Sự phát triển của nhân cách

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm về con người trong phân tâm học của Sigmund Freud (Trang 67 - 72)

2.2.1 .Quan niệm của Freud về cơ cấu nhân cách

2.2.3. Sự phát triển của nhân cách

Sự phát triển nhân cách chính là quá trình điều hòa của bản ngã, tự ngã và siêu ngã (hay cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi) dưới sự chi phối của nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tại. Freud cho rằng, trong phát triển nhân cách có thể gặp nhiều va vấp, xung đột và lo âu, đó là những trở ngại của nhân cách. Phương pháp chủ yếu khắc phục những trở ngại này là: cơ chế thừa nhận, dời chỗ, thăng hoa, phòng ngự và chuyển hoá bản năng. Thừa nhận là đem đối tượng bên ngoài, thông thường là tính chất của người khác, kết hợp vào nhân cách. Vì vậy, noi theo, bắt chước là biện pháp quan trọng trong hình thành nhân cách. Năng lượng từ một đối tượng này dời chuyển sang một đối

tượng khác là dời chỗ. Trong dời chỗ, nếu đối tượng được thay thế đại diện cho mục tiêu văn hoá cao thượng hơn so với đối tượng trước đây, như năng lượng bản năng chuyển đổi thành theo đuổi trí lực, chủ nghĩa nhân đạo và văn hoá nghệ thuật, thì loại chuyển đổi này gọi là thăng hoa. Trong phát triển nhân cách, nếu gặp những mối đe doạ như buồn phiền và lo âu, có hai biện pháp đối phó: một là sử dụng biện pháp giải quyết vấn đề hiện thực, hai là phủ nhận và xuyên tạc hiện thực. Freud gọi biện pháp cuối cùng là cơ chế phòng ngự. Những biện pháp này thông qua chuyển hoá bản năng để thúc đẩy nhân cách phát triển.

Theo Freud, sự phát triển nhân cách chủ yếu là sự phát triển bản năng tính dục. Khái niệm bản năng tính dục của Freud không chỉ nói con người tìm bộ kích thích của bộ máy sinh dục để tiêu hao năng lượng và sinh ra khoái lạc, mà còn chỉ các hoạt động tương tự của các bộ phận khác của thân thể. Ông cho rằng, sự phát triển tính dục của cá thể trải qua các thời kỳ khác nhau, có tác dụng khác nhau trong phát triển nhân cách.

Thời kỳ thứ nhất: thời kỳ thơ ấu, tức là từ khi trẻ mới lọt lòng đến khi trẻ 5 tuổi.

Thời kỳ này là khởi điểm của phát triển tính dục, nó đặt cơ sở và phương hướng cho phát triển tính dục sau này. Sự phát triển của thời kỳ thơ ấu lại trải qua hai giai đoạn khác nhau, là giai đoạn tự luyến (tự mê mình) và giai đoạn lựa chọn đối tượng.

Giai đoạn tự luyến nói chung chỉ giai đoạn từ trẻ mới sinh đến ba tuổi, sau khi sinh ra, trẻ em không phân biệt được chủ thể và đối tượng, trong động tác bú mẹ nhận được khoái cảm tiến đến tự coi mình là đối tượng tính dục. Bản năng tính dục thời kỳ tự luyến chủ yếu tập trung vào hai vùng nhạy cảm là vào khu vực môi và hậu môn. Động tác khu vực môi là hoạt động bản năng tính dục sớm nhất, loại hoạt động này không biểu hiện sự khác nhau về hai tính, nó

