Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển hoạt động bảo lãnh tại công ty tài chính dầu khí (Trang 52 - 58)

2.3.2.1.Hạn chế của việc mở rộng hoạt động bảo lãnh tại PVFC

Đối tượng khách hàng: Số lượng khách hàng chưa nhiều và chưa đa dạng. Như đã đề cập ở phần trên, PVFC thường chỉ nhận bảo lãnh cho những khách hàng quen và hoạt động trong ngành Dầu khí. Điều này làm thị trường bảo lãnh không được mở rộng mà chỉ giới hạn trong những khách hàng cũ, gây khó khăn trong việc phát triển hoạt động bảo lãnh.

Tỷ trọng doanh thu từ bảo lãnh chưa cao: Doanh thu từ hoạt động bảo lãnh chỉ chiếm 1% trên tổng doanh thu từ phí và dịch vụ. Con số này cho thấy hoạt động bảo lãnh vẫn chưa chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động chung của PVFC.

Việc xem xét hồ sơ chưa nhanh: Từ khi chuyên viên khách hàng biết được nhu cầu bảo lãnh của khách hàng đến lúc ký hợp đồng mất tối đa 8 ngày làm việc, nếu khách hàng thuộc diện phải thẩm định độc lập thì thời gian xem xét hồ sơ còn kéo dài hơn nữa.

2.3.2.2.Nguyên nhân

Nguyên nhân chủ quan

Chính sách bảo lãnh của công ty chưa hợp lý

Hoạt động bảo lãnh vẫn chưa được công ty chú trọng đến mặc dù đây là nguồn đem lại doanh thu khá an toàn cho PVFC. Trong các báo cáo, tổng kết hoạt động từng thời kỳ của PVFC hoạt động bảo lãnh không được nhắc đến, kết quả của nó chỉ được gộp vào trong kết quả của hoạt động tín dụng nói chung. Đối với PVFC hoạt động bảo lãnh là một hoạt động rất nhỏ, chỉ là một dịch vụ đi kèm cho các dịch vụ khác. Chẳng hạn như khi cho khách hàng vay để thanh toán tiền hàng thì kết hợp bảo lãnh thanh toán cho khách hàng đó, hay như cam kết cho khách hàng vay vốn nếu trúng thầu và đồng thời bảo lãnh dự thầu cho khách hàng đó. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ doanh thu từ bảo lãnh trên tổng thu từ phí và dịch vụ.

Mục tiêu chính trong quá trình phát triển của PVFC là phục vụ tốt nhu cầu vốn cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nên PVFC ưu tiên cho những doanh nghiệp trong ngành Dầu khí và những doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu phục vụ trực tiếp cho sự phát triển ngành Dầu khí. Chính vì thế mà khách hàng bảo lãnh của công ty chưa được đa dạng. Bên cạnh đó, những công trình mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư là những công trình lớn nên đối tác của họ cũng đa phần là doanh nghiệp lớn. Vì vậy khách hàng bảo lãnh của công ty ít có doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quy trình bảo lãnh chưa linh hoạt

Để có được hợp đồng bảo lãnh khách hàng phải qua 3 vòng xem xét, thẩm định của chuyên viên khách hàng, chuyên viên tín dụng và Bộ phận thẩm định độc lập. Theo quy chế hoạt động tín dụng của PVFC, chỉ trừ các khoản tín dụng đối với Tập đoàn Dầu khí, công ty con của Tập đoàn đã được Tập đoàn phê duyệt thẩm định hoặc chỉ định vay vốn là không phải thẩm định độc lập. Quy trình này có thể hơi khắt khe vì thế có nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của PVFC. Hơn nữa trong quá trình thẩm định tín dụng chuyên viên tín dụng muốn có thêm thông tin từ phía khách hàng thì phải phối hợp với chuyên viên khách hàng, điều này làm mất thời gian trong quá trình thẩm định.

Cán bộ tín dụng còn thiếu kinh nghiệm

Đội ngũ cán bộ thực hiện bảo lãnh tuy có trình độ chuyên môn cao, hầu hết là ở mức đại học trở lên nhưng còn trẻ nên thiếu kinh nghiệm thực tế. Do kiến thức được học ở trường và thực tế có nhiều khác biệt nên không thể tránh khỏi bỡ ngỡ, lung túng trong công việc. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động và thời gian thực hiện công việc.

Hoạt động Marketing chưa tốt

PVFC vẫn chưa xây dựng được một chiến lược marketing thực sự hiệu quả, đặc biệt là trong hoạt động bảo lãnh. PVFC chưa tích cực tìm kiếm khách hàng có nhu cầu bảo lãnh mà thường chờ khách hàng tìm đến với mình. Điều đó sẽ làm hạn chế lượng khách hàng đến với công ty. Hiện nay có nhiều tổ chức tín dụng cung cấp các dịch vụ tài chính với chất lượng tốt nên công ty cần phải có chiến lược marketing phù hợp để phát triển thị trường. Đây là một yếu tố không thể xem nhẹ trong sự cạnh tranh hiện nay.

