Giá trị hiện tại của đạo đức học Arixtốt trong tác phẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt trong tác phẩm đạo đức học của nicomaque (Trang 88 - 104)

“Đạo đức học của Nicomaque”

Nghiên cứu tác phẩm “Đạo đức học của Nicomaque” của Arixtốt – người ta thấy đây là một tác phẩm triết học đạo đức khắc khổ. Đọc tác phẩm này, thấy ở đó sự lạm dụng lý luận, sự cô đọng, hàm súc, những đoạn phân tích mà giá trị không đều, những chỗ nhắc lại hoặc tối nghĩa cả những mâu thuẫn có thể làm lạc đường một độc giả nào đó nếu không suy ngẫm kỹ. Tuy nhiên, phần lớn ta lại thấy có khá nhiều ví dụ cụ thể được tác giả nêu ra và phân tích đúng đắn, những thành ngữ không thể quên được. Người ta đọc nó và hiểu lòng nhiệt thành gây nên bởi tác phẩm ấy, mặc dầu có chút khoan dung đối với những thành kiến của thời đại triết gia và có lẽ đối với một vài khuyết điểm.

Nhờ tác phẩm ấy mà người ta có thể nhận định tư tưởng Hy Lạp đã lên đến đỉnh cao và Arixtốt được đánh giá là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “đạo đức học”. Ông đã hệ thống hóa đạo đức học Hy Lạp cổ đại. Ông là người phân loại các khía cạnh lý luận và thực tiễn của đạo đức học, định

hình những vấn đề chính của nó. Tư tưởng đạo đức học cổ đại đã đạt tới đỉnh cao của mình trong các tác phẩm của ông. Thành tựu này đã góp phần to lớn vào sự phát triển của đạo đức học Hy Lạp nói riêng và đạo đức học của nhân loại nói chung. Trong cuốn “Những bài nghiên cứu lịch sử và triết học”, Boutroux đã viết: “Luân lý của Arixtốt và ở vài điểm quan trọng, chính trị của ông không những bị lãng quên, mà còn hợp thời hơn bao giờ hết. Những châm ngôn để làm người khi người ta là người, để gán tối thượng quyền chính trị cho lý trí và pháp luật, đâu phải gần rơi vào tình trạng lãng quên” [1, 18].

Quả thật, thông qua tác phẩm này mà chúng ta thấy được giá trị lớn lao của tư tưởng đạo đức học Arixtốt ở các điểm chủ yếu như:

Trước hết, ta nhận thấy Arixtốt đã phê phán những hạn chế của các nhà triết học mà ông coi là biết nhiều nhất, tức Xôcrát và Platôn. Xôcrát đánh đồng những phẩm chất đạo đức với tri thức, với các đức hạnh thông thái và suy lý. Qua đó ông đã loại bỏ bộ phận phi lý tính của tinh thần. Trái ngược với Xôcrát, các phẩm chất đạo đức không hẳn là tri thức, mà là các nguyên tắc đạo đức. Arixtốt khác với các nhà triết học trước đó, nhất là Xôcrát, không coi đức hạnh là sự hiểu biết, không phải là tri thức, mà là một ý kiến kiên định, thì thực tế ông đã ít nhiều góp phần phát triển khoa học đạo đức. Platôn gắn liền phẩm chất đạo đức với học thuyết của mình về cái phúc tối cao được hiểu là ý niệm, điều này cũng không đúng. Platôn đề cập đến chân lý, nhưng không phải chân lý, mà cái phúc tự thân nó, mang tính thế tục, của con người được khảo cứu trong đạo đức học. Cả Xôcrát, lẫn Platôn đều đánh đồng đạo đức học với các khoa học lý thuyết. Arixtốt đã lên tiếng chống lại chính sự đánh đồng như vậy. Theo ông, đạo đức học là khoa học thực tiễn.

Từ đó, Arixtốt phân biệt ba loại tri thức: lý luận, thực tiễn và sáng tạo.

 Khoa học lý thuyết (trực giác): Triết học, toán học và vật lý học, chúng sử dụng những nguyên lý, những thủ thuật logic chặt chẽ, chỉ ra chân lý.

 Khoa học thực tiễn: Chính trị và Đạo đức học, ở đạo đức học không có các nguyên lý, các chứng minh chặt chẽ, nó không đề cập đến chân lý mà đề cập đến những hành vi.

 Khoa học sáng tạo: Nghệ thuật, thủ công nghiệp, tri thức kỹ thuật là các khoa học sáng tạo.