chỉ là mối quan hệ thu hút chất dinh dưỡng nên sinh ra kích thích. Cho nên các hoạt động của môi có thể sinh ra hai loại khoái cảm: khi nhận chất dinh dưỡng đưa nó vào miệng, gây ra kích thích và sinh ra khoái cảm; hai là hưng phấn và thoả mãn do mút vú mẹ kích thích đem lại. Freud cho rằng mút vú mẹ, loại kích động tính dục sớm nhất này, trước hết lấy vú của mẹ là mục tiêu thứ nhất, sau đó bỏ dần và lấy ngón tay của mình làm đối tượng thoả mãn khoái lạc được bú. Bản năng tính dục của hậu môn chủ yếu là động tác bài tiết, vì giống như bú có thể làm cho đứa trẻ nhận được khoái cảm. Freud phát hiện, đứa trẻ sau khi đại tiểu tiện đều có kinh nghiệm khoái lạc của cơ quan cảm giác. Không lâu sau, chúng cố ý làm lại động tác này, để tìm khoái cảm và hưng phấn cho vùng nhạy cảm này. Freud còn cho rằng, tuổi càng lớn, trẻ dần dần cảm nhận thấy thân thể mình, đặc biệt là cơ quan sinh dục được sờ mó cũng sinh ra khoái cảm. Cho nên hoạt động bản năng tính dục từ đó bắt đầu chuyển vào thời kỳ sinh thực. Freud nói: trẻ con từ ba tuổi, chắc đã có đời sống tình dục, lúc ấy cơ quan sinh dục bắt đầu có biểu hiện hưng phấn, hoặc có thủ dâm theo chu kỳ hoặc tìm sự thoả mãn đối với cơ quan sinh dục.

Thời kỳ lựa chọn đối tượng là thời kỳ sau khi trẻ phân biệt rõ chủ thể và đối tượng, rời bỏ bản thân mình, chuyển sang ngoại giới tìm đối tượng, nói chung thời kỳ này từ 3 đến 5 tuổi. Lúc này, lựa chọn đối tượng của trẻ trước hết là bố mẹ. Nói chung, con trai tìm mẹ làm đối tượng, đối lập với bố; con gái yêu bố, trở thành “tình địch” của mẹ. Cho nên nảy sinh mặc cảm Oedipe. Sự xuất hiện của mặc cảm Oedipe, nói rõ sinh hoạt tính dục của nhi đồng đã có đặc tính ban đầu của đời sống tính dục của người thành niên. Vì trẻ em đã hiểu trên đối tượng tính dục cố tình nhận được sự khoái lạc và thoả mãn. Freud cho rằng, sự phát triển của thời kỳ này có ảnh hưởng quan trọng đối với toàn bộ đặc tính tâm lý.

Thời kỳ thứ hai: thời kỳ nhi đồng, từ khoảng 5 đến 12 tuổi

Trong thời kỳ này, tính dục của nhi đồng bước vào thời kỳ tiềm ẩn, những hành vi thô lỗ, lộ liễu trước đây bắt đầu lắng xuống. Chính do sự phát triển tính dục của nhi đồng chịu ảnh hưởng của thế giới bên ngoài và sự dồn nén của lực lượng tinh thần đặc biệt của sự giáo dục thời kỳ đầu gây nên tình hình này, Như đến thời kỳ này bố mẹ không cho con cái tuỳ ý đại tiểu tiện lung tung, không cho nghịch cơ quan sinh dục và nói cho con cái những động tác ấy không văn minh, không đạo đức, đáng xấu hổ. Do đó, trẻ con dần dần tăng cường ý thức đạo đức, văn minh. Freud nói: “Những sức mạnh tinh thần này bao gồm cảm giác chán ghét, sự biết xấu hổ và yêu cầu lý tưởng hoá đạo đức và mỹ cảm”.

Do đó, có thể thấy rằng thời kỳ tiềm ẩn của tính dục không phải là đời sống tính dục của nhi đồng bị gián đoạn phát triển, nó chẳng qua chịu ảnh hưởng của giáo dục bên ngoài, sự ràng buộc của hiện thực khách quan và sự dồn nén của lực lượng đạo đức, văn minh nên hình thức đã biến dạng. Loại hình thức này đem lại hai khuynh hướng phát triển: tự ngã có thể kiểm soát năng lượng tính dục đã tích luỹ thời gian khá dài của bản ngã, làm cho nó thăng hoa thành văn minh xã hội, đây là điều kiện không thể thiếu được của loài người phát triển; mặt khác, năng lượng tính dục từ lâu bị dồn nén, lại có thể thoái hoá đến giai đoạn sơ cấp của tính dục, khi sự dồn nén và xung động tính dục xảy ra mâu thuẫn, lại dẫn đến chứng bệnh tâm lý.

