1.3.3 .Những vấn đề luận án sẽ tiếp tục làm sáng tỏ
3.1. Khái quát về quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam
3.1.2. Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam
Trước năm 1986, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam được đánh dấu bởi 3 mốc quan trọng, đó là trở thành thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ (1970), thành viên của Phong trào Không liên kết (1976) và thành viên của Liên Hiệp quốc (1977). Tuy nhiên giai đoạn này, Việt Nam chủ yếu có quan hệ thường xuyên với khối Hội đồng tương trợ kinh tế SEV thuộc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Từ năm 1986, ngay sau khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế; tăng cường trao đổi thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, ký kết nhiều hiệp định song phương, đa phương. Dưới đây là một số dấu mốc hội nhập quốc tế tiêu biểu của Việt Nam từ năm 1986 đến nay:
- Tháng 10/1993, Việt Nam đã thiết lập quan hệ bình thường với Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Các nhà tài trợ quốc tế thông qua Câu lạc bộ Paris và Câu lạc bộ London đã cam kết cho Việt Nam vay ưu đãi và thảo luận việc xóa các khoản nợ cho Việt Nam.
Tháng 10/1994, Việt Nam gửi đơn xin gia nhập ASEAN và tháng 7/1995 Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của ASEAN, chấp nhận các nguyên tắc, quy định của tổ chức kinh tế khu vực này.
Tháng 12/1994 Việt Nam đã gửi đơn xin gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tháng 01/1995 WTO chính thức nhận đơn xin gia nhập của Việt Nam để tiến hành đàm phán cụ thể. Ngày 7/11/2006 Việt Nam được kết
nạp vào WTO và ngày 07/1/2007 chính thức có hiệu lực công nhận Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới, đánh dấu kết thúc quá trình 11 năm đàm phán song phương và đa phương.
Ngày 11/7/1995, Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. Tháng 6/1996 Việt Nam gia nhập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM). Tháng 11/1998 Việt Nam đã chính thức được kết nạp và trở thành thành viên APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương).
Ngày 13/7/2000 đại diện Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký hiệp định thương mại song phương (BTA) tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, đi vào chiều sâu và toàn diện trên tất cả các mặt, các lĩnh vực và đa dạng hoá các hình thức hợp tác. Về chính trị, ngoại giao: Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, trong quan hệ hợp tác song phương hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 nước thuộc tất cả châu lục và có quan hệ bình thường với tất cả nước lớn, trong đó có 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5), các nước trong nhóm G8; nâng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược toàn diện, gia tăng nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược với Nga, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Tây Ban Nha. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước; quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước; quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước; quan hệ đặc biệt với 3 nước là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương Quốc Campuchia và Cộng hòa Cuba. Số lượng các cơ quan đại diện của nước ta ở nước ngoài tăng lên 91 cơ quan với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế, 1 văn phòng kinh tế văn hóa.
Trong quan hệ hợp tác đa phương và khu vực, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp quốc, thành viên có vai trò nhất định của Hiệp hội các
quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Quốc hội Việt Nam là thành viên Liên minh Nghị viện thế giới (IPA). Trong đó, nước ta từng đảm nhận vị trí Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, sắp tới là nhiệm kỳ 2020-2021; Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc (2014-2016); là Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017; là Chủ tịch ASEAN năm 2010 và sắp tới là năm 2020... Trên mỗi cương vị, Việt Nam luôn đảm nhận tốt vai trò, trách nhiệm của mình và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Về kinh tế: Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy lên một tầm cao mới, đến nay, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ; có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như ADB, IMF, WB; là thành viên của các tổ chức kinh tế - thương mại lớn trong khu vực và trên thế giới như WTO, APEC, ASEM, ASEAN; và ký kết nhiều hiệp định hợp tác kinh tế đa phương, song phương. Việt Nam đã ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương; gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần; 10 hiệp định thương mại tự do (FTA); 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); và đang tiếp tục đàm phán thêm 3 FTA nữa với ASEAN– Hồng Kông (Trung Quốc), với Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA), với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những kết quả trong hội nhập kinh tế đã giúp Việt Nam thu hút hiệu quả 3 nguồn lực quốc tế lớn là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn kiều hối. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư, kể từ khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào năm 1993 đến tháng 6/2017, Việt Nam đã ký kết các khoản vay và viện trợ không hoàn lại có giá trị khoảng 82,61 tỷ USD (trong đó vốn vay là 74,92 tỷ USD). Hiện nay có khoảng 60 nhà tài trợ lớn cho Việt Nam bao gồm cả nhà tài trợ song phương và đa phương, ngoài các nhà tài trợ
lớn Việt Nam còn nhận được ODA từ hơn 600 tổ chức phi Chính phủ. Tính đến 20/12/2017 cả nước có 24.748 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng số vốn FDI đăng ký là 318.72 tỷ USD, vốn thực hiện là 172.35 tỷ USD. Về nguồn kiều hối, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, năm 2017 Việt Nam đứng thứ 10 trong số các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới với 13,8 tỷ USD. (Nguồn tổng hợp từ các kết quả báo cáo của Chính phủ).
Về văn hoá, xã hội: Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, ASEAN, Liên Hiệp quốc…
Về quốc phòng, an ninh: Ở cấp độ song phương, Việt Nam có quan hệ quốc phòng với 80 nước, bao gồm cả các cường quốc trên thế giới; thiết lập tùy viên quốc phòng Việt Nam tại 32 nước và có 45 nước thiết lập tùy viên quốc phòng hoặc kiêm nhiệm tại Việt Nam. Ở cấp độ đa phương, Việt Nam gia nhập Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), ADMM+…
(Nguồn báo cáo hoạt động đối ngoại quốc phòng của Bộ Quốc phòng).
Mặc dù Việt Nam đã tiến khá xa trên con đường hội nhập nhưng kết quả hội nhập quốc tế của nước ta vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Mức độ gắn kết trên các mặt giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế còn khiêm tốn, và có khoảng cách nhất định Trong phần lớn các lĩnh vực, nhất là về an ninh, quốc phòng, hội nhập của nước ta mới ở giai đoạn ban đầu. Công việc chính trong quá trình hội nhập quốc tế của nước ta vẫn là thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó chủ yếu là các cam kết thực hiện những chuẩn mực mà chúng ta đã chấp nhận khi gia nhập. Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói nhất định trong hợp tác quốc tế, chưa thể hiện được nhiều vai trò chủ động đề xuất và ra quyết định trong tham vấn hay giải quyết các vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới.
Như vậy, hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức. Thực tiễn của quá
trình hội nhập quốc tế chính là cơ sở, động lực, điều kiện để công cuộc đổi mới chính trị ở nước ta có những điều chỉnh phù hợp nhằm khai thác được các lợi thế có được, cũng như vượt qua được các bất lợi đến từ hội nhập quốc tế. Cụ thể, từ những thành tựu đạt được và hạn chế trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam cho thấy, chúng ta cần phải tỉnh táo, khôn khéo và linh hoạt trong việc xử lý tính hai mặt của hội nhập để từ đó đề ra kế hoạch và lộ trình hợp lý, phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, đáp ứng được các quy định của các tổ chức quốc tế mà nước ta tham gia ký kết, tranh thủ những ưu đãi dành cho các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh quốc phòng, thông qua hội nhập để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, nhằm củng cố chủ quyền và an ninh đất nước.