Trong đó, Arixtốt chỉ coi các khoa học lý thuyết, vương quốc của lý tính (thông thái) là độc lập, thực sự mang tính khoa học. Đạo đức học không được đưa vào danh sách các khoa học độc lập do nó không có cái chung và cái tất yếu. Việc lựa chọn phương tiện để đạt tới mục đích được thực hiện không phải dựa trên sự thông thái, mà dựa trên suy lý thực tiễn. Trong đạo đức học không có tính tất yếu kiểu như toán học. Rõ ràng đóng góp hiển nhiên của Arixtốt chính là việc khu biệt giữa các khoa học lý thuyết với các khoa học thực tiễn.

Trong tác phẩm “Đạo đức học của Nicomaque”, Arixtốt đã thể hiện nhiều quan điểm tiến bộ của mình.Ví như trong quan niệm về mối quan hệ giữa điều thiện cá nhân và điều thiện của quốc gia dân tộc; về hạnh phúc trần gian và con đường có được hạnh phúc; quan niệm về đức hạnh và đặc tính trung bình của đức hạnh; quan niệm về tính công bằng, về tình thân hữu, về giáo dục đạo đức…

Hầu hết những quan niệm đạo đức trên của Arixtốt đều được xây dựng trên cơ sở khoa học. Ông luôn bám sát vào thực tiễn cuộc sống, vào những phong tục tập quán, kinh nghiệm sống thường nhật của con người, rồi từ đó khái quát thành những quan niệm, phương châm xử thế. Ông không hướng người ta đến thế giới lý tưởng, sự thiện tối cao mà luôn hướng họ đến việc tìm kiếm ý nghĩa và phúc lộc ở cuộc sống hiện tại. Ông khuyên người ta hãy biết dùng lý trí trong mọi trường hợp. Cuộc sống có

thể đạt được cái thiện tối cao hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của mỗi người chứ không phải do một lực lượng thần bí nào đó ban tặng. Vì vậy chức năng của đạo đức là khu biệt cái thiện và cái ác. Quan điểm này thể hiện ông rất duy vật.

Học thuyết Arixtốt về đức hạnh và đặc tính trung dung (trung điểm vàng) của đức hạnh là phần quan điểm đạo đức thú vị. Trung dung, theo Arixtốt là ứng xử khôn ngoan, tích cực, đúng mực nhằm tránh hay giảm thiểu những điều phiền muộn, khó chịu trong cuộc sống. Trung dung trước hết là nhằm khuyên mình, sau đó mới khuyên người, không phải nơi nào cũng nhất nhất chủ trương “trung dung” và tệ hơn là đánh đồng trung dung với “ba phải”, nước đôi, sự lập lờ [xem 30, 880]. Vả lại, cần lưu ý, sẽ là không đúng khi cho rằng trung dung theo kiểu “trung bình cộng” đơn giản. Arixtốt cho rằng, trung dung luôn ở gần một trong các cực hơn. Ví dụ, lòng dũng cảm là đạo đức, thừa thãi lòng dũng cảm – sự liều lĩnh, hung hăng thì đã không còn là đạo đức, còn hèn nhát – sự thiếu thốn lòng dũng cảm là khiếm khuyết rất rõ. Nhưng, dĩ nhiên dũng cảm gần với sự liều lĩnh hơn là hèn nhát…

Thuyết trung dung không phải là một thuyết có thể áp dụng một cách máy móc theo toán học. Điểm trung dung có thể thay đổi tùy theo trường hợp và chỉ có thể tìm thấy bằng sự suy luận trưởng thành. Chính thói quen suy luận đưa người ta đến chỗ thánh thiện. Một người hành động chính đáng không phải vì lý do họ là một người có đạo đức nhưng ngược lại chính vì họ có đạo đức do sự huấn luyện suy tư công phu mà họ hành động chính đáng. Con người có thể được đánh giá bằng những hành động của họ. Do đó sự thánh thiện không phải là một hành động đơn độc mà chính là một thói quen.

Thuyết trung dung là một đặc điểm chẳng những của Arixtốt mà còn của nền triết lý Hy Lạp. Platôn xem đạo đức là những hành động điều hoà không quá khích, Xôcrát xem đạo đức là do sự suy luận mà có, trong đền

thờ Apollon người ta có khắc những chữ “meden agan” có nghĩa là không làm cái gì quá trớn. Người Hy Lạp cho rằng sự đam mê tự nó không phải là một điều xấu, nó là nguyên liệu tạo nên điều xấu hoặc điều tốt tùy theo cách sử dụng có chừng mực hoặc không có chừng mực.

