Arixtốt: cuộc đời và sự nghiệp triết học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt trong tác phẩm đạo đức học của nicomaque (Trang 35 - 40)

1.3. Arixtốt và tác phẩm "Đạo đức học của Nicomaque"

1.3.1. Arixtốt: cuộc đời và sự nghiệp triết học

* Tiểu sử:

Arixtốt - bộ óc bách khoa của nền triết học và khoa học thời Hy Lạp cổ đại, - người nêu rõ mục đích các hành động của con người là hướng vào điều thiện, và mục đích cuối cùng, cao nhất của con người là hạnh phúc. Con người hạnh phúc là con người giống như Chúa, có cuộc sống no đủ, không thiếu thốn gì. Song hạnh phúc cũng lại phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài và cũng không phải chỉ là vấn đề đức hạnh - cá nhân. Để bảo đảm cho con người có một cuộc sống hoàn hảo trong xã hội, đạo đức học của Arixtốt đề cao công bằng và tình bạn, coi công bằng là đạo đức cao đẹp của con người và của những quan hệ giữa người với người. Ông là một trong số những nhà triết học vĩ đại nhất thời cổ Hy Lạp.

Arixtốt là học trò xuất sắc của Platôn. Ông sinh năm 384 Tr. CN tại thành phố Stagir trên bờ biển Êgiê cách Aten 300km về phía bắc, là thuộc địa của xứ Maxêđoan. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố làm thầy thuốc cho vương triều Maxêđoan. Thiếu thời ông thường giúp bố trong nghề thuốc ở chốn cung đình và tại đây ông đã quan hệ với Philip - con vua Aminta (cầm quyền trong những năm 393 Tr. CN - 369 Tr. CN) - người sau này đã thay vua cha trị vì xứ Maxêđoan. Năm 15 tuổi, Arixtốt mồ côi cả cha lẫn mẹ. Do lòng say mê khoa học, ông đã không theo nghiệp thuốc gia truyền và tìm hướng đi riêng cho mình. Dưới sự giúp đỡ của Prôksen - cha đỡ đầu của Arixtốt, ông rời bỏ quê hương tới Aten - trung tâm văn hoá của Hy Lạp để học tập. Năm 18 tuổi, ông nhập học tại Học viện Academias của Platôn và ở đó trong suốt nhiều năm cho đến khi Platôn mất. Cuộc sống của Arixtốt gắn liền với Academias, ông không giao tiếp với người sáng lập ra nó, mà chuyên tâm nghiên cứu tỉ mỉ triết học Platôn. Tại đây, Arixtốt đã có được một nhãn quan khoa học quảng bá, xây

dựng quan điểm triết học và khoa học của riêng mình. Khi so sánh Arixtốt với Ksenôkrát là hai học trò của mình, Platôn đã nói: đối với Ksenôkrát thì cần phải có cựa giầy để thúc, còn đối với Arixtốt thì cần tới dây cương để kìm lại. Platôn từng gọi Arixtốt là “bộ óc” của mình.

Năm 348 Tr. CN, sau khi Platôn mất, Arixtốt rời khỏi Aten và đi tới vùng Tiểu Á. Tại đây, tại thành phố Assôsơ, ông đã gặp Germi - người trước đây từng có quan hệ với Học viện của Platôn và hiện đang cai quản cả vùng Tiểu Á rộng lớn. Ông cho rằng muốn trở thành nhà cầm quyền tốt thì bản thân không nên trở thành nhà triết học để cho những việc làm tốt đẹp không bị thay bằng những lời lẽ mĩ miều. Vì vậy ông đã thuyết phục Germi bỏ việc nghiên cứu hình học. Trong thời gian sống tại đây, ông đã khẳng định rõ thế giới quan của mình. Về đời tư, tại đây ông đã cưới Piphiađa - cháu gái và đồng thời là con nuôi của Germi, và hai người đã có với nhau một cô con gái.

Năm 343 Tr. CN, Arixtốt tới thành phố Pella - thủ đô mới của Maxêđoan theo lời mời của vua Maxêđoan là Philip đệ nhị để làm thầy giáo dạy cậu bé 13 tuổi Alêchxanđrơ - con vua Philip, người mà sau này đã chinh phục toàn bộ lãnh thổ Hy Lạp và các quốc gia vùng Ba Tư, dựng lên một chính thể quân chủ vô cùng rộng lớn. Khác với quan điểm của Platôn, Arixtốt đã không cố gắng đào tạo Alêchxanđrơ thành nhà triết học, không dạy ông vua tương lai môn hình học mà chỉ dạy thi ca, đặc biệt là anh hùng ca của Homer. Việc học tập của Alêchxanđrơ chấm dứt khi Hoàng tử hơn 16 tuổi. Năm 339 Tr. CN, Arixtốt trở về thành phố quê hương Stagir.

