3.1 Nghi lễ cắt giải tiền duyên dưới cái nhìn của người đồng thầy
3.1.1 Con đường dẫn đến vai trò đồng thầy
Nhân vật mà chúng tôi muốn nhắc đến là một người phụ nữ có tên N. Cô sinh năm 1963 và từ khi được ăn lộc từ cậu bé Hoàng Thiên, ra đàn mở phủ, xem bói tiên đoán vận hạn cho mọi người cô được những người trong và ngoài giới hầu đồng gọi bằng danh xưng “cậu N”. Con đường số phận đưa cô đến với Đạo Mẫu, làm việc thánh như là một điều tất nhiên không tránh khỏi. Nhìn cô và tiếp xúc với cô, chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy tính cách đặc biệt của những người có căn đồng: hơi loè loẹt, năng động nhiệt tình, sôi nổi nhưng tính khí thất thường dễ thay đổi nói theo ngôn ngữ xưa là “ Sớm nắng chiều mưa” nhưng mang trong mình bản chất tốt đẹp.
Sinh ra tại huyện Mỹ Lộc, thành phố Nam Định trong một gia đình bình dân. Bố mẹ cô nguyên là diễn viên trong đoàn chèo Nam Định, nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc và hai người đã sớm chia tay khi cô được tròn 2 tuổi và một người em gái mới đầy tháng. Cô và người em gái được bố đưa về sống cùng bà nội, còn ông lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên của đất nước trong kháng chiến chống Mỹ. Cả tuổi thơ của mình cô thiếu tình yêu thương mẹ cha. Thế giới tình cảm của cô chỉ có bà nội và người em gái nhỏ. Tuy là con gái nhưng cô rất hiếu động, tham gia tất cả các trò chơi như bắt chim, trèo cây, câu cá, trêu tổ ong… Nhà cô có một khu vườn rất rộng với nhiều cây cối. Cô thường cùng chúng bạn leo trèo bắt chim, hái quả nơi này. Những buổi đi học về cô trèo lên cây sung gần bờ ao ngân nga câu hát “Cành sung mắc võng…” và hái sung ăn thay cơm mà không biết chán. Cô đâu biết câu thơ cô đọc chính là lời trong bài văn chầu cô Chín – một thánh cô của Đạo Mẫu. Cũng chính tại khu vườn này đã để lại cho cô một ký ức mà đến tận bây giờ khi nhớ lại cô cũng không khỏi sợ hãi. Trong một lần bắt chim để chơi cô đã vô tình làm chết
những chú chim non, tiếng kêu của chúng đã trở thành nỗi ám ảnh khiến cô sau này không dám sát sinh một con vật nào.
Ngay từ bé cô N đã rất thích đi lễ chùa và nghe hát chầu văn. Gần nhà cô ở có một ngôi chùa và hàng tháng vào ngày rằm và mùng một cô luôn theo bà đi lễ chùa. Cô kể thích nhất là vào rằm tháng 7 chùa làm lễ xá tội vong nhân. Chùa tổ chức lễ lớn, cầu kinh cả ngày. Vào ngày đó cô thường trốn bà ở trong chùa cả ngày để nghe cầu kinh, chứ không phải giống đứa trẻ khác là vào để tranh lộc. Hoặc thi thoảng tại gian thờ Mẫu trong chùa diễn ra lễ hầu đồng của người nào đó trong làng cô đều đến xem một cách say mê. Cô thường nói với chúng tôi rằng “Hình như lúc đó các ngài đã ảnh vào tôi nhưng tôi không biết mà chỉ coi đó là một ý thích của trẻ con trong khi ở làng không có đứa trẻ nào có ý thích giống tôi cả”.
Năm cô lên 8 tuổi, bố cô đi bộ đội về. Ông lập gia đình riêng và cô lần lượt có thêm em. Nhà lúc này đông người, cô là chị cả gánh vác công việc gia đình khi bố mẹ đi làm vắng nhà. Năm cô lên 12 tuổi bà nội, người gần gũi và yêu cô nhất đã mất. Bố đưa cả gia đình cô lên sinh sống tại phường Hùng Vương, thành phố Nam Định. Cảnh nhà lúc này không còn được như trước, lại là chị cả nên học hết cấp II cô đã nghỉ, dù cô học rất giỏi.
