Tư tưởng đạo đức học của Platôn (427 347 Tr CN)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt trong tác phẩm đạo đức học của nicomaque (Trang 30 - 35)

1.2. Tiền đề tư tưởng cho sự ra đời đạo đức học Arixtốt

1.2.2. Tư tưởng đạo đức học của Platôn (427 347 Tr CN)

Là một trong những nhà triết học, nhà tư tưởng kiệt xuất thời cổ đại, là học trò của Xôcrát. Xuất thân từ một gia đình quý tộc thượng lưu, Platôn là người đắc lực phục vụ tầng lớp chủ nô quý tộc và là người thành lập Viện hàn lâm Academias - trường đại học tổng hợp đầu tiên ở châu Âu, hoạt động liên tục trong 915 năm (386 Tr. CN - 529). Ông là người sáng lập và là đại biểu lớn nhất của triết học duy tâm khách quan thời cổ đại.

Platôn là nhà triết học quan tâm sâu sắc tới nhiều lĩnh vực hoạt động: chính trị - xã hội, đạo đức, thẩm mĩ... Song một trong các bộ phận quan trọng nhất của triết học Platôn là học thuyết về con người, về xã hội: cách thức tổ chức cuộc sống tốt nhất của con người, trong đó trung tâm của mọi tìm tòi triết học là con người và số phận của nó. Vấn đề trung tâm được tư tưởng triết học cổ đại giải quyết là việc đạt tới phúc: con người có được cuộc sống tốt nhất, có đạo đức. Do vậy, hoàn toàn có thể nói, những tư tưởng trước đó của Platôn về tồn tại, về ý niệm, về nhận thức, về vũ trụ đều là sự chuẩn bị trước và luận chứng cho những vấn đề và những giải pháp sẽ xuất hiện trong quá trình lập luận về con người.

Quan điểm về ý niệm là nền tảng tối hậu của đạo đức học Platôn. Cấp bậc đạo đức đích thực và phái sinh không phải là thể xác và tâm hồn, mà là lĩnh vực ý niệm. Trong quan niệm về đạo đức, Platôn đề cập tới thiện và ác. Theo ông, thiện hay ác đã có sẵn ở ý niệm rồi. Trước hết là ý niệm “thiện” với tư cách nguyên nhân của mọi cái đúng và cái đẹp. Cái thiện thực hiện chức năng của cái thống nhất. Cái thống nhất là nguyên tắc của tồn tại. Tồn tại mang tính thiện vì nó là cơ sở và cội nguồn của mọi thứ. Platôn ví cái thiện như mặt trời soi sáng mọi vật trong thế giới vật thể, là cơ sở cho sự sống và mọi sự sinh sôi nảy nở, còn ý niệm cái thiện là cơ sở tối hậu của mọi vật trong thế giới vô hình, là bản chất nhờ đó mọi vật được hiện hữu và được nhận thức. Điều này ẩn chứa một luận điểm sâu xa rằng: tồn tại tự nó là cái thiện. Theo đó, người nào đạt tới cái thiện thì người đó

hạnh phúc. Con người có thể đạt tới cái thiện như thế nào? Nhờ nhận thức và tình yêu. Có thể có ba thang bậc của tình yêu: yêu thể xác, yêu tinh thần và yêu cái thiện. Thực chất của nhận thức là việc tinh thần hồi tưởng lại những cái nó đã nhìn thấy ở trên thượng giới, khi còn nằm trong thế giới ý niệm.

Trong học thuyết về nhà nước lý tưởng, Platôn đã tìm cách giải quyết vấn đề cơ bản – con người đạt tới số phận tốt đẹp bằng cách và như thế nào? Nhà nước hoàn hảo là lối sống thể hiện cái phúc – biểu hiện thế tục của ý niệm tối cao. Trong nhà nước hoàn hảo, công bằng xã hội và tính hợp mục đích không tách rời khỏi đạo đức và phẩm giá cá nhân. Chính vì vậy mà đạo đức cá nhân và công bằng xã hội, lợi ích chung và lợi ích riêng được xem xét như một thể thống nhất không phân chia được và quy định lẫn nhau trong học thuyết Platôn và Arixtốt sau này. Và ở đó những vấn đề tổ chức xã hội không tách khỏi những vấn đề đạo đức và phẩm hạnh.

