Hội nhập quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đổi mới chính trị trong điều kiện hội nhập quốc tế của việt nam hiện nay001 (Trang 53 - 56)

1.3.3 .Những vấn đề luận án sẽ tiếp tục làm sáng tỏ

2.1. Khái niệm đổi mới chính trị và hội nhập quốc tế

2.1.2. Hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế là một thuật ngữ phổ biến trên thế giới và Việt Nam, tiếng Anh là “international integration”. Theo cách hiểu thông thường, hội nhập quốc tế là sự tham gia vào quá trình quốc tế hoá, toàn cầu hoá; hội nhập quốc tế là sự liên kết các quốc gia thông qua việc phát triển giao lưu thương mại, đầu tư, thông tin, du lịch… từ đó hình thành các cộng đồng an ninh (hợp nhất hay liên bang); hội nhập quốc tế chính là hiện tượng (hoặc hành vi) các nước mở rộng và làm sâu sắc hoá quan hệ hợp tác với nhau trên cơ sở phân công lao động quốc tế có chủ đích. Theo nghĩa rộng, hội nhập quốc tế là tiến trình các nước chủ động tăng cường các hoạt động gắn kết với nhau dựa trên sự chia sẻ chung về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế.

Đứng trên góc độ nhà nước, hội nhập quốc tế là quá trình một quốc gia tham gia các hoạt động chung của cộng đồng quốc tế theo các nguyên tắc, chuẩn mực mà cộng đồng quốc tế thừa nhận. Hội nhập quốc tế là yêu cầu có tính khách quan, theo đó các quốc gia tham gia các hoạt động của đời sống quốc tế trên hầu hết các lĩnh vực và ở các mức độ khác nhau do tác động của quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Nhưng việc lựa chọn lĩnh vực, mức độ và lộ trình hội nhập lại là quyết định chủ quan của từng quốc gia phù hợp với lợi ích và hoàn cảnh cụ thể mình. Theo cách hiểu này, hội nhập quốc tế là hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế, là quá trình chủ động chấp nhận, áp dụng và tham gia xây dựng các luật lệ và chuẩn mực quốc tế nhằm phục vụ

tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc [109].

Từ những cách tiếp cận trên, có thể khái quát về hội nhập quốc tế với những đặc điểm sau:

Một là, hội nhập quốc tế là một quá trình phát triển của xã hội. Quá trình này là kết quả của sự mở rộng giao lưu hợp tác không ngừng của các quốc gia trên nhiều lĩnh vực nhờ những thành tựu phát triển của kinh tế nhất là sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, của khoa học và công nghệ hiện đại, nhờ của quá trình phân công lao động và chuyên môn hoá ngày càng cao trong nền sản xuất toàn cầu.

Hai là, hội nhập quốc tế là một quy luật khách quan, là kết quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là quá trình mở rộng sản xuất đòi hỏi của các quốc gia phải liên kết, liên minh trong các mối quan hệ quốc tế, thiết lập và hình thành các tổ chức quốc tế nhằm đạt được những mục tiêu phát triển và lợi ích của từng quốc gia.

Ba là, hội nhập quốc tế diễn ra trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, đến an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội... hoặc đồng thời diễn ra trên nhiều lĩnh vực với tính chất, qui mô, phạm vi và hình thức khác nhau. Nội dung hội nhập quốc tế được phân chia theo các lĩnh vực cụ thể như sau:

Hội nhập chính trị là quá trình các nước gia nhập và tham gia tự nguyện vào các tổ chức chính trị nào đó có thể là đa phương hoặc song phương dựa trên các nguyên tắc, luật chơi chung thống nhất nhằm chia sẻ lợi ích, nguồn lực, quyền lợi, mục tiêu phát triển chung về chính trị và quyền lực của mỗi quốc gia thành viên. Các quốc gia tiến hành hội nhập chính trị thông qua cơ chế đàm phán, ký hiệp ước, thiết lập các mối liên kết chung có quy mô trong khu vực hoặc trên toàn cầu theo các mức độ hợp tác khác nhau (quan hệ đặc biệt, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược lĩnh vực). Ví dụ: ASEAN, EU, Liên Hiệp quốc, Quan hệ Việt – Lào, Quan hệ Việt –

Nga, Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ…

Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình các quốc gia tự nguyện tham gia, gắn kết nền kinh tế trong nước với kinh tế khu vực và thế giới thông qua các nỗ lực thực hiện mở cửa và thúc đẩy tự do hoá kinh tế (thương mại, tài chính, dịch vụ…), xoá bỏ các rào cản, giảm thiểu sự khác biệt và trở thành bộ phận của nền kinh tế toàn cầu nhằm tranh thủ các nhân tố và điều kiện cho phát triển theo những mục tiêu, lộ trình, cách thức hội nhập cụ thể ở những phạm vi (khu vực, toàn cầu), cấp độ khác nhau (song phương, đa phương) dựa trên điều kiện thực tế của từng quốc gia. Ví dụ: WTO, Cộng đồng kinh tế ASEAN, FTA, TPP, APEC, ASEM, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, Liên minh thuế quan CU…

Hội nhập an ninh - quốc phòng là sự tham gia của một quốc gia vào khối liên minh quân sự quốc phòng với các quốc gia khác trong khu vực hoặc trên thế giới nhằm mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh. Quá trình liên kết này dựa trên sự thỏa thuận song phương hoặc đa phương về an ninh - quốc phòng bằng các nguyên tắc và hoạt động chung thống nhất theo những mức độ liên kết khác nhau (hợp tác, liên minh, đồng minh). Ví du: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO, Tổ chức hợp tác Thượng Hải – SCO, Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á – SEATO

Hội nhập về văn hóa - xã hội là quá trình các quốc gia tham gia vào các tổ chức hợp tác và phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội… hướng tới xây dựng một cộng đồng văn hóa - xã hội rộng lớn trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Quá trình này giúp các quốc gia ngày càng gần gũi và chia sẻ với nhau nhiều hơn về các giá trị văn hoá xã hội, tạo ra sự hài hòa và thống nhất trong các chính sách xã hội của từng nước thành viên, đồng thời tạo điều kiện để người dân mỗi nước được thụ hưởng tốt hơn các giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại, các phúc lợi xã hội đa dạng, hình thành và gắn kết tình cảm công dân trong khu vực và trên toàn cầu. Ví dụ: Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN, UNESCO, WHO, UNICEF, UNDP…

Bốn là, hội nhập quốc tế của các quốc gia khác nhau trong thời đại ngày nay thường không diễn ra đồng thời. Có quốc gia hội nhập sớm có quốc gia hội nhập muộn hơn. Có quốc gia hội nhập nhiều mặt, có quốc gia chỉ hội nhập một số mặt nào đó. Lộ trình của quá trình hội nhập cũng khác nhau. Điều này phụ thuộc vào những điều kiện khách quan và chủ quan của mỗi nước, trong đó chủ yếu phụ thuộc vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đổi mới chính trị trong điều kiện hội nhập quốc tế của việt nam hiện nay001 (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)