Nhân tố bên ngoài

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đổi mới chính trị trong điều kiện hội nhập quốc tế của việt nam hiện nay001 (Trang 63 - 65)

1.3.3 .Những vấn đề luận án sẽ tiếp tục làm sáng tỏ

2.3. Những vấn đề cơ bản của đổi mới chính trị trong điều kiện hội nhập

2.3.1.1. Nhân tố bên ngoài

Thế giới ngày nay chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các xu thế quốc tế như toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp, kinh tế tri thức, xã hội thông tin…; sự gia tăng của các cơ chế cạnh tranh và hợp tác; sự thiết lập các quan hệ song phương và đa phương trong quan hệ quốc tế. Chính những xu thế này đã và đang lôi cuốn mạnh mẽ sự tham gia của tất cả các cá nhân, tổ chức, xã hội, nhà nước và dân tộc trên thế giới. Trong cuộc chơi đó, có rất nhiều cơ hội phát triển được mở ra, song cũng chứa đựng không ít những thách thức phải đối mặt, vượt qua, thậm chí là đánh đổi bằng được - mất. Việc chấp nhận cuộc chơi và luật chơi trong thế giới toàn cầu là chấp nhận một cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng và cần quyết tâm lớn. Và việc khai thác được lợi ích đến đâu, hạn chế các bất lợi như thế nào lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là năng lực của mỗi nước, bao gồm việc xây dựng chiến lược, đường lối, đề ra các chính sách, biện pháp và tổ chức thực hiện.

Với tinh thần chủ động và sáng tạo, Việt Nam đã tranh thủ khai thác nhiều thời cơ thuận lợi đến từ bên ngoài, từ đó gặt hái được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực trong đó có chính trị. Tuy nhiên, những xu thế quốc tế cũng đặt ra nhiều vấn đề mới, bức thiết đòi hỏi nước ta phải đẩy mạnh quá trình đổi mới nói chung và đổi mới chính trị nói riêng nhằm tạo ra những bứt phá trong tư duy và thực tiễn chính trị. Đây cũng chính là việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để Việt Nam có thể vượt qua mọi rào cản, khác biệt về chính trị và từng bước khẳng định được vị thế chính trị trên trường quốc tế.

Cụ thể, trên cơ sở tranh thủ những thời cơ thuận lợi đến từ các xu thế phát triển của thế giới hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể nắm bắt xu thế phát triển, tạo điều kiện để nhanh chóng tự đổi mới và trưởng thành trong đổi mới về tư duy lý luận, nâng cao trình độ lý luận đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đổi mới; xoá bỏ tình trạng giáo điều lý luận, khắc phục sự trì trệ, lạc hậu, lão hoá về tư duy chính trị, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội; làm mới những giá trị truyền thống, tạo ra những cái mới, tiến bộ, tích cực trong tư duy lý luận; cũng như nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, năng lực lãnh đạo và bản lĩnh cầm quyền của Đảng. Đồng thời, Đảng có cơ hội học tập những bài học kinh nghiệm của các nước đi trước, tránh được những vấp váp thất bại mà các nước đã mắc phải, rút ngắn được thời gian mò mẫm đường lối phát triển, từ đó phát triển, bổ sung, làm phong phú thêm đường lối đổi mới cho phù hợp hơn với xu thế thời đại. Đối với nhà nước đó là cơ hội để thể hiện vai trò kiến tạo, hành động trong điều hành và quản trị nhà nước; tiến hành cải cách thể chế kinh tế, thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy xây dựng một xã hội mở, dân chủ hơn và một nhà nước pháp quyền; tạo điều kiện để Việt Nam tìm cho mình một vị trí thích hợp trong trật tự quốc tế, giúp tăng cường uy tín và vị thế quốc tế, cũng như khả năng duy trì an ninh, hòa bình và ổn định để tập trung cho phát triển; mở ra khả năng phối hợp các nỗ lực và nguồn lực với quốc tế trong giải quyết những vấn đề quan tâm chung của khu vực và thế giới.

Đồng thời việc đối phó với những thách thức đến từ các xu thế quốc tế là phải vượt qua được bốn nguy cơ lớn, bao gồm: lạc hậu và tụt hậu ngày càng xa hơn, chệch hướng XHCN, quan liêu – tham nhũng và diễn biến hoà bình của chủ nghĩa đế quốc. Trong đó, lạc hậu và tụt hậu ngày càng xa hơn là thách thức đáng sợ nhất. Để đạt được mục tiêu CNXH và đi lên CNXH thì Đảng Cộng sản

Việt Nam phải vượt qua thách thức lạc hậu, tụt hậu về tư duy lý luận chính trị. Điều này đúng như V.I.Lênin từng cảnh báo không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản. Thách thức chệch hướng XHCN là mất phương hướng chính trị, chệch hướng về tư tưởng, tư duy lý luận chính trị trong xác định mục tiêu, bản chất của CNXH và con đường đi lên CNXH. Thách thức quan liêu – tham nhũng là biểu hiện của nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, lợi ích nhóm, bè phái, cánh hẩu… Nếu không đánh bại được những tư tưởng sai lệch, ích kỷ này trong đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ làm suy yếu tổ chức Đảng và không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, đòi hỏi phải cải cách thể chế, chính sách, pháp luật và đổi mới hệ thống chính trị. Thách thức diễn biến hoà bình của chủ nghĩa đế quốc là những âm mưu, thủ đoạn diễn biến hoà bình của chủ nghĩa đế quốc bên ngoài luôn muốn tìm cách thâm nhập vào bên trong nội bộ chính trị nước ta để chuyển thành hình thức tự diễn biến hoà bình. Để vượt qua được thách thức này, trước hết đòi hỏi Đảng phải có tư duy lý luận sáng suốt, có nhãn quan chính trị nhạy bén, nắm bắt tình hình kịp thời và đưa ra những quyết sách đúng đắn để bảo vệ nền độc lập dân tộc; đồng thời đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng đồng lòng, đồng sức, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đánh bại mọi mưu đồ thâm độc của các thế lực thù địch bên ngoài.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đổi mới chính trị trong điều kiện hội nhập quốc tế của việt nam hiện nay001 (Trang 63 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)