Trong xã hội thời Platôn, giữa cá nhân và xã hội có mối liên hệ mật thiết tới mức có thể coi nhà nước là hệ thống đạo đức xã hội: Đạo đức được duy trì và phát triển nhờ những nỗ lực chung của mọi người. Khát vọng về phúc là khát vọng chung của nhà nước, cũng như của mỗi cá nhân. Nó trở thành cơ sở và dấu hiệu của sự thống nhất giữa chúng, vì phúc có bản chất thống nhất. Khi xã hội hướng đến phúc, nó trở thành xã hội công bằng. Khi cá nhân hướng đến phúc, nó trở nên cá nhân có đạo đức.

Theo Platôn, linh hồn có ba bộ phận cơ bản. Đó là, thứ nhất, bộ phận mong muốn (hay dục vọng): trải nghiệm ấn tượng, tình cảm và ham muốn;

thứ hai, bộ phận ý chí, khát vọng, mơ ước; thứ ba, bộ phận lý tính. Ông đã hình tượng hoá ba bộ phận này của linh hồn bằng cỗ xe song mã, trong đó lý tính thì lái xe, con ngựa có ý chí thì nhận thức được ý niệm. Con ngựa thèm khát dục vọng thì sa vào tối tăm, dốt nát, không nhận thức được chân lý (ý niệm). Vận dụng học thuyết này vào đạo đức, Platôn cho rằng lý tính của linh hồn là cơ sở của sự thông thái. Ý chí là cơ sở của lòng dũng cảm,

chế ngự dục vọng, làm cơ sở cho sự điều độ. Ba yếu tố này kết hợp với nhau một cách hài hoà dưới sự chỉ đạo của lý tính sẽ tạo ra yếu tố thứ tư là chính nghĩa. Đạo đức học của Platôn dựa vào bốn yếu tố đó. Đạo đức đó không hướng con người vào việc thực hiện những hành vi đạo đức trong cuộc sống hiện thực mà hướng vào ý niệm tối cao của cái thiện. Đó là sự thông thái và lòng dũng cảm.

Những biểu hiện của các hình thức phẩm hạnh đạo đức ấy trong xã hội là ba tầng lớp xã hội cơ bản, hay ba loại công dân: tầng lớp người lao động: nông dân, thương gia, thợ thủ công, tức những người đáp ứng nhu cầu vật chất và thể chất của con người,... tầng lớp này cần đến đức hạnh ôn hòa, hay kiềm chế, đức hạnh này được Platôn hiểu như “một loại trật tự, một sự kiềm chế một số khoái lạc và thèm muốn” [16, 62]; một bộ phận công dân khác – chiến binh, nhiệm vụ của họ là bảo vệ nhà nước khỏi kẻ thù và duy trì trật tự trong nhà nước, đức hạnh phù hợp với họ là lòng dũng cảm - theo Platôn, dũng cảm nghĩa là: biết duy trì một điều gì đó. Sự duy trì này phải được diễn ra trong mọi hoàn cảnh, nghĩa là phải duy trì nó luôn luôn và không bao giờ bỏ nó, cho dù là dưới ảnh hưởng của vui sướng hay đau khổ, ước muốn hay sợ hãi...; cuối cùng, tầng lớp thứ ba là những người sở hữu “nghệ thuật làm vua”, tức năng lực quản lý và giáo dục con người, hướng họ đến với cái phúc. Platôn gọi những người này là các nhà triết học, đức hạnh phù hợp với vai trò của họ là sự thông thái. Ngoài ra, còn một đức hạnh thứ tư mà chung đối với tất cả các tầng lớp là – chính nghĩa, chính nghĩa chính là phúc lợi cơ bản. Nhà nước lý tưởng trong quan niệm của Platôn chính là việc sắp xếp, thực hiện đúng chức năng của ba tầng lớp trong xã hội tương ứng với những đức hạnh của mỗi tầng lớp.

Theo Platôn, con người là thực thể có năng lực vươn tới cái thiện và hiện thực hóa nó trong những phẩm hạnh của mình, những phẩm hạnh quan trọng nhất trong số đó là sự thông thái, lòng dũng cảm, sự khôn ngoan (biết tính toán), sự ôn hòa và sự công bằng. Thêm vào đó, công bằng là sự thống

