Thiết bị chính của trạm đầu cuối bao gồm: - Ăng ten.
- Bộ khuếch đại công suất (BUC-Block Up Converter).
- Bộ khuếch đại tạp âm thấp và hạ tần (LNB-Low Noise Block).
- Bộ nâng/hạ tần: trong trạm mặt đất hiện đại, BUC và LNB kiêm nhiệm chức năng nâng hạ tần. Tín hiệu đầu ra modem là băng L (1- 2GHz) được đưa trực tiếp tới đầu vào BUC, khuếch đại và chuyển tới ăng ten phát lên vệ tinh. Tín hiệu thu từ vệ tinh sau khi qua ăng ten, tới LNB và đưa thẳng tới đầu vào modem để giải điều chế, giải mã để xuất thông tin ra thiết bị đầu cuối người sử dụng.
- Thiết bị tách ghép kênh: đối với hệ thống sử dụng công nghệ IP, thiết bị ghép kênh đầu vào được thay bằng thiết bị chuyển mạch (switch). - Thiết bị đầu cuối giao tiếp người sử dụng: điện thoại, màn hình, máy
tính cá nhân...
- Thiết bị nguồn: UPS
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông, nhiều loại hình trạm mặt đất xuất hiện. Điển hình có thể kể đến:
Trạm chỉ thu là trạm mặt đất chỉ thu tín hiệu phát xuống từ vệ tinh, thông tin một chiều. Một ví dụ phổ thông cho loại hình này là các trạm thu truyền hình vệ tinh DTH (Direct To Home) có ăng ten kích thước nhỏ (0,6 - 0,8m) kèm theo bộ thu truyền hình kiêm chức năng giải nén, giải mã. Tín hiệu sau giải mã được đưa thẳng đến lối vào ăng ten TV.
Trạm vệ tinh khẩu độ nhỏ VSAT (Very Small Aperture Terminal) thực hiện thông tin tương tác hai chiều đến vệ tinh. Đặc điểm của VSAT là có ăng ten dưới 2,4m. Do đường kính ăng ten nhỏ, công suất phát thấp nên để đạt được mức tín hiệu tốt ở đầu vào máy thu, trạm VSAT thường hoạt động ở tần số cao (băng Ku: 11-14GHz, Ka: 27-40GHz). VSAT thường được sử dụng trong mô hình mạng cần đưa cùng một thông tin đến nhiều người dùng đầu cuối hoặc các người dùng tản mát về loại hình dịch vụ với dung lượng thấp (truy nhập mạng, dịch vụ dữ liệu, thoại, mạng máy tính..). VSAT thường có giá trị thấp, khoảng dưới 5000USD. Có thể nói VSAT là hình thức trạm đầu cuối cấp độ thấp (lower end) phục vụ đa dạng các loại hình dịch vụ. Trạm mặt đất cấp độ cao (upper end) là trạm hoạt động với dung lượng đến mức trăm Mbs, năng lực phục vụ tương đương vài ngàn kênh thoại, giá trị lên đến chục triệu USD, ví dụ: trạm trung chuyển quốc tế.
1.5. Mạng thông tin vệ tinh
Trạm thông tin mặt đất thực hiện kết nối với nhau và với các hệ thống viễn thông khác như mạng truyền dẫn, mạng riêng chuyên dùng, mạng di động, PSTN, Internet.. thông qua vệ tinh dưới sự điều khiển kết nối, phân phối tài nguyên băng thông của một trạm quản lý trung tâm gọi là Hub. Các trạm thông tin mặt đất có cùng cách thức vận hành, áp dụng cùng một quy định hoạt động và do cùng một bộ phận quản lý (HUB) tạo nên mạng lưới thông tin vệ tinh. Minh họa mô hình mạng thông tin vệ tinh điển hình xem hình 1.11.