4.2.1. Nâng cao nhận thức của xã hội đối với doanh nhân
Trong quá trình thực hiện mục tiêu nâng cao đạo đức doanh nhân, cần phải chú ý tới những yếu tố làm ảnh hưởng tới loại hình đạo đức đó. Có thể phân chia những yếu tố có ảnh hưởng đó thành ba nhóm lớn: quan điểm, nhận thức và thái độ của xã hội đối với doanh nhân và doanh nghiệp; các quy định chính sách và hành xử của công chức nhà nước; các “tiếp biến” đạo đức không lành mạnh từ bên ngoài.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của xã hội đối với doanh nhân cần phải xóa bỏ quan điểm truyền thống coi doanh nhân là “con buôn”, là thiếu tin cậy, thuộc thành phần thấp kém vì quan điểm đó đã gây nên sự nghi ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn nghề nghiệp và hành vi ứng xử của doanh nhân trong xã hội, hạn chế nâng cao đạo đức doanh nhân. Bên cạnh đó, những hành vi quá khắt khe trong việc áp các chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống dân tộc để đánh giá đạo đức doanh nhân, sự thiếu đồng cảm và ủng hộ của xã hội, công luận đối với doanh nhân, tư tưởng “bài ngoại” không chấp nhận những giá trị mới cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Đối lập với các quan điểm nêu trên là sự sùng bái doanh nhân thái quá, tạo nên hiệu ứng hào quang giả tạo về ngành nghề này, đặt vị trí của doanh nhân cao hơn giá trị thực mà họ có thể tạo ra được, hoặc sao chép một cách máy móc các tiêu chuẩn của nước ngoài trong đánh giá doanh nhân cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc nâng cao đạo đức doanh nhân.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của xã hội đối với doanh nhân cần phải xây
dựng và thực thi các chính sách, quy định pháp luật thực sự đúng đắn, khoa học để không tạo kẽ hở cho sự giàu có bất chính của doanh nhân, như các quy định về thuế khoá, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Nhà nước
ta là tổ chức đại diện quyền lợi cho toàn xã hội, điều tiết các hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân và các thành phần kinh tế trong nền kinh tế bằng các hệ thống chính sách, pháp luật. Để có thể đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các thành phần kinh tế cũng như ngăn chặn, trừng phạt những hành vi gian lận, Nhà nước phải ban hành hệ thống chính sách, pháp luật đảm bảo sự minh bạch, công bằng, nhất quán để giúp doanh nghiệp được tự do, “cạnh tranh lành mạnh”, “phát triển bình đẳng”, “phục vụ trung thực”. Nhà nước phải tăng cường phổ biến kiến về hệ thống pháp luật, các chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước cũng như luật pháp quốc tế tới từng doanh nghiệp, doanh nhân để tránh những sai phạm đáng tiếc có thể xảy ra, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, rõ ràng, chính xác, quy định những điểm doanh nghiệp được làm, tức là những điều pháp luật không cấm. Có như vậy, Nhà nước mới tạo được môi trường thể chế nền tảng cho việc nâng cao đạo đức doanh nhân. Làm minh bạch, rõ ràng hệ thống pháp luật là điều rất cần thiết đối với việc xây dựng đạo đức doanh nhân. Vì trong hoạt động kinh doanh, luôn đòi hỏi đạo đức của doanh nhân phải phù hợp với pháp luật hiện hành, ngược lại pháp luật thường có tính định hướng cho đạo đức của doanh nhân. Nếu pháp luật không rõ ràng hoặc không phù hợp, đây sẽ là trở ngại lớn cho việc xây dựng đạo đức doanh nhân một cách có định hướng. Ví dụ như về luật thuế, nếu Nhà nước định ra mức thuế quá cao, thì đây lại trở thành phần thưởng hậu hĩnh cho những kẻ chốn thuế hay những viên chức suy thoái. Bên cạnh đó, để làm tốt công tác cải cách thể chế nêu trên, Chính phủ cần tập trung rà soát lại các văn bản pháp quy, văn bản nào chưa rõ thì giải thích, bổ sung, văn bản nào không phù hợp, bất cập, gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp thì kiên quyết bãi bỏ, trả lại sự thông thoáng, lành mạnh cho môi trường kinh
doanh. Đồng thời, Chính phủ cần tạo mối quan hệ đồng cảm, thân thiện giữa các cơ quan chính quyền với doanh nghiệp.