nhất của ba phẩm hạnh kia. Công bằng là đức hạnh được Platôn đặc biệt chú ý vì theo ông, nó là “đức hạnh xã hội”, nó được thể hiện trong đời sống cá nhân lẫn cộng đồng, nó đóng vai trò là thước đo, là sự thẩm định tính chất của thiết chế nhà nước. Vậy công bằng là gì? Platôn đưa ra định nghĩa về công bằng như sau: công bằng là có hoặc làm cái gì thuộc về ta. Định nghĩa của Platôn diễn tả một cách giản dị rằng: công bằng là mỗi người nhận được cái gì mình đã làm ra và làm công việc thích hợp với bản tính của mình nhất. Một người công bằng là một người ở đúng vị trí của mình, làm theo đúng bản tính của mình và trả lại cho xã hội những cái gì họ đã nhận của xã hội. Hay nói cách khác, công bằng là lo việc của mình và không xía vào việc của người khác. Người công bằng không cho phép các yếu tố khác nhau trong tâm hồn mình dẫm chân lên các chức năng khác nhau. Như vậy công bằng thể hiện ở hoạt động hài hòa của các bộ phận tinh thần và là khâu liên kết giữa đạo đức học và chính trị học – học thuyết về nhà nước.

Vậy là trong quan niệm về đạo đức, Platôn đã nêu ra những phẩm chất cần có của con người như: thiện, ác, phúc, những phẩm chất như: ôn hòa, dũng cảm, thông thái, chính nghĩa, công bằng,... Sau này những tư tưởng đó đã được Arixtốt xem xét lại một cách có phê phán.

Trong học thuyết đạo đức của mình, Arixtốt luôn đặt quan niệm của mình đối lập với quan niệm của Platôn. Nếu như Platôn cho rằng thân thể là “cái bóng” của linh hồn, còn các mong muốn cảm tính chỉ là một chuỗi các ước muốn mà chúng thổi qua linh hồn và nuôi nó, đưa đến cái gì đó khác lạ cho bản thân, do đó lý trí con người thống trị tình cảm con người. Và do đó, tự do con người bị gán buộc vào tự do của ý niệm, tách khỏi con người. Thì trái lại, Arixtốt khẳng định, thể xác và linh hồn là một. Cho nên các hành vi của con người là tự do. Do đó, con người phải lựa chọn cái ác hay cái thiện và mỗi người đều phải có trách nhiệm với hành vi của mình ở bất cứ trạng thái nào.

Arixtốt tuyên bố rằng “các ý niệm” của Platôn tạo nên một đạo đức thần bí, cao siêu. Ông phản bác lại quan niệm của Platôn cho rằng: “bản thân ý niệm tự nó là cái thiện”. Theo ông, cái thiện và tồn tại khó có cùng một mẫu số chung. Có thể hiểu một cách đa dạng và đồng dạng, một cái gì đó sẵn có trong mọi trường hợp không phải là một khái niệm chung mang tính loài như ý niệm của Platôn. Chỗ nào mà người ta hướng tới cái thiện, bao giờ người ta cũng phải lấy từng trường hợp cụ thể chứ không phải là một trường hợp mà suy ra tất cả cái thiện được. Hoàn toàn bỏ qua cái thiện tự nó, nếu bị tách rời thì không thể trở thành hiện thực được.

Tuy trong đạo đức học có sự đối lập nhau về quan niệm, song cả Arixtốt và Platôn đều xem lợi ích cao cả nhất không phải là ở trong các lạc thú cảm giác và trong các lợi ích vật chất, mà là ở trạng thái tâm hồn, xuất hiện, phát sinh từ cảm giác, tình cảm của một nghĩa vụ được thực hiện.

Từ quan niệm về đạo đức như trên, ta thấy Xôcrát đặt dấu bằng giữa sự hoàn thiện con người với phẩm hạnh và tri thức của họ. Platôn đi xa hơn: để mang lại tính hợp pháp mới cho đức hạnh và các thể chế của thị quốc, cần phải nhận thức ý niệm thiện và chịu sự chỉ dẫn của tri thức đó, trao việc điều hành xã hội cho các nhà triết học – nhà thông thái. Theo Arixtốt, việc đồng nhất phẩm hạnh với các khoa học là sai lầm. Không phải tri thức, mà hành vi mới là mục đích của đạo đức học, nó không khảo sát cái thiện tự thân, mà soi xét cái thiện được thực hiện. Và cần phải nhận thấy rằng, mặc dù quan niệm đạo đức của Xôcrát, Platôn và Arixtốt có sự khác nhau tương đối, nhưng những tư tưởng đạo đức đó đều nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp chủ nô thống trị. Các ông đều cho rằng, chỉ có giai cấp chủ nô mới có đạo đức, nô lệ chỉ là công cụ lao động nên không có đạo đức, nghĩa vụ của nô lệ là phục tùng sự sai khiến của chủ nô. Các ông đều cho rằng chế độ nô lệ là dĩ nhiên, là tất yếu và có tác dụng thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt trong tác phẩm đạo đức học của nicomaque (Trang 30 - 35)