1.3. Arixtốt và tác phẩm "Đạo đức học của Nicomaque"
1.3.2. Tác phẩm “Đạo đức học của Nicomaque”
Như trên đã tìm hiểu thì chúng ta thấy gia tài của Arixtốt về các khoa học khác nhau là rất đồ sộ. Trong số đó, có những tác phẩm viết về đạo đức như: “Đại đạo đức học”, “Đạo đức học của Eudemie”, “Khái luận về những đức hạnh và những thói xấu”,… và đặc biệt là tác phẩm “Đạo đức học của Nicomaque”, – tác phẩm được viết ở thời kỳ Arixtốt lãnh đạo trường Lixê, tác phẩm thể hiện đầy đủ nhất những tư tưởng đạo đức học của Arixtốt, nó là đứa con tinh thần của ông - là khoa học nghiên cứu về phẩm chất con người.
Xoay quanh bốn tác phẩm về đạo đức trên, người ta bàn luận rất nhiều về tính xác thực của nó, Croiset quyết đoán rằng “Arixtốt không thể một mình viết tới ba cuốn Luân lý học, cuốn “Đạo đức học của Eudeme” có lẽ là những bài giảng của Arixtốt do môn đệ Eudeme biên tập; Khái luận Đại luân lý học là một “khái luận khá ngắn, trái với nhan đề, nhưng đầy đủ, soạn bởi một người đi đạo vô danh” [1, 12].
Ý kiến ấy cũng được M. G. Rodier tán thành, theo học giả này thì chỉ có “Đạo đức học của Nicomaque” là xác thực, tức cuốn đạo đức đó được viết bởi Arixtốt. Đó là những điều phỏng đoán. Tuy nhiên, đọc “Đạo đức học của Nicomaque”, người ta cảm thấy đó là một tác phẩm đầy đủ, thống nhất về bố cục, nhưng một phần lớn đã thảo vội vàng, ít chú ý về văn thể, chỉ quan tâm đến những điều tham chiếu và những thí dụ có ích cho một sự chứng minh. Nói tóm lại, đó là những điều chú giải, cốt dùng để trình bày một bài giảng dễ hiểu cho công chúng hơn là một tác phẩm đã hoàn chỉnh.
“Đạo đức học của Nicomaque” là một tác phẩm nổi tiếng, chứa nhiều giá trị nhân văn nên được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau. Tuy nhiên, hiện chưa có được bản dịch tiếng Việt trực tiếp từ nguyên tác tiếng Hy Lạp cổ. Trong luận văn, tác giả sử dụng bản dịch của dịch giả Đức Hinh, ông dịch từ bản Pháp văn tác phẩm có tiêu đề “Ethique de Nicomaque” (do nhà sách Garnier Frères ấn hành), xuất bản ở Sài Gòn. Bản dịch sử dụng nhiều từ Hán Việt nên tác giả gặp không ít khó khăn khi tiếp cận.
Nội dung bài giảng dạy luân lý cốt để cấu thành một nền giáo huấn, mang tên con trai của Arixtốt. Nhưng tại sao tác phẩm của Arixtốt lại mang tên con trai ông: “Đạo đức học của Nicomaque”? Điều này được lý giải thế nào?
Để lý giải cho cái nhan đề này, người ta đã tìm trong tất cả các bút tích của triết gia, nhưng cũng không hề thấy dấu vết của một lời tựa hay lời bạt Arixtốt đề tặng con trai. Một sự kiện có thể xảy ra, có vẻ là thật (được đa phần giới nghiên cứu tán đồng) là Nicomaque đã được cha mình ủy thác xuất bản, với những tài liệu mà cha mình để lại, bài giảng dạy luân lý mang tên của mình: “Đạo đức học của Nicomaque”. Giả thuyết này có thể chấp nhận và giải thích được những đoạn tu sửa và đính chính có mục đích làm cho tác phẩm thêm phần kết hợp và nhất trí. Vì vậy, triết phẩm có tên là
“Đạo đức học của Nicomaque”. Cấu trúc của tác phẩm:
Tác phẩm gồm có 10 quyển:
- Quyển I: gồm 13 chương, bàn về cái phúc tối cao bộc lộ ra trong hành vi con người, đó là “điều thiện và hạnh phúc”: hạnh phúc là hành động của tâm thần cùng với khi có sự hiện diện tất cả mọi đức hạnh – do đó phẩm hạnh, là đối tượng của đạo đức học.
