2.2.1 .Quan niệm của Freud về cơ cấu nhân cách
2.2.2. Động lực của nhân cách
Nhân cách là một hệ thống năng lượng phức tạp, năng lượng tâm lý là cái điều khiển sự vận hành ba bộ phận nhân cách. Năng lượng tâm lý không phải thần bí, giống như các hình thức năng lượng khác sản sinh ra công. Năng lượng tâm lý thực hiện những chức năng tâm lý như tư duy, tri giác, kí ức…Nó giống như máy móc có thể vận hành. Động lực căn bản của nhân cách hình thành và phát triển là năng lượng tâm lý, năng lượng tâm lý được phân bổ và di chuyển trong ba bộ phận nhân cách và tạo nên hệ thống động lực nhân cách, nó quyết định phương hướng phát triển nhân cách.
Cơ thể sinh vật là một hệ thống năng lượng trạng thái động. Năng lượng cần cho sự phát triển biến đổi của hệ thống này lấy từ nội bộ của hệ thống nhân cách, đó là bản năng. Bản năng thể hiện trạng thái nguyên thuỷ của quá trình tâm lý con người. Nó giống như một dòng sông, chảy mãi mãi theo một hướng nhất định. Như trên đã nói, mục tiêu của bản năng có ba biểu hiện là bảo thủ, hồi quy và lặp lại, thực hiện những mục tiêu này cần có động lực nhất định, nhưng năng lượng to hay nhỏ, cường độ của động lực tuỳ thuộc năng lượng bản năng đã chiếm hữu. Một con người đói cồn cào ruột gan, sự kích thích và xung động đối với quá trình tâm lý cũng rất mạnh, lúc ấy toàn bộ tâm lý của họ tập trung hết vào thức ăn. Với lập luận như vậy, khi một người say đắm tình yêu, họ rất khó làm việc khác. Do trung tâm hoạt động của bản năng này là bản ngã, bản ngã có thể ví như cái “ao” chứa năng lượng tâm lý. Vậy năng lượng làm thế nào lấy ra từ ao đó để trở thành tự ngã và bản ngã?
Năng lượng của bản ngã thông qua hai phương thức hoạt động phản xạ và thoả mãn nguyện vọng để thực hiện. Mục đích của hai quá trình đều dùng năng lượng để thoả mãn nhu cầu, đem lại sự ổn định cho con người. Năng lượng của bản ngã đều tiêu hao hết trong quá trình phát triển có tính đối tượng. Trong lúc lựa chọn đối tượng, bản năng phát sinh năng lượng, có thể
xuất hiện trường hợp đối tượng này chuyển dịch sang một loại đối tượng khác, đó là sự dời chỗ, như trẻ em thấy đói, khi chưa tìm thấy đồ ăn thường cho đầu ngón tay vào miệng. Hễ sự vật có chỗ giống nhau nào đó, đều có thể nảy sinh hiện tượng dời chỗ. Năng lượng của bản ngã trong khi toả ra thường hay xảy ra xung đột đối với tự ngã và siêu ngã. Lúc ấy bản ngã cố sức phá tung trở lực. Nếu phá tung thành công, nó dùng hành động nhầm lẫn phát sinh năng lượng ra ngoài, nếu không tìm ra con đường phát sinh năng lượng, tự ngã và siêu ngã sẽ sử dụng năng lượng ấy để cung cấp động lực cho hoạt động của mình.
