Nhân vật thứ nhất

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghi lễ cắt giải tiền duyên trong lên đồng của đạo mẫu ở Việt Nam ( Qua nghiên cứu thực tế tại Phủ Dày - Xã Kim Thái - Huyện Vụ Bản - Tỉnh Nam Định ) (Trang 62 - 68)

3.2 Nguyên nhân tiến hành nghi lễ cùng tâm tư, nguyện vọng của ngườ

3.2.1 Nhân vật thứ nhất

Người phụ nữ ấy có tên là Q.H, một phụ nữ rất xinh đẹp đầy quyến rũ. Q.H là một kế toán trưởng trong một cơ quan lớn ở Hà Nội. Năm nay cô 32 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình bố mẹ đều làm công nhân viên chức ở Nam Định. Gia đình cô có bốn người gồm bố mẹ, anh trai và cô. Cha cô là người rất có năng lực nhưng lạnh lùng. Ông ít khi biểu lộ tình cảm của mình. Cô còn nhớ thường thường tình cảm mà ông biểu lộ ra là những cơn thịnh nộ, tức giận. Khi đó ông mất bình tĩnh và la lối om sòm, nhiều lúc còn đánh đập anh trai cô. Còn cô chỉ bị mắng chửi nhưng nó lại làm cô tổn thương hơn nhiều. Tận trong tim, cô còn mang nặng vết thương lòng của thời thơ ấu. Hình tượng riêng của cô bị phá hủy bởi những lời châm biếm và lên án của cha cô. Niềm đau buốt này phủ lên trái tim cô. Cô cảm thấy bị tổn thương và theo cách nào đó, cô thấy mình bị nhiều khuyết điểm. Cô lo sợ người khác nhất là đàn ông nhìn thấy những khuyết điểm đó. May mắn thay sự bùng phát của cha cô không thường xuyên. Ông rút lui về lại ngay cách sống lạnh lùng như bản chất con người ông.

Mẹ cô là người có có cá tính độc lập và cấp tiến. Bà yêu thương cô hết mực. Trong gia đình bà luôn là người ủng hộ những quyết định của cô. Vì con cái bà chọn cuộc sống thầm lặng bên chồng và miễn cưỡng tha thứ cho bản tính khó ưa của chồng để con cái có một gia đình trọn vẹn. Bà là người điều hòa mối quan hệ giữa chồng và con cái. Chỉ có mẹ mới khiến cô thấy yêu gia đình mình. Khi Q.H 18 tuổi, cô đỗ khoa kinh tế của một trường đại học trên Hà Nội. Cô rời xa gia đình bước vào cuộc sống tự lập. Mẹ lúc này ở xa cô nhưng bà luôn theo dõi từng bước đi của cô, chia sẻ với cô những khó khăn trong cuộc sống với mong muốn trở thành một người

bạn tâm giao. Có lẽ do vậy nên trong 4 năm đại học gia đình vẫn là nơi cô mong trở về nhất trong những ngày nghỉ.

Khi tốt nghiệp đại học, cô ở lại Hà Nội làm việc và sống luôn tại đây. Do tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi cô đã nhanh chóng có một việc làm ổn định với thu nhập khá cao. Nhưng công việc quá nhiều và những mối quan hệ làm cho cô lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng. Rồi tai họa bất ngờ giáng xuống đó là sự ra đi đột ngột của mẹ cô sau một cơn bạo bệnh. Trước khi mất, chuyện tình cảm của cô chính là nỗi lo lắng thường trực của bà. Vì thế khi bà mất đi, cô luôn ở trạng thái như mình có lỗi trong cái chết của bà khi đã khiến bà lo lắng quá nhiều.

