8. Kết cấu của luận văn
2.2. Những giải pháp cơ bản nâng cao vai trò của nông dân Bạc Liêu trong
2.2.4. Tăng cường hoạt động giáo dục, văn hóa, y tế, bảo vệ môi trường sinh
sinh thái và an sinh xã hội ở Bạc Liêu
Việc tăng cường hoạt động giáo dục, văn hóa, y tế, bảo vệ môi trường sinh thái và an sinh xã hội cũng là một giải pháp quan trọng để tăng cường, phát huy vai trò của nông dân Bạc Liêu trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. Do đó cần thực hiện và giải quyết tốt những vấn đề như:
Tăng cường phát triển giáo dục và đào tạo.
Như ta biết, “hiền tài là nguyên khí quốc gia” do đó vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài được xem là quốc sách hàng đầu của đất nước. Trong xây dựng nông thôn mới cũng vậy, phát triển giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí cho cư dân nông thôn cũng là vấn đề quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nói chung, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới nói riêng ở Bạc Liêu. Do đó hiện nay Bạc Liêu phải tiếp tục xây dựng và chuẩn hóa các trường học theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo như về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, về đội ngũ giáo viên, thực hiện tốt phương châm “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức trong sáng” v.v... Khuyến khích trẻ em trong độ tuổi đến trường, thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; đa dạng hóa các loại hình đào tạo và thực hiện xã hội hóa giáo dục v.v... Từ đó làm
cho trình độ dân trí của cư dân nông thôn được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới - xây dựng nông thôn mới ở nông thôn Bạc Liêu. Bởi vì khi người dân có trình độ dân trí cao thì việc thực hiện những nội dung xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia của Chính phủ ở địa phương sẽ thực hiện dễ dàng hơn và đạt hiệu quả cao hơn. Vì khi đó người dân sẽ tự giác và sẽ nhiệt tình hơn để hưởng ứng phong trào cách mạng đó ở nông thôn.
Ngoài ra cần tiếp tục phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Cần có những chính sách đặc thù của tỉnh, kết hợp với sự chăm lo của nhân dân đối với đội ngũ giáo viên để thu hút những giáo viên giỏi tới những vùng khó khăn, vùng sâu để nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo ở những vùng đó. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để con em đồng bào Khmer đến trường ngày càng đông đảo, thông qua đó mà nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân. Hướng cho nông dân Bạc Liêu làm nghề nông một cách khoa học, có kiến thức thị trường, quản lý kinh tế để sản xuất - kinh doanh có hiệu quả. Đào đạo nghề cho con em nông dân thông qua các chương trình đào tạo nghề ở nông thôn để phát triển nguồn lực thanh niên nông thôn có trình độ về học vấn, tay nghề nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực của sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Qua đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở nông thôn và là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở Bạc Liêu.
Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe dân cư nông thôn.
Cần tiếp tục xây dựng các trạm y tế ở các xã với đầy đủ trang thiết bị, sửa chữa những cơ sở y tế xuống cấp để phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân bằng nguồn vốn Nhà nước và sự đóng góp của bà con nông dân. Động viên khuyến khích các hộ nông dân tham gia đầy đủ các chương trình y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bảo hiểm y tế đối với trẻ em dưới 6 tuổi; tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện,
nhất là đối với những hộ nông dân nghèo, khó khăn, đối với nông dân thuộc dân tộc Khmer v.v... để họ được hưởng lợi ích về chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Thường xuyên tổ chức các đợt tiêm phòng, phòng dịch trong cộng đồng như phòng chống dịch sốt xuất huyết, bệnh “chân tay miệng”, suy dinh dưỡng ở trẻ em v.v... Thực hiện xã hội hóa y tế để tăng cường công tác khám và chữa bệnh cho nhân dân. Vận động nông dân sử dụng nước sạch, giữ gìn môi trường sống xanh - sạch để không ngừng nâng cao sức khỏe cho cư dân nông thôn.