Bản thân tự ngã không có năng lượng, khi năng lượng bản ngã chưa chuyển dịch đến quá trình tâm lý tiềm ẩn tạo nên tự ngã, tự ngã không thể tồn tại. Chỉ có quá trình tâm lý mới này, tự ngã được cung cấp năng lượng, mới có thể tồn tại trong nhân cách. Nhưng điểm xuất phát kích động tiềm lực của tự ngã là cơ chế cầu đồng, cầu đồng là sự thống nhất, đánh đồng hoặc ăn khớp giữa thế giới nội tâm với thế giới bên ngoài. Cơ chế cầu đồng làm cho năng lượng bản ngã từng sử dụng để hình thành ý tưởng sự vật được chuyển ra và do tự ngã phản ảnh lên bộ mặt thực của thế giới hiện thực. Sự chuyển dịch năng lượng này cung cấp động lực của thế giới tự ngã. Cùng với chức năng lí tính tự ngã sinh ra, càng có nhiều năng lượng lấy ra từ ao chứa của bản ngã, đổ vào tự ngã. Tự ngã lấy năng lượng từ bản ngã, ngoài thoả mãn bản năng ra, còn có thể dùng để phát triển cảm giác, học tập, kí ức, phán đoán, suy diễn, tưởng tượng, từ đó thúc đẩy tiến bộ và phát triển toàn bộ văn minh loài người. Cơ năng kiểm soát siêu ngã quyết định nó có thể nhận được năng lượng tâm lý từ bản ngã và tự ngã, ngăn chặn năng lượng từ bản ngã toả ra trong hành động có tính xung động. Loại tác dụng này gọi là phản phát tiết năng lượng. Siêu ngã dùng năng lượng cho việc phát tiết năng lượng về đạo đức và lí tưởng, năng lượng của một người toả ra trên mặt lí tưởng và đạo đức càng
nhiều, họ càng có thể trở thành một người có phẩm hạnh cao thượng, được người đời tôn kính.
Sự phát triển nhân cách con người chịu sự chi phối của hai nguyên tắc là nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc nguyên tắc thực tại. Năng lượng libido chính năng lượng làm chúng ta sống, hành động, hưởng thụ và tạo ra sự thăng bằng bên trong của cơ thể chúng ta bằng cách làm cho con người tránh những căng thẳng đau đớn tạo nên do nhu cầu. Freud gọi là nguyên tắc khoái lạc- lực lượng thúc đẩy thúc đẩy chúng ta thỏa mãn thường xuyên những ham muốn của con người, sự thỏa mãn này luôn đưa tới khoái lạc. Nguyên tắc này được tiếp nối bởi nguyên tắc bất biến, là khuynh hướng của cơ thể muốn giảm bớt những căng thẳng đau đớn giữa cơ thể và hoàn cảnh. Vậy, nguyên tắc khoái lạc và bất biến ám chỉ sự tổ chức những hành động nhằm làm bớt những căng thẳng đau đớn của cơ thể và nếu có thể đưa tới khoái lạc.
Tuy nhiên thế giới bên ngoài và những quy phạm xã hội, văn hóa tập thể cưỡng chế những ham muốn nào đó buộc con người phải từ bỏ những khoái lạc này. Ở tuổi ấu thơ việc từ bỏ những ham muốn tạo ra ức chế những hành động bản năng mà thay vào đó bằng những hành động xã hội. Sự thay đổi để phù hợp với quy phạm tập thể (những mệnh lệnh của đạo đức, tôn giáo, luật pháp, tập quán…) được Freud gọi là nguyên tắc thực tại. Dưới ảnh hưởng của nguyên tắc thực tại tâm lý của con người di chuyển thay thế sự thỏa mãn ích kỷ thành một sự thỏa mãn xã hội hóa.
Tuy nhiên những tiến trình vô thức thoát khỏi sự chi phối của nguyên tắc thực tế. Những ham muốn của con người bị dồn nén trở thành vô thức và không còn chịu sự kiểm soát của ý thức. Và, những ham muốn không được thỏa mãn đó tìm con đường thoát ra ngoài bằng đời sống tưởng tượng, đời sống không thực của mơ mộng. Đó là hình thức thỏa mãn ảo tưởng khơi mào cho những động thái trốn chạy, dẫn tới sự không thích nghi với thực tế. Đời
sống tưởng tượng cũng có thể đưa tới sáng tạo nghệ thuật, và hơn như thế, Freud cho rằng tất cả những thể hiện của văn hóa đều là cố gắng dung hòa giữa nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tại. Vì nguyên tắc khoái lạc độc quyền trong thế giới vô thức nên như ở trên chúng tôi đã nêu, đối với Freud, giấc mơ luôn gắn với dục tính.