Điều quan trọng nhất là phải điều chỉnh hành vi của công chức đi đôi với việc thực hiện nghiêm minh kỷ luật hành chính đối với những công chức, nhân viên công quyền có hành vi quan liêu lãng phí, tham nhũng. Những kẻ này đã tạo điều kiện cho hành vi vi phạm pháp luật, kiểu làm ăn phi văn hoá, chạy chọt cửa sau, lợi dụng các quan hệ không lành mạnh để kiếm lời. Dư luận luôn cho rằng: “Không thể đòi hỏi doanh nghiệp trong sạch nếu như bộ máy nhà nước tham nhũng, cũng như không thể đòi hỏi doanh nghiệp phải có đạo đức trong khi viên chức nhà nước ứng xử tư lợi và thiếu đạo đức”. Ban hành pháp luật là quan trọng, nhưng người thực thi pháp luật lại quan trọng hơn. Vì họ chính là nhân tố trực tiếp chấn chỉnh và đảm bảo một môi trường thực sự “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Đối với tệ tham nhũng, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được cải thiện nhiều. Tình trạng đó trái với bản chất đạo đức của Việt Nam, làm giảm uy tín của Việt Nam với nước ngoài. Điều đó cũng phần nào gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc khẳng định thương hiệu, đạo đức của bản thân doanh nghiệp, tiến tới vươn ra tầm quốc tế. Nạn tham nhũng không ngừng gia tăng một phần cũng là do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, xử lý không nghiêm. Bộ máy quản lý kinh tế, thay vì phải là động lực cho sự phát triển kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế, thì nhiều khi lại là trở ngại không nhỏ cho sự phát triển đó. Nhà nước cần có kế hoạch xoá bỏ các kẽ hở tạo ra tham nhũng, từ khâu soạn thảo, ban hành chính sách pháp luật tới khâu thực thi, áp dụng vào cuộc sống. Hơn nữa, trong hệ thống văn bản pháp luật và văn bản dưới luật có không ít trường hợp mâu thuẫn nhau, gây khó khăn cho cả người đảm nhiệm thực thi luật lẫn các doanh nghiệp chịu trách nhiệm tuân thủ các văn bản luật đó. Vấn đề tiêu cực trong
bộ máy thi hành luật pháp khiến cho doanh nghiệp có xu hướng xem nhẹ việc nâng cao đạo đức doanh nhân, đạo đức doanh nghiệp. Các doanh nhân do phải lách luật, đưa hối lộ nhiều nên nảy sinh tâm lý cho rằng chỉ cần qua cửa là được, không quan tâm tới việc xây dựng bản sắc riêng cho doanh nghiệp của mình. Do vậy, cần phải chống tiêu cực trong bộ máy công quyền một cách quyết liệt và hiệu quả hơn.
Thứ ba, trong quá trình nâng cao nhận thức của xã hội đối với doanh nhân, cần phải kịp thời xử lý các tiếp biến đạo đức không lành mạnh từ bên ngoài gây ảnh hưởng xấu đến các giá trị đạo đức doanh nhân Việt Nam. Trong quá trình này, phải có cái nhìn cởi mở, không kỳ thị hay trọng vọng thái quá doanh nhân ngoại quốc, đồng thời tạo lập môi trường thuận lợi, rút bỏ những yếu tố có thể tạo ra những biến đổi lệch lạc trong đạo đức doanh nhân. Làm được như vậy, chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho đạo đức kinh doanh phát triển lành mạnh, hạn chế các khía cạnh tiêu cực. Bên cạnh đó, cần có chính sách hạn chế các tiếp biến đạo đức không lành mạnh, đảm bảo đạo đức doanh nhân phát triển lành mạnh, đúng hướng và phát huy tác dụng tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và xã hội trong việc nâng cao đạo đức doanh nhân, xây dựng đội ngũ doanh nhân mới đủ đức và tài
Trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới, đặc biệt từ khi đổi mới, thực hiện nền kinh tế thị trường, về định hướng xây dựng con người, Đảng ta luôn xác định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển… xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình”[31; tr. 76-77]. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Khi bắt tay xây
dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, với đặc điểm từ một nước nông nghiệp lạc hậu, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, đây là sự nghiệp lâu dài, đầy khó khăn, gian khổ, để hoàn thành sự nghiệp ấy, rất cần phải có những thế hệ con người mới xã hội chủ nghĩa. Theo Người, đây là nguồn lực quan trọng nhất để xậy dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nhận thức đúng đắn vai trò nhân tố con người trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh đặt nhiệm vụ xây dựng con người mới là nhiệm vụ hàng đầu. Người khẳng định: “Muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”[91; tr 130]. Người cũng đưa ra những tiêu chuẩn của con người xã hội chủ nghĩa để định hướng xây dựng. Có thể kể những tiêu chuẩn đó là: có tinh thần và năng lực làm chủ; có đạo đức: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có kiến thức khoa học - kỹ thuật, nhạy bén với cái mới; có tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩa dám làm;
Nói cách khác, con người xã hội chủ nghĩa trong quan niệm của Hồ Chí Minh phải là con người phát triển về mọi mặt, vẹn toàn cả đức và tài.
