- Vấn đề đặt ra cần đảm bảo tính chân thực, đương nhiên có thể đơn giản hoá vì lý do sư phạm trong trường hợp cần
B a b
2.5.1. Tạo tiền đề xuất phát
Tiền đề xuất phát ở đây muốn nói tới trình độ, tới những điều kiện ở người học sinh tại thời điểm xuất phát của một quá trình dạy học. Những điều kiện này rất đa dạng, chúng không phải chỉ bao gồm tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mà còn cả thái độ, hành vi, thói quen, niềm tin cùng những đặc điểm nhân cách khác nữa.
Trong dạy học, người thầy giáo cần căn cứ vào những điều kiện có sẵn và tạo nên những tiền đề xuất phát cần thiêt để đạt được những mục đích đặt ra. Những suy nghĩ về mặt này cần hướng tới toàn bộ một nội dung nào đó, có khi là một lĩnh vực rộng lớn chứ không phải chỉ hạn chế ở từng tiết học riêng lẻ.
Có thể tập hợp những tiền đề xuất phát thành ba nhóm:
- Những tiền đề chung: Đó là những phẩm chất nhân cách không đặc thù đối với nội dung đang xét, thậm chí không phải là đặc thù đối với môn Tin. Thuộc nhóm này có thể kể: Kỹ năng đọc, ý thức kỷ luật, tinh thần thái độ học tập...
- Những tiền đề Tin học: Đó là những điều kiện cần thiết, tuy điển hình đối với môn Tin nhưng không phải là đặc thù đối với nội dung đang xét, chẳng hạn như trình độ suy diễn lôgic, thái độ đối với môn Tin...
- Những tiền đề đặc thù: Đó là những điều kiện về tri thức, kỹ năng đặc thù đối với nội dung đang xét.
Đương nhiên, trong dạy học ta phải đảm bảo những điều kiện thuộc cả ba nhóm nói trên, nhưng khi nói tới “tạo tiền đề xuất phát” với tư cách là một chức năng điều hành quá trình dạy học, ta chỉ đi sâu vào nhóm thứ ba.
Việc tạo tiền đề xuất phát thường được tiến hành theo quy trình sau:
Trước hết, giáo viên phải nắm nội dung và khối lượng tri thức, kỹ năng cần thiết như những tiến đề xuất phát. Muốn vậy, điều quan trọng là cần phải nghiên cứu những tài liệu chỉ đạo trung ương: giải thích chương trình sách giáo khoa, sách giáo viên.
Thứ hai, giáo viên cần biết những tri thức và kỹ năng cần thiết đã có sẵn ở học sinh tới mức độ nào. Điều này có thể được thực hiện nhờ quá trình theo dõi từ trước hoặc bằng biện pháp kiểm tra.
Thứ ba là cho tái hiện những tri thức và kỹ năng cần thiết. Việc tái hiện có thể được thực hiện theo hai cách:
- Tái hiện tường minh, tức là giáo viên cho học sinh ôn tập những tri thức, kỹ năng cần thiết một cách tường minh trước khi dạy nội dung mới.
- Tái hiện ẩn tàng, tức là những tri thức, kỹ năng cần thiết được tái hiện ở những lúc thích hợp, trong mối liên quan với từng nội dung mới chứ không thành một pha tách biệt.
Tái hiện tường minh được dùng nhiều ở đối tượng học sinh yếu kém và ở những lớp dưới, còn tái hiện ẩn tàng hay được sử dụng ở học sinh khá giỏi và ở những lớp trên. Tuy nhiên, nhìn chung ta nên phối hợp cả hai cách tái hiện.
Tóm lại, tạo tiền đề xuất phát là một điều kiện quyết định thành công của việc dạy học Tin. Bằng cách tái hiện thích hợp, người thầy giáo cần chú ý thiết lập những tiền đề chung, những tiền đề Tin học lẫn tri thức, kỹ năng đặc thù cho chủ đề cần dạy.