Như vậy, đạo đức của ông thấm nhuần sâu sắc tinh thần duy lý. Với ông, chỉ những người phù hợp với lý tính hành động một cách có lý trí mới có thể đạt được hạnh phúc. Những người đức hạnh là những người có trí tuệ, vì cội nguồn của cách hành xử có đạo đức là lý trí.

Arixtốt cho rằng mọi phẩm chất đạo đức đều gắn liền với sự thỏa mãn, tuy nhiên không phải mọi sự thỏa mãn nào cũng là cái phúc. Hành động đạo đức chân chính xuất hiện khi lý trí được định hướng đúng đắn đồng thuận với sự vận động của các tình cảm, còn tình cảm, đến lượt mình, phải gắn lý trí. Nhưng chính tính có hướng của sự vận động tình cảm (phần linh hồn phi lý trí) nhiều lúc là cơ sở của đức tính.

Arixtốt cũng đã nhận thấy giữa các chuẩn mực đạo đức và các quy định pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Người có đạo đức thì luôn tuân thủ pháp luật và pháp luật là để bảo vệ hạnh phúc của con người. Theo đó, xã hội là phải tạo dựng một nền chính thể vì cuộc sống của con người. Ở đây, ta thấy ông rất đề cao quyền hạnh phúc của con người, coi đó là quyền thiêng liêng nhất của con người. Tư tưởng này rất tiến bộ, nó mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Điều đó lý giải vì sao đọc tác phẩm của ông, nhiều người thấy tâm đắc và trân trọng.

Ông cũng rất đề cao tính công bằng, tình thân hữu. Thuyết trung dung chưa phải là bí quyết đem đến hạnh phúc tuyệt đối. Arixtốt cho rằng những nhu cầu vật chất cũng cần thiết. Sự nghèo túng quá độ làm cho con người đâm ra hà tiện, một tài sản vừa phải đem đến cho con người một đời sống tự do không tham lam giành giật quá đáng, đó cũng là một đặc điểm của chế độ quý tộc. Một yếu tố khác rất cần thiết cho đời sống hạnh phúc là sự kết bạn. Càng được san sẻ, hạnh phúc càng tăng trưởng. Khái niệm về

công bằng không quan trọng trong tình bằng hữu, khi đã là bạn, người ta không nghĩ đến sự công bằng so đo tính toán trong việc giao thiệp. Mặt khác, số bạn chân thật không thể có nhiều: kẻ nào có quá nhiều bạn thật ra không có người bạn nào. Làm bạn với tất cả mọi người là một điều không thể thực hiện được. Tình bạn chân thật phải được thử thách qua thời gian, nó đòi hỏi sự ổn định trong tính tình. Một khi tính tình không ổn định thì sự kết bạn lẽ cố nhiên cũng bị ảnh hưởng. Bình đẳng là một yếu tố cần thiết trong sự giao thiệp, sự biết ơn không làm cho sự giao thiệp được lâu dài. Những kẻ thi ơn luôn luôn muốn người khác chịu ơn mình mãi mãi trong khi những kẻ chịu ơn luôn luôn muốn xa lánh kẻ thi ơn càng sớm càng tốt. Do đó, sự giao thiệp cũng không thể nào được vững bền.

Thông qua những quan điểm của Arixtốt về “tính công bằng” và “tình thân hữu” của Arixtốt, chúng ta thấy toát lên ở đó là phẩm chất của một con người lý tưởng: Con người lý tưởng của Arixtốt không làm việc nguy hiểm một cách vô ích nhưng gặp trường hợp cần thiết họ có thể hy sinh tính mạng vì có nhiều lúc đời sống thật không còn đáng sống. Họ sẵn lòng giúp đỡ kẻ khác nhưng nhận sự giúp đỡ một cách rất dè dặt. Họ không tìm cách phô trương, họ thẳng thắn nói lên những điều ưa và ghét, hành động một cách chân thật.

