V XÃ XUÂN THỚI ĐÔNG
201 Dự án chuẩn bị đầu tư
3.3.4 Đánh giá về thực trạng quản lý, sử dụng, thanh quyết toán các công trình nông thôn mới tại huyện Hóc Môn
nông thôn mới tại huyện Hóc Môn
3.3.4.1 Ưu điểm
Trong những năm qua, Huyện Hóc Môn đã tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các công trình nông thôn mới nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn thành phố phân cấp cho huyện, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Công tác quản lý, điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công về nông thôn mới luôn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, giải ngân, quyết toán nguồn vốn đầu tư nói chung và vốn phân cấp nông thôn mới nói riêng. UBND huyện đã tập trung công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện kế hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các công trình, nhất là các công trình chậm tiến độ giải ngân, quyết toán.
Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung triển khai thực hiện các công trình ngay từ đầu năm kế hoạch và cơ bản tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn vốn nông thôn mới trên địa bàn huyện Hóc Môn trong thời gian qua có những ưu điểm như sau:
Một là, Công tác lập kế hoạch, phân bổ kế hoạch và giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua ở huyện có những thay đổi tích cực, từ chỗ kế hoạch vốn hàng năm thường cuối quý 1 mới được giao cho các Chủ đầu tư và thường xuyên phải điều chỉnh nhiều lần. Thì những năm gần đây đã có những cải tiến đáng kể, mặc dù kế hoạch giao vốn nông thôn mới phụ thuộc vào thành phố, tuy nhiên, Huyện cũng đã tập trung rà soát, đề xuất nhu cầu vốn sớm, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố, do đó khoảng đầu năm kế hoạch, khi Thành phố bố trí kế hoạch vốn thì huyện cũng đã chủ động phân khai đầy đủ về cho các chủ đầu tư, đồng thời do rà soát kỹ ngay từ đầu nên ít xin điều chỉnh trong năm.
Hai là, đối với công tác giải ngân trong năm kế hoạch, Huyện đã chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục giải ngân theo tiến độ thực hiện các công trình, không chờ đến cuối năm mới tiến hành giải ngân, đảm bảo giải ngân đúng tiến độ Thành phố yêu cầu.
Ba là, Công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành cũng có những tiến bộ rõ rệt, từ chỗ chậm quyết toán những năm đầu thực hiện đề án nông thôn mới, thì những năm gần đây tiến độ quyết toán nhanh hơn, nhất là từ khi được quan tâm, đôn đốc của lãnh đạo huyện trong công tác thanh quyết toán công trình. Các công trình nghiệm thu đưa vào sử dụng chưa được quyết toán đã dần được quyết toán hết trong thời gian qua. Qua quyết toán cũng đã phát hiện những sai sót và đề nghị các Chủ đầu tư rút kinh nghiệm.
3.3.4.2 Những hạn chế trong việc sử dụng, thanh quyết toán vốn nông thôn mới
Việc bố trí kế hoạch vốn, sử dụng, thanh quyết toán vốn nông thôn mới trên địa bàn huyện ngày càng hoàn thiện và đã có những tiến bộ rõ rệt nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt là giai đoạn nâng chất nông thôn mới 2016- 2019, do còn tồn tại một số hạn chế, bất cập sau:
Một là, nhân sự chuyên quản về công tác đầu tư xây dựng cơ bản tại các phòng chuyên môn còn thiếu (chủ yếu là Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Quản lý đô thị và Phòng Kinh tế), khối lượng công việc lớn, đa số đều là kiêm nhiệm.
Hai là, năng lực quản lý dự án của một số đơn vị chủ đầu tư còn hạn chế dẫn đến chậm triển khai thực hiện các công trình, khó khăn trong quá trình hoàn thiện thủ tục tạm ứng, thanh quyết toán công trình, ảnh hưởng đến việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, chống thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công trình. Đa số các chủ đầu tư đều thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án, tốn thêm chi phí, một số đơn vị tư vấn chưa làm hết trách nhiệm, các chủ đầu tư chưa quyết liệt xử phạt các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công.
Ba là, trong giai đoạn thực hiện chương trình nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới 2016-2019, các xã xây dựng đề án chưa đạt chất lượng, phải chỉnh sửa nhiều lần, dẫn đến chậm được phê duyệt đề án, do đó khi đề án được duyệt, huyện mới tiến hành các thủ tục theo quy định của Luật đầu tư công và quy định của thành phố về quản lý vôn đầu tư, dẫn đến huyện chậm được bố trí vốn triển khai thực hiện các công trình nông thôn mới, đến giữa năm 2019 huyện mới được thành phố bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dẫn đến các công trình không thể hoàn thành, quyết toán trong năm 2020 mà phải xin điều chỉnh sang những năm tiếp theo.
Bốn là, việc điều chỉnh và xin điều chỉnh kế hoạch vốn vẫn còn xảy ra, mặc dù đã có giảm hơn so với giai đoạn trước đây. Việc điều chỉnh quy mô dẫn đến điều chỉnh tổng mức đầu tư vẫn còn xảy ra, dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện dự án, gây lãng phí và kém hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước. Hiện nay trên địa bàn huyện còn thiếu các tư vấn chất lượng cao ở tầm vĩ mô trong việc đề xuất các chủ trương đầu tư xây dựng, quy hoạch, lập dự án, đề xuất các giải pháp kỹ thuật, công nghệ chính xác, hợp lý, khả thi. Trong nhiều trường hợp khái toán tổng mức đầu tư quá lớn, đề xuất quy mô chưa chính xác so với nhu cầu thực tế, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Năm là, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc hiến đất làm đường còn hạn chế, một số công trình do không thể vận động được người dân hiến đất nên buộc phải điều chỉnh lại quy mô công trình, kéo dài thời gian hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, quyết toán công trình.