Quán triệt quan điểm đó, một định hướng lớn trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (Bổ sung, phát triển năm 2011), được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ XI: “Xây dựng đội ngũ những nhà kinh doanh có tài, những nhà quản lý giỏi, có trách nhiệm xã hội, tâm huyết với đất nước và dân tộc”[31; tr. 80]. Rõ ràng, Đảng và Nhà nước ta đang rất cần xây dựng được đội ngũ những doanh nhân có tài và có đức cho đất nước.
Để xây dựng đạo đức doanh nhân ở nước ta hiện nay cần phải căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khoá VIII của Đảng về xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới với các đức tính:
- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
- Có ý thức tập thể, đoàn kết phấn đấu vì lợi ích chung.
- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng động, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
- Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kĩ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.
- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực[28; tr. 58-59].
Nghị quyết cũng khẳng định rằng: năm đức tính đó vừa kế thừa những truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam, vừa xây dựng những đức tính phù hợp với thời kì mới. Đó cũng là chuẩn mực để mọi người (trong đó có phấn đấu để trở thành công dân tốt.
Nghị quyết TW3 khóa VIII cũng chỉ rõ nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục là nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ tổ quốc; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tổ chức và kỷ luật; có sức khỏe là những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” như Bác Hồ hằng mong đợi.
Các nghị quyết trên đây là định hướng để chúng ta xây dựng con người xã hội chủ nghĩa nói chung và đặc biệt là đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Căn cứ vào các tiêu chí trên có thể khái quát rằng, mẫu người mới chúng ta xây dựng là người vừa có đức vừa có tài. Xây dựng đội ngũ doanh nhân mới cũng phải dựa trên các tiêu chí đó.
Để đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, cần xây dựng đội ngũ doanh nhân với những phẩm chất cụ thể sau:
Một là, đội ngũ doanh nhân cần phải có sức khỏe.Tài sản quý giá nhất ở
mỗi con người chính là sức khỏe như dân ta thường nói: “Có sức khỏe là có tất cả, không sức khỏe thì không có gì”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về con người cũng đã từng cho rằng: dân cường thì mới thịnh, một người khỏe thì làm cho cả nước khỏe, một người yếu thì làm cho cả nước yếu. Vì vậy, người sản xuất, kinh doanh cũng cần phải có sức khỏe. Đảng ta đã từng khẳng định: “Sự cường tráng về thể chất là nhu cầu của bản thân con người, đồng thời là vốn quý để tạo ra tài sản trí tuệ và vật chất cho xã hội” [28; tr. 30]. Thể chất phát triển là nền tảng của sự phát triển khỏe mạnh. Yếu sức khỏe, người ta sẽ không làm được gì. Chính vì vậy, việc phát triển thể chất, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của mỗi người là một yêu cầu quan trong của xậy dựng con người toàn diện.
Hai là, đội ngũ doanh nhân phải là những người có đức có tài. Xây dựng
đạo đức cho doanh nhân là nhằm phát triển cái thiện ở họ khi tham gia thị trường: lòng nhân ái, trọng nghĩa, trọng tình, khoan dung, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự giản dị trong lối sống, sự tinh tế trong ứng xử với người khác… Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, doanh nhân phải biết suy nghĩ đúng và hành động đúng, phải luôn đấu tranh vì cái thiện, cái đẹp, cái có ích, phải có sự công bằng, phải có tinh thần làm
chủ, có đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Chúng ta biết rằng, doanh nhân là những người có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước doanh nghiệp, gia đình và xã hội về những quyết định của mình trong sản xuất, kinh doanh để đảm bảo lợi ích chân chính, góp phần vào việc phát triển nền kình tế đất nước nhằm đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nghĩa vụ của doanh nhân Việt Nam không chỉ kinh doanh vì lợi nhuận mà còn để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, không phải để làm giàu mọi giá. Bởi vậy, doanh nhân phải là người có tài. Tài năng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh được thể hiện qua nắm bắt thông tin và vận dụng nhanh nhạy các thành tựu khoa học kỹ thuật, cải tiến kỹ thuật, công nghệ; tiết kiệm nguyên vật liệu; qua sự quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; biết bồi dưỡng và phát huy tiềm năng sáng tạo của họ nhằm tạo ra