Nguyên nhân khách quan

Vấn đề xử lý tài sản thế chấp, cầm cố

Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999, Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT/NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC ngày 23/4/2001, Quyết định 149/2001/QĐ-TTg ngày 5/10/2001 tuy đã có cố gắng tạo ra khung pháp lý để ngân hàng có thể xử lý tài sản thế chấp, cầm cố nhưng thực tiễn xử lý tài sản đảm bảo vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả mong muốn. Các NHTM vẫn chưa thể chủ động xử lý bán tài sản bảo đảm (đặc biệt là bất động sản) nếu không có ý kiến chấp thuận của chủ tài sản. Việc Ngân hàng tự bán tài sản bảo đảm nợ cũng đòi hỏi ngân hàng phải thực hiện hàng loạt thủ tục khác khiến cho việc xử lý tài sản thu hồi nợ vẫn rất khó khăn. Do đặc điểm lịch sử của pháp luật đất đai Việt Nam, nhiều hồ sơ pháp lý tài sản chưa phù hợp với quy định hiện hành nên mặc dù tài sản không bị tranh chấp nhưng Ngân hàng cũng không thể bán được. Theo Quyết định 149/QĐ-TTG, trong trường hợp gặp khó khăn, ngân hàng có thể "báo cáo Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước trình Ban chỉ đạo tái cơ cấu NHTM xem xét đề nghị Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền hoàn thiện thủ tục pháp lý để NHTM bán tài sản thu hồi nợ". Quy định như vậy rất khó thực hiện. Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 và Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT/NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC ngày 23/4/2001 quy định các cơ quan chức năng (UBND, cơ quan công an, địa chính... tại địa phương) phải hỗ trợ ngân hàng thực hiện việc xử lý nợ. Trên thực tế, việc ngân hàng nhận được sự giúp đỡ của cơ quan này là khá hiếm hoi. Trong một số trường hợp, do có sự can thiệp của các cơ quan chức năng tại địa phương, việc thu hồi nợ từ các đơn vị trực thuộc chính quyền hoặc hệ thống chính trị tại địa phương trở nên khó khăn và phức tạp hơn các trường hợp bình thường. Bên

cạnh đó, Ngân hàng hiện nay còn thiếu cơ chế tài chính đặc biệt để động viên các cá nhân, đơn vị có đóng góp tích cực vào việc thu nợ cho ngân hàng.

Chính những khó khăn trên khiến các tổ chức tín dụng không muốn nhận tài sản đảm bảo là bất động sản, gây khó khăn cho khách hàng và điều này làm cho thời gian xem xét hồ sơ bảo lãnh bị kéo dài ra.

Vấn đề nhận thế chấp một tài sản đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ trả nợ của khách hàng

Điều 11 NĐ 85/2002/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung NĐ 178/1999/CP về việc bảo đảm tiền vay có quy định TSĐB được sử dụng để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ trả nợ tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng. Quy định cho phép tổ chức tín dụng được nhận thế chấp một TSĐB cho nhiều nghĩa vụ trả nợ của khách hàng miễn là tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm, giá trị TSĐB lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ trả nợ của khách hàng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc đăng ký thế chấp một TSĐB đã được thế chấp cho một nghĩa vụ mới phát sinh thường gặp vướng mắc. Đó là, cơ quan công chứng yêu cầu có dấu xóa thế chấp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản của cơ quan đăng ký TSĐB. Để thực hiện điều này NH và khách hàng phải xóa đăng ký với khoản tín dụng mà tài sản đã được thế chấp, phải xác nhận nghĩa vụ đảm bảo đã hoàn thành nhưng trên thực tế là nghĩa vụ đảm bảo của khoản vay hay bảo lãnh chưa hoàn thành.

Ngoài ra, khi thay đổi giá trị TSĐB đã thế chấp để thực hiện cho nghĩa vụ mới, cơ quan công chứng thường yêu cầu giải chấp tài sản để công chứng lại hợp đồng thế chấp. Để thực hiện điều này NH hoặc là thanh lý hợp đồng tín dụng cũ hoặc là mở một hợp đồng tín dụng mới bao gồm dư nợ của hợp đồng cũ và dư nợ mới phát sinh. Nhưng nếu thanh lý hợp đồng tín dụng cũ thì sẽ gây khó khăn cho khách hàng, còn nếu mở một hợp đồng tín dụng mới lại gây khó khăn cho NH vì mục đích, loại tiền, lãi suất, thời hạn của mỗi hợp đồng cũ và mới khác nhau nhưng hợp đồng thế chấp lại chỉ dẫn chiếu tới hợp

đồng mới. Điều này là bất hợp lý. Trong quá trình đăng ký thế chấp đối với TSĐB cho nhiều nghĩa vụ, các tổ chức tín dụng sau phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản trong khi các tổ chức tín dụng nhận thế chấp, bảo đảm trước đó lại giữ giấy tờ này, vì thế gây khó khăn cho NH và khách hàng.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển hoạt động bảo lãnh tại công ty tài chính dầu khí (Trang 52 - 58)