Cô đã kể với chúng tôi về chuyện tình cảm của mình với giọng đều đều không cảm xúc. Phải chăng gặp thất bại nhiều về tình cảm nên cô không còn cảm giác gì nữa. Mối tình đầu của cô diễn ra trong thời sinh viên. Cô đã yêu say đắm một người thầy trong trường đại học của cô. Nhưng người đó đã không dám công khai vì những lý do riêng. Cô và anh rất yêu nhau, hai người đều có sự hiểu biết và thông cảm cho nhau nhưng anh vẫn không thể công khai tình yêu của cô. Yêu người đó cô có cảm giác rằng tình cảm của họ sẽ kết thúc lặng lẽ chẳng đem lại điều tốt đẹp gì. Và cuối cùng lúc gần ra trường, không thể chờ đợi người đó được mãi cô đã chủ động nói lời chia tay.

Sau khi ra trường 1 năm, cô đã yêu một doanh nhân thành đạt. Cô cảm thấy an toàn, yên ổn trong mối quan hệ này. Nhưng sau một khoảng thời gian cô cảm thấy không còn lực hấp dẫn trong tình yêu này. Tuy nhiên anh ấy lại quá yêu cô đến nỗi sinh ra nhiều hờn ghen vì cô đã không nhiệt tình đáp lại tình cảm như anh mong đợi. Càng ngày quan hệ giữa cô và người yêu càng tồi tệ. Rốt cuộc thì cô cũng từ bỏ mối tình này.

Sau đó ít lâu, qua sự giới thiệu của bạn bè cô gặp một người cùng quê có những điểm chung với cô. Một thời gian dài tìm hiểu, cô đã đồng ý xây dựng gia đình với người này. Mặc dù yêu chồng không sâu đậm lắm nhưng cô vẫn đồng ý lấy vì anh ta là người tốt. Cô nghĩ đơn giản rằng mối quan hệ này sẽ mang lại cho cuộc sống của cô một sự ổn định để mẹ cô an lòng, lúc này sức khỏe của bà cũng không còn được như trước nữa. Trải qua hai mối tình không đi đến đâu cô chỉ muốn lấy người yêu mình hơn lấy người mình yêu. Nhưng niềm đam mê trong một mối quan hệ không thể giả tạo được mà phải có sự tôn trọng và cảm thông. Sức hấp dẫn phải xuất hiện ngay từ buổi ban đầu. Điều này lại hoàn toàn thiếu trong mối quan hệ của vợ chồng cô. Một thời gian chung sống với nhau vợ chồng cô đã có những hố sâu ngăn cách không hàn gắn được. Lỗi không phải thuộc về ai mà nó do cả hai gây ra khi đưa ra một quyết định quá vội vàng cho một cuộc đời. Khi cô phát hiện chồng đang dan díu với người đàn bà khác, một người mang lại cho chồng cô niềm say mê, thích thú cô đành bỏ đi. Cô buồn vì sự đổ vỡ, nhưng lại không buồn vì chuyện ly dị.

Với sự đổ vỡ này, cô âm thầm tuyệt vọng, không còn tin rằng sẽ gặp được người đàn ông đích thực cho đời mình. Cô lao vào công việc, trốn mình trong những con số và đống giấy tờ. Nhưng cô vẫn có ý thức rằng đồng hồ sinh học của cô vẫn còn kêu tích tắc, rồi cô hi vọng sẽ có ngày cô gặp được người đàn ông hoàn hảo của riêng mình. Tuy vậy với một người đã trải qua một lần hôn nhân như cô mà bị tan vỡ cũng không còn tự tin nhiều.