Đẩy mạnh phong trào nông dân xây dựng đời sống văn hóa mới.
Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa” ở nông thôn Bạc Liêu. Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp như tương
thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng như thờ những người có công với đất nước, bài trừ các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, uống rượu say sưa, mua gian bán lận v.v...
Xây dựng các thiết chế văn hóa như xây dựng sân bóng đá, bóng chuyền, nhà thiếu nhi, tủ sách pháp luật v.v... để thanh thiếu niên nông thôn Bạc Liêu có điều kiện rèn luyện sức khỏe, nắm được những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên tổ chức các phong trào thể dục thể thao, các loại hình vui chơi giải trí lành mạnh như tổ chức các giải: đua ghe ngo, đua thuyền, thi bóng đá, bóng chuyền cho nông dân giữa các ấp, xã, phum sóc; Hội thi tiếng hát đồng quê, Lễ hội chung một vầng trăng, tham gia các câu lạc bộ “đờn ca tài tử”, Dạ cổ hoài lang v.v...
Cùng với việc tổ chức những hoạt động văn hóa trên, cần giữ gìn và phát huy tốt hơn nữa những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ở Bạc Liêu như lễ hội Óc om bóc của dân tộc Khmer, tết Thanh minh của đồng bào Hoa, lễ Vu Lan của Phật giáo, lễ hội “Quán âm Nam Hải”, lễ cúng Kỳ yên, lễ hội “Nghinh ông” của cư dân vùng biển v.v... Cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền loại bỏ những ý thức xã hội lạc hậu trong nhân dân như bói toán, mê tín dị đoan v.v... đặc biệt quan tâm tuyên truyền vận động trong nhân dân giảm bớt tệ nạn uống rượu, tránh tình trạng say xỉn dẫn tới những hậu quả xấu cho xã hội như đánh nhau, gây tai nạn giao thông v.v...
Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho mọi vùng nông thôn trong tỉnh, tăng thời lượng thông tin bằng tiếng dân tộc Khmer để người nông dân là dân tộc Khmer có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ khoa học - công nghệ, giá cả, thị trường tiêu thụ nông sản, hàng hóa tiêu dùng ở trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh cuộc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác hòa giải, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện về quyền sử dụng, sở hữu đất, đền bù, giải tỏa đối với nông dân, không để gây thành những điểm nóng phức tạp. Xóa bỏ tận gốc việc gây phiền hà, nhũng nhiễu nông dân như các khoản thu không hợp lý đối với nông dân. Thực hiện công khai, minh bạch việc sử dụng công quỹ, sử dụng đất đai về xây dựng các công trình công cộng ở nông thôn.
Ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, suy đồi đạo đức, lối sống của một bộ phận nông dân, đặc biệt là tệ nạn mại dâm, ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Vận động nông dân tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nông thôn v.v... để xây dựng nếp sống văn hóa mới ở nông thôn, đẩy mạnh phong trào nông dân xây dựng đời sống văn hóa mới.
Bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái nông thôn.
Tuyên truyền cho người nông dân hiểu rõ việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường để đảm bảo 100% hộ nông dân được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh. Tăng cường các hoạt động thu gom xử lý rác, chất thải, tiêu thoát nước. Đẩy mạnh phong trào nhà “xanh, sạch, đẹp” ở nông thôn như trồng cây xanh, cây hoa cảnh trước sân và trong vườn; tổ chức dọn vệ sinh thôn xóm hàng tuần vào ngày thứ bảy nhằm làm thay đổi bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc.
Giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn. Thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng suy thoái cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường để đảm bảo các yêu cầu phát triển bền vững ở nông thôn Bạc Liêu trong tương lai. Muốn thực hiện tốt điều đó cần có quy hoạch và kiên quyết thực hiện quy hoạch việc nuôi trồng thủy hải sản cho nông dân để đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương.