, còn Freud lại đi sâu tìm hiểu phần nằm dưới mặt nước.

Khái niệm mô tả về cái vô thức của Freud không khác gì nhiều so với các quan niệm trước đó. Tất cả những người ủng hộ tâm lý học nội quan đều nhất trí rằng, ngoài các quá trình tâm lý được chúng ta ý thức thì còn có cả các quá trình không được ý thức. Có một cái khác gì đó từ bề sâu tâm lý vượt lên trên khoảng trung gian giữa những tư tưởng rõ ràng và rành mạch của chúng ta, hơn nữa là ý định nắm bắt những biểu tượng này thường xuyên vấp phải sự phản kháng - một cái gì đó cản trở chúng đi vào ý thức. Trong tác phẩm “Bệnh lý học trong đời sống hàng ngày”, Freud chỉ ra rằng chúng ta có quan hệ với sự can thiệp của cái vô thức trong các tình huống sinh hoạt hàng

ngày bình thường nhất. Mỗi người chúng ta đều đụng phải một thực tế là chúng ta không thể nhớ nổi tên người quen, quên nghĩa của từ nước ngoài đã biết rõ, lỡ lời, viết nhầm… Những sự việc như vậy không phải là ngẫu nhiên, chúng được quy định bởi các động cơ vô thức. Giống như trong giấc mơ, cái cố gắng đi vào ý thức là những biểu tượng bị loại ra, bị cấm đoán, xuyên tạc trí nhớ của chúng ta hay tạo ra thế giới những giấc mơ kỳ lạ. Ảo giác của những người bị bệnh tâm thần, ảo ảnh của các nhà thần bí hay của các nhà thơ, giấc mơ của mỗi người đều có nguồn gốc từ hoạt động của cái vô thức.

Freud chỉ rõ, do con người với tư cách là một thực thể tồn tại của xã hội, luôn luôn tìm cách che giấu bản năng giống động vật trong tâm linh của mình, nên họ ít chú ý đến vấn đề vô thức. Nhưng không chú ý tới không có nghĩa là chúng không tồn tại, ngược lại, nó là hạt nhân của kết cấu tâm lý con người, “quá trình tâm lý chủ yếu là vô thức”. Freud cho rằng: “Vô thức là cơ sở mang tính chung chung của sinh hoạt tinh thần. Vô thức là một vòng tròn tương đối lớn, nó bao gồm vòng tròn nhỏ ý thức, mỗi ý thức đều có một giai đoạn nguyên thủy của một loại vô thức; tuy nhiên, vô thức có thể dừng lại ở giai đoạn nguyên thuỷ ấy, nhưng lại có công năng tinh thần hoàn toàn, vô thức chính là thực chất tinh thần thực sự” [trích theo 13; 652].

Đối lập với quan niệm của triết học và khoa học đương thời cho rằng vô thức là thụ động, không có tác động nào ảnh hưởng đến hành động và tình cảm của con người trong hiện tại thì Freud đã khám phá ra hoạt động của vô thức. Theo Freud, vô thức tác động lên tư duy và tình cảm của con người. Sở dĩ con người không nhìn rõ sự hiện diện của vô thức vì với tư cách là một thực thể xã hội, con người luôn tìm cách che giấu bản năng, chỉ đề cao vai trò của ý thức. Song, ngoài việc mang tính sinh lý tự nhiên, bản năng di truyền bẩm sinh, vô thức con được tồn tại bởi sự tác động bên ngoài xã hội. Freud cho rằng nếu không có tác động từ bên ngoài hoàn cảnh xã hội thì làm sao

Nội dung của vô thức bao gồm tất cả những biến cố, những khái niệm mà con người trải qua trong quá trình sống, đặc biệt là những ước muốn, tham vọng chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân xã hội giữ vai trò quan trọng. Nội dung chủ yếu nhất của hoạt động vô thức là xung động bản năng của con người. Bản năng là những dục vọng, tình cảm, khuynh hướng có liên quan tạo nên do nội bộ cơ thể bị kích thích. Những bản năng này không thể đi vào lĩnh vực ý thức mà bị dồn nén trong vô thức hoặc thể hiện qua các hình thức như giấc mơ, lầm lẫn, đãng trí…. Quan niệm về vô thức đã tìm ra gốc rễ những nguyên nhân sâu xa gây ra bệnh tâm thần mà không phải xuất phát từ tổn thương cơ quan phủ tạng của con người. Và từ đó, Freud đã lý giải căn nguyên gây bệnh tâm thần là do vô thức bị dồn nén quá mức chịu đựng. Sự dồn ép quá tải làm cho con người lành mạnh trở thành người mắc bệnh và bộc lộ ở những triệu chứng kỳ quặc, khó hiểu.

Học thuyết Freud cho rằng vô thức chứa đầy nội dung phức tạp do những ước muốn không được thực hiện nên dồn nén và vô thức luôn tìm cách thoát ra, muốn được giải tỏa. Vô thức luôn tìm cách xé rào ngoài ý muốn của chủ thể, nhưng con người có đủ khả năng và biện pháp để hướng nó vào hoạt động có ích. Tuy nhiên khi bị dồn nén và dồn ép quá tải thì vô thức trỗi dậy mạnh mẽ mà lý trí không kiềm chế nổi. Đối với Freud, sự dồn nén có ở tất cả mọi người, không trừ một ai và đó chính là nguyên nhân gây bệnh hysteri. Vì thế, nhiệm vụ của nhà phân tâm học là tìm ra và giải tỏa sự dồn nén đó. Phương pháp mà Freud thực hiện là thông qua trò chuyện, người thầy thuốc gợi ý, tác động vào người bệnh nhằm khơi dậy những biến cố mà họ trải qua.