Năm 335 Tr. CN, Philip đệ nhị qua đời, Alêchxanđrơ lên ngôi, Arixtốt tới Aten lần hai. Tại đây vào tuổi 50 nhờ sự giúp đỡ của những người Maxêđoan, ông đã mở được trường triết học riêng của mình - trường Lixê, tên trường được gọi như vậy vì nó nằm gần miếu thần Apôlon Lixê. Trường được xây dựng trong khu vực có rặng cây râm mát, có vườn cây với những hành lang có mái che dành cho người dạo

chơi. Arixtốt giảng dạy ở Lixê hơn 12 năm. Tại đây ông đã viết một lượng tác phẩm khổng lồ. Trường Lixê có hai hình thức giảng dạy: chương trình buổi sáng dành cho các đối tượng được đào tạo toàn diện các môn triết học và khoa học tự nhiên, còn chương trình buổi chiều dành cho mọi người và chỉ dạy môn tu từ học. Giống như học viện của Platôn, Lixê của Arixtốt không chỉ là trường mà còn là nơi gặp gỡ những người bạn cùng quan điểm và có quan hệ mật thiết với nhau.

Cái chết đột ngột của Alêchxanđrơ Maxêđoan ở tuổi 33 tại Babylon (năm 323 Tr. CN) đã làm cho số phận những người theo phái Maxêđoan ở Aten bị đảo lộn. Người Aten nổi dậy chống lại người Maxêđoan. Arixtốt cũng nằm trong số những người bị dân Aten săn đuổi. Arixtốt bị buộc tội là người vô thần. Không đợi toà xét xử, Arixtốt chuyển giao công việc điều hành trường Lixê và toàn bộ thư viện cùng kho lưu trữ cho người phụ tá tin cẩn của mình là Teophrast và rời khỏi Aten. Arixtốt chuyển đến Halkiđa trên đảo Evbơ. Hai tháng sau ông mất vì chứng đau dạ dày kinh niên trong khu biệt thự của người mẹ quá cố của ông. Trong di chúc, Arixtốt đề nghị chuyển mộ người vợ đầu của ông đến gần mộ ông. Gia sản ông chia đều cho hai con và trao quyền tự do cho một số nô lệ của mình và giao quyền thừa kế trường Lixê cùng thư viện và kho lưu trữ cho Teophrast.

* Sự nghiệp sáng tạo của Arixtốt

Cuộc đời của Arixtốt trải qua nhiều thăng trầm song không vì lí do đó mà ông không tìm tòi và nghiên cứu triết học. Trái lại, những di sản khoa học đồ sộ của ông để lại cho hậu thế đã khẳng định ông nghiên cứu và viết nhiều sách nhất thời kỳ Hy Lạp cổ đại. Điều đó chứng tỏ phạm vi hiểu biết của nhà bách khoa thư thế giới cổ đại này là vô cùng rộng lớn. Những vấn đề mà ông quan tâm nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau mà ngày nay để kham nổi chúng thì cần cả một trường đại học tổng hợp. Những sáng tác mà ông để lại có tới vài trăm cuốn (mỗi cuốn sách ở thời Hy Lạp cổ đại được tính bằng một cuốn giấy chỉ thảo, giấy

Papirút, trong đó người viết giải quyết một vấn đề nào đó tương đối hoàn chỉnh). Tuy nhiên, cho tới nay hầu hết các tác phẩm của ông bị thất lạc và số còn lại không nhiều. Có khoảng “47 tác phẩm gần toàn vẹn và những đoạn của ước chừng 100 tác phẩm khác”, nhưng những tác phẩm còn lại đó lại luôn làm cho chúng ta phải kinh ngạc vì việc nắm bắt vấn đề. Các tác phẩm của Arixtốt đề cập và trình bày những tri thức sâu sắc và cụ thể của tất cả các ngành khoa học thời đó. Arixtốt là một nhà bách khoa thư đích thực - một người có nhận thức phong phú đến kỳ lạ và thật sự toàn diện. Lý giải cho việc thất lạc các tác phẩm của Arixtốt, người ta cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên nhân chủ yếu là do sự hủy hoại của thời gian và sự tiêu hủy của con người qua các thời kỳ lịch sử. Trong số các tác phẩm còn giữ lại được tới ngày nay, có tác phẩm là nguyên bản của Arixtốt, có những tác phẩm có thể được các học trò của ông thuộc nhiều thế hệ bổ sung, hoàn chỉnh, diễn giải qua mỗi lần biên tập và xuất bản. Thậm chí có những tác phẩm được người đời sau đặt tên hoặc gán tên cho khi nó được xuất bản (ví dụ như tác phẩm “Đạo đức học của Nicomaque” là một điển hình). Song, theo chúng tôi có thể phân chia sự phát triển tư tưởng triết học của Arixtốt thành ba giai đoạn, tương ứng với mỗi giai đoạn có những tác phẩm mà ông viết.

