Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội tại khu vực nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nguồn điện mặt trời tại huyện côn đảo, tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 31 - 33)

1.3. Tổng quan khu vực nghiên cứu

1.3.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội tại khu vực nghiên cứu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam, là cửa ngõ miền Đông Nam Bộ ra biển Đông, thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thủy.

Hình 1.7 - Bản đồ hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích tự nhiên là 1.975,15km2, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Phía Đông giáp Bình Thuận, Phía Tây giáp TP. Hồ Chí Minh và phía Nam giáp Biển Đông. Ranh giới tỉnh được giới hạn từ 10o05’ đến 10o48’ độ vĩ Bắc và 107°00’ đến 107°35’ độ kinh Đông. Dân số tỉnh năm 2018 đạt khoảng 1.112.900 người, mật độ dân số xấp xỉ 562 người/km2.

Bà Rịa - Vũng Tàu bao gồm thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa và 6 huyện là: Tân Thành, Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc và huyện đảo Côn Đảo. Thành phố Vũng Tàu là trung tâm kinh tế, văn hóa và thành phố Bà Rịa là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh. Côn Đảo là một huyện đảo ở phía Đông Nam của Tổ Quốc thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu 187km, cách thành phố Hồ Chí Minh 230km, cách Cần Thơ (cửa Sông Hậu) 83km.

Hình 1.8 - Bản đồ hành chính huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo, diện tích tự nhiên (phần đất liền) khoảng 76km2, trong đó đảo lớn nhất là hòn Côn Sơn, diện tích khoảng 52km2 là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của huyện, dân số khoảng 8.000 người, không có đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Côn Đảo có khu di tích lịch sử cách mạng đặc biệt của Quốc gia - Nghĩa trang hàng dương Côn Đảo là nơi an nghỉ của rất nhiều người con cách mạng kiên trung của Tổ quốc như Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh... Bên cạnh đó, Côn Đảo còn có Vườn Quốc gia Côn Đảo với diện tích gần 20 ngàn hecta, trong đó có gần 6 ngàn hecta rừng, gần 14 ngàn hecta vùng biển bảo tồn đa dạng sinh học và hơn 20 ngàn hecta biển vùng đệm, có nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Điều kiện về tự nhiên, giá trị lịch sử đã đưa Côn Đảo dần trở thành một điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Hàng năm Côn Đảo đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Với bề dày lịch sử và vị trí địa lý đặc biệt, Côn Đảo nhận được rất nhiều sự quan tâm của Trung ương và Tỉnh trong định hướng, chỉ đạo và đầu tư phát triển. Chính quyền, nhân dân Côn Đảo đã và đang tập trung mọi nỗ lực, tích cực phát huy những thuận lợi, đoàn

kết, ra sức khắc phục khó khăn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Du lịch - Dịch vụ - Công nghiệp”, ưu tiên đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng, các loại hình dịch vụ phù hợp làm tiền đề để từng bước phát triển Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, về mặt cung cấp điện, do vị trí địa lý của huyện cách rất xa đất liền, không thể liên kết với lưới điện Quốc gia, do vậy, lưới điện trên địa bàn huyện là lưới điện độc lập. Hiện nay, huyện Côn Đảo đang được cấp điện chủ yếu từ nguồn diesel của 2 nhà máy điện (nhà máy điện Trung tâm và nhà máy điện An Hội) với tổng công suất thiết kế 8,56 MW. Ngoài ra, còn có một trạm năng lượng mặt trời công suất lắp đặt 36 kWp khánh thành năm 2015 và 1 trạm năng lượng mặt trời có công suất 100 KW đưa vào hoạt động cuối năm 2017.

Trong buổi làm việc với công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Giáp - giám đốc công ty cho biết, trong năm 2019 và 2020, theo kế hoạch phát triển lưới điện của tỉnh, khu vực huyện Côn Đảo ngoài việc sẽ được đầu tư thêm nguồn máy phát Diesel thì việc đầu tư nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió để thúc đẩy kinh tế, du lịch vốn đang tăng trưởng rất mạnh tại đây, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho huyện Côn Đảo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nguồn điện mặt trời tại huyện côn đảo, tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 31 - 33)