Hay đạo đức học Arixtốt là đạo đức học phẩm hạnh. - Quyển II: gồm 9 chương, nghiên cứu về đức hạnh.
- Quyển III, IV, VI: gồm 34 chương, nghiên cứu tiếp theo về đức hạnh và các phẩm chất của đức hạnh, đặc biệt là phẩm hạnh “can đảm” và “tiết độ” như những khí tiết quan trọng đối với hành vi đạo đức của con người.
- Quyển V, VIII, IX: gồm 37 chương, nghiên cứu về “tính công bằng” và “tình thân hữu” như là phẩm chất đạo đức đem đến sự hạnh phúc trọn vẹn cho con người.
- Quyển VII: gồm 14 chương, nghiên cứu “sự vô tiết độ và lạc thú” như là lĩnh vực bộc lộ, biểu hiện của đạo đức và vô đạo đức.
- Quyển X: gồm 9 chương, tiếp tục nghiên cứu về “Lạc thú và chân hạnh phúc” – tức hạnh phúc đích thực như là mục đích, ý nghĩa cơ bản của đời người - tương ứng 2 phần: Phần 1, nghiên cứu “lạc thú” - vấn đề hoan lạc, khoái cảm; Phần 2 nghiên cứu bản chất của hạnh phúc.
Có thể nói, nội dung toàn bộ tác phẩm, theo ngôn ngữ hiện đại, là xoay quanh các chủ đề của triết học thực tiễn.
Có thể hiểu khái quát hệ thống tư tưởng của Arixtốt trong tác phẩm
“Đạo đức học của Nicomaque” qua một số điểm chủ yếu như sau:
Thứ nhất, Arixtốt căn cứ vào những kinh nghiệm để nghiên cứu, ông không để những sự trừu tượng của Platôn làm lầm lạc. Đạo đức học, theo ông, không thể đạt tới độ chính xác như những chứng minh toán học. Vậy, tất cả mọi người, người thường cũng như nhà trí thức, đều đồng ý thừa nhận rằng, mục đích cao nhất của hành động con người là hạnh phúc. Arixtốt cho rằng: Hạnh phúc không phải là những điều thiện hảo vật chất như tài sản, sức khoẻ, song ông cũng không khinh miệt những điều đó. Theo ông, thân phận của con người ở sự hoạt động thuần tuý nhân bản, ở chỗ tâm hồn khiến con người sống là một tâm hồn có lý trí.
Thứ hai, quan niệm của Arixtốt về điều thiện: Điều thiện được ấn định bởi hạnh phúc, hạnh phúc bởi lạc thú. Đức hạnh đưa đến hạnh phúc
bằng lạc thú và điều thiện, cốt yếu là ở thói quen của con người phải hữu ý, tức theo sự lựa chọn hay lòng thân ái, đó là kết quả của suy luận.
Thứ ba, quan niệm của Arixtốt về đức hạnh: Đức hạnh tránh tất cả thái quá và bất cập. Đức hạnh có hai yếu tố là: Yếu tố hữu ý ấn định mục đích và yếu tố trí thức cho biết rõ phương tiện để đạt được mục đích. Vậy không có đức hạnh nếu không có trí thức, nhưng đức hạnh cũng không thể bỏ qua hành động – sự giáo dục, trau dồi và rèn luyện khổ công suốt đời mới có được.
Với những quan niệm trên, Arixtốt cho rằng: Hạnh phúc không ở chính đức hạnh mà ở sự hoạt động hay ở nhiệm vụ hợp với đức hạnh. Hoạt động ấy kèm theo lạc thú, nên cuộc đời của người đức hạnh được du khoái, sung sướng.