1) Giai đoạn ở Viện hàn lâm của Platôn

Ở giai đoạn đầu, khoảng năm 367 – 347 Tr. CN, lối suy tư của Arixtốt còn chịu ảnh hưởng rất rõ của Platôn. Arixtốt đã viết “Những hội thoại” mô phỏng theo tư tưởng triết học của Platôn được trình bày chẳng hạn như, trong “Chính nghĩa”, “Chính trị”, “Các nhà ngụy biện”, “Yến tiệc”, “Bàn về cái thiện”, “Bàn về các ý niệm”, “Bàn về sự cầu nguyện”. Trong những tác phẩm đó Arixtốt vẫn đứng trên quan điểm duy tâm của Platôn. Chỉ vào cuối thời kì này Arixtốt mới có những quan điểm khác biệt đầu tiên với người thầy của mình. Những tác phẩm ở thời kì này còn lại đến ngày nay rất ít.

2) Giai đoạn giao thời

Giai đoạn này gồm các tác phẩm được Arixtốt viết ở Assos, Lesbos và trong triều đình Maxêđoan. Trong số đó phải kể đến hội thoại “Bàn về triết học”. Ở giai đoạn này manh nha những tác phẩm giáo khoa của Arixtốt, mà theo đánh giá của W. Jeager, được coi là những cuốn sách đầu tiên về siêu hình học, đạo đức học, chính trị học và vật lý học.

3) Giai đoạn Arixtốt lãnh đạo trường Lixê

Những tác phẩm được viết trong thời gian này bao gồm “Những tác phẩm giáo khoa”, ngoại trừ bản mà hiện nay còn lưu giữ được, một số phần được biên soạn trong giai đoạn Arixtốt thời trẻ. Đó là những tác phẩm sau:

(1) Những tác phẩm logic học: “Phân tích học” (gồm “Phân tích học thứ nhất”, “Phân tích học thứ hai”); Topica; “Về bác bỏ thuật ngụy biện”; “Các phạm trù”; “Về sự phân tích”. Sau này, người ta gộp chúng lại với nhau dưới cái tên “Ogarnon” (công cụ học, công cụ nhân thức), bởi logic học chính là công cụ nghiên cứu khoa học đúng đắn.

(2) Những tác phẩm siêu hình học (theo cách gọi của Arixtốt thì đó là “Triết học thứ nhất”), gồm: “Sự phê phán học thuyết ý niệm của Platôn”; “Vấn đề tồn tại và mối quan hệ giữa các khái niệm với tồn tại cảm tính”; “Học thuyết về bốn nguyên nhân hay bốn khởi nguyên cơ bản: Vật chất, Hình thức, Vận động, Mục đích”; “Vấn đề nhận thức luận”;

(3) Những tác phẩm về vật lý học hay “Triết học thứ 2”. Các tác phẩm thuộc loại này gồm: “Vật lý học”, “Về bầu trời”, “Về sự xuất hiện và diệt vong”, “Khí tượng học”. Cả 4 tác phẩm tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Đây là những tác phẩm có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của khoa học nói chung và vật lý học nói riêng trong thời kỳ Cổ - Trung đại.

(4) Tác phẩm về khoa học tự nhiên: “Quan niệm về tự nhiên”;… (5) Những tác phẩm đạo đức học: “Đạo đức học của Nicomaque”,

“Đạo đức học Eudemie”, “Đại đạo đức học”…

(6) Những tác phẩm về kinh tế - chính trị học, gồm: “Các lý giải về chính trị học”, “Thể chế chính trị của Aten”, “kinh tế”.

(7) Những tác phẩm ngữ văn học.

……

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt trong tác phẩm đạo đức học của nicomaque (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)