Chương 1 TỔNG QUAN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1.7. Thảo luận chung
(1) Những phương thức lâm sinh (trồng rừng, chặt tỉa thưa, khai thác gỗ) được xây dựng dựa trên những kiến thức cơ bản về đặc điểm cấu trúc rừng và sinh trưởng của rừng. Hai đặc tính này thay đổi tùy theo loại rừng, điều kiện lập địa và tuổi rừng. Đến nay vẫn còn thiếu những nghiên cứu về sinh trưởng, cấu trúc đối với rừng trồng Keo lai ở những giai đoạn tuổi khác nhau thuộc khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi nghiên cứu về cấu trúc rừng, nhà lâm học thường tập trung làm rõ những đặc trưng thống kê và hình thái đối với phân bố đường kính (N/D) và phân bố chiều cao (N/H). Vì thế, đề tài này cũng mơ tả và xây dựng những mơ hình phân bố N/D và phân bố N/H đối với những cấp tuổi (A, năm) khác nhau của rừng trồng Keo lai.
(2) Những chỉ tiêu kỹ thuật tỉa thưa rừng trồng cũng dựa trên những kiến thức về sự phân hóa và tỉa thưa của rừng. Cấp sinh trưởng cây rừng có thể được phân chia theo phương pháp của Kraft và phương pháp của Zưnkin. Mục đích phân cấp sinh trưởng đối với những cây gỗ hình thành quần thụ thuần loài đồng tuổi là xác định những tiêu chuẩn cây rừng để lại nuôi dưỡng và cây đưa vào chặt tỉa thưa. Những dấu hiệu dùng để phân loại là hình thái và chất lượng thân cây, vị trí tương đối và điều kiện tán lá, sinh lực và năng lực phát triển của cây. Sự tổ hợp những chỉ tiêu này phản ánh khá đầy đủ ý nghĩa của cây gỗ cả về mặt lâm sinh lẫn kinh tế. Vì thế, đề tài này phân cấp sinh trưởng đối với rừng trồng Keo lai để làm cơ sở cho nuôi dưỡng rừng bằng cách tỉa thưa.