Theo Freud, trong tâm lý con người cùng tồn tại song hành cả nguyên tắc thỏa mãn và nguyên tắc thực tại - nguyên tắc hạn chế những nhu cầu bản năng mà con người buộc phải tuân thủ để thích ứng với những điều kiện bên ngoài. “Chúng ta có thể hiểu nguyên tắc thực tại là khả năng điều tiết việc hưởng thụ những khoái cảm vào những lúc thích hợp nhất, có lợi nhất, đối với sự tồn tại của cái tôi trên cơ sở những điều kiện sống của cái tôi, tức sự phù hợp với những điều kiện sống thực tế của mình” [43; 211]. Tính bức thiết và không thể trì hoãn được của sự thụ hưởng những khoái cảm đã bị ý thức điều chỉnh cho phù hợp với những điều kiện sống thực tế của từng người. Nói cách khác, con người có khả năng tạm thời “nhịn” những hưởng thụ khoái cảm khi thấy nó không có lợi cho cuộc sống thực tế của mình. Nhịn để đến khi có những điều kiện thực tế có lợi nhất sẽ hưởng thụ chứ không phải là triệt tiêu những ham muốn, những khát vọng đó. “Nhờ cái cách nó được hướng dẫn và phát triển, libido uốn nắn cấu trúc của nhân cách, giống hệt như một dòng sông uốn nắn cấu trúc bờ sông theo dòng chảy của nó từ trên núi cao xuống biển” [43; 165]. Để có thể trì hoãn nguyên tắc thỏa mãn, mọi người cần phải trưởng thành với kinh nghiệm sống của bản thân, sự hiểu biết và trí thông minh… để có thể hướng sự hưởng thụ đó có lợi nhất cho sự tồn tại của mình, của sự phát triển nhân cách phù hợp với hoàn cảnh sống thực tế của mình. Nguyên tắc thực tại sẽ được hình thành cùng với sự trưởng thành của tâm lý trẻ em. Nó có ảnh hưởng đến sự điều tiết những hưởng thụ, thỏa mãn tới đâu là do sự trưởng thành của từng người về mặt nhân cách. Nói đến nguyên tắc
thực tại là chúng ta nói đến vai trò của “ lý trí hợp lý” và vai trò này chỉ có ở con người trưởng thành và đã thoát khỏi những ham muốn bản năng. Theo Freud, sự trì hoãn này có thể được đền bù trong tương lai, mà theo ông nó được giải tỏa qua giấc mơ, niềm tin tôn giáo và thăng hoa vào nghệ thuật.
Cần giải thích them rằng, sự phân bố và chi phối năng lượng tâm lý trong nhân cách vẫn tuân theo định luật cân bằng năng lượng. Năng lượng trong nhân cách ổn định, khi tự ngã nhận được năng lượng, thì bản ngã và siêu ngã tất nhiên mất năng lượng. Mặt này nhận được năng lượng, các mặt khác tất nhiên mất đi năng lượng. Tố chất của một con người trên chừng mực nhất định tuỳ thuộc vào tình hình phân bố năng lượng trong nhân cách. Nếu phần lớn năng lượng tự thân của con người bị bản ngã thao túng, người ấy có thể là một người phóng đãng; khi phần lớn năng lượng được siêu ngã chiếm giữ, người ấy sẽ trở thành một người biết ghép mình vào kỉ luật, đạo đức cao thượng. Dựa theo phân tích trước đây, Freud cho rằng, do năng lượng tâm lý tự thân con người thực hiện các loại điều tiết có hiệu quả đối với bên ngoài, và sự hình thành các loại cơ chế đối phó lo âu trong tự ngã mới thúc đẩy nhân cách phát triển.