Từ khi nghỉ học, cô xin bố mẹ đi chạy chợ kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Đến năm 18 tuổi, cô trở thành một thiếu nữ đảm đang có tiếng ở xóm lao động nghèo của phường Hùng Vương. Vì thế có rất nhiều chàng trai đến với cô và sau một thời gian tìm hiểu cô đã nhận lời lấy một bộ đội phục viên hơn cô 5 tuổi gần nhà. Cưới nhau, cô cùng chồng dọn về ở cùng bố mẹ chồng trong một căn buồng nhỏ hẹp. Sau 5 năm cô có hai người con gái ngoan ngoãn, xinh xắn. Nhưng cuộc sống lúc này không còn được suôn sẻ như trước. Cô chạy chợ buôn bán mặt hàng thịt bò, chồng cô xuất ngũ
không có công ăn việc làm ổn định phải đi chạy xe ôm với thu nhập bấp bênh. Do đó mọi khoản chi tiêu trong gia đình, chăm lo bố mẹ hai bên, con cái đều trông vào gánh hàng của cô.
Cho đến thời điểm những năm 97, 98 kinh tế gặp khó khăn dẫn đến việc buôn bán của cô không còn đồng ra đồng vào như trước. Nhiều buổi chợ cô chỉ mong hòa vốn chứ không dám lãi. Bạn hàng lại nợ không đòi được trong khi lấy hàng bán phải có tiền mới lấy được. Kinh tế gia đình thực sự lâm vào cảnh nghèo túng vào lúc bố mẹ chồng cô qua đời sau một thời gian dài bệnh tật. Nhưng có lẽ sự chán nản nhất trong cuộc sống gia đình mà cô cảm thấy là việc thay đổi tâm tính của người chồng. Từ một người hiền lành, chịu thương chịu khó chồng cô trở lên cáu gắt, tàn nhẫn, nát rượu. Cô đã tâm sự với chúng tôi về khoảng thời gian này: “Nếu tuổi thơ chỉ có sự thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm của bố mẹ thì đến giờ là sự đầy đọa cả về thể xác và tinh thần. Tôi hiểu rằng là con nhà thánh sẽ vất vả từ tấm bé, biết thì nhẹ nhàng không biết thì nặng như chì. Các ngài cơ đầy đến lúc biết mới thôi”.
3.1.1.2 Bước đầu của việc hầu thánh.
Như bao phụ nữ tỉnh lẻ khác, cô N cũng theo truyền thống gia đình là thờ tổ tiên bên nội, vào ngày tuần tuyết, đầu năm cô cùng chồng và con cái đi lễ chùa, bốc quẻ cầu mong một năm may mắn hạnh phúc. Còn những nghi lễ của Đạo Mẫu như lên đồng, mở phủ, hầu bóng… cô hầu như không biết và không quan hệ với ai trong giới này.
Vào thời điểm cuối năm 98, trong con người cô có sự thay đổi. Về đêm cô thường xuyên nằm mơ thấy mình đi lễ các đền, miếu hay nằm mộng gặp rắn... Trạng thái lúc đó hết sức mơ màng, cô ngủ mà cảm giác như mình đang thức bị ai đó cầm tay lôi đi mọi nơi. Lúc đó cô chỉ nghĩ do mình căng thẳng quá nên bị mơ mộng và bóng đè. Cô đem chuyện giấc mơ
mình kể với chị em bạn bè buôn bán cùng khu chợ. Họ đều khuyên cô đừng lo lắng nhiều về chuyện nhà cửa, chồng con mọi việc rồi đâu sẽ vào đó. Có người còn nghĩ rằng đất nhà cô bị động long mạch nên khuyên cô đi lễ sẽ ổn định thôi. Mọi người khuyên thế nào cô cũng làm theo nhưng không đem lại kết quả gì.
Càng về sau tình trạng này càng tồi tệ. Nếu trước kia trạng thái lửng lơ mộng mị của cô chỉ diễn ra vào ban đêm thì bây giờ nó diễn ra vào ban ngày. Cô không còn tỉnh táo để buôn bán. Có khi cả một gánh hàng cô lấy về vào buổi sáng cô dọn ra bán hết nhưng chiều thu tiền về chẳng đáng là bao do cô cân nhầm hoặc vất tiền lung tung nên bị mất. Tình trạng này diễn ra khiến chồng con và bạn bè nghĩ thần kinh cô có vấn đề. Trong một ngày có những lúc tỉnh táo cô không hiểu sao mình lại rơi vào tình trạng hoảng loạn này.