Một khoảng thời gian dài sau đó cô nhốt mình trong sự cô đơn và lạnh lẽo. Cô không tìm thấy sự chia sẻ từ bất kỳ ai bởi mẹ người hiểu cô nhất đã không còn. Cô đã từng tìm đến bác sỹ tâm lý để giúp cô giải tỏa những căng thẳng trong công việc và tìm ra phương pháp trị liệu tích cực

nhất. Nhưng điều này chỉ giúp cô thanh thản được chút nào, trong sâu thẳm trái tim cô dường như có sự đổ vỡ không thể hàn gắn được. Một lần theo bạn bè về quê chơi, cô cùng bạn đến điện thờ của cô đồng N để xem bói. Từ trước đến giờ là một người theo chủ nghĩa hoài nghi cô không tin nhiều vào bói toán. Đây là lần đầu tiên cô đi xem bói chỉ để giải trí xem họ nói về mình thế nào. Tuy nhiên cô đồng N lại nói khá chuẩn về quá khứ, tình cảm, nỗi đau và cả mất mát mà cô đã chịu. Lý do cô đồng N nói về trục trặc trong con đường tình cảm của cô chính là có tiền duyên từ kiếp trước, giờ họ vẫn theo cô, làm cuộc sống cô không hạnh phúc. Muốn ổn định cô phải có lễ cắt giải tiền duyên. Nghe lời khuyên của bạn bè “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” cô đã làm lễ này tại phủ Dầy do đồng thầy N làm.

Tiếp xúc với Q.H chúng tôi nhận thấy cô là người bị tổn thương khá nhiều. Ngày bé cô đã phải chịu những lời mắng vô cớ của một người cha lạnh lùng, nóng tính. Lớn lên khi bước vào tuổi yêu và lập gia đình cô đã nếm vị tan vỡ. Sau cái chết của mẹ, Q.H không có nhiều niềm tin ở tương lai mặc dù trong cô niềm khao khát hạnh phúc đích thực vẫn còn. Vì thế khi làm nghi lễ cắt giải duyên âm này cô mang vị thế là một người đang có bệnh cần “vái tứ phương”. Việc giải quyết bế tắc bằng tôn giáo là con đường cuối cùng mà cô chọn lựa.

Buổi lễ diễn ra với nghi thức cúng phật, dâng sớ của thầy cúng và bài khấn xin phép làm lễ hầu đồng của đồng thầy N. Đến 12h trưa, những nghi lễ này mới xong. Sau đó vào tầm khoảng 1h chiều, đồng thầy N chính thức bước vào hầu đồng. Quả thật Q.H rất lạ lẫm về những nghi lễ này. Trước kia cô cũng có đi lễ đền, chùa nhưng chưa bao giờ xem bất cứ một buổi hầu đồng nào. Cô cảm nhận thấy không khí vừa trang nghiêm nhưng cũng rất tươi vui của buổi lễ.

Được đồng thầy N dặn từ trước và được sự giúp đỡ của những người hầu dâng, giúp việc trong khóa lễ khi đến giá Quan Lớn Tuần Tranh cô đã được làm nghi lễ cắt giải tiền duyên. Theo cô cảm nhận nghi lễ này diễn ra khá nhanh vì nó chỉ là một nghi lễ nhỏ trong buổi đó. Còn các nghi lễ khác thì diễn ra lâu hơn. Bản thân cô sau khi tiến hành xong nghi lễ cũng chưa định hình rõ các bước. Khi đã lễ xong cô được đồng thầy đưa cho mảnh giấy có viết chữ nho, hẹn 3 ngày sau thì đưa trả lại cho đồng thầy.

Khi tôi hỏi tại sao cô lại đồng ý làm nghi lễ cắt giải tiền duyên trong khi bản thân lại là người theo chủ nghĩa hoài nghi? Q.H đã nói những căng thẳng trong cuộc sống được cô giải quyết bằng nhiều cách mà những người có tri thức như cô tìm đến như: đi du lịch, điều trị tâm lý… nhưng nó chỉ tạo cho cô vỏ bọc vui tươi bên ngoài khi đến công sở còn lại tâm hồn cô vẫn cô đơn, buồn bã. Vì thế cô thử tiến hành cách điều trị theo nghi lễ tôn giáo để xem hiệu quả thế nào. Biết đâu đấy mình làm xong nghi lễ này có nhiều niềm vui trong cuộc sống sẽ đến khiến mình yêu đời hơn.