Họ không bao giờ khen ai quá đáng vì họ nhận thấy rằng ở trên đời thật sự không có cái gì đáng khen cả. Họ không thể sống a dua với kẻ khác vì a dua là đặc tính của kẻ nô lệ. Họ không bao giờ muốn làm hại ai và sẵn lòng tha thứ tất cả những lỗi lầm của kẻ khác. Họ không muốn nói chuyện nhiều, cũng không muốn được người khác tâng bốc hoặc chỉ trích người khác. Họ không nói xấu người khác dù đó là kẻ thù của họ… Họ chịu đựng những sự bất trắc ở đời một cách vui vẻ và đoan trang, giống như một tướng lĩnh giỏi cầm quân ngoài mặt trận nắm vững chiến thuật chiến lược. Họ thích sống một mình và không sợ sự cô đơn. Tuy nhiên để làm được tất cả những điều nói trên thì con người cần có tri thức và đi kèm với đó là

trách nhiệm – trách nhiệm của bản thân đối với chính mình, đối với xã hội. Trong tư tưởng đạo đức của mình, ông cũng thể hiện là con người có trách nhiệm, ông nói: người ta được khen ngợi hay khiển trách tùy thuộc vào việc hành vi được thực hiện một cách cưỡng bức hay không. Tiếp theo ông viết: Các nhà làm luật trừng phạt và bắt bồi thường với những người thực hiện các công việc xấu xa, nếu chúng được thực hiện không phải một cách cưỡng bức, không phải do không hiểu biết… các nhà làm luật tỏ lòng tôn trọng đối với những người thực hiện những hành vi đẹp để qua đó khuyến khích một số người và giáo dục một số người khác trở thành người tốt hay người xấu là phụ thuộc vào bản thân chúng ta.

Như vậy, theo Arixtốt, phẩm chất con người luôn gắn với trách nhiệm của chủ thể. Theo đó hành vi được giải quyết tùy thuộc vào việc chúng mang tính cưỡng bức và không có chủ tâm hay mang tính tự nguyện và có chủ tâm. Bên cạnh việc khu biệt giữa cái có chủ tâm với cái không có chủ tâm, vấn đề về trách nhiệm đòi hỏi phải khu biệt giữa sự lựa chọn tự giác với sự lựa chọn tự phát. Cái có chủ tâm là rộng hơn sự lựa chọn tự giác. Theo Arixtốt, trẻ con, thậm chí cả động vật cũng phải chịu trách nhiệm về những hành vi có chủ tâm của mình.

Nhưng sự lựa chọn tự giác có can hệ không hơn với mục đích, mà chủ yếu với phương tiện đạt tới mục đích. Theo Arixtốt, con người lựa chọn mục đích một cách phù hợp với những tật xấu và những đức hạnh của mình. Arixtốt chỉ ra rằng cuộc sống có đạo đức cần phải là cuộc sống diễn ra theo luật trung dung. Theo đó, người có tội và đáng bị khiển trách là người sống không phù hợp với những đức hạnh mà phù hợp với những khát vọng – khuyết tật. Ngược lại, người có đức hạnh cần được ca ngợi và khen thưởng. Người có trách nhiệm thì phải chịu tội về những nền tảng đạo đức riêng của mình. Những đức hạnh phụ thuộc vào bản thân con người, do vậy con người phải chịu trách nhiệm về chúng.

Người có đức hạnh, sống có trách nhiệm là con người mang đầy đủ phẩm chất lý tưởng. Đây là một trong những quan niệm rất tiến bộ của Arixtốt, nó vẫn còn ý nghĩa cho tới ngày nay.

Và một giá trị tiếp theo ở tư tưởng đạo đức của Arixtốt mà chúng ta phải thừa nhận chính là tư tưởng về vai trò của giáo dục. Ông coi giáo dục như là cứu cánh của con người, của nhân loại, là điều kiện rất quan trọng để cá nhân hoà đồng với xã hội. Arixtốt cho rằng tài sản tối cao mà mọi người đều mong ước, đó là hạnh phúc. Nhưng con người hạnh phúc của Arixtốt không phải là con người hoang dại, không phải là con người ở tình trạng tự nhiên, mà là con người được giáo dục, con người sung sướng, sống tốt, có đạo đức. Trên cơ sở đó ông xây dựng lên một mô hình sư phạm của mình, ông đề cao mô hình sư phạm công lập với hệ thống giáo dục được chia làm nhiều giai đoạn với hai loại hình sư phạm chính bổ sung cho nhau là giáo dục bằng lý trí và giáo dục bằng thói quen thông qua hai phương pháp chính là diễn dịch và quy nạp. Vậy là, với ông đạo đức luôn gắn liền với hành động, hành vi của con người. Theo ông, đạo đức có sứ mệnh dạy bảo không phải là tri thức tự thân mà là hành vi đúng đắn và hành động tốt. Muốn có đạo đức phải thực hành những hành vi đạo đức.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt trong tác phẩm đạo đức học của nicomaque (Trang 88 - 104)