Cô còn nhớ rõ buổi chiều tháng 4 năm 1999. Cô được người bạn rủ đến cửa điện của một cô đồng tên là T, để làm sớ xin Phật Thánh phù hộ cho gia đình khỏe mạnh và cô đòi được nợ từ các bạn hàng. Vừa bước chân vào cửa điện cô cảm thấy như có luồng điện đi dọc người, thấy ớn lạnh. Người đồng cô tên T đã nói cô có căn đồng nặng phải làm lễ thì mới hết khổ. Đi lễ chùa miếu cô rất thích nhưng nói có căn đồng cô không hiểu là gì và trong bụng không tin. Cô nghe và chỉ để đấy. Sau này cô cũng năng xuống cửa điện đó làm sớ bởi vì mỗi lần kêu Mẫu, làm sớ ở đó bạn hàng cô cũng trả ít tiền. Và trong một lần xuống lễ, cô cảm thấy trong người đổi khác, giọng nói của cô như một đứa trẻ, nói được hiện tại tương lai của những người cũng có mặt trong cửa điện này. Họ đều thấy đúng. Nhưng khi trở lại trạng thái bình thường cô không biết gì, không nhớ những điều mình đã nói cho mọi người. Những người quen đều nói cô được ăn lộc thánh. Cô đi xem ở một số cửa điện khác các bà đồng đều nói cô được cậu
bé Hoàng Thiên chọn làm ghế ngự khi xuống trần làm việc thánh nếu chống đối sẽ bị phạt. Họ đã dạy cô một số bài khấn Mẫu, các quan, cô cậu và dặn cô phải năng lễ.
Ban đầu khi rơi vào trạng thái này cô không hề thích thú chút nào. Cô nghĩ mình đang bình thường sao có thể trở thành đồng bóng được. Nhưng khi cô chống đối lại cô bị phạt như tự tay mình lại tát liên tục vào má hay hai tay cứ ôm lấy gốc cây như kiểu bị trói muốn đi không được. Đến khi cô sám hối kêu Phật thánh và cậu bé Hoàng thiên thì mọi chuyện ổn định. Và rồi khi cô đã tự nguyện làm việc hầu thánh, thì tâm thần cô tỉnh táo lại việc buôn bán cũng thuận lợi hơn trước.
Lúc này một số người biết khi nhập hồn cô có khả năng xem bói về hậu vận, đất đai… nên đã bảo nhau đi đến nhà cô vào buổi chiều (từ hồi bị nhập hồn cô chỉ dám bán hàng buổi sáng). Những người này thừa nhận cô đã nói đúng về gia cảnh và tiên đoán khá chuẩn về vận hạn của họ. Mọi việc cứ thế lan truyền đi cuối cùng cô N ngoài việc buổi sáng bán hàng ngoài chợ thì buổi chiều ở nhà xem bói cho mọi người. Cô xem tự nguyện không lấy tiền của bất kỳ ai. Mọi người từ đó gọi cô là cậu N.
Từ khi bị nhập hồn cô N đã chủ động đi lễ ở các đền, phủ thờ Mẫu và các bóng các giá, gặp gỡ những người có căn và đồng thầy. Cô tham dự đều đặn các lễ hầu đồng trong dịp tháng 3, tháng 8 và tiệc các vị thánh khác trong hàng Tứ phủ. Cuối năm 1999, cô đã tự mình hầu một khóa lễ. Cô cảm thấy mình thoải mái hứng khởi hẳn lên. Từ ngày làm việc cho thánh công việc làm ăn của cô gặp nhiều thuận lợi, người chồng cũng tốt lên, con cái thì ngoan hơn. Lúc này cô nghĩ cuộc đời cô đã được Thánh cứu. Cô đã nghỉ việc kinh doanh ở chợ để toàn tâm toàn ý lo việc “cung tiên cung thánh”.
3.1.1.3 Giai đoạn mới của cuộc đời.
Như đã nói ở trên, cô N là một người có căn đồng, cô lại được thánh cho ăn lộc dù chưa có lễ mở phủ nhưng đã có nhiều con nhang đệ tử là một điều dễ hiểu. Cửa điện do cô lập ra có thờ đầy đủ các bóng, các giá, các tòa thu hút rất nhiều người đến lễ. Nếu ban đầu cô xem cho họ không lấy tiền thì từ khi mở điện người nào đến xem tùy tâm đều bỏ tiền lễ để cô có tiền nhang khói lễ thánh trong các ngày hội lớn. Năm 2003, cô được bà đồng thầy tên là Đ, thủ nhang trong phủ D làm lễ mở phủ cho. Từ đây cô chính thức trở thành một người đồng thầy làm việc Tứ phủ. Cô có thể làm các nghi lễ của Đạo Mẫu như: cắt giải duyên âm, di cung hoán số, mở phủ… cho mọi người. Trước kia cô không làm các lễ này do chưa là đồng thầy không có “ tay ấn tay quyết của thánh” để làm được.