Thời kỳ thứ ba: thời kỳ dậy thì, từ 12 đến khoảng 18 tuổi

Thời kỳ này cơ quan tính dục từng bước đến độ chín, sự khoái cảm của tính dục chủ yếu dựa vào cơ quan sinh dục. Xung động tính dục tiềm ẩn lúc này bắt đầu tỉnh trở lại, dòng kích thích tính dục bắt đầu men theo con đường phát triển thời kỳ sớm tiến lên phía trước. Freud miêu tả quá trình này như sau: “Sự bắt đầu của thời kỳ dậy thì đem lại sự thay đổi đời sống tính dục của

trẻ thơ bắt đầu thay đổi, cuối cùng trở thành kiểu dạng thường gặp. Trước đây, sự xung đột tính dục phần lớn là “tự mình hưởng lạc”, nay bắt đầu tìm đối tượng của tính dục. Trước đây, mỗi xung động đều hoạt động riêng lẻ, vùng khoái cảm tự nó tìm kiếm khoái cảm trên mục đích tính dục đặc biệt của mình. Một mục đích tính dục mới mẻ hiện nay đã nổi lên, sự xung động các bộ phận đều hợp tác để tìm lấy nó, và các vùng khoái cảm đều thần phục cho tính dục có tầm quan trọng hàng đầu của vùng sinh dục. Vì mục đích tính dục mới này rất khác nhau trên thân thể hai giới, sự phát triển tính dục của họ cũng thực hiện không giống nhau. Phát triển tính dục của nam rất lâu mới thống nhất nhưng dễ lí giải. Riêng về nữ, ngược lại có thể xuất hiện hình thức thoái hoá. Sinh hoạt tính dục bình thường cần phải hội nhập hai dòng chảy xiết là đối tượng tính dục và mục đích tính dục mới có thể đạt được. Nó giống như đào đường hầm qua núi đồng thời tiến hành ở hai bên sườn quả núi” [trích theo 49; 244].

Thời kỳ dậy thì, sự phát dục của cơ quan sinh dục đối với bên ngoài đã đạt mức độ khá. Trong giai đoạn này, đối tượng tính dục đã chuyển ra ngoài thân thể, mục đích tính dục từ vùng khoái cảm các cơ quan toàn thân hội nhập một nơi, đều phục vụ cho khoái cảm của cơ quan sinh dục. Freud cho rằng: trong thời kỳ này, sự phát triển của cá thể nếu bước vào thời kỳ dậy thì một cách thuận lợi, dồn đối tượng tính dục và mục đích tính dục vào một cơ thể khác giới, nó sẽ có nhân cách bình thường, nếu không sẽ xuất hiện sự đảo lộn về tính dục đến tâm thần thất thường, xảy ra những biến thái về nhân cách.

Trên cơ sở ba thời kỳ phát triển trên đây, đại thể bắt đầu từ 18 tuổi đến khi con người già yếu, là bước vào giai đoạn sinh sản. Trong giai đoạn này, sự phát triển của tính dục bắt đầu phát triển theo mục tiêu sinh đẻ sinh vật học. Cho nên, thời kỳ niên thiếu, khác giới bắt đầu thu hút lẫn nhau, kết quả cuối cùng của thu hút lẫn nhau là đạt đến sự kết hợp tính dục, giai đoạn cuối cùng

của sự phát triển này là sinh đẻ. Giai đoạn sinh đẻ là nhân cách đi lên thời kỳ xã hội hoá. Từ đây, các hoạt động như hoạt động tập thể, hôn nhân yêu thương, xây dựng gia đình tiếp tục phát triển, người thanh niên có chí tiến thủ về sự nghiệp, và có tinh thần trách nhiệm về cuộc sống đã có những tiến bộ rất lớn, sự phát triển nhân cách đã trải qua sự phát triển nhảy vọt về chất.

Như vậy, lý luận về nhân cách của Freud đã chỉ ra mô hình nhân cách con người là sự thống nhất của ba bộ phận: bản ngã, tự ngã và siêu ngã. Ba bộ phận này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động, kiềm chế lẫn nhau trong một khối thống nhất. Khối thống nhất này hoạt động trên cơ sở hai nguyên tắc là nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tại. Lý luận nhân cách cũng vạch ra trình tự phát triển hợp logic của tâm lý con người. Lý luận này có ảnh hưởng quan trọng trong các lĩnh vực khoa học như văn học nghệ thuật, mỹ học, lý luận tôn giáo.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm về con người trong phân tâm học của Sigmund Freud (Trang 67 - 72)