Động viên, khơi dậy và đề cao trách nhiệm của thanh niên trước vận mệnh dân tộc là yêu cầu cấp thiết của cách mạng Việt Nam

Một phần của tài liệu Đề tài vai trò thanh niên và sự vận dụng (Trang 33 - 37)

trước vận mệnh dân tộc là yêu cầu cấp thiết của cách mạng Việt Nam

Sớm có cách nhìn toàn diện, vượt trước những người đương thời Hồ Chí Minh không chỉ đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ, coi họ là người kế tục sự nghiệp của cha ông mà còn chỉ ra những hạn chế của thanh niên. Từ đó, Hồ Chí Minh chú ý đến việc bồi dưỡng về lý tưởng cách mạng, đạo đức, khoa học kỹ thuật, phương pháp cách mạng, ý thức tổ chức để họ trở thành con người toàn diện, có đức có tài trước khi đưa họ ra đấu tranh cách mạng. Trước khi đi xa, trong Di chúc, Hồ Chí Minh dặn lại Đảng ta: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên” [39, tr.612]. Nếu không giáo dục đạo đức cho các thế hệ sau được tốt thì họ có thể không kế tục được sự nghiệp cách mạng thế hệ trước để lại. Vì vậy, Hồ Chí Minh nêu ra luận điểm mang tính chân lý sâu sắc là “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” [39, tr.612]. Người coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược để bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp lâu dài, đầy khó khăn, thử thách của nhiều thế hệ. Các thế hệ cha anh đi trước đã đấu tranh và lao động, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho các thế hệ sau. Tre già, măng mọc, thế hệ sau kế tục sự nghiệp của thế hệ trước, đưa đất nước phát triển đi lên theo con đường cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân tộc đã lựa chọn. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” là một qui luật của cách mạng, của sự vận động lịch sử và quan tâm giáo dục đào tạo thế hệ trẻ là chính là thực hiện theo qui luật khách quan nhằm đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước không ngừng phát triển. Đây là điều mà Hồ Chí Minh đã sớm ý thức rõ và luôn chăm lo thực hiện.

Hồ Chí Minh cũng khẳng định bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là công việc hết sức công phu, bền bỉ. Người coi giáo dục đào tạo, rèn luyện thế hệ trẻ là sự nghiệp “trồng người”. Người nêu tư tưởng chiến lược: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” [35, tr.528]. Hơn nữa, việc trồng người ngoài nhiệm vụ quan trọng phục vụ cho lợi ích cách mạng, còn phải đạt được mục tiêu sâu xa hơn là để mỗi con người tự hoàn thiện mình vươn tới chân - thiện - mỹ. Đó chính là nhân tố then chốt quyết định sự thành công của cách mạng, sự tiến bộ của xã hội và tiền đồ của dân tộc. Người động viên thanh niên ra sức học tập: “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế mà số đông thanh niên công nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức” [38, tr.90]. Người cũng chủ trương phải giáo dục thanh niên một cách toàn diện: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất” [36, tr.647]. Bên cạnh đó cũng phải coi trọng việc giáo dục truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Người nhắc nhở cán bộ và đảng viên lâu năm không nên có thái độ ích kỷ, gia trưởng đối với thế hệ trẻ mà ngược lại phải đào tạo thanh niên cho họ hơn mình mới là đúng: “Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt” [37, tr.274]. Đó là quan điểm đúng đắn, hợp qui luật, hợp truyền thống dân tộc “tre già măng mọc”, về quan điểm “con hơn cha là nhà có phúc” và sự phát triển đi lên liên tục của xã hội loài người. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cấp bộ Đảng phải làm tốt công tác thanh niên, chỳ ý đến việc phát triển đảng viên trẻ tuổi nhằm tăng sinh lực cho Đảng, bảo đảm sự kế thừa giữa các thế hệ và tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên trưởng thành. Người đòi hỏi sự cống hiến lớn của tuổi trẻ đồng thời cũng đề nghị Đảng và Chính phủ cần quan tâm đến những lợi ích chính đáng của thanh niên. Theo Người, sự quan tâm phải thể hiện một cách thiết thực từ việc nắm

bắt nhu cầu, nguyện vọng, xu hướng của thanh niên đến việc giáo dục đào tạo và bồi dưỡng họ. Hồ Chí Minh có quan điểm rất đúng đắn rằng: Muốn phát huy vai trò của thanh niên trước tiên Đảng và Nhà nước phải đề ra đường lối chủ trương, chính sách đúng đắn. Đường lối lãnh đạo của Đảng, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân và tuổi trẻ sẽ có sức thu hút lớn sự ủng hộ của thanh niên tham gia hành động cách mạng một cách tự giác.

Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hiểu tiềm năng vô cùng to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam nhưng để hiện thực hóa các tiềm năng đó thì là một công việc không hề đơn giản. Người nói: “Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết họp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ” [32, tr.331]. Từ đó, Người chủ trương đoàn kết, tập hợp thanh niên, đồng thời là người trực tiếp tổ chức, giáo dục, động viên thanh niên phải là Đoàn Thanh niên Cộng sản. Vì vậy, ngay sau khi thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1925, Người đã xúc tiến ngay việc chuẩn bị cho sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản: “Hội đã chọn tám em Việt kiều ở Xiêm đưa sang Quảng Châu để bồi dưỡng thành hạt nhân của Đoàn Thanh niên sau này. Trong số các em đó có Lý Tự Trọng về sau là đoàn viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản đã oanh liệt đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng” [39, tr.76].

Công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ thể hiện ở việc sáng lập, rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản - đội tiên phong chính trị của tuổi trẻ mà còn ở việc Người luôn quan tâm dìu dắt phong trào thanh niên và các tổ chức của thanh niên ngày càng lớn mạnh. Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp đoàn kết thanh niên, thông qua phong trào hành động cách mạng là nhằm tạo cho tuổi trẻ cơ hội phát huy mọi tiềm năng đang ẩn chứa bên trong thành hành động làm nên những điều kỳ diệu đồng thời

phong trào cách mạng tự bản thân nó có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với thanh niên và đó là môi trường để thanh niên nhanh chóng trưởng thành.

* * *

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng của Người và là một trong những di sản vô giá mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên có giá trị và ý nghĩa to lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn. Nội dung chương 1 đã nghiên cứu và đưa ra khái niệm cơ bản về thanh niên trong tư tưởng của Người, đồng thời luận giải cơ sở hình thành và nội dung cơ bản trong tư tưởng của Người về thanh niên.

Việc nghiên cứu và học tập tư tưởng của Người về vai trò của thanh niên là vấn đề hết sức cần thiết; đây là cơ sở lý luận hết sức quan trọng cho việc vận dụng tư tưởng của Người vào thực tiễn hoạt động công tác tại đơn vị; đồng thời việc nghiên cứu, học tập còn làm cho những giá trị trong tư tưởng của Người từng bước thấm sâu vào mọi suy nghĩ, mọi hành động của người cán bộ, đảng viên, thanh niên và quần chúng, bảo đảm cho đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Chương 2

Một phần của tài liệu Đề tài vai trò thanh niên và sự vận dụng (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(60 trang)
w