Hiện nay dưới cô có hàng trăm con nhang đệ tử giúp việc cho cô trong các khóa lễ lớn và các buổi hầu. Không biết có phải được ăn lộc thánh khi xem bói cho mọi người cô thấy được những nguyên nhân của trắc trở trong cuộc đời họ, vận hạn sắp đến cô đã làm cho họ các lễ như trình đồng, tiến căn, cắt giải duyên âm, di cung hoán số… Và theo chúng tôi được biết từ thông tin những người đã đi làm lễ, cô làm những lễ này đem lại hiệu quả rõ rệt. Những nghi lễ này đều được cô tiến hành ở các đền to phủ lớn tại Nam Định chứ không hề làm tại cửa điện của cô. Theo như cô giải thích chúng tôi có thể hiểu rằng làm ở nơi đền to phủ lớn sẽ được các Thánh chứng giám tấm lòng và người lễ cũng gặp may mắn hơn. Người trực tiếp làm lễ thánh như cô phải biết giữ lấy tâm, không vì đồng tiền mà làm sai được bởi “Phật từ bi, Thánh một ly cũng chấp”
3.1.2 Tâm tư, nguyện vọng sau khi tiến hành nghi lễ cắt giải tiền duyên của đồng thầy N.
Cô đồng N là một đệ tử của Đạo Mẫu nhưng trong tâm mình cô luôn sống theo quan niệm của Đạo Phật. Cô luôn coi mọi việc đều có nhân quả. Người làm điều tốt sẽ được nhận lại điều tốt và ngược lại. Vì vậy cô thấy việc làm các nghi lễ của Đạo Mẫu nói chung và nghi lễ cắt giải tiền duyên là một việc làm tốt cho mọi người nhằm cho con người sống hạnh phúc trọn vẹn ở kiếp này. Bởi vì là phụ nữ cô hiểu được nỗi khổ của việc trục trặc nhân duyên do đó khi làm cho họ cô đều mong họ sớm có niềm vui. Với người chưa có gia đình thì sớm có người yêu tiến tới hôn nhân, còn với người đã có gia đình sẽ sống trọn đời với chồng con không bị trục trặc gì, có nhiều tài lộc.
Từ khi mở phủ có “tay ấn tay quyết” trong tay cô đã làm lễ cho hàng trăm người chỉ tính riêng trong nghi lễ cắt giải tiền duyên. Khi chúng tôi hỏi cô con số cụ thể cô không thể nêu được bởi vì trong mỗi khóa lễ lớn cô đều tiến hành nghi lễ này cho khoảng gần chục người. Mà một năm cô có biết bao nhiêu lễ. Làm một phép tính đơn giản ta cũng có thể dễ dàng ước lượng được con số người đã làm lễ này trong 10 năm qua. Thử lướt qua những quyển sổ ghi họ tên người đến làm lễ tôi thấy không chỉ có người trong tỉnh Nam Định đến cửa điện của cô mà còn có rất nhiều người ở các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội… đăng ký làm lễ.
Chúng tôi thắc mắc hỏi cô đồng N tại sao có người có duyên âm theo có người lại không, mà chỉ có con gái mới có duyên âm còn con trai rất hiếm gặp?
Khi được hỏi câu này cô đã giải thích khi nhập bóng cậu Hoàng Thiên vào cô mới nhìn thấy họ có duyên âm hay không còn bình thường cô không thể biết được. Việc có duyên âm hay không có duyên âm chính là do tiền kiếp của họ quyết định. Và tại sao con gái lại là đối tượng có duyên âm
theo cô nghĩ do con gái mệnh yếu, nặng lòng về tình cảm hơn người con trai và dễ bị động hơn nên duyên âm chủ yếu là ở con gái.
Từ thực tế như thế chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi những người sau khi làm lễ cắt giải duyên âm do cô N thực hiện có đạt được mơ ước của mình hay họ vẫn gặp những trục trặc về tình duyên như trước kia? Dường như đọc được điều băn khoăn này của chúng tôi cô N đã dẫn ra hàng loạt ví dụ về người này, người kia sau khi cắt giải duyên âm đã sống ra sao. Rất nhiều người sau khi lễ xong vẫn liên lạc với cô. Họ thông báo với cô về cuộc sống của họ và có điều không may gì đó trong cuộc sống họ lại nhờ cô kêu