Sáu là, công tác quyết toán vốn nông thôn mới thời gian qua còn chậm so với quy định. Một số các công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng có thời gian quyết toán chậm nhiều tháng, thậm chí nhiều công trình, dự án chậm nhiều năm Chủ đầu tư mới hoàn thành thủ tục, lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch thẩm tra.
Bảy là, Đội ngũ cán bộ phụ trách thẩm tra quyết toán tại huyện còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều công tác (toàn huyện chỉ có 3 chuyên viên Phòng Tài chính – Kế hoạch
phụ trách công tác thẩm tra trình phê duyệt quyết toán, ngoài ra 3 chuyên viên này còn phụ trách các công việc khác như thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định và trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu...), khối lượng các công trình quyết toán lớn (kể cả các công trình khác ngoài các công trình sử dụng vốn nông thôn mới thì trên địa bàn huyện tổng cộng có khoảng hơn 700 công trình lớn nhỏ cần phải thẩm tra phê duyệt quyết toán).
Tám là, các quy trình kiểm tra, giám sát chưa được xây dựng và ban hành một cách khoa học, đầy đủ, kịp thời. Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra việc quản lý vốn đầu tư. Trách nhiệm và quyền lợi cá nhân đối với người giám sát chưa được thiết lập (đặc biệt đối với đội ngũ giám sát đầu tư cộng đồng ở địa phương do Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc xã ký quyết định thành lập).
Chín là, Dự án, công trình thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công đòi hỏi tất cả các cơ quan tham gia từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch. Theo đó, các công trình, dự án phải được hoạch định ngay từ thời điểm đầu của giai đoạn để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm, tổng mức đầu tư được xác định theo đơn giá tại thời điểm đề xuất danh mục dẫn đến các dự án được bố trí vốn kế hoạch chuẩn bị đầu tư vào nửa sau giai đoạn (năm thứ 4,5 của kế hoạch đầu tư công trung hạn) dễ dẫn đến trượt giá, tăng tổng mức đầu tư (bao gồm cả dự án bồi thường và xây dựng). Mặt khác từ yêu cầu cần thiết và cấp bách của người dân trên địa bàn huyện các dự án phát sinh được đề xuất phân tán vào thời điểm đầu năm kế hoạch dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, ảnh hưởng đến đến tiến độ dự án và công tác điều hành của các sở, ban ngành trong công tác bổ sung, điều chỉnh kế hoạch.
Mười là, Công tác lập, trình hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư được thực hiện tại thời điểm tiền dự án nên chưa có số liệu nghiên cứu, khảo sát chi tiết dẫn đến đề xuất quy mô và tổng vốn đầu tư chưa sát thực tế triển khai, vì vậy khi được cấp có
thẩm quyền quyết định đầu tư trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh một số nội dung đầu tư ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, không đúng theo thời gian thực hiện đã được thông qua tại kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Mười một là, Có nhiều Luật, Nghị định, Chỉ thị, Quyết định mới ban hành hoặc mới điều chỉnh bổ sung; Bộ đơn giá, định mức xây dựng cơ bản thay đổi dẫn đến mất nhiều thời gian làm lại hồ sơ và cần rất nhiều thời gian để các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn các đơn vị thực hiện.
Mười hai là, Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ ban hành quy định bổ sung một số nội dung mới trong đó có quy định điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư là các dự án phải được cấp thẩm quyền cho phép và duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư trước ngày 31 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch. Nội dung này gây lúng túng trong quá trình áp dụng tại địa phương và quy định này cũng làm kéo dài hơn thời gian của dự án so với thời gian xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn được duyệt.
Mười ba là, Trình tự và nội dung quyết định đầu tư dự án quy hoạch: Luật Đầu tư công hiện hành chưa quy định về trình tự và nội dung quyết định đầu tư dự án quy hoạch. Do chưa có quy định về việc quyết định đầu tư dự án nên cơ quan có thẩm quyền và địa phương vướng mắc, khó khăn trong việc bố trí vốn và thực hiện dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, Luật số 28/2018/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) đã bổ sung một lĩnh vực đầu tư công là “Đầu tư lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch”; nhưng chưa sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục và nội dung quyết định đầu tư của các dự án này. Ngoài ra, dự án quy hoạch không phải quyết định chủ trương đầu tư; do vậy, cần có quy định riêng về nội dung, trình tự quyết định đầu tư cho các dự án này.
Mười bốn là, Do đơn giá bồi thường còn thấp gây khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và sự đồng thuận của người dân đối với chính sách bồi thường chưa cao dẫn đến công tác chi trả bồi thường kéo dài, nảy sinh nhiều trường
hợp khiếu kiện làm kéo dài thời gian thực hiện dự án; đối với một số dự án bồi thường, mặc dù là đất công, tuy nhiên người dân đã lấn chiếm và sử dụng từ lâu nên không đủ điều kiện bồi thường mà chỉ thực hiện hỗ trợ, do đó người dân không đồng ý nhận chi phí hỗ trợ và bàn giao mặt bằng gây khó khăn trong việc xác định vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm do phụ thuộc vào thời gian giải quyết của cấp có thẩm quyền.