Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng tư tưởng hồ chí minh về sự thống nhất giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp ở việt nam hiện nay (Trang 80 - 85)

7. Kết cấu của luận văn

2.2. Một số phương hướng cơ bản nhằm tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí

2.2.1. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Cả cuộc đời Hồ Chí Minh đã phấn đấu không mệt mỏi cho nền độc lập của dân tộc. Người ra đi tìm đường cứu nước cũng là nhằm mục đích tìm ra một đường lối có thể giúp nhân dân Việt Nam thoát khỏi cảnh nô lệ. Năm 1945 Người và Trung ương phát lệnh tổng khởi nghĩa cũng nhằm dành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1946, khi mà không thể nhân nhượng hơn được nữa. Người đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, kêu gọi toàn dân đứng lên chống thực dân Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tinh thần độc lập dân tộc đã thôi thúc biết bao lớp người Việt Nam ra trận đánh giặc cứu nước. Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta nhất định phải giữ vững độc lập dân tộc, cả độc lập về chính trị và độc lập về kinh tế, cho dù việc đó không phải là dễ. Chúng ta không thể đóng cửa mà phải mở cửa, hợp tác giao lưu về kinh tế và văn hóa, hội nhập với thế giới. Hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa dưới sự thao túng của chủ nghĩa tư bản càng đòi hỏi chúng ta phải giữ vững độc lập về kinh tế làm cơ sở cho độc lập về chính trị, đòi hỏi chúng ta phải lãnh đạo, sáng suốt, phải có đối sách thích hợp chủ động. Trong giai đoạn hiện nay, điều quan trọng nhất để giữ vững độc lập dân tộc là chúng ta phải thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại, tạo ra thực lực, sức mạnh thực sự để bảo vệ đất nước. Chúng ta phải tranh thủ, tận dụng các cơ hội, phát huy nội lực của dân tộc, tận dụng lợi thế so sánh để phát triển đất nước. Trong xu thế hội nhập phải giữ vững, bảo tồn và phát huy các giá trị

của nền văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển một nền văn hóa tiên tiến mang bản sắc dân tộc Việt Nam.

Trước hết, trong lĩnh vực chính trị tư tưởng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), Đảng ta đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện. Trong đó, Đảng xác định đổi mới tư duy mà trước hết là đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là cơ sở, tiền đề cho đổi mới hoạt động thực tiễn. Đảng ta đã xác định, vấn đề có ý nghĩa then chốt, đóng vai trò cung cấp cơ sở khoa học cho việc đổi mới tư duy, đó là cần phải nhận thức cho đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên nền cơ sở đảm bảo sự thống nhất lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh.

Đảng ta xác định đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta phải xuất phát từ điều kiện thực tiễn, phải căn cứ vào những điều kiện lịch sử mới của đất nước và thế giới. Chính vì vậy, mặc dù cùng xuất phát từ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội, nhưng mỗi nước khác nhau phải căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị của nước mình, những đặc thù về tâm lý, văn hóa của dân tộc mình để tìm ra một mô hình chủ nghĩa xã hội và con đưòng đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp. Ngày nay, mặc dù xét vể mặt lôgíc chủ nghĩa tư bản đã lỗi thời nhưng nó vẫn còn nắm quyền thống trị kinh tế và chính trị trên toàn thế giới. Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội tuy là xu thế phát triển tất yếu của xã hội loài người nhưng sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu lại đang lâm vào thoái trào. Chính vì vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta chỉ có thể kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những thành quả của chủ nghĩa tư bản nói riêng và của toàn nhân loại nói chung trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học. Trong quá trình đó, vấn đề có ý nghĩa then chốt là, Đảng ta cần phải tiếp tục khẳng định, lợi ích dân tộc vẫn phải được đặt lên hàng đầu, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu căn bản, tránh

rơi vào quan điểm giai cấp cực đoan. Đồng thời, Đảng ta cũng không thể xem nhẹ quan điểm giai cấp, nếu không những thế lực thù địch sẽ lợi dụng ưu thế về kinh tế, khoa học - công nghệ trong quá trình toàn cầu hóa gây tổn hại đến an ninh quốc gia trên mọi phương diện: an ninh kinh tế, an ninh chính trị, an ninh văn hóa, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, cùng với việc nêu cao lợi ích dân tộc, đứng trên tinh thần của giai cấp vô sản, Đảng cũng hết sức chú trọng tới việc tôn trọng lợi ích chính đáng của các dân tộc khác, không để rơi vào quan niệm lợi ích dân tộc hẹp hòi, biệt phái. Nói tóm lại, xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nhằm mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân mình, đồng thời bảo đảm cho sự thống nhất hài hòa giữa lợi ích dân tộc mình với lợi ích chân chính của các dân tộc khác.