Thứ tư, Arixtốt đề cao tính công bằng và tình thân hữu, cho đó là những điều góp phần làm cho cuộc sống này có giá trị hơn, tốt đẹp hơn.
Thứ năm, Arixtốt rất đề cao vai trò của giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức. Cho giáo dục là con đường tốt nhất để con người làm tròn bổn phận của mình, hướng đến điều thiện và hạnh phúc: con người hạnh phúc không phải là con người hoang dại mà là con người có giáo dục.
Thứ sáu, Arixtốt đề cập đến mối quan hệ giữa đạo đức và chính trị. Theo ông, con người là một động vật có tính xã giao, chỉ có thể “nảy nở” đầy đủ trong hoàn cảnh xã hội, chỉ ở nơi đó con người mới có thể thực hiện đức hạnh và hạnh phúc bằng hành động.
Bên cạnh những tư tưởng trên đây, ta có thể thấy Arixtốt đã phạm phải một mâu thuẫn như sau: Luân lý mà ông đưa ra có đặc tính là thuyết vị lợi, chủ nghĩa hạnh phúc. Nghĩa là, phát triển những năng khiếu của mình một cách theo luân lý và hoà hợp, người ta có thể đạt đến sự sung sướng. Nhưng, “bất cứ một nền luân lý nào cũng được hoàn thành bằng một siêu hình học” [1, 16]. Từ đó, Arixtốt lại đưa ra “một đức hạnh siêu nhân mà chỉ có thể đạt được khi có sẵn trong mình một cái gì thiêng liêng” [1, 16].
Mặc dù có một số mâu thuẫn như vậy, nhưng “Đạo đức học của Nicomaque” vẫn giữ được giá trị riêng biệt của nó cho đến tận ngày nay.
Trên đây là một số điểm cơ bản trong tác phẩm “Đạo đức học của Nicomaque” và về hệ thống đạo đức của Arixtốt trong “Đạo đức học của Nicomaque”. Để hiểu rõ hơn về những tư tưởng đó, chúng ta cùng đi tìm hiểu luận giải của ông về một số phạm trù đạo đức, cụ thể trong nghiên cứu này là: Về điều thiện và hạnh phúc; về đức hạnh và các thuộc tính của đức hạnh, về tính công bằng và tình thân hữu; về tự do ý chí và giáo dục đạo đức, đi kèm với đó là giá trị hiện tại của đạo đức học Arixtốt thông qua tác phẩm này.
Tiểu kết chương 1
Có thể khẳng định, điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế - xã hội và những tư tưởng của các bậc tiền bối là những tiền đề vô cùng quan trọng cho sự hình thành tư tưởng đạo đức của bất cứ ai. Arixtốt không phải là trường hợp ngoại lệ. Tư tưởng đạo đức của ông là sự phản tư, sâu chuỗi những di sản tinh thần to lớn của nền giáo dục và văn hoá của gia đình, của đất nước, của thời đại. Đồng thời, chính sự biến đổi đa dạng của nền sản xuất, sự phân công lao động xã hội và sự biến đổi cơ cấu xã hội ở hầu hết các quốc gia thành bang vào thời kì phát triển phồn thịnh nhất của chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp cổ đại đã dẫn tới sự hình thành và biến đổi các quan hệ xã hội. Tư tưởng đạo đức của ông cũng vừa là sự phản ánh sự biến đổi đa dạng đó, vừa góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội. Điều này đã đóng góp một phần không nhỏ thúc đẩy cho sự ra đời đạo đức học như một khoa học ứng dụng vào thực tiễn, nhằm cải tạo các quan hệ xã hội hướng tới những giá trị khoa học và nhân văn. Và thành quả mà chúng ta thấy chính là những tư tưởng đạo đức được Arixtốt xây dựng thành công trong tác phẩm “Đạo đức học của Nicomaque”, giá trị của những tư tưởng đó không bị mất đi theo thời gian mà ngày càng tỏa sáng hơn nữa khi chúng ta đề cập tới những phạm trù đạo đức học.
