Chƣơng 1 TRUYỀN THÔNG CHÍNH TRỊ LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ
1.2. Khái niệm truyền thông chính trị
1.2.2. Đặc điểm của truyền thông chính trị
Truyền thông chính trị là một lĩnh vực trong hoạt động truyền thông nói chung nên nó có đầy đủ những đặc điểm của hoạt động truyền thông. Bên cạnh đó, hoạt động của truyền thông chính trị cũng mang tính chất của truyền thông đại chúng nên nó cũng có đầy đủ những đặc điểm của truyền thông đại chúng với những yêu cầu về nguồn phát, kênh truyền thông tin và đối tượng tiếp nhận. Nhưng truyền thông chính trị cũng có những đặc điểm riêng của mình:
- Tính giai cấp: quan hệ chính trị về bản chất là quan hệ giai cấp và hoạt động truyền thông chính trị cũng thể hiện những nội dung mang bản chất giai cấp; lợi ích của các giai cấp quy định, nội dung, đặc điểm, bản chất và xu hướng vận động của hoạt động truyền thông chính trị. Và truyền thông chính trị là công cụ đề truyền bá ý thức hệ của giai cấp cầm quyền, phản ánh lợi ích của giai cấp cầm quyền trong các xã hội. Dù hiện nay đã có xu hướng đa dạng hóa nguồn phát thông tin nhưng có một thực tế là nguồn phát thông tin chính
trị của nhà nước vẫn được xem như là một nguồn với tư cách chính thống. Bên cạnh đó, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và quá trình toàn cầu hóa đã làm xuất hiện những thực thể mới đại diện cho lợi ích của các giai cấp xuyên biên giới: đó là các TNC, các tổ chức Phi chính phủ, các thể chế văn hóa v.v… Tính giai cấp không chỉ còn thể hiện trong mối quan hệ nhà nước với cộng đồng mà đã thẩm thấu, lan tỏa trong các quan hệ của các thực thể mới. Vấn đề lợi ích giai cấp vẫn ẩn sâu bên trong những nội dung của truyền thông với những hệ giá trị ăn sâu vào tiềm thức.
- Tính minh bạch: Đây là một đặc trưng trong hoạt động truyền thông chính trị trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay. Trước đây, khi lượng thông tin trao đổi có hạn và các phương tiện truyền thông chưa phát triển, các chủ thể mạnh như nhà nước, các tập đoàn truyền thông có thể kiểm soát thông tin của xã hội, có thể quyết định được việc công chúng nghe cái gì, nghe bằng cách thức nào,…Trong điều kiện như vậy, thông tin hoàn toàn có thể bị thay đổi. Hiện nay, với điều kiện phát triển của hệ thống phương tiện truyền thông, khối lượng và tốc độ của thông tin đã vượt ra khỏi sự kiểm soát của hệ thống cũ, lượng thông tin đa dạng, nhiều chiều, cùng với nhu cầu rõ ràng thông tin của xã hội khiến cho việc minh bạch thông tin là điều kiện bắt buộc đối với các chủ thể. Chỉ có minh bạch thông tin thì mới có thể xây dựng được niềm tin, bước đầu trong việc xây dựng quyền lực.
- Tính đại chúng: Truyền thông chính trị cũng là một dạng thức của truyền thông đại chúng. Các thông tin chính trị, các phân tích chính trị phải được truyền tải từ những nguồn phát ra thông điệp phải là một tổ chức có tính chuyên môn và chuyên nghiệp thông qua hệ thống cơ sở vật chất truyền thông hướng tới số lượng người thông tin là lớn và không bị cản trở bởi các yếu tố địa lý. Tính đại chúng cho phép mọi người đều có thể tiếp cận những thông tin chính trị, và hạn chế việc tạo ra những nhóm đặc quyền trong việc nắm giữ và kiểm soát thông tin của xã hội.
- Tính khoa học và nghệ thuật: Truyền thông chính trị hiện nay tuy chưa được xác định là một ngành khoa học độc lập vì nó là kết quả của nhiều ngành khác nhau như truyền thông, khoa học chính trị, triết học, quan hệ quốc tế,…Tuy nhiên, truyền thông chính trị là một lĩnh vực ảnh hưởng lớn tới sự tồn tại và phát triển của các xã hội. Truyền thông chính trị cũng sử dụng những phương pháp khoa học cũng như các kết quả khoa học trong nghiên cứu xã hội để xây dựng cho mình những cơ sở lý thuyết cũng như các nguyên tắc hoạt động của nó. Tính nghệ thuật của truyền thông không chỉ thể hiện ở cách thức truyền thông chính trị tác động đến xã hội mà còn thể hiện ở những lĩnh vực truyền thông chính trị tham gia, đặc biệt là trong các loại hình văn hóa như điện ảnh, văn học, ấn phẩm báo chí, truyền hình,….