Xuất phát từ việc nhận thức đúng đắn vấn đề về sự thống nhất giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã dần xây dựng được những quan điểm về dân chủ xã hội chủ nghĩa đúng đắn hơn. Từ chỗ mang quan điểm giai cấp cực đoan, coi dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản là tuyệt đối, đối lập nhau, đến chỗ chúng ta đã nhận thức được rằng, để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa chúng ta phải tiếp thu và vận dụng sáng tạo các giá trị mang tính chất chung toàn nhân loại mà nền dân chủ tư sản đã đạt được trên các lĩnh vực như: quản lý nhà nước, thiết kế bộ máy tổ chức chính trị, giáo dục ý thức trách nhiệm xã hội cho mỗi công dân. Hai là, quan niệm về dân chủ đã được mở rộng, được xem xét theo nhiều góc độ. Dân chủ vừa là chế độ chính trị, vừa là giá trị; vừa là nguyên tắc tổ chức xã hội. Dân chủ vừa là giá trị chung cho toàn xã hội vừa tác động đến mỗi cá nhân không phân biệt giai cấp, dân tộc, giới tính. Dân chủ là một giá trị toàn diện, bao gồm cả dân chủ chính trị, dân chủ kinh tế và dân chủ trong các lĩnh vực văn hóa xã hội. Quan niệm về dân chủ như trên đã phản ánh bước chuyển từ thể chế chính trị dựa trên sự áp đặt, mệnh lệnh sang thể chế hợp tác, đồng thuận, đồng trách nhiệm. Theo đó, những sự khác biệt không đi trái với những quy tắc đạo đức, những quy định của pháp luật, không gây tổn hại đến lợi ích

hợp pháp và chính đáng của người khác và của toàn dân tộc, thì không bị cưỡng chế dưới bất kỳ hình thức nào, hơn thế nữa, có thể những sự khác biệt như vậy còn được khuyến khích để tạo nên sự năng động, đa dạng, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, trong khi xây dựng và thực hiện dân chủ, Đảng cũng phải hết sức chú ý đến những biểu hiện lệch lạc của dân chủ như: dân chủ hình thức, dân chủ quá trớn cực đoan, hậu quả của những loại hình dân chủ này là vô cùng nặng nề, nó có thể làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, gây tổn hại đến sự ổn định của xã hội. Những hình thức biến tướng này của dân chủ ở nước ta đã và đang được khắc phục đáng kể cùng với công cuộc đổi mới của đất nước. Như vậy, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới là tiền đề quan trọng để bảo đảm một nền độc lập thực sự và bền vững. Đồng thời, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng là cơ sở quan trọng để mở rộng hợp tác với các quốc gia khác trên thế giới, góp phần khẳng định vị thế của nước ta trên trường quốc tế, tạo tiền để cho việc giữ vững nền độc lập tự chủ của dân tộc và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong lĩnh vực kinh tế, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là phải xây dựng được một nền kinh tế vững mạnh, độc lập, tự chủ. Bởi lẽ, độc lập, tự chủ về kinh tế trong bối cảnh hiện nay là cơ sở, nền tảng cho độc lập, tự chủ về chính trị và văn hóa. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng (1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tập trung vào những vấn đề nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện đặc thù của nước ta. Cương lĩnh đã đánh dấu một bước phát triển mới của tư duy lý luận của Đảng ta, khẳng định sự cần thiết phải phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, việc Đảng chủ trương xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một bước tiến mới về chất trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội. Từ chỗ đứng

trên quan điểm giai cấp cực đoan cho rằng kinh tế thị trường đồng nhất với kinh tế tư bản chủ nghĩa, đối lập tuyệt đối với kinh tế xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã đi đến quan niệm cho rằng, tuy kinh tế thị trường đã đạt đến sự phát triển mạnh mẽ ở chủ nghĩa tư bản nhưng nó cũng đồng thời là thành tựu chung của nhân loại.

Nền kinh tế thị trường mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng phải là một nền kinh tế đem lại lợi ích cho giai cấp công nhân, cho dân tộc Việt Nam, và sâu xa hơn nữa là mang lại sự ấm no, tự do, hạnh phúc cho mỗi cá nhân con người. Đó chỉ có thể là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một nền kinh tế có được sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc, giai cấp và nhân loại, phản ánh nhu cầu chính đáng của nhân dân Việt Nam, đồng thời phù hợp với quy luật phát triển chung của thời đại. Có thể nói, việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương sáng suốt thể hiện tinh thần sáng tạo, đúng đắn của Đảng ta trong việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình thực hiện chủ trương này, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta cần phải không ngừng nhận thức lại và nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và nhân loại, giai cấp và nhân loại theo ánh sáng của sự thống nhất giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp của tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở chỉ đạo cho hoạt động kinh tế của đất nước trong điều kiện thực tiễn đang vận động, biến đổi nhanh chóng.

Trong lĩnh vực văn hóa, Đảng và Nhà nước ta coi việc xây dựng và phát triên văn hóa là một trong những mục tiêu và động lực quan trọng đối với việc giữ vững nền độc lập dân tộc và phát triển đất nước theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Để tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Đảng ta cần tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp. Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự xâm lăng văn hóa đang diễn ra

âm thầm nhưng khốc liệt. Trên cơ sở nhận thức rõ điều đó, Đảng ta xác định xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một nền văn hóa tiên tiến là một nền văn hóa mang nội dung yêu nước và tiến bộ, theo lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhằm mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện. Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị tiêu biểu, bền vững phản ánh diện mạo, tâm hồn, sức sống của mỗi dân tộc.

Như vậy, muốn thay đổi căn bản cuộc sống của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, của cả dân tộc, từ kiếp nô lệ, làm thuê trở thành người làm chủ thì cần thiết và tất yếu phải kiên trì mục tiêu và con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đồng thời trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu đổi mới, bổ sung chủ trương, chính sách, giải pháp, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta, trong bối cảnh phức tạp của thế giới hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng tư tưởng hồ chí minh về sự thống nhất giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp ở việt nam hiện nay (Trang 80 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)