CHƯƠNG 2. QUAN NIỆM CỦA ARIXTỐT VỀ CÁC PHẠM TRÙ ĐẠO ĐỨC CƠ BẢN QUA TÁC PHẨM
“ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA NICOMAQUE”
Cũng giống như các lĩnh vực logic học và siêu hình học, đạo đức học là một khoa học trong đó mọi người đều phải nhắc tới tên tuổi của Arixtốt. Ông là người phân loại các khái niệm đạo đức, xác định ranh giới của chúng, phân rạch các khía cạnh lý luận và thực tiễn của đạo đức học. Chúng ta biết đến các tư tưởng đạo đức học của ông thông qua chính các tác phẩm của ông về đạo đức học: “Đạo đức học của Nicomaque”, “Đạo đức học Eudemie”, “Đại đạo đức học”. Trong đó tư tưởng về đạo đức được trình bày một cách tỷ mỉ và lý thú ở tác phẩm “Đạo đức học của Nicomaque” mà cho đến tận ngày nay vẫn còn nguyên chân giá trị.
Trong tiếng Hy Lạp có hai danh từ đồng âm là ethos (tập quán) và èthes (lối sống). Arixtốt khảo cứu một cách tỉ mỉ và toàn diện những hình tượng gắn liền với tập quán và lối sống. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà để biểu thị sự suy ngẫm về đạo đức, Arixtốt đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “đạo đức học” (ta èthos), đạo đức học trước hết là khoa học về các phẩm chất đạo đức của con người. Phẩm chất (arête) của con người – đó là chất lượng tinh thần phù hợp với sứ mệnh của con người. Mỗi vật đều có phẩm chất riêng, con người lại càng phải có phẩm chất riêng của mình. Phù hợp với bản tính đặc thù của con người, các phẩm chất của họ thể hiện là một loại phẩm chất đặc biệt, là các phẩm chất đạo đức, gắn liền với lĩnh vực thói quen. Đạo đức học của Arixtốt là khoa học chỉ ra cho con người cần phải sống phù hợp với sứ mệnh của mình như thế nào. Khi phân tích lĩnh vực èthes Arixtốt đã không ngẫu nhiên quan tâm tới chính những phẩm chất tinh thần con người, mà sự quan tâm đã hoàn toàn tương thích với triết học về các nguyên lý đầu tiên, siêu hình học của mình.
Arixtốt cho rằng đạo đức học là khoa học ứng dụng thực tiễn, là một biến thể của chính trị. Nếu khoa học cho ta biết các vật là gì, thì đạo đức
học dạy ta phải ứng xử với chúng thế nào. Đối tượng mà nó tìm kiếm là cái thiện như mục đích tối cao của con người, vì thế chức năng quan trọng nhất của nó là khu biệt cái thiện và cái ác. Khoa học dựa trên lý tính, còn đạo đức thì vừa trên phần lý tính, vừa không phải trên phần lý tính của tâm hồn, đạo đức học như là môn khoa học thực tiễn, cần phải tính đến điều đó, phải thấy rằng cơ sở lý trí của hành vi con người thường bị quấy rầy bởi cơ sở xúc cảm biểu hiện trong đạo đức. Arixtốt không tư duy về một con người cụ thể, đối với ông con người là các Dzoon Politik – động vật chính trị. Do đó, đạo đức phải gắn chặt với chính trị. Nhiệm vụ của đạo đức học cũng như của các khoa học thực tiễn khác ở chỗ không chỉ nhận thức lý luận mà còn phải cải tạo thực tiễn đối với hiện thực. Trong đạo đức, mục đích không phải tư duy mà là hành vi và sự hoạt động. Hoạt động đạo đức, theo Arixtốt, hướng về chính con người tức là cuộc sống con người, hạnh phúc con người, cuộc sống hiện thực của con người và năng lực hoạt động lý tính của con người.
Arixtốt đã định hình những vấn đề chính của đạo đức học. Những tư tưởng đạo đức của ông đến nay vẫn còn giá trị. Phân tích chúng, chúng ta sẽ thấy rõ được cống hiến vĩ đại của bộ óc bách khoa thư này cho sự phát triển của đạo đức học.