Lúc đồng thầy N tiến hành nghi lễ cắt giải tiền duyên cho mình, cảm giác của cô thế nào? Cô trả lời tôi rằng cảm giác này rất khó cảm nhận. Cũng giống như đi lễ mình phải thành tâm, nhưng bên cạnh không khí trang nghiêm mình vẫn cảm nhận được trong tâm sự vui vẻ. Đó không phải là sự diễu cợt hay bôi bác mà đơn giản chỉ cảm thấy từ nay cuộc đời sẽ có niềm vui nhiều hơn. Cảm xúc này là lần đầu tiên cô có được khi tham gia sinh hoạt tôn giáo. Cô nghĩ là do lần đầu tiên tham gia vào sinh hoạt tôn giáo mới lại có âm thanh, vũ đạo, lời ca khiến những người ngoại đạo như cô cũng cảm thấy vui rất khó diễn tả được cảm xúc đó.

Vậy cô có chê trách gì về buổi lễ không ? Câu trả lời mà chúng tôi nhận được là không có gì phàn nàn cả.

Chúng tôi hỏi cô rằng có hi vọng nghi lễ sẽ mang lại cho hiệu quả cho mình không? Cô trả lời mình tuy không phải là người có đức tin nhưng cô vẫn mong sau khi làm nghi lễ cắt giải tiền duyên mình sẽ gặp may mắn hơn về tình duyên.

Khoảng hơn 6 tháng sau, chúng tôi đã gặp lại Q.H. Cô cho chúng tôi biết, làm nghi lễ cắt giải duyên âm xong cô thấy tâm hồn mình thanh thản hơn. Một người hấp dẫn, có học thức và nghề nghiệp ổn định dù đã trải qua một lần hôn nhân tan vỡ nhưng không thiếu những người đàn ông tử tế đến với cô. Nhưng trước kia cô khép mình trong mọi mối quan hệ với đàn ông thì giờ cô chủ động nói chuyện với họ. Cô thoải mái coi họ như những người bạn, bộc lộ con người thật của mình chứ không khiếp sợ giao tiếp sẽ khiến họ nhận ra thiếu xót của cô như trước kia. Nhiều người bạn gái gặp lại cô cũng thấy cô hoàn toàn thay đổi so với khoảng thời gian trước.

Sau hơn một năm cô đã gặp được một người tâm đầu ý hợp. Đó là một người cùng học phổ thông với cô, cách xa nhau khoảng thời gian dài hai người mới gặp lại nhau trong buổi họp lớp cấp III. Thì ra trong thời phổ thông anh đã thầm yêu cô nhưng vì những mặc cảm trước một người toàn diện như cô nên không dám ngỏ lời. Cô khá bất ngờ trước điều này. Hai người sau đó có nhiều dịp gặp nhau. Càng ngày họ cảm thấy đồng điệu với nhau nên đã nhanh chóng yêu nhau. Cô tin rằng đây chính là người đàn ông hoàn hảo cho cuộc đời mình. Cô thông báo với chúng tôi rằng đầu năm tới hai người sẽ tổ chức hôn lễ. Cô cũng không có dịp quay trở lại cửa điện của đồng thầy N lần nào nữa bởi vì cô cũng không tin nhiều vào tôn giáo. Theo quan điểm của cô mọi việc đều là do bản thân mình quyết định, không thể coi nghi lễ có thể giải quyết được hết mọi chuyện. Nghi lễ mà cô thực hiện có thể chỉ là một chất xúc tác để cô nhận ra mình phải làm mới bản thân mà thôi.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghi lễ cắt giải tiền duyên trong lên đồng của đạo mẫu ở Việt Nam ( Qua nghiên cứu thực tế tại Phủ Dày - Xã Kim Thái - Huyện Vụ Bản - Tỉnh Nam Định ) (Trang 62 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)