Việc tìm hiểu và phân tích rõ sự nổi loạn của vô thức đã mở ra đối tượng nghiên cứu vô cùng rộng lớn, Freud đã tiến tới xây dựng một thuyết hoàn chỉnh về vô thức. Ông đã chỉ ra rằng trong đời sống con người, nếu để cho vô thức

mặc nhiên tung hoành, hoạt động mù quáng thì con người chỉ hoạt động theo bản năng. Ngược lại, nếu chặn đứng dồn nén, mong muốn triệt tiêu ham muốn thì vô thức vẫn sẽ tìm cách thỏa mãn ở phương diện khác. Sự mất cân bằng giữa hai vấn đề trên có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần.

Theo ông, vô thức khác với ý thức và chủ yếu nó có những đặc điểm sau:

Tính nguyên thủy: Vô thức là nhân tố cấp thấp nhất, giản đơn nhất, cơ bản nhất của tâm lý, cho dù xét từ hàng loạt sự phát triển hệ thống nhân loại, hay hàng loạt sự phát dục tâm lý cá nhân, nó đều là điểm xuất phát của tâm lý con người. Cái nó tuân theo là “phép tắc suy nghĩ vốn có” của thời kỳ trẻ thơ và thời kỳ người nguyên thủy, nó là hiện tượng tâm lý ở cấp thấp nhất, cho nên các phương diện như cấu tạo, cơ chế và công năng của nó đều không hoàn bị lắm.

Tính chủ động: Điều này chủ yếu biển hiện ở chỗ nó luôn luôn muốn được thực hiện, nó không nằm yên ở địa vị bị áp chế, mà luôn tìm cơ hội để biểu hiện ra trong đời sống hiện thực. Chính vì nó chịu áp chế cực lớn nên nó có sức mạnh trưởng thành vươn lên rất mạnh. Tính chủ động và sức sống này của nó được quyết đinh bởi tính nguyên thủy. Bất cứ sự vật nào, càng nằm ở giai đoạn nguyên thủy, càng có sức sống. Chẳng hạn, một đứa trẻ sẽ có tiền đồ hơn so với một người già; một hạt giống có sức sống hơn so với một cây cổ thụ. Tính nguyên thủy của vô thức ban cho nó tinh thần chủ động lớn mạnh

Tính phi logic: Nó là tâm lý nguyên thủy nhất, do chưa có quan hệ qua lại toàn diện, thành thực với thế giới vật chất khách quan hoặc đời sống xã hội, cho nên nó được định sẵn mang một dấu ấn có tính phi logic. Sau khi xuất hiện, nó có thể không chú ý gì đến tất cả, chỉ tìm cho được tự ngã để thực hiện, tạo cho con người một ấn tượng hoàn toàn bất chấp đạo lý, thiếu tính liên quan nhân quả.

Tính phi ngôn ngữ: Phải được học tập mới biết sử dụng “từ”, “khái niệm” của ngôn ngữ. Do vô ý thức còn nằm trong trạng thái nguyên thủy hỗn độn, nó không thể phân biệt một cách nghiêm khắc chính mình, không thể phân biệt một cách chính xác đối tượng, cho nên nó không thể sử dụng nhân tố khác của “từ”, và ngôn ngữ. Do không đạt được mức độ sử dụng ngôn ngữ trong quá trình khái quát, nên nó chỉ có thể sử dụng các loại hình tượng, ý tượng cụ thể để biểu đạt sự vật.

Tính phi đạo đức: tính phi đạo đức được biểu hiện ở thái độ đối với đời sống xã hội, chính là coi nguyên tắc đạo đức là “bất chấp tất cả” chỉ lấy thực hiện tự ngã của bản thân làm trung tâm. Freud nói: “Việc thừa nhận đối với quá trình tâm lý của vô thức là một bước có tính quyết định của một quan điểm mới, mở ra một cục diện mới cho khoa học loài người” [trích theo 13; 653]. Quan điểm mới mở ra một cục diện mới mà ông nói chính là phản đối việc coi con người chủ yếu là lý tính, có ý thức, mà cho rằng con người chủ yếu là phi lý tính, vô thức. Lý luận vô thức của Freud, ý nghĩa của nó đã vượt xa phạm vi tâm lý học, mà đã hòa nhập với trào lưu tư tưởng các loại triết học chủ nghĩa nhân bản, quy kết tồn tại của con người là ý chí tình cảm phi lý tính của phương Tây hiện đại.

Khi đi tìm câu trả lời cho vấn đề vô thức được hình thành từ đâu? Hoặc nguồn gốc của vô thức là gì? Freud đã cho rằng, vô thức là bản năng cơ bản, là sức đẩy bên trong của con người, nó sinh ra trong quá trình phát triển chủng loại. Vô thức ngoài bản năng di truyền bẩm sinh còn có được bởi sự tác động bên ngoài xã hội. Vô thức khẳng định sự tồn tại của mình thông qua các hành vi sai lạc. Freud cho đó là một lĩnh vực tinh thần và không bao giờ cho rằng những hành vi sai lạc là thuần túy ngẫu nhiên hoặc không có ý nghĩa. Với Freud, mọi hành vi tinh thần đều có nguyên nhân của nó và trong các hành vi sai lạc, hành vi bị hỏng

đó không có sự tham gia của ý thức mà chịu sự tác động của cảm xúc dồn nén bên trong.

Mở rộng hơn khái niệm vô thức và xem xét một cách thấu đáo chúng ta có thể nhận diện được nhiều vấn đề quan trọng. Đó là con người có thể biết được cơ chế hoạt động tinh thần có những điều vượt ra ngoài tầm nhận thức

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm về con người trong phân tâm học của Sigmund Freud (Trang 35)